Từ đầu năm đến nay, Mỹ đã tích cực tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, lên án các hoạt đông phi pháp của Trung Quốc và tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực, nhất là Việt Nam nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Giới chức quốc phòng Mỹ đưa ra nhiều tuyên bố chỉ trích Trung Quốc
Trong năm 2019, giới chức quốc phòng Mỹ liên tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích, lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cam kết Washington sẽ tiếp tục hiện diện trong khu vực nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không không bị cản trở:
Phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Philip Davidson (12/2) cho biết, chương trình quân sự hóa trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông là nguyên nhân khiến Mỹ tính tới phương án xây dựng loạt căn cứ quân sự gần khu vực này; nhấn mạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không giữ lời hứa từng đưa ra hồi năm 2015 về việc không tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông; đồng thời cho biết Mỹ đang trao đổi với một số đối tác và đồng minh về việc thiết lập căn cứ quân sự mới gần Biển Đông. Trong khi đó, tại buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Đô đốc Philip Davidson cho rằng hành vi mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc là mối đe dọa to lớn và lâu dài trong việc duy trì tự do thương mại và tự do di chuyển trong khu vực; nhấn mạnh “bằng đe dọa và cưỡng ép, Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tư tưởng của mình để bẻ cong, phá vỡ và thay thế trật tự quốc tế dựa trên pháp luật hiện có. Với vị thế của mình, Bắc Kinh tìm cách tạo ra một trật tự mới, trật tự với ‘bản sắc Trung Quốc’, do Trung Quốc lãnh đạo, thay thế cho sự ổn định và hòa bình ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã tồn tại hơn 70 năm qua”; khẳng định luật pháp quốc tế không công nhận những động thái đó của Trung Quốc và hoạt động tự do hàng hải (FONOP) là phương cách để Trung Quốc nhận biết cộng đồng quốc tế không chấp nhận những tuyên bố liên quan của Bắc Kinh.
Trợ lý Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Joseph Felter (5/4) cho biết, sự hiện diện của một số lượng lớn các tàu Trung Quốc gần các đảo đang do Philippines quản lý (phi pháp) tại Biển Đông là mối quan ngại đối với Mỹ. Ông Felter cũng cho biết thêm, “Mỹ quan ngại về các hành động hiếu chiến của bất kỳ nước nào trên Biển Đông và trong trường hợp này là Trung Quốc. Các hành động của Bắc Kinh tỏ ra hung hăng, khiêu khích, chúng tôi thấy rằng đó là vô ích và không chính đáng”.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford (29/5) cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết về việc không quân sự hóa Biển Đông, nhưng những hành động của nước này lại đi ngược với tuyên bố trên; đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm với hành động vi phạm trong tương lai.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (1/6) chỉ trích hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cáo buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho hàng loạt hoạt động gây bất ổn tại châu Á. Theo ông Patrick Shanahan, việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông với đường băng dài và tên lửa đất đối không là “quá đáng” và “quá mức cần thiết”; nhấn mạnh có lẽ mối đe dọa lâu dài nghiêm trọng nhất đối với lợi ích sống còn của các quốc gia trong khu vực đến từ các nhân vật tìm cách phá hoại, thay vì tuân thủ, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; nhận định nếu xu thế ứng xử hiện nay của một số nước vẫn tiếp tục, “các thực thể nhân tạo trên vùng (biển) quốc tế sẽ trở thành trạm thu phí” và “chủ quyền quốc gia sẽ nằm trong sự kiểm soát của kẻ mạnh”.Cũng theo quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, cách hành xử làm xói mòn chủ quyền các quốc gia và reo rắc sự mất lòng tin của Trung Quốc phải chấm dứt.
Bộ Quốc phòng Mỹ (27/8) đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về các hoạt động trên biển của nước này ở ngoài khơi Việt Nam trên Biển Đông. Theo đó, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc liên tục vi phạm trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương; nhấn mạnh Trung Quốc đã nối lại “việc can thiệp mang tính cưỡng ép” vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam; cho rằng với chiến thuật kiểu “bắt nạt” như vậy, Trung Quốc sẽ không có được lòng tin của các nước láng giềng, cũng như sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế; khẳng định hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại với cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà trong bài phát biểu tại Singapore hồi đầu năm nay, rằng Bắc Kinh sẽ đi theo “con đường phát triển hòa bình”. Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ, “các hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, trong đó mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ, đều được đảm bảo chủ quyền, không bị cưỡng ép, có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp tới các luật lệ và quy tắc quốc tế đã được thừa nhận”; nhấn mạnh “hành động của Trung Quốc nhằm cưỡng ép các bên tranh chấp ở ASEAN, bố trí các hệ thống quân sự tấn công và thực thi tuyên bố hàng hải trái pháp luật sẽ làm gia tăng các hoài nghi thật sự về uy tín của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nỗ lực của các đồng minh và đối tác nhằm đảm bảo tự do hàng hải và cơ hội kinh tế trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Giới chức ngoại giao Mỹ đưa ra nhiều tuyên bố chỉ trích Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Mỹ (22/8) đăng tải thông cáo cho biết chính quyền Mỹ quan ngại sâu sắc việc Trung Quốc tiến hành can thiệp vào các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Theo thông cáo trên, Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai một tàu khảo sát thuộc sở hữu của chính phủ cùng với các tàu hộ tống có vũ trang vào vùng biển thuộc EEZ và thềm lục địa của Việt Nam hồi đầu tháng 8; khẳng định các hành động này của Trung Quốc tiếp tục đặt ra một câu hỏi nghiêm túc về các cam kết của Trung Quốc trong đó có Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông trong đó lấy giải pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp hàng hải. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi việc triển khai tàu khảo sát của Trung Quốc là sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các bên yêu sách khác rút khỏi việc khai thác, phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng chỉ ra rằng, trong những tuần gần đây Trung Quốc đã có “hàng loạt bước đi gây hấn nhằm can thiệp” vào các hoạt động kinh tế đã tồn tại lâu dài của các nước khác ở Biển Đông – những nước thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang có tranh chấp với Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, mục đích của Bắc Kinh là “dọa dẫm các nước để họ phải từ bỏ các mối quan hệ hợp tác với những công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với các công ty nhà nước của Trung Quốc”. Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thừng cáo buộc Trung Quốc đang gây áp lực đối với Việt Nam vì việc Việt Nam hợp tác với một công ty năng lượng của Nga cũng như các đối tác quốc tế khác; nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc làm phương hại đến hòa bình và an ninh khu vực cũng như gây ra những tổn thất về kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn khả năng tiếp cận của họ đối với nguồn hydrocarbon chưa được khai thác có trị giá lên tới 2,5 nghìn tỉ USD. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, các công ty năng lượng của Mỹ có lợi ích ở Biển Đông và Washington “cam kết tăng cường an ninh năng lượng cho các đối tác và đồng minh của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và trong việc đảm bảo hoạt động sản xuất dầu khí không bị gián đoạn trên thị trường toàn cầu.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị năng lượng CERAWeek diễn ra ở Houston, Texas, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (12/3) đã chỉ trích Trung Quốc vì “ngăn chặn sự phát triển năng lượng ở Biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng ép”; cho rằng hoạt động xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông đã ảnh hưởng tới các nước ASEAN trong việc tiếp cận nguồn năng lượng này; khẳng định hành động này của Trung Quốc sẽ ngăn cản các nước ASEAN tiếp cận nguồn năng lượng có thể khai thác được tại Biển Đông có trị giá lên tới hơn 2.500 tỷ USD; đồng thời chỉ trích “hành động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc tại vùng biển quốc tế”, nhấn mạnh rằng “đây không đơn giản là vấn đề về mặt an ninh”; cho rằng đối ngược với Bắc Kinh, chính phủ Mỹ ủng hộ an ninh năng lượng tại các nước Đông Nam Á, khẳng định Mỹ muốn các quốc gia trong khu vực có quyền tiếp cận với nguồn năng lượng mà họ sở hữu. Trước đó, ông Mỹ Mike Pompeo (1/3) khẳng định việc Trung Quốc xây đảo và tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông đe dọa chủ quyền, an ninh, kéo theo đó là đời sống kinh tế của Philippines và của Mỹ nữa. Ông Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ hậu thuẫn Philippines trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang đối với tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông bởi cuộc tấn công như vậy nằm trong phạm vi nghĩa vụ phòng thủ lẫn nhau theo Điều 4 Hiệp ước Phòng thủ giữa hai nước. Đáng chú ý, trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines Duterte, Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh của mình theo nhiều cách nhằm ngăn cản tự do hàng hải ở khu vực, đồng thời cho biết Washington có chiến lược an ninh quốc gia để đối phó với vấn đề này.
Giới chức Chính phủ, nghị sỹ Mỹ lên án Bắc Kinh
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton (10/3) tố cáo Trung Quốc muốn “lập tỉnh mới” ở Biển Đông và khẳng định Mỹ sẽ ngăn chặn Bắc Kinh lộng hành trên Biển Đông. Ông John Bolton cũng chỉ trích Trung Quốc đi ngược lại với mọi cam kết do họ (Trung Quốc) đưa ra trước đây về việc tiến hành đàm phán hòa bình để giải quyết tuyên bố chủ quyền, họ đang chiếm giữ các đá, bãi cạn và đảo, đồng thời xây dựng các căn cứ quân sự trên đó (Biển Đông); tố cáo Trung Quốc đang “toan tính tạo lập tỉnh mới” thông qua việc xây dựng đảo ở Biển Đông. Theo ông John Bolton, Trung Quốc “đang chiếm giữ các bãi đá, bãi cạn và đảo ở Biển Đông và xây dựng các căn cứ quân sự trên đó. Ông John Bolton cũng cho biết thêm, Mỹ “tiếp tục thực hiện các cuộc diễn tập tự do hàng hải và xem xét những cách khác để ngăn chặn có hiệu quả nỗ lực tạo ra một tỉnh mới của Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L.Engel (26/7) đã ra Tuyên bố về sự can thiệp trái phép của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam. Tuyên bố trên chỉ trích việc Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất và nhiều tàu chấp pháp hoạt động trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy bố cho biết: “Sự hung hăng gần đây ở Biển Đông là minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia công khai coi thường luật pháp quốc tế. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, các hành động của Trung Quốc đã cấu thành việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của Việt Nam trong EEZ; cho biết, tuần trước, khi có các thông tin về các tàu thăm dò dầu khí của Trung Quốc vào vùng EEZ của Việt Nam, Hà Nội đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút tàu ra khỏi vùng EEZ của Việt Nam, nhưng Trung Quốc đã cố tình bỏ qua. Hành vi gây rối này là một mối đe dọa đối với Việt Nam và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bắt nạt các nước láng giềng. Cũng quan trọng không kém, hành vi của Trung Quốc đã đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ hoạt động ở khu vực”. Theo ông Eliot L.Engel, những sự việc như vậy chứng tỏ sự ngang nhiên coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế của Trung Quốc. Ngoài ra, tuyên bố nhấn mạnh: “Tôi đứng về phía Việt Nam và các đối tác khác của chúng ta trong khu vực để lên án hành động hung hăng này. Cộng đồng quốc tế phải duy trì trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Tôi kêu gọi Trung Quốc rút ngay lập tức bất kỳ và toàn bộ các tàu khỏi lãnh hải của các nước láng giềng, và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này”.
Một số thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ như thượng nghị sĩ Bob Menendez của bang New Jersey, thượng nghị sĩ Ed Markey của bang Massachusetts, thượng nghị sĩ Patrick Leahy bang Vermont và thượng nghị sĩ Brian Schatz bang Hawaii (29/7) đã ký tên vào bức thư hối thúc Ngoại trưởng Mike Pompeo khi dự Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Bangkok ngày 2/8 hãy ưu tiên thảo luận việc Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông. Mở đầu bức thư gửi ông Pompeo đề ngày 29/7, nhóm nghị sỹ Mỹ khẳng định các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, các tuyên bố chủ quyền vô lý, hành động quân sự hóa các thực thể, phớt lờ Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực bác bỏ dứt khoát yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông cũng như việc Bắc Kinh gây áp lực buộc các nước ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) theo hướng có lợi cho mình là các vấn đề mà Mỹ cần ưu tiên lưu tâm vào thời điểm hiện tại. Giới thượng nghị sĩ Mỹ cho rằng Biển Đông, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng, tự do hàng hải, thương mại được đảm bảo, các quốc gia trong khu vực không phải chịu các hành vi bắt nạt là các vấn đề quan trọng đối với các lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các hành động hăm dọa, ép buộc, phớt lờ các cơ chế trọng tài ngoại giao hòa bình và đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc trong vài năm qua đang đe dọa tới các lợi ích này; khẳng định “việc Trung Quốc dọa nạt, cưỡng ép, chối bỏ việc giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao, hòa bình và cơ chế trọng tài, và đe dọa dùng vũ lực trong những năm gần đây là thách thức nghiêm trọng cho các lợi ích của Mỹ trong khu vực”. Ngoài ra, các thượng nghị sĩ trên còn đánh giá cao lập trường của chính quyền Mỹ lên án hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc và đồng tình với các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của Hải quân Mỹ trong khu vực, nhưng cũng cho rằng “cần hành động nhiều hơn để đẩy lui các hoạt động gây hấn và ngăn chặn xu hướng hành xử bất chấp của Trung Quốc”.
Hạ nghị sĩ Mỹ Mike Gallagher thuộc đảng Cộng hòa (7/2019) cũng cho biết, ông ủng hộ Việt Nam và các đối tác khu vực của Mỹ để lên án hành động của Trung Quốc. Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục duy trì trật tự dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế. Ông kêu gọi Trung Quốc “ngay lập tức rút tất cả các tàu ra khỏi lãnh hải của các nước láng giềng và chấm dứt các chiến thuật bắt nạt bất hợp pháp này”.
Hạ nghị sĩ Ted Yoho, Thành viên cao cấp Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ (22/8) bày tỏ quan ngại sâu sắc với những diễn biến hiện nay trên Biển Đông khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát và các tàu hộ tống vào vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Hạ nghị sĩ Ted Yoho phản đối mạnh mẽ những hành động xâm phạm chủ quyền của quốc gia ven biển, thách thức luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS), quân sự hóa các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông, sử dụng các thực thể đó triển khai các hoạt động, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa tự do hàng hải và hàng không, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của khu vực.
Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng quốc tế thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ (17/10) đã tổ chức buổi điều trần về việc thực hiện Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm châu Á (ARIA).Tại buổi điều trần, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương David Stilwell khẳng định như đã nêu trong ARIA, các nguyên lý cốt lõi của hệ thống quốc tế đang bị thách thức bởi việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp các thực thể nhân tạo ở Biển Đông; cho rằng các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa không chỉ đối với các quốc gia có yêu sách tại Biển Đông hoặc các quốc gia Đông Nam Á, mà còn đối với tất cả các quốc gia tham gia giao thương tại khu vực cũng như tất cả những ai coi trọng tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.Ông Stilwell nhấn mạnh các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường 9 đoạn” ở Biển Đông là phi pháp và phi lý. Những tuyên bố này không có giá trị pháp lý, lịch sử hoặc địa lý, gây tổn hại các nước khác. Các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Bắc Kinh đang ngăn cản các nước thành viên ASEAN tiếp cập nguồn dự trữ năng lượng ở Biển Đông, gây mất ổn định và làm gia tăng nguy cơ xung đột trong khu vực. Theo ARIA, chính sách của Mỹ là đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các mục đích hợp pháp khác trên biển. Washington sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không và hoạt động ở bất cử nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Liên tục ra Báo cáo chỉ trích Trung Quốc và đề xuất nhiều dự luật trừng phạt Bắc Kinh
Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Báo cáo “Những diễn biến về an ninh và quân sự liên quan tới Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa 2019”, trong đó tiết lộ nhiều thông tin quan trọng liên quan hoạt động quân sự của Trung Quốc. Tài liệu cho rằng, mục đích của Bắc Kinh là hiện đại hoá quân đội đến năm 2035 và trở thành một trong những lực lượng hàng đầu thế giới vào năm 2049. Ngoài ra, Báo cáo còn cho biết Bắc Kinh đang lên kế hoạch cho những tình huống bất ngờ ở eo biển Đài Loan nhằm răn đe và nếu cần thiết sẽ ép hòn đảo này phải từ bỏ những động thái đòi độc lập. Theo báo cáo, PLA nhiều khả năng cũng đang chuẩn bị cho kịch bản hợp nhất Đài Loan vào đại lục bằng vũ lực, đồng thời ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào của bên thứ ba. Theo đó, với sự chuẩn bị công khai trên danh nghĩa huấn luyện thường kỳ, Trung Quốc có thể phát động tấn công vào các đảo Đài Loan kiểm soát ở Biển Đông và một số đảo gần hơn.
Bộ Quốc phòng Mỹ (6/2019) công bố Báo cáo về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, trong đó nhận định lực lượng dân quân biển Hải Nam là lực lượng chuyên nghiệp nhất của Trung Quốc, được nhận trợ cấp rộng rãi nhằm hưởng ứng thực hiện các hoạt động tại vùng Quần đảo Trường Sa.Theo báo cáo trên, Chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào cuối năm 2016 có chỉ thị đóng 84 tàu cá dân quân cỡ lớn với mạn tàu được gia cố chịu lực và có trang bị vũ khí. Lực lượng dân quân vũ trang Hải Nam được tuyển dụng từ các cựu chiến binh và được trả lương độc lập ngoài việc đánh cá. Đây được cho là phù hợp với chính sách Phát triển Quân đội và An ninh 2019 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Báo cáo cho rằng lực lượng dân quân vũ trang Hải Nam đóng vai trò quan trọng trong một số chiến dịch quân sự và cưỡng chế trên biển từ phía Trung Quốc trong những năm qua, bao gồm vụ cản trở tàu USNS Impeccable của Mỹ tại Biển Đông vào năm 2009, vụ căng thẳng ở bãi Scarborough giữa Philippines và Trung Quốc năm 2012, vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 và vụ đột kích ở vùng nước gần quần đảo Senkaku năm 2016. Ngoài ra, theo báo cáo từ Lầu Năm Góc, một số lượng lớn các tàu dân quân biển Trung Quốc đã được huấn luyện và hỗ trợ bởi lực lược hải quân Trung Quốc và cảnh sát biển trong các hoạt động như thực hiện tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, do thám, trinh sát, bảo vệ ngư trường, hỗ trợ hậu cần. Các tàu này về mặt hình thức là thường thực hiện các nhiệm vụ thương mại dân sự, tuy nhiên, chúng được cho là cũng âm thầm thực hiện các nhiệm vụ “chính thức” được giao phó. Mỹ cũng chỉ ra rằng trong một số vụ việc liên quan tới Mỹ và các bên còn lại trong tranh chấp ở Biển Đông, các tàu cá Trung Quốc đã thực hiện các hành vi như đâm va, ngăn chặn tàu nước ngoài tiếp cận các đầm phá, thậm chí tham gia vào hoạt động chiếm đóng các bãi san hô và bãi cạn.
Thượng Nghị sĩ Todd Young và Mitt Romney của đảng Cộng hòa cùng Maggie Hassan và Catherine Cortez Masto của đảng Dân chủ (25/9) đệ trình “Dự luật Hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2019”. Theo đó, Dự luật kêu gọi Chính quyền Mỹ tăng cường hợp tác với các nước đồng minh đối phó với Trung Quốc. Nếu được thông qua, dự luật sẽ thúc đẩy Mỹ cùng các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và châu Âu đưa ra giải pháp thống nhất nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thượng Nghị sĩ Todd Young cho biết, “các nghị sĩ bang Indiana ủng hộ sự quyết liệt của Tổng thống trong việc đối đầu Trung Quốc, nhưng chúng ta cần các nước khác bắt đầu thực hiện phần của họ để tăng cường áp lực kinh tế với nước này”; nhấn mạnh Dự luật này sẽ giúp bảo vệ lợi ích của Mỹ bằng cách tranh thủ nỗ lực của các đồng minh và “một cách tiếp nhận thống nhất với các đối tác trong khu vực là cần thiết nếu chúng ta có kế hoạch ngăn chặn những hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc”. Thượng Nghị sĩ Romney cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự, Mỹ đã đến lúc xây dựng chiến lược toàn diện để đối đầu với “hành vi gây hấn ngày càng tăng” của Bắc Kinh. Để làm việc đó một cách tốt nhất, chúng ta phải liên kết sức mạnh với các nước khác và phát triển hướng đi thống nhất với các đồng minh để giải quyết mối đe dọa đáng kể mà Trung Quốc đặt ra với tự do của chúng ta trên toàn thế giới.
Hạ viện Mỹ (24/9) đã thông qua “Dự luật Chiến lược Đông Nam Á” (Southeast Asia Strategy Act) nhằm tăng cường sự can dự của Mỹ vào khu vực Đông Nam Á và đảm bảo rằng các đối tác quan trọng trong khu vực nhận được sự hẫu thuẫn mạnh mẽ của Washington. Hiện dự luật này đã được chuyển cho Thượng viện xem xét. Nữ Dân biểu Ann Wagner, người giới thiệu Dự luật cho biết, “cho đến nay, Mỹ chưa bao giờ đưa ra một chiến lược toàn diện cho khu vực Đông Nam Á. Dự luật Chiến lược Đông Nam Á sẽ thực hiện điều đó bằng cách thiết lập một chiến lược khu vực sâu sắc, rành mạch, nhằm giải quyết tất cả các khía cạnh của mối quan hệ quan trọng của chúng ta với Đông Nam Á và ASEAN”. Quốc hội đang làm việc với Chính phủ để thông báo với đối tác của chúng ta rằng Mỹ sẽ ủng hộ họ khi họ mở rộng thương mại và phát triển, bảo đảm an ninh biên giới, tăng cường nhân quyền và bảo vệ trước sự hung hăng của Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đã đề xuất “Dự luật trừng phạt Trung Quốc do các hành động ở Biển Đông và biển Hoa Đông”. Đến năm 2019, Dự luật trên tiếp tục được 13 nghị sỹ của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đưa ra thảo luận. Nếu được thông qua, “Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông” sẽ cho phép chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản tài chính tại Mỹ, thu hồi hoặc hủy bỏ thị thực Mỹ đối với bất kỳ đối tượng nào bị cáo buộc có liên quan tới “các hoạt động hay chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định” trên Biển Đông. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Dân chủ Benjamin Cardin cho biết, Dự luật của lưỡng đảng đã củng cố thêm nỗ lực của Mỹ và các đồng minh trong việc đối phó với hoạt động quân sự hóa trái phép và nguy hiểm của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp mà nước này đang chiếm đóng trên Biển Đông. Dự luật này tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì khu vực (Biển Đông và Hoa Đông) cởi mở và tự do đối với tất cả các nước, đồng thời buộc chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì hành vi gây hấn và cưỡng ép trong khu vực. Dự luật mới cũng yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ phải trình lên Quốc hội bản báo cáo theo thời hạn 6 tháng một lần để xác định những cá nhân hay công ty Trung Quốc có liên quan tới hoạt động xây dựng hay phát triển các dự án trái phép trên Biển Đông. Các hoạt động trái phép được quy định theo dự luật của Mỹ gồm bồi đắp, xây đảo nhân tạo, xây dựng hải đăng và hạ tầng viễn thông di động. Những cá nhân hay tổ chức đồng lõa hoặc trực tiếp tham gia vào các hoạt động đe dọa tới “hòa bình, an ninh hay ổn định” ở những khu vực do Nhật Bản hoặc Hàn Quốc quản lý trên biển Hoa Đông cũng bị nhắm mục tiêu trừng phạt theo dự luật mới.
Mỹ tích cực tiến hành các hoạt động tuần tra, tập trận ở Biển Đông
Trong năm 2019, Mỹ liên tục triển khai nhiều hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Trước các động thái trên của Mỹ, Trung Quốc nhiều lần đưa ra nhiều tuyên bố ngang ngược và có hành động phản đối phi lý, gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Cụ thể: (1) Hải quân Mỹ (7/1) đã cử tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Arleigh Burke USS McCampell tuần tra đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm thể hiện thái độ cứng rắn và quyết tâm chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Rachel McMarr (07/1) cho biết, hoạt động tuần tra trên nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh và “bảo vệ quyền tiếp cận những tuyến đường hàng hải trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”; cho biết “các lực lượng của Mỹ hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương một cách thường xuyên, trong đó có Biển Đông và mọi chiến dịch đều được thực hiện đúng với luật pháp quốc tế, thể hiện quyết tâm của Mỹ hoạt động tại vùng trời, vùng biển và bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Điều này được áp dụng với Biển Đông và nhiều nơi khác trên thế giới”. (2) Hạm đội 7 (11/2) đã cử hai tầu khu trục hạm có gắn tên lửa hành trình USS Spruance và USS Preble tuần tra vùng 12 hải lý bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Hạm đội 7 Mỹ Trung tá Clay Doss cho biết, hoạt động của hai tàu khu trục trên tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức những tuyên bố quá đáng về chủ quyền trên biển của Trung Quốc; nhấn mạnh “tất cả các hoạt động này đều tuân thủ luật pháp quốc tế và chứng thực rằng Mỹ sẽ bay, dong buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các nơi khác trên toàn cầu”. (3) Mỹ (19/5) điều tàu USS Preble (DDG-88) trang bị tên lửa Tomahawk đã đi dọc theo bãi cạn Scarborough ở Biển Đông nhằm thách thức những yêu sách của Trung Quốc tại khu vực này. (4) Hải quân Mỹ (6/5) điều hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung Hoon tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Hạm đội 7 của Mỹ Clay Doss cho biết, Hải quân Mỹ đã điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung Hoon tiền hành tuần tra tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Theo ông Clay Doss, hai tàu trên đã thực hiện qua lại vô hại trong vùng biển quốc tế nhằm “thách thức các tuyên bố hàng hải quá mức” và “bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy theo luật pháp quốc tế”. (5) Hải quân Mỹ (28/8) đã điều tàu khu trục USS Wayne E. Meyer áp sát đá Vành Khăn và Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm thể quyền qua lại vô hại trong vùng biển quốc tế và thách thức yêu sách chủ phi pháp của Trung Quốc đối với vùng biển này. (6) Hải quân Mỹ Mỹ (13/9) điều khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer áp sát khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Reann Mommsen (13/9) khẳng định sự xuất hiện của tàu USS Wayne E. Meyer là lời thách thức của Mỹ với hành động hạn chế quyền qua lại vô hại của Trung Quốc cũng như không thừa nhận tuyên bố của Bắc Kinh đối với cái gọi là đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa. Theo thông tin trên, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer đã di chuyển gần các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, một động thái thách thức chủ quyền vô lý mà Trung Quốc tự đặt ra. (7) Bộ Quốc phòng Mỹ (9/2019) cũng đã điều tàu sân bay USS Ronald Reagan thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông. Tuy nhiên, Mỹ không cho biết thời gian chấm dứt hoạt động tuần tra của tàu USS Ronald Reagan.
Không chỉ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, Mỹ còn nhiều lần cử máy bay tuần tra tự do hàng không trong khu vực Biển Đông. Theo đó, Mỹ (13/3) đã điều hai máy bay ném bom chiến thuật B-52 tuần tra trong khu vực Biển Đông. Đây là lần thứ hai trong vòng 10 ngày qua máy bay B-52 di chuyển trên Biển Đông, thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Bộ chỉ huy Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương (14/3) thông báo hai máy bay ném bom chiến thuật B-52H Stratofortress của Mỹ vừa bay ngang Biển Đông; khẳng định máy bay quân sự chỉ tiến hành hoạt động huấn luyện thường kỳ nhằm hỗ trợ các đồng minh, duy trì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở. Theo đó, hai máy bay B-52H đã cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, tiến hành hoạt động huấn luyện thường kỳ tại khu vực Biển Đông trước khi quay về căn cứ. Các máy bay ném bom thuộc Bộ chỉ huy Không quân Thái Bình Dương trong hơn một thập niên qua thường xuyên cất cánh từ Guam thực hiện các sứ mệnh duy trì hiện diện theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trước đó 10 ngày, hai chiếc B-52H của Mỹ cũng xuất phát từ Guam và thực hiện hoạt động huấn luyện tại khu vực. Một chiếc di chuyển đến biển Hoa Đông, chiếc còn lại xuất hiện ở Biển Đông. Kể từ 2004, Mỹ đã luân phiên điều máy bay ném bom tầm xa B-1, B-52 và B-2 rời Guam và diễn tập ở châu Á; đồng thời cáo buộc Bắc Kinh triển khai tên lửa chống hạm, thiết bị gây nhiễu điện tử và tên lửa đất đối không tới các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Mỹ tăng cường hợp tác với Việt Nam
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương W. Patrick Murphy (22/3) tuyên bố Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực hàng hải cho Việt Nam, cho rằng việc này có vai trò quan trọng cho an ninh khu vực. Theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương W. Patrick Murphy, Việt Nam hiện có một tàu cảnh sát biển do Mỹ cung cấp. Mỹ sẽ tăng cường nỗ lực để nâng cao năng lực hàng hải của Việt Nam. Điều đó rất quan trọng với Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung. Họ có thể đóng góp nhiều cho khu vực. Ngoài ra, ông W. Patrick Murphy cũng cho biết, Mỹ mong muốn “được làm việc chặt chẽ với Việt Nam về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực”; đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, nhấn mạnh tất cả quốc gia trên thế giới đều có lợi ích khi giao thông và thương mại ở các tuyến đường biển không bị cản trở.
Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Mỹ Andrea Thompson (25/3) cho biết, Mỹ tiếp tục coi trọng vai trò của Việt Nam và cam kết mạnh mẽ nhằm bảo đảm khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở; ủng hộ hoà bình, ổn định, hợp tác, thương mại không bị cản trở, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không. Mỹ cũng kêu gọi các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, hướng tới hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo quốc tế tổ chức ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Thuật và Quốc Tế (CSIS), Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver (3/4) cho biết Việt Nam là “một đối tác quan trọng” và Washington mong muốn liên minh chặt chẽ hơn với Hà Nội. Theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver, Việt Nam giới hạn chiến hạm nước ngoại đến thăm mỗi năm một lần do ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chính sách ngoại giao của Việt Nam. Ông cho biết “có thể Mỹ không bao giờ có được một liên minh với Việt Nam, nhưng Việt Nam luôn luôn có cơ hội liên minh với Mỹ khi Việt Nam muốn”. Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ đã trở nên vững mạnh hơn trong hai năm qua. Hai nước có những kế hoạch dựa trên quyền lợi chung sẽ làm cho sự hợp tác ngày càng mạnh hơn; đồng thời nhấn mạnh Mỹ đang tìm cách cải thiện quan hệ quốc phòng với Việt Nam. Đáng chú ý, ông Schriver cũng phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa những hòn đảo ở Biển Đông, cho rằng hành động này của Bắc Kinh đi ngược lại tuyên bố và cam kết của ông Tập Cận Bình, đồng thời nhận định “toàn vùng ngày càng phải đương đầu với một Trung Quốc xâm lăng và liều lĩnh, sẵn sàng chấp nhận xung đột để theo đuổi quyền lợi của họ”. Cùng quan điểm trên, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear nhận định rằng “đối với Việt Nam và tất cả các thành viên ASEAN, Mỹ đang giúp các nước này bảo vệ chủ quyền quốc gia, giúp họ tăng cường khả năng và quân đội và giúp Việt Nam tự tin để đối phó với Trung Quốc và bảo vệ được quyền lợi quốc gia”.
Trong chuyến thăm Việt Nam, Đô đốc Philip S. Davidson, khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Việt Nam tại khu vực cũng như trên toàn cầu, đặc biệt là khi Việt Nam đang chuẩn bị để đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2020; cho biết, hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam dựa trên lợi ích chiến lược chung của hai nước trong việc đảm bảo chủ quyền và độc lập của Việt Nam và thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; ca ngợi Việt Nam đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối những hoạt động hạn chế quyền tiếp cận quốc tế tại khu vực, cũng như việc Việt Nam ủng hộ các “hoạt động tự do hàng hải” (FONOP) của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Mỹ (1/6) thông báo bán 6 máy bay không người lái (UAV) ScanEagle cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực kiểm soát hàng hải.
Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ (23/7, USCG) cho biết, hoạt động của USCG ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm giúp các nước trong khu vực củng cố năng lực thực thi chủ quyền. Đô đốc Karl L. Schultz nhấn mạnh USCG đang hợp tác chặt chẽ với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang tăng cường quy mô và năng lực của lực lượng. Mỹ đã chuyển nhiều tàu tuần tra có năng lực cao từng qua sử dụng, cụ thể là tàu lớp Hamilton, cho các nước như Philippines, Lanka và Việt Nam. Mỹ hy vọng họ có thể phát triển và sử dụng những nguồn lực này để chủ động thực thi lợi ích chủ quyền trong khu vực. Đô đốc Schultz cho biết USCG được huy động hỗ trợ tại khu vực theo yêu cầu của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đồng thời, lực lượng cũng giúp củng cố năng lực bảo vệ chủ quyền của nhiều nước trong khu vực, chuyển giao nhiều tàu tuần tra năng lực hoạt động cao cho các nước. Ngoài ra, Đô đốc Schultz nhận định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cụ thể là Biển Đông, có ảnh hưởng rất lớn đối với các lợi ích của Mỹ và quốc tế. USCG hiện diện tại khu vực nhằm mang đến “hình mẫu về minh bạch” trong quản trị các vấn đề hàng hải dựa trên pháp luật.
Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam (18-20/8), Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ và Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương cho biết Mỹ luôn ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam. Đại tướng David L. Goldfein cho biết: “Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh. Tôi đến đây để thăm một nước đối tác rất quan trọng và nước đối tác có nhiều lợi ích và mối quan tâm của chúng tôi”. Về việc Trung Quốc điều tàu đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Đại tướng David L. Goldfein tuyên bô tôn trọng các quyết định và hành động của Việt Nam; khẳng định luôn luôn ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam, chúng tôi sẽ theo sát các hoạt động của Việt Nam, sẵn sàng hợp tác làm việc với Việt Nam. Cùng quan điểm trên, Đại tướng Charles Q. Brown Jr khẳng định những hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông đi ngược lại mục tiêu, tôn chỉ của Mỹ đã làm là giữ cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do.