Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaQuan điểm, chính sách của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông...

Quan điểm, chính sách của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông dưới Triều đại “Lệnh Hoà”

Ngày 22/10/2019, Nhật hoàng Naruhito đã chính thức đăng quang và trị vì tại đất nước “mặt trời mọc” trong Triều đại mới có niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa), mở ra kỳ vọng về sự đổi thay tích cực với Nhật Bản. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của người dân và đất nước Nhật Bản. Dư luận kỳ vọng Nhật Bản sẽ tiếp tục có những bước đi tích cực trong đường hướng phát triển và chính sách đối ngoại, trong đó có những đóng góp cho việc đảm bảo duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông.

Về xu hướng chính sách đối ngoại chung của Nhật Bản

Chính sách đối ngoại của Nhật Bản đến nay không nằm ngoài việc hướng đến đảm bảo và củng cố lợi ích quốc gia, bao gồm mục tiêu đảm bảo an ninh, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và tiếp tục quá trình phấn đấu trở thành một quốc gia bình thường, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Song song với việc bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, Nhật Bản xúc tiến thực hiện chính sách ngoại giao mang tính chiến lược với tên gọi “Nhìn toàn cảnh bản đồ thế giới,” hướng đến duy trì các giá trị toàn cầu như tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và luật pháp. Về cơ bản, chính sách ngoại giao Nhật Bản sẽ là tích cực, chủ động và hiệu quả, hướng đến việc hoàn thành các nghĩa vụ quốc gia tương xứng với vị trí của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế. Cùng với việc đảm bảo an ninh quốc gia mình và duy trì hòa bình và ổn định của khu vực, Nhật Bản sẽ hướng đến việc bảo đảm an ninh, hòa bình và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế. Chính sách đối ngoại Nhật Bản sẽ tiếp tục dựa trên 3 trụ cột chính là củng cố liên minh Mỹ – Nhật Bản, tăng cường quan hệ với các láng giềng và đẩy mạnh ngoại giao kinh tế.

Đối với khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản sẽ tiếp tục triển khai chính sách tăng cường, thắt chặt quan hệ, coi đây là ưu tiên trong chiến lược của Tokyo. Chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở Đông Nam Á thời gian tới sẽ bao gồm mục tiêu: i) Tìm kiếm đối tác chung trong việc đối phó với những tác động tiêu cực từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhật Bản quan ngại việc Trung Quốc sẵn sàng triển khai sức mạnh quân sự bên ngoài biên giới và công khai bày tỏ tham vọng về Biển Đông và Biển Hoa Đông. Từ năm 2013, Trung Quốc đã tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, gia tăng thêm căng thẳng và nguy cơ đụng độ giữa hai nước. Ngoài ra, Nhật Bản cũng lo ngại trước những hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông, thể hiện qua các công trình cải tạo đảo cộng quân sự hóa quy mô lớn trên các đảo này. ii) Tìm kiếm cơ hội mới để thúc đẩy và tăng cường thương mại đầu tư sau giai đoạn khó khăn kéo dài và tăng trưởng trì trệ. Để nền kinh tế có thể tăng trưởng trở lại, Nhật Bản điều chỉnh mạnh nguồn cung cầu trong nước, khai thác thị trường ngoài nước, đặc biệt là thị trường châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng để bổ sung cho những ngành công nghiệp nội địa đang bị thu hẹp. Là một trong những khu vực phát triển năng động của thế giới và là cửa ngõ của thương mại quốc tế, khu vực Đông Nam Á thực sự là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Nhật Bản. iii) Tăng cường ảnh hưởng của mình nhằm phục vụ cho ngoại giao nước lớn, đặc biệt là trong việc giành được sự ủng hộ để trở thành thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác động từ những khó khăn trong quan hệ với các nước Đông Bắc Á cũng như độc lập hơn với Mỹ, Nhật Bản cần tạo dựng môi trường ổn định có lợi cho Nhật Bản trong tương lai, vì vậy mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á là một trong những mục tiêu chiến lược của nước này. Rõ ràng Đông Nam Á nắm giữ vị trí địa chiến lược quan trọng, tăng cường gắn kết với khu vực không chỉ giúp Nhật đảm bảo được mục tiêu về an ninh mà còn bổ trợ cho các mục tiêu phát triển và tăng cường vị thể trong chính sách đối ngoại Nhật Bản.

Xu hướng chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với vấn đề tranh chấp Biển Đông thời gian tới

Với nền tảng chính sách đối ngoại chung như trên, thời gian tới Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào việc bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và thúc đẩy giải quyết hòa bình, theo luật quốc tế các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Nhật Bản có lợi ích gắn chặt với khu vực Biển Đông trên nhiều mặt như kinh tế, thương mại, ổn định về chính trị, an ninh và giao thông hàng hải.Về khía cạnh an ninh, quân sự: Nhật Bản là một nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và có vùng biển giáp với Biển Đông, vì vậy sự ổn định về môi trường chính trị, an ninh và quốc phòng trong khu vực Biển Đông có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển kinh tế của Nhật Bản. Một khi xung đột xảy ra ở Biển Đông, nhiều khả năng nhiều nước sẽ bị kéo vào cuộc chiến gây bất ổn toàn bộ khu vực, làm tắc nghẽn tuyến giao thông hàng hải ảnh hưởng đến môi trường an ninh và phát triển kinh tế của Nhật Bản. Đối với Nhật Bản, tranh chấp Biển Đông hiện nay đã không còn đơn thuần là tranh chấp lãnh thổ giữa ASEAN và Trung Quốc mà đã chuyển thành vấn đề an ninh cho toàn khu vực mà Nhật Bản và Mỹ cũng như các nước khác đều phải can dự.

Trên phương diện đối ngoại, Nhật Bản luôn tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ và vùng biển. Nhật Bản chủ trương các tranh chấp phải giải quyết một cách hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp quốc tế, phản đối các hành động đe doạ, sử dụng vũ lực, quân sự hoá Biển Đông. Cụ thể:

i) Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông: Nhật Bản tiếp tục kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩyquốc tế hóa vấn đề Biển Đông tại các diễn đang quốc tế. Đồng thời, Nhật Bản tiếp tục lên tiếng yêu cầu các nước liên quan xác định rõ quyền lợi biển của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc nhanh chóng xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phê phán hoạt động bồi lấp và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc tại một số đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

ii) Nhật Bản sẽ thúc đẩy hỗ trợ một số nước ASEAN nâng cao năng lực tuần tra, kiểm soát trên biển. Một mặt, Nhật Bản sẽ hỗ trợ trang bị cho các nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines nhằm tăng cường khả năng cảnh báo trên biển và củng cố lực lượng tiền duyên của các nước này để đối phó với Trung Quốc. Mặt khác, Nhật Bản sẽ thông qua các hình thức huấn luyện, diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN để nâng cao khả năng quân sự của các nước này và giúp cho quân đội Nhật Bản thông thạo tình hình thực tế trong khu vực Biển Đông, nhằm thử nghiệm cho việc tuần tra, giám sát của Nhật Bản tại khu vực biển này.

iii) Tiếp tục củng cố mối quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ: Nhật Bản coi quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ là khuôn khổ cơ chế hợp pháp cho việc can dự vào Biển Đông. Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản chỉ rõ là những nước có mạng lưới thương mại toàn cầu phụ thuộc vào đường biển, Mỹ và Nhật Bản luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không.

iv) Nhật Bản tiếp tục thông qua việc hỗ trợ một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông; từng bước tạo mối liên kết giữa Nhật Bản với một số nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp trên biển nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới.

v) Nhật Bản sẽ duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực. Trong thời gian tới, Nhật Bản tiếp tục duy trì sự hiện diện trong khu vực thông qua hoạt động thăm viếng quân sự của tàu hải quân đến các nước kết hợp diễn tập chung nâng cao năng lực; hỗ trợ ODA mua sắm trang thiết bị cho lực lượng chấp pháp biển của các nước ven Biển Đông.

Nhìn chung, quá trình Nhật Bản triển khai chính sách ngoại giao sẽ tác động mạnh mẽ đến cục diện an ninh ở khu vực, do Nhật Bản trở thành nhân tố tích cực trong việc đảm bảo cam kết của Mỹ, kiềm chế, cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc và thúc đẩy khả năng của các thể chế khu vực như ASEAN. Vì vậy, Nhật Bản sẽ góp phần đảm bảo an ninh chung của khu vực và thúc đẩy tạo thế cân bằng quyền lực với Trung Quốc, đồng thời giúp tăng cường tính hiệu quả của các cơ chế đối thoại và củng cố vai trò lãnh đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Tuy nhiên, sự gia tăng gắn kết của Nhật Bản với khu vực cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, phức tạp và chồng chéo. Điều này dễ dẫn đến việc các nước vừa và nhỏ tại khu vực mắc vào thế kẹt và đồng thuận ASEAN sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

RELATED ARTICLES

Tin mới