Từ tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì hiện diện của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 trong Vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Giáo sư Nayan Chanda, Đại học Ashoka của Ấn Độ đã đưa ra một số cảnh báo về tham vọng bá quyền của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Nayan Chanda, năm 1974, nhân việc quân đội của thể chế Việt Nam Cộng hòa đang thất thủ, Trung Quốc đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Khi đó, Mỹ làm ngơ không can thiệp trước lời cầu viện của đồng minh Nam Việt Nam cộng hòa. Từ năm 1974 trở đi, Trung Quốc hầu như không có hoạt động gì ở Biển Đông, cho đến năm 1988 khi tàu Trung Quốc đổ bộ lên đảo Gạc Ma, nổ súng giết chết 64 người lính Việt Nam đang canh giữ đảo này. Ngay sau đó, năm 1989, Trung Quốc bị quốc tế cô lập bởi vụ thảm sát Thiên An Môn. Do đó, Bắc Kinh vô cùng cẩn trọng không gây ra hành động gì để thu hút sự chú ý. Vì vậy, từ năm 1988 đến 1994, Trung Quốc khá là yên lặng ở Biển Đông. Năm 1991, Hiệp ước hòa bình về Campuchia được ký kết. Điều đầu tiên mà Trung Quốc làm là năm 1992 họ thông qua một đạo luật, tuyên bố toàn bộ Biển Đông, bao gồm vùng nước và các đảo thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình. Đó có thể coi là hành động ngông cuồng đầu tiên của Bắc Kinh sau cuộc chiến tranh ở Campuchia. Kể từ đó, toàn bộ các bản đồ của họ đều đánh dấu Biển Đông bao trọn trong “đường 9 đoạn”. Như vậy, đây không phải là hành động gây chiến mà là động thái tuyên bố chuẩn bị cho xung đột. Giữa năm 1994, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho xây dựng một hệ thống radar cảnh báo sớm ở bãi Chữ Thập và âm thầm cho xây dựng một số công trình trên dải đá ngầm Vành Khăn.
Như vậy, có thể thấy một chiến thuật nhất quán trong cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, đó là họ sẽ làm một việc gì đó, rồi giữ yên lặng một thời gian, quan sát xem phản ứng của thế giới như thế nào và rồi leo thang hành động khi nhận thấy một cơ hội nào đó xuất hiện.
Giáo sư Nayan Chanda cho rằng hiện Trung Quốc không “ẩn nhẫn” âm mưu độc chiếm Biển Đông như những giai đoạn trước. Theo đó, từ năm 2009, khi Bắc Kinh gửi lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ “đường 9 đoạn”, tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bao gồm gần 2 triệu km2 diện tích biển và 13km2 diện tích đất trên Biển Đông. Với yêu sách này, toàn bộ Biển Đông đã bị biến thành “ao nhà” của Trung Quốc. Kể từ đó, Bắc Kinh đã triển khai hàng loạt các hành động gây hấn, bắt nạt, bức ép nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường 9 đoạn” đầy tham vọng này. Cũng trong cùng năm 2009, PLA đụng độ với tàu do thám hải quân của Mỹ trên Biển Đông, đánh dấu Trung Quốc đã kết thúc giai đoạn “giấu mình chờ thời”. Đến giữa năm 2012, xung đột ở Biển Đông leo thang khi Philippines bắt giữ các tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham của nước này. Cáo buộc Manila quân sự hóa tranh chấp, Bắc Kinh đã điều tàu hải giám đến khu vực này, gây nên cuộc đối đầu căng thẳng chưa từng có trong suốt 10 tuần, cho đến khi Mỹ phải vào cuộc, yêu cầu hai bên kiềm chế. Sau nhiều tuần nhóm họp, thảo luận và đàm phán, với vai trò trung gian, các quan chức Mỹ giữa tháng 6/2012 đã giúp xây dựng một thỏa thuận mà theo đó hai bên sẽ cùng rút lui khỏi khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không tuân thủ hạn chót mà thỏa thuận đề ra, vẫn duy trì các tàu hải giám tại khu vực và dần dần giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Đến tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, dẫn đến sự phản đối quyết liệt từ phía Việt Nam. Tàu thuyền hai bên đã có một số va chạm. Và kể từ năm 2014 cho đến nay, Trung Quốc liên tục có những động thái tương tự, điều tàu thăm dò dầu khí đến khu vực có tranh chấp, được hộ tống bởi đội tàu hải giám hùng hậu. Giờ đây, với hơn 300 tàu hải giám, Trung Quốc đã mở rộng và duy trì được sự hiện diện của mình ở Biển Đông mạnh mẽ hơn bất kỳ nước nào khác. Nếu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy mô-típ trong hành động của Trung Quốc, đó là họ từng bước chậm rãi nhưng vô cùng chắc chắn, không ngừng mở rộng sự hiện diện chủ quyền của mình ở Biển Đông, từ tuyên bố cho đến hành động coi Biển Đông như vùng EEZ của mình, cho đến việc bồi đắp các đảo đá nhân tạo và xây dựng các kết cấu quân sự vững chắc trên đó. Ngoài ra, với hệ thống vệ tinh, radar và tên lửa trên các bãi đá nhân tạo này, Bắc Kinh đã đi một bước lớn trong việc quân sự hóa Biển Đông và cho thấy sự chuẩn bị sẵn sàng cho xung đột vũ trang ở Biển Đông. Theo Giáo sư Nayan Chanda, Trung Quốc kết thúc giai đoạn “giấu mình chờ thời” là do: Một mặt, Trung Quốc đã đạt được sức mạnh vượt trội và vươn lên cạnh tranh quyền lực với Mỹ. Mặt khác, đây cũng là hệ quả của mô-thức kinh điển trong lịch sử, khi một cường quốc mới nổi không ngừng tìm kiếm và mở rộng cái gọi là “không gian sinh tồn”, thách thức các trật tự quốc tế hiện hữu, bởi nhu cầu phát triển nội tại của chính nó.
Đáng chú ý, Giáo sư Nayan Chanda nhận định Biển Đông là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột nhất hiện nay trong khu vực do vị trí chiến lược của nó, nơi tập trung gần một nửa giao thông hàng hải của thế giới. Bởi vậy, bất kì nước nào giành được lợi thế áp đảo ở Biển Đông sẽ gây ảnh hưởng đến hành xử của các nước khác. Tương tự như vấn đề khu vực nhận dạng phòng không vậy. Trung Quốc đã tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, nơi nước này đang tranh chấp với Nhật Bản, đòi hỏi tất cả các nước khi bay qua vùng này phải báo cáo với Trung Quốc. Những yêu sách vô lý như vậy có thể gây nguy hiểm cho hàng không dân sự. Cho đến nay, Bắc Kinh chưa áp đặt vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông nhưng nếu họ làm điều đó, xung đột ở khu vực này có thể leo thang nhanh chóng bởi Trung Quốc đã quân sự hóa thành công trên các đảo mà nước này chiếm giữ. Với hệ thống đồn trú, tên lửa và radar, giờ đây Trung Quốc có đầy đủ năng lực để kiểm soát không chỉ vùng biển mà cả vùng trời trên Biển Đông. Điều đó cho họ vị thế “chiếu trên” để áp đặt luật lệ ở Biển Đông.
Để ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc, trước hết, phải nói về nhân tố đối trọng quan trọng nhất là Mỹ. Kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, thế giới chứng kiến những động thái quyết liệt của Washington nhằm kiềm chế Bắc Kinh, đặc biệt là các biện pháp trừng phạt về thương mại, tạo nên cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn và căng thẳng suốt 15 tháng qua. Washington cũng bắt đầu thực thi các hành động mạnh mẽ kiềm chế “sức mạnh mềm” của Bắc Kinh, mà biểu hiện qua các viện Khổng Tử. Giám đốc FBI từng điều trần trước Thượng viện Mỹ, cáo buộc các viện Khổng Tử “hoạt động như những kẻ do thám phi truyền thống”, “lợi dụng môi trường nghiên cứu cởi mở mà chúng ta có”. Đối với Biển Đông, cho đến nay, Mỹ vẫn bảo vệ quan điểm tự do giao thương hàng hải qua khu vực này. Biển Đông có vai trò quan trọng không chỉ với chiến lược Indo-Pacific của Mỹ mà còn ảnh hưởng tới sự hiện diện của Mỹ ở căn cứ quân sự Okinawa, Nhật Bản. Việc Trung Quốc gia tăng các động thái củng cố yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, vì vậy, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Mỹ ở khu vực. Đó là lý do mà trong các đụng độ gần đây ở Biển Đông, Mỹ phải phái tàu hải quân và máy bay qua khu vực, như một tín hiệu ngầm cảnh báo: Mỹ vẫn ở quanh đây. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo các nước trong khu vực cũng cần phải lưu ý một điều là: Nếu họ không thách thức chính sách bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông và nếu Mỹ từ bỏ khu vực này thì chúng ta sẽ không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc phải chấp nhận Trung Quốc.
Để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, theo Giáo sư Nayan Chanda Việt Nam phải giải quyết thách thức lớn là làm thế nào bảo vệ các tuyên bố chủ quyền mà không bị cuốn vào xung đột vũ trang. Việt Nam có thể đánh động cộng đồng quốc tế về sự hung hăng của Trung Quốc. Hà Nội có thể tận dụng vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để nêu vấn đề ra cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sắp tới. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN năm tới để thúc đẩy một quan điểm thống nhất hơn trong ASEAN đối với các hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, dù điều này không hề dễ dàng khi Trung Quốc đã “cài cắm” được một số đồng minh ở ASEAN.