Wednesday, January 8, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnHọc giả Ấn Độ đề cao hợp tác với Việt Nam ở...

Học giả Ấn Độ đề cao hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông

Chuyên gia Ấn Độ tin rằng nước này sẽ hợp tác dầu khí lâu dài với Việt Nam và không chấp nhận sự chi phối của nước khác.

“Tôi cho rằng Ấn Độ sẽ không thay đổi hợp tác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông”, Tiến sĩ Geeta Kochhar, Đại học Jawaharlal Nehru, một trong những trường đại học hàng đầu ở New Delhi, Ấn Độ, nói với VnExpress bên lề Hội thảo “Quan hệ giữa Ấn Độ với các nước láng giềng trong bối cảnh mới” hôm nay tại Hà Nội. Sự kiện do Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức.

Đánh giá của chuyên gia Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hoạt động phi pháp trên Biển Đông, trong đó có triển khai tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại Nam Biển Đông từ đầu tháng 7/2019.

Theo bà Kochhar, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rất kiên định trong chính sách không chấp nhận bất kỳ nước nào có vai trò chi phối trong khu vực.

“Nếu Trung Quốc thể hiện sự quả quyết, không muốn Ấn Độ hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông, tôi không nghĩ New Delhi chấp nhận điều đó”, Kochhar nói.

Lý giải chính sách nhất quán của Ấn Độ trong hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông, Phó giáo sư Om Prakash Dahiya, Khoa Khoa học chính trị, Đại học Delhi, cho hay việc Việt Nam nằm ở Biển Đông, một vùng chiến lược, khiến Hà Nội có vai trò chủ chốt trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. 

Phó giáo sư Tien-sze Fang, Đại học quốc gia Tsing Hua, Đài Loan, cho biết khoảng 40% thương mại toàn cầu của Ấn Độ đi qua Biển Đông, do đó việc Ấn Độ kêu gọi tự do hàng hải ở khu vực là điều rất cấp bách. 

Việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông được coi là một rào chắn lớn cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do. Các cơ sở quân sự sẽ dẫn tới sự thay đổi đáng kể với 29 tuyến hàng hải đi qua khu vực, nơi có hàng hóa giao thương, hoạt động khai thác dầu và đánh cá trị giá hàng nghìn tỷ USD. Trên khía cạnh địa chính trị, Biển Đông là cửa ngõ dẫn tới khu vực Thái Bình Dương và tới trung tâm của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Theo Fang, Việt Nam và Ấn Độ hợp tác về khai thác dầu khí ngoài khơi Biển Đông từ năm 1988. Sự chú ý của Ấn Độ khi hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông không đơn thuần là về kinh tế, mà vì những lợi ích an ninh và quân sự.

Fang và Dahiya đều nhắc đến việc Trung Quốc nhiều lần yêu cầu Ấn Độ và Việt Nam ngừng hợp tác dầu khí nhưng thất bại. Năm 2014, sau khi bị Trung Quốc phản đối, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj khi đến Việt Nam đã tuyên bố Công ty dầu khí nhà nước ONGC Videsh sẽ tiếp tục các dự án hợp tác. Gần đây nhất, ngày 2/8, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar khẳng định nước này mong muốn tiếp tục hợp tác về dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông.

“Ấn Độ cần thiết phải chú ý đến diễn biến ở Biển Đông và bảo đảm lợi ích của mình không bị nguy hại”, Fang nói.

Nhắc đến bối cảnh mới, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma cho hay New Delhi đang tìm kiếm mối hợp tác nhằm xây dựng kết nối quốc tế vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng với các nước láng giềng liền kề và lân cận. Ấn Độ cũng đang hướng đến việc trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD trong 5 năm tới. Trong khi thế giới có nhận thức lớn hơn về vai trò của Ấn Độ trong trật tự khu vực và thế giới, Ấn Độ sẵn sàng thực hiện vai trò này, để trở thành bên đóng góp các ý tưởng và năng lực trong các diễn đàn quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới