Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini (17/10) kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982; khẳng định EU ủng hộ việc đàm phán COC một cách minh bạch, đáp ứng lợi ích của các nước trong khu vực và các nước đối tác.
Trong chuyến thăm châu Âu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, EU và Việt Nam đã ký một hiệp định nhằm thiết lập một khuôn khổ cho sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA). Hiệp định khung với Việt Nam chính là hiệp định thứ 19 của EU và là hiệp định thứ 4 mà EU đã có với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sau New Zealand, Australia và Hàn Quốc. Phía EU cho biết FPA khẳng định cam kết chung của EU và Việt Nam nhằm đóng góp vào hòa bình và an ninh tại các khu vực lân cận của mình và trên thế giới, cũng như để bảo vệ cho trật tự đa phương dựa trên luật lệ. Thông cáo của EU cho biết hiệp định khung này tạo ra một nền tảng pháp lý nhằm quản lý và tạo thuận lợi cho sự tham gia của Việt Nam trong 16 hoạt động hiện tại (10 sứ mệnh dân sự và 6 chiến dịch quân sự) cũng như trong bất cứ sứ mệnh hay chiến dịch dân sự và quân sự nào trong tương lai của EU.
Trong khi đó, theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, nguyên tắc quan trọng nhất của hiệp định này là bên tham gia (Việt Nam) có toàn quyền lựa chọn lĩnh vực, mức độ tham gia phù hợp với chính sách đối ngoại, nhu cầu và khả năng của mình. Trên cơ sở nguyên tắc đó, các nội dung được Bộ Quốc phòng Việt Nam lựa chọn để hợp tác với EU là: thiết lập đối thoại chính sách quốc phòng với Cơ quan Hành động đối ngoại EU, đào tạo, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Hai bên cho rằng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh cũng nhằm tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ cấu trúc an ninh khu vực do ASEAN đóng vai trò trung tâm. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Bộ Quốc phòng Việt Nam ủng hộ mong muốn của EU về việc tham gia vào các cấu trúc quốc phòng an ninh khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Bà Federica Mogherini cho biết EU tin tưởng Việt Nam tiếp tục có những đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2020. Hai bên cũng tăng cường hợp tác trong việc đối phó với các thách thức an ninh chung, trong đó có an ninh phi truyền thống như tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu thuyền, chống tội phạm có tổ chức và buôn lậu, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đáng chú ý, trong vấn đề Biển Đông, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini khẳng định EU và các quốc gia thành viên quan ngại về tình hình phức tạp ở Biển Đông gần đây; cho biết EU kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; nhấn mạnh EU ủng hộ việc đàm phán COC một cách minh bạch, đáp ứng lợi ích của các nước trong khu vực và các nước đối tác.
Thời gian gần đây, cùng với việc Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, gây ảnh hưởng đến lợi ích của các nước EU. Do đó, giới chức EU đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình căng thẳng ở Biển Đông; lên án, chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc; đồng thời kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52, bà Federica Mogherini khẳng định bất cứ chuyện gì xảy ra ở Biển Đông đều là vấn đề quan trọng với EU.Theo bà Federica Mogherini, “những đối tác của chúng tôi tại châu Á ngày càng trông đợi EU hiện diện và can dự vào các vấn đề an ninh tại khu vực. Những gì xảy ra ở bán đảo Triều Tiên hay Biển Đông đều quan trọng với tất cả chúng tôi”; đồng thời khẳng định EU sẽ tăng cường can dự vào các vấn đề an ninh tại châu Á. Tuy không trực tiếp đề cập đến hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, bà Federica Mogherini nói các vấn đề ninh khu vực là lý do khiến bà thúc đẩy hợp tác giữa EU với châu Á “hơn bao giờ hết” trong 5 năm qua. Sự hợp tác đó có thể thông qua các cơ chế đa phương như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hay song phương với từng nước. Ngoài ra, bà Federica Mogherini còn cho biết: “Tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thỏa thuận tương tự với các bạn bè ASEAN, vì nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là phục vụ lợi ích của châu Âu mà trước tiên và trên hết là phục vụ cho hòa bình và an ninh toàn cầu”; nhấn mạnh “con đường của ASEAN cũng rất giống với con đường của EU và tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng không phải ngoại lệ” và cho rằng ASEAN muốn xây dựng “một khu vực đối thoại và hợp tác thay vì thù địch”.
Người phát ngôn của Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh EU (28/8) cho biết, các hành động đơn phương ở Biển Đông đã gây gia tăng căng thẳng, suy yếu an ninh và đe dọa sự phát triển của khu vực. Theo bà Maja Kocijancic: “Các hành động đơn phương trong những tuần qua ở Biển Đông đã dẫn đến gia tăng căng thẳng và làm suy yếu môi trường an ninh hàng hải, điều này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực. Điều quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là phải tự kiềm chế, thực hiện các bước đi cụ thể để đưa mọi thứ trở về nguyên trạng, kiềm chế việc quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Các bên cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc phân xử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các khiếu nại tương ứng của họ nếu thấy điều này là hữu ích. Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục hỗ trợ đầy đủ các quá trình do ASEAN dẫn đầu trong khu vực, nhằm thúc đẩy hơn nữa trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các quy tắc, nhằm củng cố hợp tác đa phương cũng như hợp tác chặt chẽ hơn nữa với bên thứ ba”. Ngoài ra, bà Maja Kocijancic còn cho biết, EU hy vọng ASEAN và Trung Quốc có thể nhanh chóng đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý thông qua các cuộc đàm phán một cách minh bạch; nhấn mạnh “EU khẳng định cam kết với trật tự pháp lý ở các vùng biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải cũng như tự do hàng hải và hàng không vì lợi ích của tất cả các quốc gia”.