Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia Nga lo sợ: Quân đội Trung Quốc quá mạnh, Trung...

Chuyên gia Nga lo sợ: Quân đội Trung Quốc quá mạnh, Trung Á bị “nuốt chửng”, Moscow bất lực

“Hướng Tây” về phía khu vực Trung Á là xu thế phát triển phạm vi ảnh hưởng hoàn toàn tự nhiên và rõ ràng của Trung Quốc – theo học giả người Nga Khramchikhin.

Khu vực Trung Á quan trọng với Trung Quốc ra sao?

Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông Aleksandr Khramchikhin, phân tích trên VPK News hôm 22/10 rằng các quốc gia trong khu vực Trung Á đều là những nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ, không được tổ chức tốt như đa số các quốc gia khác. Bởi vậy, việc gây dựng ảnh hưởng đối với các nước này đơn giản hơn nhiều. Dân số của họ rất ít, đặc biệt là so với láng giềng Trung Quốc, bởi vậy họ dễ dàng bị “nuốt chửng bằng đồng hoá”.

Trung Á sở hữu trữ lượng lớn các nguồn khoáng sản, nhưng những nền kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên này lại rất yếu kém. Vì vậy, việc mở rộng tầm ảnh hưởng bằng phương pháp kinh tế đối với Trung Quốc là điều rất có lợi, đồng thời là điều rất đơn giản. Ngoài ra, các nước cộng hoà Trung Á lại chỉ có tiềm lực quân sự không đáng kể hoặc nhỏ bé, điều không phải là vấn đề đối với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lớn mạnh.

Về khía cạnh hoàn toàn mang tính địa lý, khu vực này là cây cầu lớn tự nhiên, nối Trung Quốc với châu Âu và với Trung Đông. Ngoài ra, nơi này bảo đảm cho Trung Quốc có thể tiếp cận được phần “thắt lưng mềm” của Nga, kéo dài từ Astrakhan tới Barnaul – thành phố và trung tâm hành chính của Vùng Altai, Nga.

Vì thế, Trung Á đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện những tham vọng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc, nhất là đối với việc phát triển sáng kiến Vành đai, Con đường của chủ tịch Tập Cận Bình.

Công cuộc “hướng Tây” bằng mở rộng đầu tư kinh tế và phát triển nhân khẩu của Trung Quốc đã được thực hiện từ lâu và khá thành công. Bắc Kinh đã thích ứng với vấn đề này, cụ thể như với cơ cấu của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). 

Bởi lẽ đó, phần nhiều những nỗ lực về quân sự của Trung Quốc hoàn toàn không còn cần thiết nữa, dù không loại trừ khả năng Bắc Kinh muốn gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á trên lĩnh vực này.

Quân đội Trung Quốc có sức mạnh vượt trội

Ông Khramchikhin đánh giá, quân đội Tajikistan và Kyrgyzstan yếu hơn nhiều so với PLA. Vấn đề đối với người Trung Quốc ở đây có thể là vùng núi cao Thiên Sơn và Pamir. Nhưng với tương quan lực lượng hiện có, không có vùng núi nào có thể ngăn được Trung Quốc.

Hơn nữa, tỉ lệ dân số người Trung Quốc ở Tajikistan và Kyrgyzstan (tạm thời vẫn là thường dân) là lớn, trong khi Dushanbe được cho là có thể đã gật đầu với việc cho phép PLA triển khai các cơ sở quân sự.

Các lực lượng vũ trang Kazakhstan được coi là hùng mạnh nhất ở Trung Á, nhưng theo Khramchikhin, các đơn vị thuộc Chiến khu miền Tây và Quân khu Tân Cương của PLA có đủ sức mạnh để “giải quyết” vấn đề này, dù Kazakhstan có thể gây ra một số khó khăn nào đó cho người Trung Quốc.

Thêm vào đó, lãnh thổ của Kazakhstan khá rộng lớn. Sự phức tạp của địa hình nơi đây gây ra những khó khăn nhất định nếu Trung Quốc có ý định tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng. Chỉ có các lối đi chật hẹp để tới Kazakhstan từ phía Trung Quốc. Lối đi phía Bắc – dọc theo sông Irtysh Đen, vòng qua hồ Zaysan – sẽ là thách thức đáng kể đối với bộ binh.

Chuyên gia Nga lo sợ: Quân đội Trung Quốc quá mạnh, Trung Á bị nuốt chửng, Moscow bất lực - Ảnh 2.
Bản đồ do Washington Post đăng tải tháng 2/2019, thể hiện vị trí tiền đồn của quân đội Trung Quốc ở gần biên giới Tajikistan với Afghanistan

Tiếp đến về hướng Nam là Cổng Dzungarian. Vào tháng 8/1969, quân đội Trung Quốc đã thử băng qua khu vực này, dẫn tới trận chiến đã nổ ra gần hồ Zhalanashkol. Các thách thức đối với những lực lượng bên ngoài sẽ là hồ Alakol, tiếp đến là hồ Balkhash rộng lớn.

Cuối phía Nam và thuận lợi hơn cả là lối đi dọc theo sông Ily, mà sau đó sẽ tiến thẳng tới hồ Balkhash. Những điều kiện địa hình ở đây cho phép tổ chức phòng tuyến bảo vệ đủ mạnh và sẽ gây ra nhiều thiệt hại đáng kể cho đối thủ của Kazakhstan.

Tuy nhiên, ngay cả như thế – ông Khramchikhin chỉ ra, phía Kazakhstan không thể giành được chiến thắng, mà chỉ kéo dài thời điểm thất bại. Pháo binh và không quân Trung Quốc (khi cần thiết là cả lực lượng tên lửa) có khả năng xuyên thủng mọi phòng tuyến, còn các đơn vị và quân đoàn cơ giới không giới hạn về quân số sẽ vượt qua mọi thành luỹ tự nhiên và nhân tạo để tiến thẳng tới không gian rộng mở, nơi mà không có gì có thể ngăn cản được họ.

Chuyên gia Nga lo sợ: Quân đội Trung Quốc quá mạnh, Trung Á bị nuốt chửng, Moscow bất lực - Ảnh 3.
Các nhân viên chấp pháp Kazakhstan tạm giữ một số người biểu tình trong cuộc mít tinh phản đối ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia Trung Á này, ngày 21/9/2019 (Ảnh: REUTERS/Mukhtar Kholdorbekov)

Dù Bắc Kinh quyết liệt hay ôn hòa, Nga cũng lâm vào thế bí

Theo học giả người Nga, nếu Trung Quốc giành được quyền kiểm soát lãnh thổ Kyrgyzstan trước tiên, thì điều đó sẽ làm cho bước tiến của họ nhằm thẳng hướng Kazakhstan trở nên dễ dàng hơn, khi vòng qua tất cả những khu vực hiểm trở nêu trên. Sau đó, sự xuất hiện của các đơn vị vũ trang Trung Quốc tại châu Âu sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian 1-2 tuần.

Các lực lượng vũ trang Uzbekistan và Turkmenistan mạnh hơn quân đội của Tajikistan và Kyrgyzstan, nhưng yếu hơn của Kazakhstan. Nói tóm lại, nếu như tất cả các nước trong khu vực này “thất thủ” dưới những cuộc tấn công [giả định] của Trung Quốc, thì Tashkent và Ashgabat sẽ không còn mong muốn phản kháng. Bên cạnh đó, cả hai quốc gia này đều không tham gia vào bất cứ liên minh quân sự nào và không có đồng minh về mặt hình thức lẫn thực chất, nên sẽ không có ai tới ứng cứu họ về mặt lý thuyết.

Chuyên gia Nga lo sợ: Quân đội Trung Quốc quá mạnh, Trung Á bị nuốt chửng, Moscow bất lực - Ảnh 4.
Cư dân địa phương cho biết hàng chục, thậm chí hàng trăm binh sĩ Trung Quốc đã đóng quân tại tiền đồn ở gần biên giới Tajikistan-Afghanistan trong ba năm qua. (Ảnh: Gerry Shih/The Washington Post)

Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan là thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO). Họ có các đồng minh, quan trọng nhất trong số đó là Nga – với các đơn vị của lực lượng vũ trang Nga đang được triển khai trong khu vực này. Nga cũng đang là đối tác chiến lược của Trung Quốc.

Đương nhiên, Moscow sẽ phải lựa chọn giữa các đồng minh. Tuy nhiên, khó có thể tìm thấy ai đó ở Nga vui mừng với sự xuất hiện của quân đội Trung Quốc tại châu Âu – ngay sát Astrakhan và Volgograd, cũng như sát với Chelyabinsk, Tyumen,… Và Nga sẽ phải đưa ra những quyết định vô cùng khó khăn. Nhưng đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Tuy nhiên, nếu như người Trung Quốc tiến sát tới Astrakhan và Volgagrad bằng phương pháp hoà bình – điều được cho là đang diễn ra, Moscow khó có giải pháp nào đó hiệu quả để ngăn cản được Bắc Kinh. Hơn nữa, Nga không thể cản thiệp sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc vào các nước Trung Á không có biên giới chung với Nga.

“Suy cho cùng thì kết cục vẫn giống nhau. Và đáng buồn [đối với Nga],” ông Khramchikhin bình luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới