Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNgoại trưởng Malaysia: Cần sẵn sàng cho khả năng xảy ra xung...

Ngoại trưởng Malaysia: Cần sẵn sàng cho khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah (17/10) cho biết, năng lực của hải quân và lực lượng chấp pháp trên biển của nước này còn nhiều hạn chế do đó Malaysia cần tăng cường năng lực hải quân để chuẩn bị cho cuộc xung đột có thể xảy ra ở Biển Đông.

Tàu chiến lớp Lekiu của Malaysia

Phát biểu trước Quốc hội, Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah cho biết, Malaysia có thể gửi công hàm phản đối nếu một cường quốc xâm phạm lãnh thổ nước này, nhưng khi không có đủ năng lực hải quân và vũ khí thì Malaysia sẽ gặp bất lợi nếu xảy ra xung đột; đồng thời nhấn mạnh các loại vũ khí của hải quân Malaysia nên cố gắng được nâng cấp để sánh ngang với lực lượng Hải cảnh Trung Quốc. Theo ông Saifuddin, lực lượng hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần như 24/24h quanh bãi cạn Nam Luconia, thuộc bang Sarawak của Malaysia. Do đó, dù không muốn xung đột xảy ra, nhưng vũ khí của Malaysia cần được nâng cấp để có thể bảo vệ tốt hơn vùng biển của mình, trong trường hợp các nước lớn xung đột ở Biển Đông. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Saifuddin cũng khẳng định Malaysia sẽ duy trì quan điểm không quân sự hóa Biển Đông, đồng thời kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có cách tiếp cận thống nhất trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.

Malaysia từng nhiều lần chỉ trích tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông, nhưng gần đây đã giảm bớt sau khi Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng của Malaysia. Hai nước hồi tháng 9 đồng ý thiết lập cơ chế đối thoại chung về Biển Đông khi Bắc Kinh tìm cách giải quyết tranh chấp trên biển bằng con đường song phương. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng từng thừa nhận nước này không đủ sức đối đầu với Bắc Kinh, ngay cả khi Trung Quốc triển khai trái phép tàu khảo sát dầu khí trong vùng biển Malaysia.

Là một quần đảo giáp với Biển Đông, eo biển Malacca, Ấn Độ Dương, biển Andaman, biển Sulu và biển Sulawesi, có thể nói lợi ích địa chính trị chiến lược của Malaysia đều nằm trên biển. Do vậy, Malaysia đã tập trung đầu tư cho Lực lượng Hải quân của mình. Lực lượng hải quân Malaysia được đánh giá là lực lượng hải quân có tiềm lực mạnh tại khu vực. Hải quân Hoàng gia Malaysia được chia thành 5 hải đoàn: 1 hải đoàn tàu ngầm; 2 hải đoàn tàu hộ tống số 22, 24; 2 hải đoàn tàu khu trục số 21 và 23; tổng quân số của lực lượng hải quân khoảng 8.000 người. Số chiến hạm phục vụ trong lực lượng lên tới 160 chiếc, tất cả đều hiện đại hoặc tương đối hiện đại. Trong số trên, có 32 tàu chiến đấu, gồm: 2 tàu ngầm, 2 tàu hộ vệ tên lửa, 10 tàu hộ tống tên lửa, 14 tàu tuần tiễu (8 chiếc trong số này là tàu tên lửa), 4 tàu quét mìn, 9 tàu phục vụ, 119 phương tiện độ bộ… và đặc biệt là, máy bay chiến đấu trong lực lượng không quân hải quân là 18 chiếc, cụ thể:

Trong trang bị của Hải quân Hoàng gia Malaysia có 2 chiếc tàu ngầm Scorpene mới mua của Pháp năm 2009 theo một hợp đồng đã được ký năm 2002. Theo hợp đồng này, Malaysia mua tổng cộng 6 tàu, chiếc cuối cùng sẽ được bàn giao năm 2020. Tàu ngầm Scorpene có động cơ chạy bằng diesel, có lượng choán nước 1.740 tấn, dài 67,7m, độ lặn sâu tối đa là 350m, vận tốc 20,5 hải lý, có thể hoạt động độc lập trong 45 ngày với ekip 31 người. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ nòng 533mm, và 30 tên lửa chống tàu.

Năm 2000, Malaysia đã ký hợp đồng với Đức để đóng mới 6 chiếc tàu tuần tra thế hệ mới lớp Kedah được sản xuất dựa trên mẫu MEKO A-100. Tàu tuần tra lớp Kedah có chiều dài 91,1m, rộng 12m, lượng choán nước 1650 tấn, vận tốc di chuyển tối đa là 22 hải lý/giờ. Kedah được trang bị pháo Otobreda 76mm, tên lửa phòng không RIM-116, tên lửa chống hạm Exocet. Ngoài ra, Hải quân Malaysia hiện có 2 tàu hộ tống lớp Kasturi do Đức sản xuất. Tàu hộ tống lớp Kasturi có chiều dài 97,3m, rộng 11,3m, lượng giãn nước 1.900 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ. Vũ khí trang bị trên tàu hộ tống lớp Kasturi gồm có: 1 pháo hạm cỡ nòng 100mm, 1 pháo hạm Bofors cỡ nòng 57mm, 2 pháo MSI-Defence cỡ nòng 30mm, 2×4 tên lửa chống hạm Exocet Block 2, 2×3 ống phóng ngư lôi B515. Tàu có sàn đáp (không có nhà chứa) cho trực thăng Super Lynx.

Malaysia hiện cũng đang sở hữu 2 tàu khu trục lớp Leiku mua của Anh. Đây là lớp tàu được coi là nhanh và hiện đại nhất trong lực lượng hải quân Malaysia. Tàu dài 97,5m, rộng 12,8m, cao 3,6m, lượng choán nước 2.270 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, phạm vi hoạt động 5.000 dặm. Tàu được trang bị tên lửa chống hạm Axocet, tên lửa phòng không Seawolf, pháo Bofors 57mm, pháo phòng không MSI 30mm, 3 ống phóng ngư lôi Whitehead B515 324mm và các trang thiết bị tác chiến điện tử hiện đại khác. Malaysia có kế hoạch mua thêm 2 chiếc tàu loại này nhưng thông tin mới nhất từ phía BAE System (Anh) cho biết, kế hoạch này có thể bị hủy bỏ do thiếu kinh phí. Không những vậy, Malaysia đã ký hợp đồng đóng 6 tàu khinh hạm lớp Gowind của Pháp và trong tương lai đây sẽ là các tàu chiến mạnh nhất của Hải quân Malaysia. Tàu khinh hạm lớp Gowind có chiều dài 111m, rộng 16m, lượng giãn nước 3.000 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ. Vũ khí trang bị trên khinh hạm lớp Gowind bao gồm: 1 pháo hạm Bofors cỡ nòng 57mm, 2 pháo MSI-Defence cỡ nòng 30mm, 2×4 tên lửa chống hạm Exocet Block 3, 16 tên lửa phòng không MICA, 2×3 ống phóng ngư lôi. Ngoài ra, tàu còn có sàn đáp và nhà chứa cho 1 trực thăng. Dự kiến Hải quân Malaysia tiếp nhận khinh hạm lớp Gowind đầu tiên vào năm 2018.

Về thế hệ tàu cũ, Malaysia còn đang sở hữu 4 tàu hộ tống lớp Laksamana mua của Italia. Đây là lớp tàu có chiều dài 62,3m, rộng 9,3m, lượng choán nước 675 tấn, tốc độ tối đa 36 hải lý/giờ, tầm hoạt động tối đa là 2.300 hải lý. Tàu được trang bị 1 pháo Oto DP 76mm và 1 pháo Oto Melara, 4 hệ thống phóng tên lửa phòng không Albatros (12 tên lửa), 6 tên lửa chống hạm Otomat II, 6 ống phóng ngư lôi 324mm. Ngoài ra, trong biên chế của Hải quân Hoàng gia Malaysia còn có 4 tàu phá mình, 2 tàu đổ bộ và 17 máy bay trực thăng. Malaysia còn sở hữu tàu đổ bộ KD Sri Inderapura có lượng giãn nước đầy tải lên đến 8.792 tấn và chở được 360 lính đổ bộ. Nhưng trong suốt thời gian phục vụ Hải quân Malaysia, tàu KD Sri Inderapura đã bị cháy 2 lần vào ngày 16/12/2002 và vào ngày 8/10/2009. Hai vụ cháy đã phá huỷ gần như toàn bộ con tàu. Hải quân Malaysia buộc phải loại khỏi biên chế tàu Inderapura vào ngày 21/1/2010. Hiện nay, Hải quân Malaysia không có tàu đổ bộ cỡ lớn nào.

Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc hiện tại được đánh giá là một trong những lực lượng hải quân lớn hàng đầu thế giới và là lực lượng có tốc độ phát triển nhanh nhất. Lực lượng này có khoảng 500 tàu chiến các loại, hơn 350.000 nhân lực và khoảng 710 máy bay. Hải quân Trung Quốc được chia làm ba hạm đội bao gồm Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải. Trung Quốc hiện cũng sở hữu lực lượng cảnh sát biển hùng hậu nhất trên Biển Đông. Cảnh sát biển Trung Quốc được trang bị khoảng 164 tàu tuần tra, 10 máy bay các loại trong đó có ít nhất 1 trực thăng vận tải đa năng Mi-8, 2 máy bay cánh cố định Y-12 cùng một số trực thăng khác do Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra, CCG còn được trang bị các máy bay MA-60, (còn gọi là Tân Chu 60) là loại máy bay cánh bằng 2 động cơ cánh quạt được cải tiến trên cơ sở máy bay vận tải Y-7 của Tập đoàn công nghiệp hàng không Tây An; các tàu của CCG gồm các loại: tàu chấp pháp mang tên “Trung Quốc Hải cảnh” (bao gồm cả các tàu Trung Quốc Ngư chính và Trung Quốc Hải giám trước đây); tàu kéo mang tên “Hải cảnh thác” và tàu bệnh viện mang tên “Hải Y”. Theo tài liệu Trung Quốc, hiện CCG chỉ còn duy nhất tàu “Trung Quốc Hải cảnh 44020” có trọng tải 300 tấn, vài tàu 1.000 tấn, còn lại phần lớn đều từ 2.000 đến 5.000 tấn; trong đó có 2 tàu “Trung Quốc Hải cảnh 3901” và “Trung Quốc Hải cảnh 2901” có lượng giãn nước tới 12.000 tấn. Những năm gần đây Trung Quốc đã tiến hành cải tạo nhiều tàu chiến lớn của Hải quân thành tàu Hải Cảnh (như Tàu 31239 vốn là tàu hộ vệ lớp 053H2G mang tên An Khánh, 339; tàu 31240 vốn là tàu hộ về tên lửa Hoài Nam, 540; tàu 31241 nguyên là tàu hộ vệ tên lửa Hoài Bắc, 541; các tàu 46111 vốn là tàu tuần tra Type 718B; tàu 46341 nguyên là tàu tuần tra Type 818….hay tàu Hải cảnh thác – 25 nguyên là tàu đổ bộ Type 072 của Hải quân có lượng giãn nước 4.170 tấn)… Đáng chú ý, trên các tàu Hải cảnh Trung Quốc được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có khả năng sát thương cao như: Pháo phòng không tầm gần 6 nòng 30mm H/PJ-13, có tính năng tác chiến vượt trội hơn nhiều do được kế thừa trình độ kỹ thuật từ pháo hạm AK-630M 6 nòng của Nga. Pháo AK-630M có thể bắn liên tục 400 phát đạn và có thể tiếp tục bắn 400 phát tiếp theo chỉ sau khi được nghỉ 30 giây; pháo bắn nhanh 76,2mm kiểu H/PJ-26; pháo phòng không phòng thủ tầm gần tốc độ cao H/PJ-26 76,2mm; pháo phòng không tầm gần H/PJ-17 30mm, là loại pháo nòng đơn có hiệu suất chiến đấu cao nhất hiện nay của Trung Quốc; tốc độ bắn cao nhất là 350 phát/phút, cơ số đạn 280 viên.

RELATED ARTICLES

Tin mới