Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChống tham nhũng kiểu Putin: 'Quan' không dám tham dù trong ý...

Chống tham nhũng kiểu Putin: ‘Quan’ không dám tham dù trong ý nghĩ

Gói dự luật do đích thân Tổng thống Putin đề xuất dự báo sẽ khiến cho tất cả quan chức Nga không dám thực hiện hành vi tham nhũng, dù là trong ý nghĩ.

Để các quan chức ngừng nhận hối lộ, hai điều phải được đảm bảo: đã tham nhũng kiểu gì cũng bị trừng phạt và không có phương án tiêu tiền bất chính. Logic này, theo sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, được thể hiện dưới dạng 3 dự luật. Tất cả dự luật này được Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) phê chuẩn trong lần xem xét thứ ba, và đang được trình lên Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) xem xét.

Hết chức chưa hết tội

Quốc hội Nga gọi các biện pháp do Tổng thống Putin đề xuất là “chưa từng có tiền lệ”. Ý tưởng của ông Putin là kiểm tra chi tiêu của tất cả các quan chức ngay cả khi họ không còn đương chức. Theo đó, mọi giao dịch mua bán bất động sản, du thuyền, xe hơi và chứng khoán đều sẽ được kiểm soát. Tất cả giao dịch được thực hiện trong vòng 3 năm “đương chức” gần nhất sẽ được rà soát lại, nếu tổng số tiền vượt quá thu nhập chính thức của gia đình công chức.

Theo luật hiện hành, việc kiểm soát như vậy mới chỉ được thực hiện trong thời gian thuyên chuyển công tác hoặc về hưu, và công tác thanh tra sẽ được đảm trách bởi các đơn vị chống tham nhũng tại nơi của quan chức đó làm việc.

Dự luật mới có 2 thay đổi quan trọng. Thứ nhất, sau khi quan chức nghỉ công tác, tất cả tài liệu về các khoản chi tiêu của quan chức đó sẽ được chuyển đến văn phòng công tố, và việc xác minh sẽ được tiến hành trong vòng 6 tháng.

Theo ông Alexei Kondratiev, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Hội đồng Liên bang, tùy vào tình hình, thời hạn thanh tra các quan chức miễn nhiệm có thể tăng lên. “Pháp luật được xây dựng từ thực tiễn áp dụng luật. Nếu thực tiễn cho thấy thời hạn cần phải được tăng lên, thì chúng ta luôn có thể sửa đổi” – thượng nghị sĩ nói.

Đồng thời, ông Kondratiev cũng cảnh báo, bất kỳ hành động nào cũng sẽ vấp phải sự đối phó: “Mọi động thái của nhà nước đều luôn bị kẻ xấu nghiên cứu kỹ. Chúng muốn tìm ra kẽ hở để luồn lách”.

Tiền hối lộ mất giá trị

Nếu một quan chức không thể chứng minh được ngôi nhà hoặc chiếc xe riêng của mình được mua bằng “tiền lương”, thì số tài sản đó sẽ bị tịch thu sung công quỹ. Và đây là điểm mới quan trọng thứ hai của cải cách chống tham nhũng do Tổng thống đề xuất: người nhận hối lộ sẽ bị tịch thu mọi tài sản phi pháp có được.

“Việc đe dọa tịch thu tài sản từ những nguồn thu nhập bất chính sẽ đóng vai trò là một biện pháp phòng ngừa, bởi nếu nhận ra việc mua bán đó là vô ích, các quan chức sẽ không còn mục đích tham nhũng nữa” – ông Andrei Klishas, Chủ tịch Ủy ban Pháp chế và xây dựng nhà nước Hội đồng Liên bang, cho biết.

Nếu các quan chức cố gắng bán hoặc tiêu hủy số tài sản bất chính đó, thì cũng chẳng có ích gì: trong trường hợp này, dự luật quy định các quan chức sẽ phải đóng vào ngân sách nhà nước số tiền đúng bằng giá trị của tài sản đó.

Tài khoản “trong tầm ngắm”

“Tại Nga, luật chống tham nhũng trong những năm qua có thể nói là không mấy hiệu quả. Và gói dự luật này sẽ cho phép kiểm soát bất kỳ quan chức hay doanh nhân nào” – ông Alekxei Kondratiev đánh giá quy mô sáng kiến của Tổng thống.

Tăng cường kiểm soát hoạt động tài chính liên quan đến các cơ quan chính phủ là một trong những siêu nhiệm vụ của “cải cách chống tham nhũng” kiểu Putin. Ví dụ, các cơ quan chống tham nhũng của chính phủ từ giờ có thể được nhận thông tin từ các ngân hàng Nga về hoạt động tài khoản và tiền gửi của bất kỳ cá nhân và tổ chức nào.

Khi mọi giao dịch thông qua ngân hàng đều “trong tầm ngắm”, các quan chức chắc chắn sẽ không dám có ý nghĩ tham nhũng.

 Nếu dự luật được thông qua, cả người đứng đầu các tập đoàn nhà nước và các quỹ ngoài ngân sách nhà nước cũng có thể nhận được những thông tin này. Theo ông Anton Getta, điều phối viên của dự án “Vì giao dịch trung thực”, thành viên Ủy ban Thị trường tài chính Duma Quốc gia, trước đây chỉ có các cơ quan kiểm soát mới có thể nhận được kê khai hoạt động của các tài khoản và tiền gửi. “Nhưng giờ đây, bản thân các tổ chức cũng có thể kiểm tra nhân viên nhân viên của mình và nhận thông tin này, và do đó, công tác chống tham nhũng – phát hiện các vi phạm và xử lý theo luật hiện hành – sẽ hiệu quả hơn” – nghị sĩ nhấn mạnh.

Người nhận thông tin về hoạt động tài khoản và tiền gửi sẽ có trách nhiệm giữ bí mật ngân hàng và chỉ sử dụng nó vào mục đích kiểm tra tham nhũng.

Đơn giản hóa thủ tục khởi tố, khuyến khích tố giác tham nhũng

Một loạt các sửa đổi sẽ được áp dụng trong luật liên bang nhằm cải thiện cơ chế khởi tố các cá nhân và tổ chức có hành vi tham nhũng. Theo đó, dự luật nêu chi tiết các thủ tục, quyền và nghĩa vụ của các công tố viên, tạo điều kiện thuận lợi cho họ kiểm tra và phát giác các quan chức không cung cấp được thông tin chứng minh việc mua bán tài sản là hợp pháp.

Một trong những đổi mới quan trọng là sự thống nhất và đơn giản hóa thủ tục khởi tố những người nhận hối lộ (trừ những người bị cách chức do mất lòng tin) đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Chỉ cần có báo cáo của cơ quan chống tham nhũng thuộc văn phòng công tố, trong đó đưa ra đầy đủ chứng cứ về hành vi vi phạm, là đủ để đưa ra hình phạt. Ngoài ra, thời hạn truy cứu trách nhiệm cũng được quy định thống nhất là 3 năm kể từ ngày đưa hoặc nhận hối lộ.

Các pháp nhân góp phần tố giác hành vi tham nhũng thậm chí có thể được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm. Một dự luật tương tự hiện đang được Duma Quốc gia xem xét: bảo đảm sự an toàn cho các quan chức tố giác hành vi tham nhũng theo chương trình bảo vệ nhân chứng.

Các nhà lập pháp hy vọng sự khoan hồng đối với các cá nhân và tổ chức ăn năn, hối cải sẽ cải thiện công tác phát giác tội phạm tham nhũng.

Phạt nặng tổ chức đưa hối lộ

Một trong những dự luật chống tham nhũng của Tổng thống Putin là sửa đổi Bộ luật vi phạm hành chính liên quan đến việc thu tiền phạt các tổ chức bị phát hiện đưa hối lộ cho quan chức. Theo đó, một biện pháp mới sẽ được áp dụng để đảm bảo tính răn đe: tịch thu tài sản của tổ chức vi phạm. Giá trị tài sản bị tịch thu sẽ không vượt quá mức phạt tối đa (gấp 100 lần số tiền hối lộ).

Quyết định xử phạt chỉ được đưa ra bởi tòa án sau khi xem xét báo cáo của công tố viên. Trong trường hợp tài sản bị tịch thu là không đủ, tài khoản ngân hàng của tổ chức đó cũng sẽ bị phong tỏa.

Theo ông Anton Getta, biện pháp này là một sự đảm bảo tính răn đe của luật pháp đối với các công ty có thói quen giải quyết các vấn đề của mình bằng con đường không trung thực.

“Các tổ chức vi phạm thường tìm cách chuyển tài sản của mình ra ngoài và tuyên bố phá sản để tránh bị trừng phạt vì hối lộ” – nghị sĩ cho biết. Theo ông, dự thảo này có thể sẽ giúp che lấp lỗ hổng này và tăng hiệu quả khâu phạt.

Như thượng nghị sĩ Andrei Klishas lưu ý, tất cả các dự luật do Tổng thống đề xuất đều bao hàm cả sự đảm bảo cần thiết để đối phó với những hạn chế phi lý từ các quyền, chẳng hạn như, các tổ chức được quyền kháng cáo chống thu giữ tài sản.

RELATED ARTICLES

Tin mới