Trung Quốc là một quốc gia vừa rộng lớn vừa có tiềm lực kinh tế mạnh, tuy nhiên phẩm chất quốc gia không thể hiện ở những điều đó. Khi ứng xử trong mâu thuẫn với quốc gia khác hoặc với chính dân chúng của mình, chính quyền Trung Quốc đã định nghĩa bản thân hoàn toàn khác.
Chăm lo cho đời sống nhân dân, trong đó có việc duy trì đạo đức, định hướng phát triển văn hóa là một mục đích tồn tại của các chính quyền. Nhưng khi quyền lực cao nhất của một quốc gia lại hỗ trợ, cổ vũ thậm chí thi hành những hành vi phi đạo đức, thì có khác gì cả quốc gia đang bị bắt làm con tin bởi chính quyền đó. Người dân bị con dao hủy diệt nhân tính kề vào cổ từng giờ mà không thể nhận ra, cuối cùng đi đến chỗ hành xử quái đản, dị hợm bởi đã đi ngược lại với những giá trị phổ quát của nhân loại.
Trong 70 năm cầm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã liên tục “chấn chỉnh”, răn đe và uy hiếp người dân để họ sợ phải nói ra sự thật, sợ phải nói lên tiếng nói và nguyện vọng của mình. Các phong trào như Cải cách ruộng đất, Cách mạng văn hóa, Chiến dịch Tam phản, Chiến dịch Ngũ phản, đàn áp các tín ngưỡng… đã luôn phản ánh chủ trương “đấu tranh tàn bạo và triệt hạ tàn nhẫn” của ĐCSTQ.
Qua mỗi một “phong trào” như vậy, chính quyền Trung Quốc lại xác lập một cái đáy mới của đạo đức xã hội, dần dần kéo người Trung Quốc chìm sâu so với những tiêu chuẩn đạo đức cao thượng đã từng làm nền tảng văn hóa cho phương Đông của mảnh đất Thần Châu 5.000 năm văn hiến.
Trong lịch sử cai trị của mình, ĐCSTQ đã làm ra biết bao “phong trào” khủng bố người dân. Tờ Washingtonpost trích tài liệu được cho là từ Viện cải cách hệ thống Trung Quốc, lưu tại Đại học Princeton cho biết, có khoảng 80 triệu người Trung Quốc đã bị chết bất thường sau thời kỳ Đại Nhảy vọt.
Gần đây nhất, sau một hành động làm chấn động người dân Hồng Kông, có người đã phải bình luận rằng: “Chúng ta lỗi thời rồi, không làm sao mà theo kịp tư duy man rợ của ĐCSTQ”.
Khen thưởng kẻ sát nhân
Ngày 6/10 vừa qua, khi người biểu tình Hồng Kông đang tập trung trên đường Trương Sa Loan để tiếp tục yêu cầu chính quyền thực thi 5 yêu sách của họ, thì khoảng 4 giờ chiều, một chiếc xe taxi đã lao vào đám đông khiến một cô gái bị gẫy cả 2 chân và một vài người khác bị thương. Lái xe sau đó được xác định là Henry Trịnh, 59 tuổi. Đám đông giận dữ vây quanh Trịnh và đánh anh ta cho đến khi xe cứu thương đưa cả người bị thương và anh này đến bệnh viện. Người biểu tình cho rằng Trịnh đã cố tình đâm họ khi không có dấu hiệu của tai nạn.
Sau đó, vào ngày 8/10, các chính trị gia thân Bắc Kinh đã có một động thái đáng kinh ngạc. Tờ Văn Hối Báo đưa tin, Kennedy Wong (Hoàng Anh Hào) – thành viên của Uỷ ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và Stanley Ng. (Ngô Thu Bắc) – một đại biểu Hồng Kông của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã đến bệnh viện Princess Margaret để thăm tài xế taxi.
Trước đó, vào ngày 7/10, Đại Liên minh Bảo an Hồng Kông, một liên minh thân chính phủ Trung Quốc, cũng đã khởi xướng gây quỹ nội bộ để hỗ trợ tài xế và hứa sẽ hỗ trợ số tiền đến hơn 520.000 đô la Hồng Kông (tức 66.305 đô la Mỹ). Điều này làm cho dân chúng càng thêm phẫn nộ.
