Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBiển Đông sẽ là vấn đề nổi bật tại Hội nghị thượng...

Biển Đông sẽ là vấn đề nổi bật tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 14

Từ 2-4/11, diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 14 tại Bangkok (Thái Lan). Dự kiến, Thái Lan và ASEAN có thể sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông trong Tuyên bố chung tại hai Hội nghị trên.

Tờ The Economic Times của Ấn Độ cho biết, Thái Lan và ASEAN có thể sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung dự kiến được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 14 tại Bangkok. Theo đó, tình hình liên quan đến sự hung hăng của Trung Quốc tại bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam sẽ là một trọng tâm thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS); đồng thời khẳng định ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng các lãnh đạo tại EAS có thể nêu tình trạng hiện thời và kêu gọi kiềm chế, tôn trọng UNCLOS và tự do hàng hải. Được biết, một số lãnh đạo tại EAS cũng có thể nêu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với tài sản năng lượng của họ trong khu vực”. Một số ý kiến cũng cho rằng vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại EAS. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các nước Đông Á cũng sẽ nêu bật tầm quan trọng của trật tự dựa trên luật pháp và sự cần thiết phải có giải pháp hòa bình đối với tranh chấp, cũng như tự do hàng hải trong khu vực.

Theo một tài liệu của ASEAN tiết lộ ngày 21/10, các nhà lãnh đạo khối này sẽ thảo luận về cách thức tạo điều kiện cho người tị nạn Rohingya hồi hương Myanmar tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Bangkok, cũng như các nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Bản dự thảo cho thấy, 10 nhà lãnh đạo sẽ tái khẳng định mong muốn ASEAN nâng cao vai trò trong việc tạo điều kiện cho quá trình hồi hương tự nguyện người Rohingya từ các trại tị nạn ở Bangladesh theo cách “an toàn, nghiêm túc” và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột để đạt được giải pháp lâu dài. Về vấn đề Biển Đông, tài liệu cho biết, các nhà lãnh đạo khu vực sẽ tiếp tục bày tỏ lo ngại về các hoạt động bồi đắp và hoan nghênh tiến triển trong đàm phán đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc về “Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông – COC”. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng sẽ thảo luận một loạt vấn đề quan trọng khác như thương mại toàn cầu, các vấn đề môi trường, bao gồm biến đổi khí hậu, rác thải đại dương và ô nhiễm khói bụi.

Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị liên quan, các nước đã trao đổi về tình hình thế giới và khu vực, các nước ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), song cũng chia sẻ quan ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp trên thực địa, nhất là quân sự hóa và các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình, dẫn đến xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển khu vực, bao gồm Biển Đông; nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); nhấn mạnh thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và khuyến khích các nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Phát biển tại Hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (1/8) cũng đã lên tiếng chỉ trích hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như việc Bắc Kinh xây đập ở thượng nguồn sông Mekong. Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi các nước trong khu vực “công khai bày tỏ lập trường phản đối hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông”. Ông Pompeo cũng cho rằng việc Trung Quốc xây đập ở thượng nguồn sông Mekong đã gây ra tình trạng mực nước thấp kỷ lục trong thập kỷ qua, ảnh hưởng đến tuyến đường vận chuyển huyết mạch này. Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên trong năm nay với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52). Hai bên đã thảo luận về hàng loạt vấn đề, từ cuộc chiến thương mại giữa hai nước, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với tập đoàn viễn thông Huawei, vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, quyền tiếp cận đối với các vùng biển tranh chấp, vấn đề Đài Loan…

Ngoài ra, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc (31/7), các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã thẳng thắn trao đổi về những diễn biến gần đây tại khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông. Trong khi tích cực ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC, nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Các Bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất COC hiệu quả, hiệu lực.

Được biết, Thái Lan hiện đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho các hội nghị sắp tới. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan, Trung tướng Kongcheep Tantravanich (22/10) cho biết, Thái Lan đang tiến hành một đợt kiểm tra toàn diện công tác an ninh, chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan. Theo tướng Kongcheep, Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon vốn là người phụ trách an ninh quốc gia đã ra lệnh cho các cơ quan liên quan kiểm tra lại các kế hoạch an ninh và khả năng sẵn sàng triển khai các kế hoạch này trong ba ngày diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN 35, từ ngày 2-4/11. Các cơ quan liên quan đã được chỉ đạo phải cẩn trọng trước mọi tình huống và phải bảo đảm các biện pháp an ninh được thực thi phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan thông báo, các chiến dịch tình báo cũng sẽ được tăng cường nhằm mục đích ngăn chặn bất kỳ tình huống nào có thể làm gián đoạn các hội nghị sắp tới. Các cơ quan liên quan công tác bảo đảm an ninh cho các hội nghị, bao gồm Bộ Nội vụ, Chính quyền hành chính Bangkok và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan. Những cơ quan này sẽ kiểm tra khả năng hoạt động của các camera an ninh ở Thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, các chiến dịch an ninh cũng sẽ được đồng bộ hóa để có thể giám sát hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu biên giới. Ngoài ra, theo Phó Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Thái Lan Suwat Chaengyotsuk cho biết, hơn 10.000 cảnh sát sẽ được huy động bảo đảm an ninh cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan, bởi đây là sự kiện quan trọng cuối cùng trong năm của ASEAN với sự hiện diện của các nhà lãnh đạo thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới