Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (11-13/10) thăm không chính thức Ấn Độ, giới chuyên gia, học giả cho rằng chuyến thăm đã tạo đột phá mới trong quan hệ giữa hai nước, nhất là tạo bước tiến mới để giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Giới truyền thông cho biết, đây là cuộc gặp cấp cao không chính thức lần hai của lãnh đạo 2 nền kinh tế lớn và có ảnh hưởng lớn tại châu Á. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình (12/10) đã hội đàm về vấn đề chống khủng bố, kinh tế thương mại, quốc phòng, biên giới giữa hai nước. Hai bên đã nhất trí cần xem xét cách thức tăng cường tương tác song phương để phản ánh vai trò gia tăng của hai nước này trên trường quốc tế; quyết định thiết lập cơ chế Đối thoại kinh tế và thương mại cấp cao, với mục tiêu tăng cường quan hệ thương mại cũng như tạo sự cân bằng lớn hơn trong thương mại giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo thừa nhận rằng cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là những quốc gia rộng lớn, hết sức phức tạp và đa dạng. Chính vì vậy, điều quan trọng là hai bên cần duy trì các nỗ lực chung để đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Vấn đề gây nhức nhối nhất hiện nay trong quan hệ hai nước là tranh chấp biên giới ở khu vực Himalaya. Hai nhà lãnh đạo cho biết sẽ quản lý những khác biệt một cách kiên nhẫn, không để leo thang thành bất đồng và sẽ thận trọng khi xem xét những quan ngại của mỗi bên. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng tránh không đề cập đến mạng 5G của Huawei. Ấn Độ cho đến nay vẫn chưa quyết định có hay không cho phép Huawei tham gia các kế hoạch 5G của nước này. Đáng chú ý, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gợi ý hai nước nên tiến hành liên lạc chiến lược theo một cách thức hiệu quả và kịp thời, thận trọng xử lý những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của hai nước, giải quyết và kiểm soát phù hợp các vấn đề mà không thể giải quyết được trong thời gian tới.
Sau chuyến thăm, giới chuyên gia, học giả nhận định quan hệ song phương giữa hai nước đã có đột phá mới. Chuyên gia Diệp Hải Lâm (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á thuộc Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Viện khoa học xã hội Trung Quốc) nhận định Trung Quốc thực ra không quá coi Ấn Độ là nước láng giềng chủ chốt hoặc quan trọng, phương hướng chính về ngoại giao của Trung Quốc là phương hướng trên biển, thách thức chính của ngoại giao Trung Quốc đến từ Mỹ. Tuy nhiên trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt với Mỹ, làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tháng qua ở Hồng Công, kinh tế suy thoái cũng như hàng loạt vấn đề trong nước khác, việc ổn định được mối quan hệ với một láng giềng lớn như Ấn Độ là điều quan trọng để Bắc Kinh có thể tập trung xử lý các vấn đề cấp bách hơn. Trong khi đó, đối với Ấn Độ, cải thiện quan hệ với Bắc Kinh có thể giúp New Delhi tháo gỡ những khó khăn nội tại nhờ có sự tiếp cận lớn hơn thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Điều này cũng thể hiện New Dehli duy trì chính sách “tự chủ chiến lược”, tránh bị chi phối bởi các mối quan hệ khác, đặc biệt với Mỹ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ Trung – Ấn – Nga. Đại sứ Ấn Độ tại Moscow Bala Venkatesh Varma cho biết, Hội nghị thượng đỉnh không chính thức thứ hai giữa ông Narendra Modi và Tập Cận Bình là một ví dụ khác về mối quan hệ mạnh mẽ của Ấn Độ với các cường quốc thế giới và xác nhận rằng Thủ tướng Modi đang nói chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới một cách bình đẳng. Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo sẽ có ảnh hưởng tích cực đến các mối quan hệ trong tam giác Moscow-Bắc Kinh- New Delhi và sự hợp tác của ba nước trong BRICS.
Chuyên gia Alexander Lomanov (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á và Thái Bình Dương của Viện Hàn lâm Khoa học Nga) cho rằng “cuộc gặp không chính thức lần thứ hai của các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc đã diễn ra trong bối cảnh các yếu tố gây khó chịu lâu dài trong mối quan hệ của hai nước, như tranh chấp biên giới hoặc vấn đề Kashmir, đã mất đi tính thời sự và trong khi chúng tôi đã nhận thấy sự xuất hiện của các yếu tố mới. Từ quan điểm quân sự và kinh tế, Ấn Độ đang trở thành một quốc gia ngày càng mạnh mẽ với tầm ảnh hưởng vượt quá giới hạn của Ấn Độ Dương. Trong bối cảnh này, các tranh chấp lãnh thổ trước kia đang lùi lại phía sau vì nhu cầu tìm cơ hội cùng tồn tại trong không gian Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng lớn”. Theo chuyên gia Alexander Lomanov, cuộc đối đầu hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, được cảm nhận theo cách gay gắt nhất trong lĩnh vực thương mại và kinh tế, mang đến cho Ấn Độ cơ hội duy nhất để đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về vấn đề kinh tế. Ngoài ra, sự khác biệt Trung-Mỹ đang thúc đẩy Trung Quốc chú ý hơn đến những đòi hỏi của Ấn Độ đối với sự mất cân bằng thương mại song phương và việc đưa các công ty Trung Quốc vào thị trường Ấn Độ và khu vực. Trung Quốc không có hứng thú khi thấy Ấn Độ trở thành đồng minh của Mỹ về kinh tế và quân sự. Đây là một xu hướng đáng khích lệ đối với Nga vì Moscow sẽ không còn phải đưa ra lựa chọn khó khăn giữa các đối tác chiến lược của mình: Trung Quốc và Ấn Độ. Sự thu hẹp bất đồng giữa hai đỉnh của tam giác Moscow-Bắc Kinh-New Delhi đã biến mối quan hệ Ấn-Trung đang trong quá trình xây dựng trở nên hiệu quả và khả thi hơn, ngay cả khi mối quan hệ Trung Quốc và Ấn Độ cuối cùng có thể dẫn đến giảm dần vai trò của Nga trong tam giác này.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quan hệ Trung – Ấn vẫn còn tồn tại nhiều yếu tố bấn ổn, tác động xấu tới hợp tác song phương.
Đầu tiên, thâm hụt thương mại song phương còn lớn. Với thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc năm 2018 lên tới gần 58 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng số thâm hụt thương mại của Ấn Độ, trong khi thương mại với Trung Quốc chỉ chiếm 10% tổng thương mại của New Delhi, vấn đề không dễ giải quyết chỉ bằng những tuyên bố.
Thứ hai, Ấn Độ vẫn từ chối tham gia sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc – chương trình đầu tư và phát triển hạ tầng do Trung Quốc chủ đạo với nhiều dự án đi qua những vùng lãnh thổ mà cả Pakistan và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền.
Thứ ba, vấn đề lãnh thổ với Trung Quốc chưa bao giờ “sóng yên biển lặng”. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang căng thẳng vì vấn đề Kashmir. Vùng đất này là điểm nóng tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ khi hai nước giành lại độc lập vào năm 1947. Hai bên chỉ nắm quyền kiểm soát một số khu vực khác nhau nhưng cùng tuyên bố có chủ quyền với toàn bộ vùng. Trong khi Ấn Độ hủy bỏ cơ chế đặc biệt dành cho vùng Kashmir hồi tháng 8 thì gần đây Trung Quốc tuyên bố dành sự ủng hộ đặc biệt cho Pakistan làm dấy lên mối căng thẳng giữa hai nước Trung – Ấn.
Thứ tư, mâu thuẫn chiến lược tiếp tục gia tăng. Trung Quốc mong muốn trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn mạnh đối với khu vực xung quanh, Ấn Độ cũng đang tranh giành quyền chủ đạo đối với khu vực xung quanh. Ngoài ra, Ấn Độ là thách thức chính trong phương hướng chiến lược thứ yếu của Trung Quốc. Phương hướng chiến lược chủ yếu của Trung Quốc vẫn là trên biển, cái gọi là “kết nối bốn biển” chính là Biển Đông, Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan.
Thứ năm, cạnh tranh về năng lượng. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là nước nhập khẩu dầu, LNG và ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Nếu như Trung Quốc là nước tiêu dùng năng lượng lớn nhất, chiếm tới 24% tiêu dùng của cả thế giới thì Ấn Độ là nước đứng thứ ba. Theo IEA, năm 2040 người tiêu dùng Trung Quốc sẽ sử dụng năng lượng gấp đôi so với hiện nay thì Ấn Độ cũng chiếm tới 30% mức tăng toàn cầu trong nhu cầu sử dụng năng lượng. Hơn nữa việc Trung và Ấn đều nhập khẩu nhiên liệu từ cùng khu vực Trung Đông, Bắc Phi sau đó là Đông Á và Thái Bình Dương khiến cho cạnh tranh càng gay gắt hơn.