Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCần tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông

Cần tuân thủ luật pháp quốc tế trên Biển Đông

Sáng 3.11, tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác tham dự phiên khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35.

Thúc đẩy kinh tế ASEAN

Trong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nêu ra những vấn đề ASEAN và thế giới phải đối mặt với những thách thức và bất ổn gia tăng; cho rằng, đi đôi với thúc đẩy tăng trưởng, ASEAN cần giải quyết bài toán phát triển nguồn nhân lực và giữ gìn môi trường, chống rác thải đại dương, ô nhiễm không khí, đánh bắt cá trái phép, thúc đẩy bản sắc ASEAN, liên kết, kết nối với bên ngoài. Thủ tướng Thái Lan cũng đề nghị các bên tiếp tục nỗ lực để kết thúc các cuộc đàm phán về Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay để kích thích tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan, có sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN, các đối tác của ASEAN (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Mỹ, Nga) và Tổng thư ký LHQ António Guterres. Ngay sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN dự các hội nghị cấp cao với các đối tác: ASEAN – Trung Quốc lần thứ 22, ASEAN – Ấn Độ lần thứ 16, ASEAN – LHQ lần thứ 10.

Không để lặp lại hành động đi ngược luật pháp quốc tế

Cùng ngày 3.11, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự Hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 22.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc với hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng khu vực. Các nhà lãnh đạo khẳng định nỗ lực sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ đánh giá của các nhà lãnh đạo về những tiến triển trong quan hệ ASEAN và Trung Quốc. Về Biển Đông, Thủ tướng khẳng định cần đẩy mạnh các nỗ lực ở cả cấp độ song phương và đa phương đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không để lặp lại các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC và nỗ lực hoàn tất COC hiệu quả, hiệu lực.
Kết thúc hội nghị, hai bên nhất trí thông qua 3 văn kiện gồm Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN – Trung Quốc về Sáng kiến hợp tác thành phố thông minh; Tuyên bố chung ASEAN – Trung Quốc về Tăng cường trao đổi và hợp tác truyền thông; Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về Gắn kết kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Cần duy trì an ninh trên Biển Đông

Bên cạnh đó, cũng hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN – Ấn Độ lần thứ 16.
Các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh Ấn Độ triển khai Chính sách hành động hướng Đông, tích cực ủng hộ vai trò trung tâm cũng như nỗ lực liên kết khu vực, xây dựng cộng đồng của ASEAN. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định cam kết mạnh mẽ của Ấn Độ với ASEAN và nhấn mạnh ASEAN nằm ở trung tâm Chính sách hành động hướng Đông và Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ, tích cực ủng hộ quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP). Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động quân sự hóa, các hành vi đi ngược lại luật pháp quốc tế trên biển.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì an ninh và ổn định trên các vùng biển và đại dương, trong đó có Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới.
Trong khuôn khổ hội nghị lần này, sau lễ bế mạc sẽ diễn ra lễ bàn giao chức Chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam. Theo chương trình, dự kiến tại lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan sang Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có phát biểu giới thiệu về chủ đề, một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm ASEAN 2020.
Đề nghị Trung Quốc tôn trọng chủ quyền Việt Nam
Cùng ngày 3.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có các cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Hoàng tử Anh Andrew. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã dự chiêu đãi chính thức của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và phu nhân chào mừng các trưởng đoàn cùng phu nhân.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Trung Quốc tôn trọng các hoạt động kinh tế biển bình thường, phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam; khẳng định Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo.
RELATED ARTICLES

Tin mới