Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ có bước đột...

Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ có bước đột phá tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35

Bộ Ngoại giao Philippines (28/10) cho biết, Tổng thống Rodrigo Duterte dự kiến thúc đẩy việc hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) khi dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan.

Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Junever Mahilum-West cho biết, Tổng thống Duterte nhiều khả năng phát biểu về vấn đề COC tại hội nghị trong bối cảnh Manila đang đóng vai trò điều phối viên của quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc; ngoài ra, lãnh đạo các nước khác cũng có thể trình bày lập trường về COC tại hội nghị lần này.

Đáng chú ý, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario (28/10) kêu gọi Manila và các thành viên ASEAN khác thúc đẩy Trung Quốc nhất trí về một COC “có những nội dung cụ thể” và ngăn chặn thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới ở Biển Đông. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell cảnh báo COC “sẽ gây hại” cho khu vực và tự do hàng hải nếu bị Trung Quốc sử dụng để hợp pháp hóa các hành vi ngang ngược và yêu sách hàng hải sai trái của mình. Trong khi đó, cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio (28/10) cho rằng việc ký COC sẽ được Trung Quốc thực hiện sau khi xây dựng xong căn cứ ở Scarborough; nhấn mạnh, Bắc Kinh từ lâu đã trì hoãn việc thông qua COC vì vẫn chưa thực hiện được động thái cải tạo nào trên bãi Scarborough. Ông nhấn mạnh, việc xây dựng một căn cứ không quân và hải quân trên bãi cạn Scarborough là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm kiểm soát hoàn toàn Biển Đông và nước này sẽ chỉ dừng lại sau khi mục tiêu tại Scarborough được hoàn tất. Cũng theo cựu Phó Chánh án này, những tuyên bố của Tổng thống Philippines Duterte rằng không thể làm gì để ngăn Trung Quốc cải tạo bãi Scarborough “thực chất là động thái bật đèn xanh” để Bắc Kinh làm như vậy. Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Duterte sẽ không cử Hải quân, Không quân Philippines hay thậm chí là không có sự kháng cự nào nếu Trung Quốc có xây dựng trên bãi cạn Scarborough.

Trong khi đó, tờ Bangkok Post (29/10) cho biết nội dung bản dự thảo những văn kiện quan trọng dành cho các Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan cho thấy các nhà lãnh đạo ASEAN và các quốc gia đối tác đối thoại sẽ ghi nhận nỗi quan ngại về các hoạt động cải tạo đất ở Biển Đông. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường niềm tin lẫn nhau, tự kiềm chế, tránh các hành động có thể làm tình hình thêm phức tạp. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Tờ The Economic Times (27/10) cũng cho biết, Thái Lan và ASEAN có thể sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung dự kiến được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 14 tại Bangkok. Theo đó, tình hình liên quan đến sự hung hăng của Trung Quốc tại bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam sẽ là một trọng tâm thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS); đồng thời khẳng định ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng các lãnh đạo tại EAS có thể nêu tình trạng hiện thời và kêu gọi kiềm chế, tôn trọng UNCLOS và tự do hàng hải. Được biết, một số lãnh đạo tại EAS cũng có thể nêu ảnh hưởng của Trung Quốc đối với tài sản năng lượng của họ trong khu vực”. Một số ý kiến cũng cho rằng vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại EAS. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo các nước Đông Á cũng sẽ nêu bật tầm quan trọng của trật tự dựa trên luật pháp và sự cần thiết phải có giải pháp hòa bình đối với tranh chấp, cũng như tự do hàng hải trong khu vực.

Trong năm 2019, sự can dự của ASEAN vào tranh chấp Biển Đông ngày càng rõ nét, nó thể hiện rõ quan điểm, lập trường chung của khối trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Hy vọng Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan sẽ đưa ra được những tuyên bố cụ thể nhằm ngăn chặn hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực, bảo vệ lợi ích thiết thực của từng nước ASEAN cũng như lợi ích chung của Khối.

RELATED ARTICLES

Tin mới