Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mới‘Cuộc chiến nội bộ’ ở Trung Nam Hải sắp đến hồi kết?

‘Cuộc chiến nội bộ’ ở Trung Nam Hải sắp đến hồi kết?

Trung Quốc từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 có rất nhiều biến động. Diễn biến trong nước chủ yếu xoay quanh đấu đá nội bộ ở Trung Nam Hải. Một bên là lực lượng của ông Tập Cận Bình, lấy danh nghĩa “chống tham nhũng” để thanh trừ đối thủ. Bên kia là phe cánh của Giang Trạch Dân, bị dồn đến chân tường, quyết chống trả đến cùng.

 

Sự khốc liệt của thanh trừng phe cánh tại Trung Quốc khiến người ta thấy rằng, khi bị động tới thì đối tượng chỉ có một kết cục duy nhất là thân bại danh liệt. Hiện đã có hơn một triệu quan chức bị bắt giữ.

Trên bề mặt, chủ tịch Tập Cận Bình đã giành được quyền lực tuyệt đối. Nhưng với phe cánh Giang Trạch Dân như vậy chưa phải là hồi kết. Từ khi nắm quyền bính vào năm 1989, Giang đã gây dựng một hệ thống quyền lực sâu rộng, đến mức hầu như vô hiệu hoá 10 năm nắm quyền của Hồ Cẩm Đào.

Việc chấp nhận cho Tập Cận Bình nắm quyền tuyệt đối chưa hẳn là bước lùi cùng đường của phe Giang. Việc đó đã tạo áp lực lớn lên ông Tập, bởi khi có vấn đề ông ta không thể đổ lỗi cho người khác, vì đã nắm hết các vị trí chủ chốt.

Thực lực của phe Giang còn đáng gờm

Trong thực tế, phe Giang vẫn còn nắm được một số khâu quyền lực quan trọng. Về mặt truyền thông và lý luận, người thân cận của Giang là Vương Hộ Ninh đã nắm giữ được vai trò này. Được coi là “quốc sư” ba đời của chủ tịch kiêm tổng bí thư, tạo ra ba học thuyết, từ “Ba đại diện” đến “Quan điểm phát triển khoa học” và nay Vương tạo ra “Trung Hoa mộng” cho Tập. Kết hợp với tung hô của truyền thông, từ “Lãnh đạo hạt nhân” đến các chiến dịch tuyên truyền nâng Tập lên tầm “thánh thượng”.

 Trong thời gian gần đây, truyền thông Trung Quốc đã không ít lần “quay giáo” tranh thủ đả kích ông Tập. Có lần là đăng bài của Đặng Tiểu Bình về “Huỷ bỏ chế độ chức vụ lãnh đạo trọn đời” (ngày 22/8/2019), lần khác lại đăng lại bài của chính Tập Cận Bình cách đây 5 năm về thực hành “chế độ nhiệm kỳ cán bộ lãnh đạo” và “xoá bỏ chức vụ lãnh đạo đạo trọn đời” (ngày 15/9/2019). Điều này cho thấy đối thủ của ông Tập đang trong thế “phản công” công khai và quyết liệt.

Bối cảnh chính trị Trung Quốc sau thời Mao đã rất dị ứng với chủ đề sùng bái cá nhân, nay phe cánh Giang đã rất thành công trong việc đưa Tập lên vị trí chính trị đầy rủi ro. Ngoài lĩnh vực đường lối tư tưởng và truyền thông, phe Giang còn nắm giữ quyền lợi ở Hồng Kông. Đó là nơi có cả hệ thống doanh nghiệp rửa tiền cho giới chóp bu chính trị, gây dựng từ thời Giang còn nắm quyền chính thức.

Năm 2017, sự việc tỉ phú hàng đầu Trung Quốc Tiêu Kiến Hoa bị bắt cóc từ Hồng Kông về đại lục, cho thấy Tập Cận Bình đã vươn tới Hồng Kông. Ông Tập buộc phải tìm cách kiểm soát được hệ thống doanh nghiệp sân sau này, thì mới kiểm soát được thực lực kinh tế của đối thủ.

Mục đích của việc đưa ra Dự Luật dẫn độ Hồng Kông của ông Tập, có lẽ là bước đi để hợp thức hoá việc bắt giữ những kẻ nắm tài chính của phe nhóm Giang. Nhưng người Hồng Kông coi tự do như sinh mạng, nên phản ứng của họ lần này có thể sẽ đi tới cùng. Cùng với bề dày quyền lực tại đây, phe Giang dễ dàng khuấy động tình hình Hồng Kông trở nên phức tạp. Những hành động bạo lực của cảnh sát, xã hội đen hành hung người biểu tình… vừa làm cho quốc tế đổ lỗi hết lên đầu Tập Cận Bình, vừa làm cho tình hình Hồng Kông trở nên bế tắc.

Một lĩnh vực được cho là nhạy cảm nhưng vẫn có người của phe Giang nắm thực quyền là cơ cấu đặc vụ. Sự việc phía Trung Quốc đột ngột thay đổi lập trường về hầu hết các điều khoản với Mỹ vào tháng 5 năm 2019, được cho là trực tiếp xuất phát từ thông tin tình báo sai về tình hình nước Mỹ. Từ bước đó tới nay, tình hình đàm phán Mỹ – Trung trở nên căng thẳng hơn hẳn.

 Từ trước đến nay, nước Mỹ và nhiều nước đều phản đối mạnh mẽ hành động gián điệp công nghệ của chính quyền Trung Quốc, nhưng giới chức Trung Quốc luôn bác bỏ vì “không có cơ sở”. Tháng 4 năm 2018, Từ Ngạn Quân, một phó giám đốc chi nhánh của Bộ An ninh quốc gia (MSS) tỉnh Giang Tô, bị bắt tại Bỉ và dẫn độ về Mỹ xét xử. Hành động có vẻ rất “hớ hênh” để bị bắt của một viên chức cao cấp này, đã làm cho chính quyền Tập Cận Bình rất mất mặt vì khó có thể chối cãi. Không biết Từ có phải là con tốt mà phe Giang thí để gây khó cho Tập trong quan hệ với Mỹ không? Nhưng đó cũng trùng với thời điểm mà quan hệ Mỹ – Trung bắt đầu nóng lên vì thường chiến và hàng loạt mâu thuẫn khác.

Cuộc chiến đang đi đến hồi kết

Trong thời gian gần đây, ông Tập có một số động thái bất thường như bất ngờ đi bái Phật tại Cam Túc, liên tục viếng Mao Trạch Đông và bí mật đưa con gái trở lại đại học Mỹ. Giới quan sát đánh giá thực lực của ông Tập đã trở nên bị động, có thể sẵn sàng cho giai đoạn sinh tử với phe cánh Giang.

Ngày 3/9/2019, trong bài phát biểu tại Trường đảng Trung ương, ông Tập đã 58 lần nhắc tới từ “đấu tranh”. “Đấu tranh” là triết lý của chính quyền Trung Quốc, nói về lịch sử đối nội đối ngoại mấy chục năm qua tại Trung Quốc cũng chỉ là lịch sử của các cuộc đấu tranh.

Trong suốt thời kì Mao Trạch Đông cầm quyền, đã có nhiều đối thủ chính trị bị thanh trừng thẳng tay. Từ Bành Đức Hoài, Lưu Thiếu Kì, Lâm Bưu… hoặc bị giam lỏng đến chết, hoặc bị chết vì “tai nạn”. Lịch sử tàn khốc của đấu đá nội bộ của chính quyền Trung Quốc làm cho các phe phái chỉ có một lựa chọn, đó là đưa đối thủ vào tử huyệt.

Cuộc đấu tranh nội bộ của phe phái trên chính trường Trung Quốc đã đến giai đoạn sinh tử. Mỗi bên chỉ cần tiến thêm một bước nữa là bên còn lại có thể “thân bại danh liệt”. Nhưng những bước đi cuối cùng này, giống như những nước cờ đã đi ở đặc khu Hồng Kông, có thể dẫn đến những biến động long trời lở đất trong lòng “quốc gia trung tâm” này.

RELATED ARTICLES

Tin mới