Sunday, December 22, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số đánh giá về sự thay đổi chính sách và mức...

Một số đánh giá về sự thay đổi chính sách và mức độ phản ứng của Malaysia liên quan vấn đề Biển Đông trong năm 2019

Malaysia là một trong những nước liên quan trực tiếp đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Năm 2019, Chính quyền của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã có sự điều chỉnh rõ nét khi phản ứng đối với vấn đề này theo hướng ngày càng kiên quyết, cứng rắn đối với những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, mặt khác cũng tranh thủ các nước để gia tăng vai trò, tiếng nói của Malaysia.

Cứng rắn và kiên quyết hơn đối với TQ trong vấn đề Biển Đông

Ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 5/2018, Thủ tướng Malaysia Mahathir đã cho thấy sự ưu tiên trong chính sách của nước này đối với vấn đề Biển Đông, thể hiện qua những động thái cụ thể sau:

Thứ nhất, trong hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Manila hôm 7/3, Thủ tướng Malaysia Mahathir kêu gọi các bên tìm ra giải pháp hòa bình và dựa trên luật pháp cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Đáng chú ý, Thủ tướng Malaysia Mahathir yêu cầu Trung Quốc làm rõ “cái gọi là quyền sở hữu” trên Biển Đông. “Tôi nghĩ dù tuyên bố của Trung Quốc là gì, điều quan trọng là Biển Đông phải là khu vực mở cho việc đi lại. Không nên có sự hạn chế, trừng phạt, và nếu điều đó xảy ra, tôi nghĩ tuyên bố của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chúng ta”, Thủ tướng Mahathir nhấn mạnh.

Thứ hai, phát biểu tại diễn đàn “Đầu tư Malaysia 2019” hôm 19/3, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad kêu gọi duy trì quan điểm Biển Đông mở cửa cho tất cả các tàu, thậm chí cả tàu chiến. Tuy nhiên, ông Mahathir Mohamad cũng nhấn mạnh rằng tự do như vậy không nên bị lạm dụng và không có tàu chiến nào có quyền lưu lại vĩnh viễn ở vùng biển tranh chấp vì điều này sẽ gây kích động cho các quốc gia xung quanh. Theo ông Mahathir Mohamad, các hành động kích động không phải là những gì mà chúng ta muốn thấy ở Biển Đông.

Thứ ba, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hôm 20/6 cho rằng Malaysia cần tiếp tục kiểm soát các cấu trúc mà nước này có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông nhưng sẽ không chiếm thêm các cấu trúc nào khác. Cụ thể, ông nói: “Trung Quốc đã yêu sách Biển Đông là của họ, song những đảo đó (khoảng 4 đến 5 đảo) từ lâu đã được coi là thuộc chủ quyền của Malaysia, do đó, Malaysia cần phải giữ lại chúng”. Ngoài ra, ông Mahathir cũng cho biết thêm: “có một số đá mà Malaysia đã cải tạo thành đảo, Malaysia hy vọng có thể duy trì hiện diện trên các đảo đó nhằm góp phần bảo vệ an toàn trước những nguy cơ trên biển, trong đó có cướp biển”.

Thứ tư, Bộ Quốc phòng Malaysia hồi tháng 7/2019 cho rằng các yêu sách chủ quyền của Malaysia ở Biển Đông không thể bác bỏ, ngoại trừ ở những khu vực các nước láng giềng có tuyên bố chồng lấn; khẳng định các yêu sách của Malaysia được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) liên quan đến khu đặc quyền kinh tế (EEZ), nhấn mạnh yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc là phi pháp vì không có quy định nào về quyền lịch sử. Theo ông Thanabalasingam, sự nghiêm túc của Malaysia trong vấn đề Trường Sa được ông Mahathir Mohamad đưa ra trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của mình. Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia cũng tuyên bố trong bối cảnh sự bành trướng hung hăng của Trung Quốc, Chính phủ mới của Malaysia sẽ đưa ra lập trường cứng rắn hơn trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ đã kéo dài hàng thập kỷ ở Biển Đông. Thủ tướng Mahathir từng yêu cầu các tàu chiến Trung Quốc nên được rút khỏi Biển Đông.

Thứ năm, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah hôm 17/10 cho biết sự thiếu hụt trang bị của hải quân và lực lượng chấp pháp trên biển khiến nước này thất thế khi xung đột xảy ra ở Biển Đông. Ông Saifuddin cho biết trang thiết bị của hải quân Malaysia thậm chí không thể so sánh với hải cảnh Trung Quốc, lực lượng xuất hiện thường trực mọi lúc xung quanh bãi cạn Nam Luconia, ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin tuyên bố Malaysia sẽ tiếp tục lập trường không quân sự hóa Biển Đông, đồng thời đoàn kết với các nước ASEAN trong cách tiếp cận vấn đề Biển Đông với Trung Quốc và Mỹ. “Biển Đông không nên trở thành một vấn đề xung đột giữa các nước. Chúng tôi nhất quán với quan điểm đó tại các diễn đàn quốc tế, chẳng hạn như ASEAN, nhấn mạnh về vấn đề tự kiềm chế và không quân sự hóa ở Biển Đông”, ông Saifuddin khẳng định.

Thứ sáu, Malaysia tăng cường các cuộc tập trận ở Biển Đông. Cuộc tập trận của Không quân Malaysia kéo dài 19 ngày (23/7-10/8), với sự tham gia của 232 nhân viên và các phi công lái máy bay chiến đấu do Nga và Mỹ chế tạo. Bản tuyên bố của Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) cho biết họ “đang thực hiện các cuộc tập trận tên lửa bắn đạn thật với các tên lửa không đối không và không đối đất tại trường bắn không phận Kota Belud”, một quận thuộc bang Sabah của Malaysia, vị trí giáp Biển Đông. Trong các cuộc tập trận khác ở Biển Đông từ ngày 1/7-18/7, Hải quân Malaysia đã bắn các tên lửa dẫn đường từ một con tàu và một máy bay trực thăng. Cuộc tập trận hải quân diễn ra ngoài khơi Kuantan, thuộc bang Pahang của Malaysia.

Tăng cường thể hiện vai trò và tiếng nói chung với ASEAN

Trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Mahathir Mohamad hôm 24/4, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah khẳng định nước này sẽ không thảo luận về tranh chấp ở Biển Đông theo hình thức song phương với Trung Quốc. Ông Saifuddin tiết lộ chính phủ Trung Quốc đang muốn bàn về các vấn đề an toàn và an ninh ở Biển Đông trong các cuộc gặp chính thức; đồng thời khẳng định rằng Thủ tướng Mahathir đã nói rõ quan điểm về vai trò trung tâm của ASEAN. “Trung Quốc đang đề nghị gần như mọi nước thành viên trong ASEAN, ngoại trừ một số ít trường hợp như Myanmar, đàm phán về vấn đề này theo hướng song phương. Tuy nhiên, Malaysia luôn kiên định. Chúng tôi luôn nói với Bắc Kinh rằng sẽ thảo luận về Biển Đông trên nền tảng nhóm”, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin nói. Giới chuyên gia cho rằng Malaysia không muốn theo đuổi cơ chế giải quyết tương tự Philippines vì cho rằng đàm phán song phương của Trung Quốc không khác gì chiến thuật “chia để trị” nhằm đối phó với những nước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực. Bộ Ngoại giao Malaysia tuyên bố Malaysia hy vọng COC phải thật sắc bén để giải quyết các tranh chấp ở khu vực này.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 tại Thái Lan hôm 31/7, Malaysia đã cùng các nước ra Tuyên bố chung, trong đó bày tỏ quan ngại về Biển Đông, kêu gọi các bên tránh làm tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng việc cải tạo đất hay các sự cố nghiêm trọng. “Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó các bộ trưởng bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 tại Thái Lan ngày 31/7 đăng tuyên bố chung trên trang web của sự kiện. Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt được COC. ASEAN kêu gọi các bên tăng cường niềm tin lẫn nhau, tự kiềm chế, tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi giải quyết tranh chấp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, tránh làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

Phát biểu bên lề Hội nghị AMM 52 hôm 3/8, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết: các nước thành viên ASEAN đã bày tỏ lo ngại về căng thẳng gia tăng do sự hiện diện của quá nhiều tàu chiến ở Biển Đông.”Chúng ta nên giảm bớt sự hiện diện của tàu chiến ở những vùng nước tranh chấp để đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông” – Hãng thông tấn Bernama của Malaysia dẫn lời ông Saifuddin. Ngoại trưởng Malaysia giải thích “Biển Đông là một tuyến đường tự do, nhưng khi có quá nhiều tàu chiến, chúng tôi thật sự lo ngại”.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông có diễn biến phức tạp, khi Trung Quốc triển khai nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Chính phủ Malaysia hôm 18/9 công bố chính sách đối ngoại mới, kêu gọi phi quân sự hóa khu vực Biển Đông, đồng thời duy trì lập trường trung lập không liên kết của nước này giữa các cường quốc. Tài liệu xác định: “Biển Đông phải là vùng biển của hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải nơi đối đầu hay xung đột”. Khi đề cập đến mối quan hệ với các cường quốc, tài liệu không nêu cụ thể tên Hoa Kỳ hay Trung Quốc nhưng nêu rõ “trong mối quan hệ với các cường quốc, Malaysia sẽ thực hiện hướng tiếp cận và chính sách không liên kết”. Cũng theo tài liệu mới, chính phủ Malaysia vẫn giữ lập trường không đứng về phía nào đối với các nước lớn và sẽ duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế.

Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với bên ngoài

Năm 2019, Malaysia tăng cường các hoạt động tập trận song phương và đa phương với các nước trong và ngoài khu vực. Các cuộc tập trận chung song phương, như với Hải quân Nhật Bản tại vùng biển phía Đông Malaysia hôm 18-21/9; với Hải quân Ấn Độ hôm 14/9 ở ngoài khơi cảng Kota Kinabalu của Malaysia. Các cuộc tập trận đa phương như cuộc tập chung Tập trận Hàng hải ASEAN – Mỹ (AUMX) từ ngày 2-6/9, theo thỏa thuận giữa Bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Mỹ năm 2018. Tham gia gồm 8 chiến hạm cùng 4 máy bay và hơn 1.000 quân nhân của quân đội Mỹ và 10 nước thành viên ASEAN.Đợt diễn tập kéo dài 5 ngày bắt đầu từ căn cứ hải quân Sattahip ở Thái Lan và kết thúc ở Singapore. “AUMX xây dựng an ninh hàng hải hùng mạnh hơn cho ASEAN, sức mạnh liên hải quân giữa Mỹ và ASEAN và sức mạnh niềm tin chung của chúng ta về một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở cửa”, Thiếu tướng hải quân Joey Tynch, người phụ trách quan hệ hợp tác an ninh của hải quân Mỹ ở Đông Nam Á cho hay. Thủ tướng Malaysia Mahathir tuyên bố Malaysia không tìm cách tham gia các cuộc tập trận quân sự trong khu vực vì cho rằng đây là sự khiêu khích đối với các quốc gia khác. “Chúng tôi không hoàn toàn sẵn sàng tham gia các cuộc tập trận quân sự, thông thường đó là các cuộc tập trận khiêu khích. Vâng, chúng tôi đã tham gia các cuộc tập trận ASEAN, cuộc tập trận với Mỹ, nhưng tôi công khai nói rằng tôi không thích các cuộc tập trận ở vùng biển của chúng tôi, vì đây là hành động khiêu khích các nước khác. Cần giảm hoạt động quân sự nếu bạn muốn hòa bình”, ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới