Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại một số tiến triển về hợp tác khai thác chung...

Nhìn lại một số tiến triển về hợp tác khai thác chung giữa Philippines và TQ ở Biển Đông trong năm 2019 và triển vọng thời gian tới

Trong năm 2019, Philippines và Trung Quốc đã nhiều lần bàn thảo về việc hợp tác khai thác chung giữa Philippines và TQ ở Biển Đông. Tuy nhiên, thực tế triển khai chưa nhiều và nhìn chung còn khá mờ mịt.

Hai nước đã ký thỏa thuận thành lập Ủy ban liên chính phủ và nhóm công tác về hợp tác khai thác chung dầu khí ở Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Ăn chia theo tỷ lệ giữa TQ (40) và Philippines (60), song với điều kiện Manila phải từ bỏ Phán quyết

Trong chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (9/2019), hai bên đã dành nhiều sự quan tâm và thảo luận về vấn đề hợp tác khai thác chung ở Biển Đông. Mặc dù kết quả chi tiết không được hai bên công bố, nhưng theo như thông tin từ Chính phủ Philipines, Bắc Kinh hứa hẹn sẽ chia cho Manila phần nhiều trong một dự án khai thác năng lượng chung ở Biển Đông, với điều kiện Philippines đặt sang một bên nội dung phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) 2016. Dự án được nhắc tới là một liên doanh khai thác khí đốt tại Bãi Cỏ Rong, cách bờ Philippines 140km, nằm hoàn toàn trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines.“Hãy để mọi người liên hệ với các công ty của Trung Quốc” ông Duterte dẫn lời ông Tập Cận Bình. “Nếu như đạt được gì, chúng tôi (Trung Quốc) sẽ đủ nhã nhặn để trao cho quý vị 60%, còn họ (các công ty Trung Quốc) sẽ chỉ được 40%. Ông Tập Cận Bình hứa hẹn thế”. Như vậy, nếu diễn ra đúng tính toán thì tỷ lệ ăn chia lợi nhuận sẽ là 6:4, tức 60% cho Philippines và 40% cho người Trung Quốc. Ông Duterte không cho biết là ông có đồng ý với lời mời chào của ông Tập hay không, song tuyên bố “sẽ phớt lờ để có hoạt động kinh tế”.

Thành lập Ủy ban điều hành liên chính phủ về khai thác chung

Cũng trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hai bên đã thành lập một Ủy ban điều hành liên chính phủ chịu trách nhiệm giám sát hoạt động khai thác chung giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông. Thành phần Uỷ ban này sẽ gồm các chuyên gia, quan chức của hai nước chủ yếu trong lĩnh vực quản lý nhà nước và năng lượng. CNN Philippines đã có được văn bản đó từ Trung Quốc. Theo hãng tin CNN Philippines, Uỷ ban gồm 7 thành viên phía Trung Quốc, dẫn đầu là Thứ trưởng Ngoại giao La Chiếu Huy với tư cách đồng chủ tịch và Phó cục trưởng Cục Năng lượng quốc gia Lý Phàm Vinh với tư cách đồng phó chủ tịch”. Các thành viên khác gồm: Hong Liang, Vụ trưởng Vụ các vấn đề Biên giới và Đại dương, Bộ Ngoại giao; Shen Minjuan, Phó vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á, Bộ Ngoại giao; Gou Haibo, Cố vấn của Vụ Hiệp ước và Luật, Bộ Ngoại giao; Liang Jinzhe, Phó chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; Liu Hong, Phó vụ trưởng Vụ Dầu và Khí, Cục Năng lượng Quốc gia. Phái đoàn Philippines gồm 8 quan chức, gồm đồng chủ tịch, đồng phó chủ tịch và 3 thành viên khác từ Bộ Ngoại giao, cùng 1 thành viên tới từ Bộ Năng lượng, 1 từ Bộ Tư pháp và 1 từ Cơ quan Bản đồ và Thông tin Tài nguyên Quốc gia. Việc bổ nhiệm các thành viên vào Ủy ban điều phối là nhằm thúc đẩy Biên bản Ghi nhớ (MOU) về Hợp tác Phát triển Dầu và Khí được Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ký kết hồi tháng 11/2018 trong chuyến thăm Manila của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Việc thành lập Uỷ ban này đối với Philippines được xem là nhằm thể hiện tính minh bạch, xoa dịu dư luận, nghi ngờ của người dân và giới chính trị nội bộ nước này.

Khác thác chung sẽ do các công ty TQ hợp tác với Philippines

Dự án được nhắc tới là một liên doanh khai thác khí đốt tại Bãi Cỏ Rong, tên quốc tế là Reed Bank, cách bờ Philippines 140km, nằm hoàn toàn trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines.Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết:“Hãy để mọi người liên hệ với các công ty của Trung Quốc”. Các công ty Trung Quốc sẽ nhận 40% còn lại Philipines nhận 60%. Như vậy, điều này cho thấy chủ thể quyết định việc hợp tác khai thác chung là chính phủ hai nước, nhưng đối tượng thực hiện trực tiếp các thỏa thuận sẽ là các công ty tư nhân hoặc thuộc sở hữu của nhà nước của Trung Quốc và Philippines.Theo các nguồn tin, Trung Quốc đã chỉ định Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc là đại diện của họ trong tất cả các nhóm công tác. Philippines sẽ chỉ định doanh nghiệp vốn đang có hợp đồng dịch vụ với chính quyền trong khu vực sẽ được khai thác. TOR ghi rõ rằng nếu không có doanh nghiệp nào đáp ứng điều này, thì Công ty Dầu khí Quốc gia Philipppines sẽ đại diện cho nước này.

Ký kết các điều khoản tham chiếu về hoạt động khai thác tài nguyên chung ở vùng biển có tranh chấp

Ngay trước chuyến công du Bắc Kinh của ông Duterte, hai nước đã ký kết các điều khoản tham chiếu về hoạt động khai thác tài nguyên chung ở vùng biển có tranh chấp (TOR).Nói chuyện với các nhà báo ở Philippines hôm thứ Ba 10/9, ông Duterte cho biết ông Tập đã hứa chia cho Philippines phần lợi lớn hơn với một dự án khai thác dầu khí chung trong vùng dặc quyền kinh tế của Philippines.Theo MOU, hai chính phủ sẽ thiết lập một ủy ban điều phối liên chính phủ và một hoặc nhiều Nhóm công tác liên doanh nghiệp mà sẽ bao gồm đại diện từ các doanh nghiệp được hai chính phủ ủy quyền. TOR, văn bản hướng dẫn thực thi MOU, ghi rõ rằng một nhóm công tác sẽ được thành lập ngay khi Trung Quốc nhận được và xác nhận thông báo chỉ định (các) doanh nghiệp Philippines tham gia nhóm công tác. Theo TOR, nhóm này sẽ có thẩm quyền đầy đủ để ngay lập tức triệu tập các cuộc thảo luận và đàm phán về các thỏa thuận thương mại và kỹ thuật liên doanh nghiệp mà ủy ban nhất trí.

Vẫn còn đó những ý kiến phản đối, chỉ trích mạnh mẽ từ người dân và nội bộ Chính quyền Philippines

Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo mạnh mẽ đả kích nhà lãnh đạo Philippines là “cực kỳ vô trách nhiệm” khi cân nhắc khả năng gạt sang một bên “chiến thắng vẻ vang của Philippines trước tòa án trọng tài” để hợp tác với Bắc Kinh khai thác năng lượng chung trong khu dặc quyền kinh tế Philippines.Bà Leni Robredo, cũng là lãnh đạo phe đối lập, không che dấu sự bất bình của mình. Trang Rappler.com dẫn lời bà phát biểu: “Bảo đảm một tương lai tốt đẹp hơn cho con cháu chúng ta có lẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất, khó khăn nhất của bất cứ chính phủ nào. Bán rẻ tương lai ấy để đạt một thỏa thuận khai thác dầu khí chung với Trung Quốc là một cách đáng hổ thẹn, để trốn tránh trách nhiệm đó”. Phó Tổng thống Robredo phản bác lập luận của ông Duterte rằng khẳng định chủ quyền của Philippines trên Biển Tây Philippines (Việt Nam gọi là Biển Đông), sẽ dẫn tới chiến tranh với Trung Quốc. Bà nói khẳng định chủ quyền lãnh thổ không nhất thiết dẫn tới chiến tranh với Trung Quốc. Bà đơn cử cách xử lý của Việt Nam và Indonesia: “Chiến tranh không phải là phương tiện duy nhất để khẳng định các quyền của chúng ta đối với khu dặc quyền kinh tế của mình. Các nước láng giềng của chúng ta, Việt Nam và Indonesia, đã nhiều lần chứng minh điều đó”. Bà chất vấn: “Tại sao Tổng thống và chính quyền của ông lại chính là những người coi nhẹ chiến thắng dứt khoát của chúng ta trước tòa trọng tài quốc tế năm 2016 với những phát biểu như thế?”.

Những trở ngại của TQ và Philippines trong năm 2020

Một là, trở ngại về luật pháp Philippines. Hiến pháp Philippines có những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; yêu cầu việc này phải được thực hiện dưới sự kiểm soát và giám sát toàn diện của nhà nước. Quy định “Nhà nước có thể trực tiếp thực hiện các hoạt động trên hoặc có thể ký hợp đồng cùng sản xuất, liên doanh hoặc thỏa thuận phân chia sản lượng với công dân Philippines hoặc với công ty do công dân Philippines kiểm soát 60% số vốn trở lên”. Hiến pháp cũng có những quy định nghiêm ngặt đối với các công ty hoặc tổ chức này. Ngoài ra, năm 2006 Philippines còn có thêm quy định hành chính của chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Philippines chia lô đấu thầu và cấm mọi thỏa thuận chuyển nhượng của cơ quan chính phủ, bao gồm cả hợp đồng thăm dò. Sự thay đổi này khiến các doanh nghiệp nhà nước Philippines bị hạn chế trong việc hợp tác với các đối tác nước ngoài. Mặc dù ông Duterte mong muốn thay đổi những quy định này, nhưng không dễ để sửa lại luật.

Hai là, hiện trạng quan hệ Trung Quốc – Philippines vẫn đang trong giai đoạn biến đổi mạnh mẽ và những trở ngại chính trị đối với việc khai thác chung là không nhỏ. Ông Duterte kể từ khi nhậm chức đã đến thăm Trung Quốc 5 lần, tỏ rõ rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc so với chính phủ trước đây và có thái độ thực dụng và ôn hòa hơn nhiều trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, cuộc đối đầu nguy hiểm do vụ kiện trọng tài Biển Đông thực sự đã xảy ra cách đây 3 năm; cho dù việc biến chuyển quan hệ Trung Quốc – Philippines diễn ra nhanh chóng, nhưng rất khó để bù đắp thiệt hại gây ra vào thời điểm đó. Từ cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino tích cực đối kháng Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đến việc thay đổi mạnh mẽ thái độ đối với Trung Quốc của ông Duterte, những tiếng nói phản đối của phe đối lập trong nước Philippines không lúc nào ngưng. Phó tổng thống và quân đội Philippines luôn là tiếng nói mạnh mẽ trong nội bộ chính phủ phản đối chính sách “thân Trung Quốc”. Ngay trước chuyến thăm của ông Duterte tới Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã nói ông lo lắng rằng Bắc Kinh sẽ lợi dụng trung tâm cá cược Philippines (ở gần trụ sở chỉ huy quân đội) để hoạt động gián điệp và đã diễn ra trận khẩu chiến giữa ông với phía Trung Quốc. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ người dân Philippines ủng hộ ông Duterte cầm quyền là 80% hoặc cao hơn; nhưng hầu hết người Philippines bày tỏ họ không tin tưởng vào Trung Quốc; 71% tin rằng vấn đề Biển Đông nên được chính phủ mở rộng, kêu gọi sự chú ý của quốc tế. Có thể thấy rằng đường lối “thân Trung” của ông Duterte dựa vào mức độ được hoan nghênh và uy quyền của chính phủ. Tuy nhiên, trong nước Philippines dù là giới chính trị, quân sự hay dân chúng đều thiếu cơ sở để thay đổi hoàn toàn quan hệ Trung Quốc – Philippines. Hiện tượng mất niềm tin đối với Trung Quốc vẫn tồn tại.

Ba là, từ yêu cầu của hai nước mà xét, thăm dò chung ở Biển Đông không phải là chuyện ưu tiên trong giai đoạn này. Theo văn bản chính thức của Trung Quốc, khi ông Tập Cận Bình gặp gỡ ông Duterte ngày 29/8, đã bày tỏ hai bên có thể “đi những bước mạnh hơn” trong hợp tác khai thác chung dầu khí trên biển. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc và Philippines nên “tập trung tinh lực vào hợp tác, làm những việc thiết thực và tìm kiếm sự phát triển”, nhưng việc hợp tác khai thác chung Biển Đông có thể không phải là khía cạnh cấp bách nhất trong hợp tác và phát triển của ông Duterte. Sau khi đắc cử tổng thống, ông Duterte đã đến thăm Trung Quốc hàng năm. Năm nay ông đến thăm Trung Quốc hai lần, thương mại giữa hai nước đã tăng nhanh. Đầu tư của Trung Quốc vào Philippines trong những năm gần đây đã tăng hàng trăm lần so với trước kia. Tuy nhiên, điều đó không đủ đối với chính phủ của ông Duterte. Một trong những lý do chính khiến chính sách “thân Trung” của ông Duterte bị chỉ trích ở Philippines là tháng 10/2016 ông đến thăm Trung Quốc và ký một hiệp định viện trợ trị giá 24 tỷ USD với Trung Quốc. Thế nhưng, chỉ có một phần rất nhỏ hiệp định này được thực hiện. Trung Quốc cam kết đầu tư vào các dự án đường sắt, cầu cảng, năng lượng và khai mỏ của Philippines, nhưng lại không có thời gian biểu. Theo ông Ernesto Pernia Cục trưởng Quy hoạch Kinh tế Philippines, trong hai năm qua, Philippines chỉ ký được với Trung Quốc hợp đồng vay 73 triệu USD để cấp vốn cho một dự án thủy lợi ở phía bắc Manila và một thỏa thuận Trung Quốc cho vay 75 triệu USD để xây dựng hai cây cầu ở Manila. Theo báo chí Philippines, các dự án khác ở Philippines, chẳng hạn như nhà máy thủy điện trị giá 1 tỷ USD do Tập đoàn Điện lực Trung Quốc xây dựng ở khu vực Mindanao; Nhà máy Thép không gỉ trị giá 700 triệu USD do Tập đoàn kim loại màu Trung Quốc xây dựng đều bị gác lại với những lý do khác nhau. Đối với Tổng thống Duterte, việc để cho cử tri Philippines thấy những lợi ích thực sự của đường lối “thân Trung Quốc” có thể là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Còn vấn đề khai thác chung dầu khí ở Biển Đông không chỉ tồn tại trở ngại pháp lý và khó khăn về kỹ thuật, mà còn cực kỳ nhạy cảm về chính trị. Đây tuyệt đối không phải là ưu tiên hàng đầu của ông.

Bốn là, từ việc giải quyết vấn đề Biển Đông, hoạt động thăm dò chung Trung Quốc – Philippines có rất ít trọng lượng trong toàn bộ tiến trình. Tuy Trung Quốc coi trọng khía cạnh thực tiễn của hợp tác Trung Quốc – Philippines, nhưng hợp tác thăm dò dầu khí chỉ là phần rất nhỏ trong toàn bộ việc làm dịu tình hình và hợp tác ở Biển Đông. Vấn đề ngày càng cấp bách hơn và có ý nghĩa lịch sử hơn là xây dựng cơ chế ổn định Biển Đông. Ông Tập Cận Bình đã nói với ông Duterte rằng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là một công việc tiên phong cho việc lập ra luật lệ Biển Đông. Cả hai bên nên nỗ lực để thúc đẩy đạt được bộ quy tắc vào năm 2021 hoặc sớm hơn. Tuyên bố về “công việc tiên phong của việc lập ra luật lệ” là sự nhấn mạnh về địa vị và ý nghĩa lịch sử của COC. Trước khi hoàn thành việc xây dựng hệ thống luật lệ, Trung Quốc và Philippines rất khó có thể hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông liên quan đến tranh chấp chủ quyền, không phải dễ dàng để đạt được sự yên ổn ngày hôm nay, tuy hai bên nhất trí đẩy nhanh hợp tác trong thăm dò tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, nhưng cũng đều không muốn vì thế mà làm phát sinh những điểm mâu thuẫn mới. Việc thành lập các ủy ban liên chính phủ và các nhóm làm việc về tài nguyên dầu khí có lẽ chỉ là là một ý định và một cử chỉ, dự kiến sẽ mất rất nhiều thời gian để bàn luận và ráp nối.

RELATED ARTICLES

Tin mới