Có người Hồng Kông bình luận rằng: “Trọng thưởng cho người rắp tâm giết người sao? Chúng ta lỗi thời rồi, không làm sao mà theo kịp tư duy man rợ của ĐCSTQ”, “Quả thực là cú đâm thứ hai vào cô gái bị gãy hai chân kia, máu lạnh! Vô nhân tính!”.
Cứ cho rằng Trịnh không cố ý đâm người biểu tình, mặc dù video hiện trường cho thấy anh ta không hề nao núng khi lao xe vào đám đông và chiếc xe chỉ dừng lại khi gặp vật cản. Nhưng hành động “khen thưởng” của các nhân vật thân Bắc Kinh đã nói lên tất cả, rằng họ “ghi nhận chiến công” làm tổn thương, dằn mặt người biểu tình Hồng Kông của tài xế họ Trịnh.
Khen thưởng cho hành động sát nhân thay vì truy cứu trách nhiệm hình sự, đó là bước tiến nữa của ĐCSTQ trong việc hủy hoại đạo đức của người dân.
Hiện trường vụ đâm xe trên đường Trương Sa Loan (ảnh: Ntdtv).
Chính quyền Trung Quốc không hiểu thế nào là chính trị?
Khổng Tử – Bậc thầy của muôn đời mà người Trung Quốc kính ngưỡng, tự hào đã nói:
“…Thiên hạ có đạo thì người thường dân không bàn việc chính trị”, có nghĩa là khi quốc gia ổn định (có đạo), dân chúng yên ổn làm ăn, ấm no hạnh phúc thì dân chúng không việc gì phải bàn đến việc chính trị. Chỉ khi chính trị hư nát, đất nước hỗn loạn, người dân so sánh được ra tốt xấu của chính quyền thì mới lo lắng, bàn bạc về việc chính trị.
Nếu là chính quyền thực sự vì dân, thấu hiểu đạo nghĩa của tổ tiên, thì khi thấy dân Hồng Kông phải xuống đường gần 4 tháng trời, bất chấp nguy hiểm để nói về chính trị, đáng lẽ chính quyền Trung Quốc phải hiểu rằng chính thể này đã sai ở đâu rồi. Có lẽ họ vẫn hiểu, nhưng họ đã chọn cách tiếp tục nhấn chìm tiếng nói của dân bằng cách phớt lờ và công khai khen thưởng kẻ chống lại người biểu tình, thì chỉ có thể hiểu rằng mục đích lãnh đạo của họ không phải vì người dân.
Trong bốn điều cần trừ bỏ để có thể làm được việc chính trị, Khổng Tử nêu hai điều đầu tiên là: “Không dạy bảo mà giết, gọi là ác nghiệt. Không răn đe lại muốn thấy thành tựu, gọi là tàn bạo…” – (Tứ thư bình giải).
Nhưng trong lịch sử 70 năm của mình, ĐCSTQ cho thấy họ luôn đi ngược lại khi lấy giết chóc, áp bức làm phương tiện để dẫn dắt dân chúng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, họ tiến hành Cải cách ruộng đất, tiêu diệt giai cấp địa chủ. Sau đó là Cải cách công thương, tiêu diệt giai cấp tư sản. Cuộc đàn áp các phần tử bị coi là phản động và cải cách ruộng đất chủ yếu là nhằm vào các khu vực nông thôn, còn Chiến dịch Tam Phản và Chiến dịch Ngũ Phản sau đó có thể được coi là sự diệt chủng tương tự ở thành thị.
Tiếp đó là Phong trào chống cánh hữu, lừa đảo nhân sĩ bước ra nói lên tiếng nói phản biện, giúp Đảng chỉnh đốn, rồi cuối cùng khi đã tóm chắc họ là những ai thì lại khởi động Phong trào chống cánh hữu nhắm vào những người này.
Tiếp đến, ĐCSTQ tiến hành Cách mạng Văn hóa, đã giết chết bao người. Nhà văn Tần Mục viết về Cách mạng Văn hóa như sau: “Nó thực sự là một tai họa chưa từng thấy. ĐCSTQ đã bỏ tù hàng triệu người chỉ vì họ là thân nhân của một vài người (là mục tiêu khủng bố của đảng), giết chết hàng triệu người, làm tan vỡ bao nhiêu gia đình, biến bao nhiêu trẻ em thành lưu manh côn đồ, đốt sách, đánh sập những ngôi nhà cổ, và phá hủy phần mộ của những trí thức thời xưa, gây ra mọi loại tội ác dưới danh nghĩa cách mạng”.
Chẳng phải ĐCSTQ đã “không dạy bảo mà giết”, “không răn đe lại muốn thấy thành tựu” hay sao?
Với cái ý nghĩa của chính trị là “chính giả chính dã” (Chính trị là làm cho trở nên chính đáng), ĐCSTQ đã hoàn toàn đi ngược lại với ý nghĩa gốc ban đầu của từ “chính trị” trong văn hóa của Trung Hoa khi xưa.
Theo Đức Khổng, làm chính trị phải dựa trên ba mục tiêu: Thứ, Phú, Giáo. Trong đó Thứ là làm cho dân phát triển đông đúc. Phú là làm cho dân giàu có của cải, đầy đủ tiện nghi. Và Giáo là dạy bảo dân về đạo đức lễ nghĩa, điều chỉnh phong tục cho tốt đẹp. ĐCSTQ trên bề mặt có thể đã đạt được Thứ và Phú, nhưng lịch sử tồn tại của họ đã chứng minh, họ không làm được Giáo mà còn hủy hoại văn hóa Trung Hoa. Bằng những lý luận như “Chúng ta cần nhiều bạo lực hơn nữa”, “Quyền lực chính trị lớn lên từ nòng súng” (Mao Trạch Đông), “Giết chết 200 nghìn người để đổi lấy 20 năm ổn định” (Đặng Tiểu Bình), “Hủy hoại thân thể , bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính (các học viên Pháp Luân Công)” (Giang Trạch Dân), bạo lực và tranh đấu đã hình thành trong văn hóa của người Trung Quốc lớn đến mức dần thay thế những Nhân Nghĩa của 5.000 năm.
Đảng Công Sản Trung Quốc như một chính thể tà ác được hình thành từ các triết lý đấu tranh.
“Triết lý” rùng mình của ĐCSTQ
Có thể thấy, so với khái niệm về làm chính trị là gì, và những mục tiêu của người làm chính trị trong văn hóa Trung Hoa xưa, ĐCSTQ ngày nay đều không làm đúng được điểm nào. Vậy mục đích họ làm chính trị là để làm gì nếu không phải vì dân? Hơn nữa còn ra sức hủy hoại đạo đức khi gây ra những tội ác kinh thiên động địa như mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ mà tòa án quốc tế đã lên án.
ĐCSTQ không chỉ giết người mà còn khuyến khích nhân dân chém giết lẫn nhau, khiến họ trở nên thờ ơ lãnh đạm với nỗi đau khổ của người khác. Cứ khoảng chục năm lại có một “phong trào” truy và diệt một nhóm người nào đó do ĐCSTQ phát động. Người dân bị bao vây trong giết chóc liên miên, sẽ tê liệt khi thường xuyên phải đối mặt với những sự tàn ác vô nhân đạo, và hình thành một tâm lý rằng “được yên ổn mà sống là tốt lắm rồi”, “không bị đàn áp là tốt lắm rồi”. Từ đó cho phép ĐCSTQ duy trì được quyền thống trị lâu dài.
Hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc, chẳng phải đang trở thành con tin trong tay ĐCSTQ, bị dẫn dắt bởi triết học thù hận mà mất dần nhân tính đó sao? Người dân đại lục chẳng phải đang lâm nguy, noi theo tấm gương xấu từ các hành động của chính quyền mà hình thành thứ văn hóa kỳ dị khiến người nước ngoài không sao thấu hiểu nổi đó sao?