Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết:...

Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết: Các nước ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Việt Nam và ASEAN về Biển Đông

Từ ngày 25-26/10 tại Baku, Azerbaijan đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao lần thứ 18 Phong trào Không liên kết. Phái đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu tham dự Hội nghị. Bên lề chương trình nghị sự, trong các cuộc gặp song phương, các bên đã trao đổi sâu sắc và thể hiện quan điểm trong vấn đề Biển Đông.

Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 18 có sự góp mặt của hàng chục nhà lãnh đạo là nguyên thủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Tổng thống và Phó Thủ tướng… đại diện cho hơn 100 quốc gia thành viên của Phong trào Không liên kết.Phong trào Không liên kết được thành lập vào năm 1961, đến nay có 120 nước thành viên, 17 nước quan sát viên, trở thành tổ chức có số lượng thành viên lớn thứ hai thế giới sau Liên hợp quốc. Phong trào Không liên kết là tập hợp lực lượng của các nước đang phát triển, với mục tiêu chính là bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển; đóng góp duy trì hòa bình, độc lập dân tộc; chung sống hòa bình giữa các quốc gia và chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp, công bằng cho mọi dân tộc. 

Bối cảnh diễn ra Hội nghị

Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết lần thứ 18 – với sự tham gia của Việt Nam, quốc gia chính thức gia nhập Phong trào này năm 1976, cùng nhiều thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – diễn ra trong bối cảnh hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông do Trung Quốc gây ra. Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra hung hăng hơn trong việc hiện thực hóa tham vọng “đường lưỡi bò 9 đoạn” mà theo đó đòi chủ quyền phi lý và phi pháp đối với 80% diện tích Biển Đông.

Khu vực mà Trung Quốc đơn phương đòi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” xâm lấn chủ quyền của 5/10 thành viên ASEAN, gồm Brunei, Philippines, Malaysia và Indonesia và Việt Nam. Sau khi dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, Trung Quốc những năm qua đã có những hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Philippines, Việt Nam được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đặc biệt, suốt từ tháng 7 đến hôm 24/10 vừa qua, Trung Quốc đã đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng đội tàu vũ trang hộ tống đông đảo xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính thuộc phía Nam Biển Đông. Hành vi leo thang căng thẳng và nguy hiểm này đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, đồng thời đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà cả thế giới.

Tổng thống nước chủ nhà Azeribaijan ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề Biển Đông

Trong cuộc gặp giữa Tổng thống nước chủ nhà Ilham Aliyev và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh (24/10), hai bên nhất trí cần đề cao thượng tôn pháp luật trong quan hệ quốc tế. Về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, Tổng thống Azeribaijan ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về việc duy trì hoà bình, ổn định, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí sẽ tăng cường phối hợp tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, nhất là Liên hợp quốc và Phong trào Không liên kết. Hai bên cũng chia sẻ quan điểm cần nâng cao vai trò, hiệu quả của Phong trào Không liên kết trong việc góp phần giữ gìn hòa bình và ổn định trên thế giới.

Trước đó, phía Việt Nam rất coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Azerbaijan. Để đưa quan hệ giữa hai nước đi vào chiều sâu thực chất hơn nữa, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, Phó Chủ tịch nước đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, phát huy hiệu quả cơ chế Uỷ ban liên Chính phủ và hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, giáo dục đào tạo, du lịch… Về phần mình, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev mong muốn tăng cường hơn nữa giao lưu nhân dân, du lịch, văn hoá giữa hai dân tộc. Ông khẳng định Azerbaijan coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á và sẽ nỗ lực hơn nữa để đưa quan hệ giữa hai nước phát triển hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực cho tương xứng với tiềm năng to lớn của hai nước.

Phó Tổng thống Ấn Độ ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông

Trong cuộc gặp giữa Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh với Phó Tổng thống Ấn Độ Muppavarapu Naidu (25/10), Phó Tổng thống Ấn Độ khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh bày tỏ rất hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, đặc biệt từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện tháng 9/2016. Để đưa quan hệ Việt Nam – Ấn Độ ngày càng đi vào chiều sâu, Phó Chủ tịch nước đề nghị hai bên phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 15 tỷ USD vào năm 2020. Hoan nghênh hãng hàng không Indi Go của Ấn Độ đã mở đường bay thẳng đầu tiên giữa hai nước, với chặng bay Kolkata – Hà Nội từ ngày 3/10 vừa qua, Phó Chủ tịch nước đề nghị Ấn Độ tiếp tục thúc đẩy các hãng hàng không tăng cường kết nối và sớm khai thác các đường bay thẳng khác giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hãng hàng không của Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước cũng hoan nghênh đầu tư của các doanh nghiệp Ấn Độ vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như năng lượng, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp chất lượng cao và dầu khí. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước đề nghị hai bên tăng cường hợp tác, phối hợp tại các diễn đàn đa phương cùng là thành viên, nhất là Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết và các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ ASEAN – Ấn Độ.

Phó Tổng thống Ấn Độ Naidu bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực, nhất là trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Phó Tổng thống Naidu khẳng định Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ, và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

RELATED ARTICLES

Tin mới