Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐộng lực nào khiến cộng đồng quốc tế cùng phản đối TQ...

Động lực nào khiến cộng đồng quốc tế cùng phản đối TQ đưa tàu khảo sát hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam

Từ đầu tháng 7/2019 đến nay, Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của Việt Nam ngang nhiên điều nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động trên của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, cứng rắn của cộng đồng quốc tế.

Cộng đồng quốc tế cùng phản đối Trung Quốc

Mỹ là nước đầu tiên và cũng là nước đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn chỉ trích các hành vi phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ (22/8) đăng tải thông cáo cho biết chính quyền Mỹ quan ngại sâu sắc việc Trung Quốc tiến hành can thiệp vào các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Theo thông cáo trên, Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai một tàu khảo sát thuộc sở hữu của chính phủ cùng với các tàu hộ tống có vũ trang vào vùng biển thuộc EEZ và thềm lục địa của Việt Nam hồi đầu tháng 8; khẳng định các hành động này của Trung Quốc tiếp tục đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về các cam kết của Trung Quốc trong đó có Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông trong đó lấy giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp hàng hải. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi việc triển khai tàu khảo sát của Trung Quốc là sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các bên yêu sách khác rút khỏi việc khai thác, phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng chỉ ra rằng, trong những tuần gần đây Trung Quốc đã có “hàng loạt bước đi gây hấn nhằm can thiệp” vào các hoạt động kinh tế đã tồn tại lâu dài của các nước khác ở Biển Đông – những nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có tranh chấp với Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mục đích của Bắc Kinh là “dọa dẫm các nước để họ phải từ bỏ các mối quan hệ hợp tác với những công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với các công ty nhà nước của Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc đang gây áp lực đối với Việt Nam vì việc Việt Nam hợp tác với một công ty năng lượng của Nga cũng như các đối tác quốc tế khác; nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc làm phương hại đến hòa bình và an ninh khu vực cũng như gây ra những tổn thất về kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn khả năng tiếp cận của họ đối với nguồn hydrocarbon chưa được khai thác có trị giá lên tới 2,5 nghìn tỉ USD. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, các công ty năng lượng của Mỹ có lợi ích ở Biển Đông và Washington “cam kết tăng cường an ninh năng lượng cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và trong việc đảm bảo hoạt động sản xuất dầu khí không bị gián đoạn trên thị trường toàn cầu.

Không chỉ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Mỹ (27/8), đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về các hoạt động trên biển của nước này ở ngoài khơi Việt Nam trên Biển Đông. Theo đó, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc liên tục vi phạm trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; nhấn mạnh Trung Quốc đã nối lại “việc can thiệp mang tính cưỡng ép” vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam; cho rằng với chiến thuật kiểu “bắt nạt” như vậy, Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của các nước láng giềng, cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế; khẳng định hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại với cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà trong bài phát biểu tại Singapore hồi đầu năm nay, rằng Bắc Kinh sẽ đi theo “con đường phát triển hòa bình”. Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ, “các hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, trong đó mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, đều được đảm bảo chủ quyền, không bị cưỡng ép, có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp tới các luật lệ và quy tắc quốc tế đã được thừa nhận”; nhấn mạnh “hành động của Trung Quốc nhằm cưỡng ép các bên tranh chấp ở ASEAN, bố trí các hệ thống quân sự tấn công và thực thi tuyên bố hàng hải trái pháp luật sẽ làm gia tăng các hoài nghi thật sự về uy tín của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Ngoài các tuyên bố cứng rắn lên án Trung Quốc, Mỹ cũng đã có nhiều hoạt động trên thực địa nhằm ngăn chặn, răn đe Trung Quốc. Theo đó, Mỹ (28/8) đã điều tàu khu trục Wayne E. Meyer tuần tra tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ Thập và và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, Trung tá Reann Mommsen cho biết, tàu khu trục Wayne E. Meyer đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập và đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa để “thách thức các yêu sách hàng hải quá đáng và duy trì quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo quy định của luật pháp quốc tế”. Hải quân Mỹ (9/2019) cũng đã điều động tàu chiến tuần duyên USS Gabrielle Giffords (LCS 10) mang theo tên lửa chống hạm NSM có thể đánh trúng cửa sổ tàu chiến từ khoảng cách hơn 180 km đến châu Á – Thái Bình Dương. Tuần duyên USS Gabrielle Giffords được cho là mang theo vũ khí mạnh nhất từng được trang bị cho tàu chiến tuần duyên (LCS) đến hoạt động tại khu vực. Đáng chú ý, Hải quân Mỹ (13/9) đã điều tàu khu trục USS Wayne E. Meyer tuần tra tự do hàng hải gần một số đảo, đá ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Theo thông tin trên, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer đã di chuyển gần các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, một động thái thách thức chủ quyền vô lý mà Trung Quốc tự đặt ra. Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Reann Mommsen cho biết “tàu khu trục USS Wayne E. Meyer đã thách thức những hạn chế đối với di chuyển vô hại do Trung Quốc đặt ra và cũng phản đối yêu sách của Bắc Kinh đối với đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa; đồng thời khẳng định Trung Quốc đang tìm cách mở rộng khu vực nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhiều hơn những gì họ được cho phép theo luật quốc tế”.

Ngay sau khi Mỹ đưa ra các tuyên bố, hành động bày tỏ quan ngại về diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông và chỉ trích Trung Quốc đe dọa các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam, Anh, Đức và Pháp cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự, đồng thời kêu gọi giải quyết bất đồng một cách hòa bình. Tuyên bố chung của Anh, Đức và Pháp (29/8) bày tỏ lo ngại đặc biệt về tình hình căng thẳng gần đây tại Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi lo ngại về tình hình Biển Đông có thể dẫn đến bất ổn an ninh trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước trong khu vực đưa ra các bước đi và biện pháp giảm căng thẳng, đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực. Trong đó có việc đảm bảo quyền của các nước ven biển đối với khu vực hải phận của họ, đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Là các quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng phổ biến Công ước, vốn đặt ra trong khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó mọi hoạt động ở các vùng biển, bao gồm cả ở Biển Đông, phải được thực hiện và điều này tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải”. Ngoài ra, Pháp, Anh và Đức cũng hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trong việc đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), dựa trên các quy tắc, hợp tác hiệu quả, phù hợp với UNCLOS ở Biển Đông; khuyến khích các bước tiến để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc này.

Không những vậy, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar (29/8) đã lên tiếng về việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.Theo đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar nêu rõ: “Biển Đông là một phần chung của toàn cầu. Do vậy, Ấn Độ dành mối quan tâm sâu sắc đến hoà bình và ổn định của khu vực. Ấn Độ quyết tâm ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại hợp pháp trong các vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”. Ngoài ra, ông Raveesh Kumar cũng nhấn mạnh rằng, mâu thuẫn giữa các bên liên quan cần phải được giải quyết một cách hoà bình, dựa trên sự tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, tránh đe doạ và sử dụng vũ lực.

Các nước phản đối, lên án Trung Quốc ở Biển Đông nhằm bảo vệ lợi ích chung

Đầu tiên, các nước trên đều khẳng định có lợi ích quan trọng ở Biển Đông, nhất là việc đảm bảo vấn đề tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. Biển Đông là biển duy nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; tại vùng biển này có những tuyến đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới được thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông; lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Hàng năm, có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông, khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông. Ngoài ra, khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, trong đó có eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong và ngoài khu vực về địa – chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế.

Thứ hai, hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực Biển Đông có ảnh hưởng, quan hệ trực tiếp đối với nhiều nước lớn trên thế giới. Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát trên thực địa, đưa tàu thăm dò hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông sẽ làm xói mòn những nguyên tắc cơ bản về một vùng biển châu Á có trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, đe dọa vị thế đồng minh của một số nước trong khu vực, gây ảnh hưởng đến quan hệ, lợi ích của các nước lớn. Vì vậy, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là lợi ích và mối quan tâm của khu vực và thế giới.

Cuối cùng, các nước lớn muốn thông qua can dự vấn đề Biển Đông để ngăn chặn các hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Nhật Bản, Australia, Mỹ, Philippines và nhiều nước đã phản đối hành động quân sự hóa của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng đây là bước đi tiếp theo của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và “tạo sự đã rồi”.

Nhiều nước đã triển khai các hoạt động thiết thực để ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc độc chiếm Biển Đông

Trong những năm gần đây, Mỹ là nước có tiếng nói và hành động cụ thể nhất thể hiện sự quan ngại trước những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ đã triển khai tổng hợp nhiều biện pháp để đối phó với Bắc Kinh, cụ thể:

Thứ nhất, Mỹ thường xuyên đưa ra các tuyên bố chính thức (Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng…) phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Risch cho rằng, Mỹ phải hành động, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc có các động thái gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Trong khi đó, Thượng Nghị sỹ đảng Dân chủ Bob Menedez nhấn mạnh, cần phải kiểm soát các hành động của Trung Quốc gây phức tạp tình hình biển Đông cũng như việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ mục đích quân sự cần phải được kiểm soát. Cùng quan điểm trên, Hạ nghị sĩ Ted Yoho nhấn mạnh, ASEAN cần phản đối Trung Quốc xâm phạm EEZ của Việt Nam, Philippines, Brunei và các nước ven biển khác bởi nếu để điều này tiếp tục tiếp diễn thì sẽ “hối không kịp”. Theo Hạ nghị sỹ Ted Yoho, không chỉ các nước ASEAN mà cả Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Australia cũng phải hợp sức, cùng nhau duy trì trật tự dựa trên luật lệ, đó cũng là nhân tố làm cho ASEAN thành công và đó là điều tất cả các nước phải tiếp tục thực hiện. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Vụ các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell cho biết, kể từ đầu tháng 7, tàu Trung Quốc đã tiến hành khảo sát gần Bãi Tư Chính với các tàu hộ tống có trang bị vũ khí và dân quân biển nhằm đe dọa và ngăn Việt Nam và các nước ASEAN khác không được khai thác dầu khí tại Biển Đông. Với những hành động phi pháp, lặp đi lặp lại nhiều lần và việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp, Bắc Kinh đã và đang tiếp tục có những hành động ngăn các nước thành viên ASEAN không được tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo trị giá 2.500 tỷ USD.

Thứ hai, Mỹ đã triển khai nhiều kế hoạch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực; cử tàu sân bay, tàu chiến, máy bay trinh sát, máy bay ném bom B-52 áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa và một số đảo, đá ở Hoàng Sa.

Thứ ba, Mỹ tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực tiến hành tập trận, giao lưu hải quân nhằm nâng cao năng lực tác chiến, khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trên biển. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã phối hợp với các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia, Singapore… tiến hành tập trận hải quân chung trong khu vực Biển Đông.

Thứ tư, các cơ quan luật pháp của Mỹ đã đưa ra nhiều dự luật kêu gọi trừng phạt những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Giới chức Mỹ đã đưa ra Dự luật Trừng phạt nhằm vào các cá nhân, tổ chức Trung Quốc do tham gia các hoạt động phi pháp ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trước đó, ông Rubio (12/2016) cũng từng đề xuất Dự luật “Hành động trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông 2016”, đề nghị trừng phạt các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc khi cho rằng hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là phạm pháp, đe dọa an ninh khu vực và hoạt động thương mại của Mỹ.

Cuối cùng, Mỹ cũng tích cực triển khai chính sách viện trợ kinh tế, vũ khí (tàu chiến, máy bay, súng…) cho một số nước trong khu vực, như Philippines, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Malaysia…, nhằm hỗ trợ những nước này nâng cao năng lực tuần tra, giám sát và bảo vệ hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trong khi đó, các nước đồng minh của Mỹ (Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia…) đều đưa ra những tuyên bố, hành động thể hiện sự đồng thuận và ủng hộ chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông, nhất là hoạt động tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Những nước trên đã đơn phương hoặc phối hợp với Mỹ triển khai nhiều chính sách can dự vấn đề Biển Đông. Đầu tiên, Nhật Bản triển khai chính sách hỗ trợ các nước Đông Nam Á tăng cường năng lực hải quân và bảo vệ bờ biển, các hoạt động hỗ trợ bao gồm chuyển giao các tàu tuần tra phi quân sự và đào tạo nhân viên thực thi pháp luật trên biển (Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết nước này sẽ viện trợ 500 triệu USD cho các quốc gia ven biển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong vòng 3 năm để giúp các nước tăng cường an ninh hàng hải); tích cực ủng hộ hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, cử nhiều tàu chiến, máy bay chiến đấu tham gia các hoạt động song phương, đa phương do Mỹ phát động. Nhật Bản cũng thúc đẩy các cuộc diễn tập song phương và đa phương với quân đội các nước Đông Nam Á ven biển (Australia, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines và Việt Nam), phối hợp với Hạm đội 7 của Mỹ tiến hành diễn tập quân sự ở Biển Đông. Tiếp theo là một số nước như Australia, Anh, Pháp… cũng đang tích cực thể hiện thái độ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, phản đối các hoạt động quân sự hóa, phi pháp của Trung Quốc, tiến hành các hoạt động tuần tra, giám sát và tập trận ở Biển Đông.

Nhìn chung, do có những yếu tố đặc thù khác nhau về chính trị, kinh tế, quân sự, vị trí địa lý, nên mức độ, tần suất và khả năng can dự vấn đề Biển Đông của mỗi nước là khác nhau. Tuy nhiên, rõ ràng là hành động can dự của các nước này đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và ngăn chặn âm mưu kiểm soát, thôn tính Biển Đông của Trung Quốc. Hy vọng Mỹ và các nước sẽ tiếp tục triển khai thêm các hoạt động thiết thực nhằm ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới