Thursday, April 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số nét nổi bật trong chính sách của Nhật Bản đối...

Một số nét nổi bật trong chính sách của Nhật Bản đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông trong năm 2019

Trong năm 2019, Nhật Bản tiếp tục thể hiện quan điểm tích cực, nhất quán về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh việc triển khai hoạt động đơn phương nhằm theo đuổi yêu sách chủ quyền phi pháp.

Nhìn chung, quan điểm và mục tiêu xuyên suốt của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông là duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải quốc tế, trên nguyên tắc mọi bất đồng tranh chấp chủ quyền và tranh chấp biển phải được giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Vì vậy, Nhật Bản đã thể hiện một loạt các động thái như:

Thứ nhất, thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Giới lãnh đạo Nhật Bản kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy ASEAN hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Trong những chuyến thăm đến các nước ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều đưa vấn đề tự do hàng hải, hàng không cũng như tình hình an ninh Biển Đông ra thảo luận. Chủ đề về Biển Đông luôn giữ vị trí cao trong quan hệ của Nhật Bản với một số nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với Trung Quốc như Việt Nam, Philippines, Malaysia. Trong hội nghị G7, G20, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), hội nghị giữa Nhật Bản và các nước châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản đều nêu vấn đề bảo vệ luật quốc tế, bảo vệ tự do hàng hải, hàng không để đưa tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông vào chương trình nghị sự của hội nghị. Đồng thời, Nhật Bản cũng lên tiếng yêu cầu các nước liên quan xác định rõ quyền lợi biển của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc nhanh chóng xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), lên án hoạt động bồi lấp và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc tại một số đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thứ hai, Nhật Bản đã tăng cường hỗ trợ các nước ASEAN bảo vệ quyền lợi, nâng cao năng lực phòng thủ trên biển như: i) Hỗ trợ trang bị cho các nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Brunei nhằm tăng cường khả năng cảnh báo trên biển và củng cố lực lượng tiền duyên của các nước này để đối phó với Trung Quốc. Tháng 8/2019, Nhật Bản đã chuyển giao 2 tàu mang ký hiệu KN-595 và KN-596 trong gói viện trợ gồm 6 tàu kiểm ngư mà chính phủ Nhật Bản đã thông báo vào năm 2014 và được Ngoại trưởng Nhật Bản lúc đó ông Fumio Kishida, phê chuẩn vào tháng 8/2014. ii) Thông qua các hình thức huấn luyện, diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN để nâng cao khả năng quân sự của các nước này và giúp cho quân đội Nhật Bản thông thạo tình hình thực tế trong khu vực Biển Đông, nhằm thử nghiệm cho việc tuần tra, giám sát của Nhật Bản tại khu vực biển này. Tháng 5/2019, Nhật Bản đã cùng Mỹ, Ấn Độ, Philippines tập trận chung ở Biển Đông. Cũng trong tháng 5/2019,Nhật Bản cử các tàu chiến tham gia tập trận cùng Pháp, Australia và Mỹ lần đầu tiên Biển Đông.

Thứ ba, Nhật Bản đã tích cực củng cố mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ. Nhật Bản coi quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ là khuôn khổ cơ chế hợp pháp cho việc can dự vào Biển Đông. Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản chỉ rõ là những nước có mạng lưới thương mại toàn cầu phụ thuộc vào đường biển, Mỹ và Nhật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không. Do đó, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông là vấn đề có tính nguyên tắc, không để bất cứ một thế lực nào tuyên bố vùng nhận diện phòng không và đe dọa đến tự do hàng hải quốc tế. Sự phối hợp và hợp tác Nhật – Mỹ trong vấn đề Biển Đông còn biểu hiện ở việc hai nước phối hợp giúp đỡ các nước hữu quan xây dựng năng lực phòng thủ. Tháng 6/2019, Nhật Bản cử tàu chiến JS Izumo tập trận chung với hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan ở khu vực Biển Đông. Các cuộc tập trận nói trên là minh chứng nhằm khẳng định quyết tâm của các đối tác cùng liên minh về việc đảm bảo Biển Đông là vùng biển quốc tế. Đây là một phần quan trọng trong sự chuyển hướng hành động theo chiến lược chung Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Mỹ cùng các đối tác đang theo đuổi để ứng phó những hành động gây quan ngại trên Biển Đông.

Thứ tư, Nhật Bản chú trọng nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Nam Á. Một mục tiêu quan trọng của Nhật Bản khi can dự vào vấn đề Biển Đông chính là tăng cường sự ảnh hưởng của nước này tại khu vực Biển Đông, tích cực can dự đối với cục diện an ninh khu vực, xây dựng hình ảnh nước lớn ở khu vực. Những năm qua, cùng với đột phá trong việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là sau khi nới lỏng nguyên tắc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản đã tích cực bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á nhằm một mặt, nâng cao thực lực quân sự của các nước này, đối phó với Trung Quốc đang không ngừng trỗi dậy; đồng thời, không ngừng củng cố, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực này. Ngày 27/9, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố Sách trắng Quốc phòng thường niên, trong đó thể hiện “quan ngại sâu sắc” về các hoạt động đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông do Trung Quốc tiến hành. Trong vụ việc Trung Quốc đưa nhóm tàu hải dương 8 xâm phạm chủ quyền Việt Nam, Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố Biển Đông có liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực và là mối quan ngại chính đáng của cộng đồng quốc tế bao gồm Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở khu vực biển này. “Nhật Bản nhất quán ủng hộ việc tuân thủ toàn diện luật pháp biển và muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực đối với các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế mà không thông qua việc sử dụng vũ lực hay hăm dọa, nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến các vấn đề tại Biển Đông đối với tất cả các nước liên quan”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Tóm lại, Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp can dự vào vấn đề Biển Đông nhằm thực hiện được mục tiêu của mình đối với khu vực Biển Đông. Các mục tiêu đó là đảm bảo sự ổn định, hòa bình, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, các bên liên quan không được đơn phương dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán. Hiện nay, Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng với các thành viên của ASEAN. Thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục củng cố quan hệ an ninh – quốc phòng với các quốc gia ASEAN. Ngoài hình thức tham vấn cấp cao, đàm phán cấp sự vụ và đối thoại an ninh song phương nhằm mục đích tạo dựng lòng tin và nâng cao tính minh bạch. Nhật Bản sẽ tăng cường tham gia các cuộc tập trận song phương và những thỏa thuận về cung cấp thiết bị quốc phòng và diễn tập quân sự với các quốc gia thành viên ASEAN.

RELATED ARTICLES

Tin mới