Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐàm luậnNhững việc làm sai trái của TQ ở Biển Đông cần được...

Những việc làm sai trái của TQ ở Biển Đông cần được ngăn chặn

Ngang nhiên coi thường luật pháp quốc tế

Theo dữ liệu từ trang Marine Traffic chuyên theo dõi hàng hải, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng ít nhất hai tàu hộ tống đã rời vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam hôm 24-10 và đang thực hiện hành trình hướng về phía Trung Quốc. Khi được hỏi về thông tin nhóm tàu này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói tàu hiện “đã hoàn tất” hoạt động “khảo sát khoa học”.

Tàu địa chất Hải Dương 8 cùng nhóm tàu hộ tống bắt đầu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Trước hết, khu vực bãi Tư Chính cùng những nơi mà tàu Hải Dương 8 tiến hành khảo sát trong hơn 3 tháng qua đều nằm cách bờ biển Việt Nam dưới 200 hải lý, trong khi cách bờ biển Trung Quốc rất xa, tức là hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của UNCLOS. 

Không viện dẫn UNCLOS mà chỉ đưa ra tuyên bố chung chung rằng, khu vực biển mà nhóm tàu Hải Dương 8 hoạt động là vùng biển thuộc quyền tài phán của mình, Trung Quốc muốn nhắc tới khái niệm “đường lưỡi bò” 9 đoạn mà nước này tự áp đặt trên Biển Đông, chiếm tới 80% diện tích của vùng biển này, xâm lấn vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, ai cũng biết không có nước nào trong khu vực và trên thế giới công nhận “đường lưỡi bò” 9 đoạn này. Tháng 6-2016, Tòa Trọng tài thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã phán quyết rất rõ ràng rằng, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “Đường lưỡi bò” 9 đoạn.

Khu vực nhóm tàu Hải Dương 8 hoạt động cũng không thể coi là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trường Sa như lập luận của Trung Quốc, bởi phán quyết của Tòa trọng tài cũng đã khẳng định rằng, tất cả các cấu trúc nổi tại Trường Sa đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa, mà chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Tất cả những dẫn chứng trên cho thấy vùng biển nơi tàu Hải Dương 8 khảo sát không thể là khu vực chồng lấn hoặc có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Một quy định khác theo UNCLOS là tại vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển có quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Mọi hoạt động thăm dò, khai thác, khảo sát, nghiên cứu đối với tài nguyên ở đó đều phải được sự chấp thuận của quốc gia ven biển.

Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu Hải Dương 8 vào khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam rõ ràng đã vi phạm các quy định của UNCLOS, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trong vùng biển của mình theo UNCLOS.

Dư luận quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam

Là một nước lớn đang vươn lên mở rộng vai trò ảnh hưởng trên trường quốc tế, lại là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đáng ra Trung Quốc phải là tấm gương trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Đáng tiếc là những việc làm của Trung Quốc liên quan đến  Biển Đông lại không đi liền với tuyên bố của nước này.

Trước hết, tham gia ký kết UNCLOS nhưng Trung Quốc không tuân thủ quy định của Công ước, ngang nghiên áp đặt “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Khi Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò”, Trung Quốc lại thực hiện chính sách 3 không “Không thừa nhận thẩm quyền, không tham gia tố tụng và không chấp nhận phán quyết”, ngang nhiên thách thức phán quyết của Tòa, đi ngược lại giải thích luật biển quốc tế được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Trên thực địa, Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng theo hướng có lợi bằng cách sử dụng chiến thuật “vùng xám”. Nghĩa là không sử dụng lực lượng quân sự chính quy mà dùng đội tàu cá, dân binh và hải cảnh để thách thức sự hiện diện hợp pháp của ngư dân và cơ quan thực thi pháp luật hàng hải của  các quốc gia ven biển. Bằng cách này, Trung Quốc cố làm suy yếu chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển ngay chính trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của những nước này.

Năm 2018, Trung Quốc đưa ra đề xuất hợp tác kinh tế biển với các quốc gia ven Biển Đông và không bao gồm các công ty từ những nước ngoài khu vực, đồng thời gây sức ép buộc các nhà thầu nước ngoài rút lui. Nói cách khác, Trung Quốc phản đối các quốc gia ven biển khai thác tài nguyên biển trong “đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc áp đặt, phản đối các nước này hợp tác với một nước ngoài khu vực, buộc phải hợp tác với Trung Quốc theo các điều khoản mà Bắc Kinh đưa ra.

Chính cách hành xử coi thường luật pháp quốc tế, mang tính cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông đã ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của nước này. Những việc làm đó đã khiến dư luận quốc tế phản ứng, đấu tranh để nó không lặp lại trong tương lai.  

Mới ngày 24-10 vừa rồi, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng khẳng định hành động quân sự của Trung Quốc trong khu vực và cách họ tiếp cận với láng giềng thời gian qua đang ngày càng trở nên khiêu khích. Ông Mike Pence nêu rõ, Bắc Kinh đã tăng cường sử dụng cái họ gọi là các tàu “dân binh” để thường xuyên đe dọa ngư dân và thủy thủ Philippines, Malaysia. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc còn tìm cách sử dụng vũ lực để ngăn cản Việt Nam hoạt động dầu khí ở vùng biển của Việt Nam. 

Trước đó, ngày 21-10, Đô đốc Karl L. Schultz – Tư lệnh Tuần duyên Mỹ bình luận: “Hành động của Trung Quốc, tôi gọi vui là tiếng không đi chung với hình. Chúng ta đang đề cập tới việc Trung Quốc tuyên bố phát triển hòa bình, nhưng sau đó, chúng ta lại thấy các đảo nhân tạo mọc lên ở những nơi trước đây chưa từng có”. Theo ông Karl L. Schultz, Trung Quốc dường như ngày càng quan tâm hơn đến việc thúc đẩy lợi ích của nước này trong khu vực, chứ không phải vì lợi ích của các nước châu Á khác. 

Trước những việc làm sai trái của Trung Quốc khi đưa tàu Hải Dương 8 xâm phạm vùng biển Việt Nam, cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam, trong những tháng qua, chúng ta đã có những phản ứng phù hợp với luật pháp quốc tế. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như được xác lập tại UNCLOS bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Việt Nam cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để thúc đẩy giải quyết các tranh chấp còn tồn tại, đấu tranh yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình. Theo hướng đó, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật quốc tế.

Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Biển Đông của Việt Nam đã nhận được sự chia sẻ và ủng hộ của dư luận quốc tế. Đó là cơ sở để chúng ta tin rằng, bên cạnh ý chí quyết tâm và sức mạnh dân tộc là chính nghĩa cùng cơ sở pháp lý vững chắc giúp chúng ta vượt qua những thử thách trong vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới