Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaChính phủ Nga tiếp tục ủng hộ các doanh nghiệp dầu khí...

Chính phủ Nga tiếp tục ủng hộ các doanh nghiệp dầu khí Nga mở rộng hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông

Phó Thủ tướng Liên bang Nga Maxim Akimov có thăm chính thức Việt Nam và tham dự Khóa họp lần thứ 22 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật từ ngày 28-30/10. Nhân dịp này, hai bênđã nhất trí thúc đẩyhoạt động mở rộng hợp tác giữa doanh nghiệp dầu khí Nga với Việt Nam.

Khóa họp lần thứ 22 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật.

Khóa họp do Phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng Liên bang Nga Maxim Akimov chủ trì, với sự tham dự của Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nga, Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành liên quan. Về phía Nga, có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, lãnh đạo các bộ, ngành và doanh nghiệp lớn của Nga.

Trong không khí tin cậy, cởi mở và hữu nghị, hai bên đã rà soát tình hình thực hiện Biên bản khóa họp lần thứ 21 Ủy ban liên Chính phủ; trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương, trong đó có việc triển khai các thỏa thuận cấp cao đạt được trong chuyến thăm chính thức Nga của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5 vừa qua. Hai bên đánh giá cao hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nga phát triển năng động thời gian qua với kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 4,5 tỷ USD năm 2018, tăng gần 30% so với năm 2017, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong ASEAN.

Về hợp tác đầu tư, thương mại song phương

Hợp tác đầu tư tiếp tục được mở rộng với ngày càng nhiều doanh nghiệp hai nước quan tâm đầu tư vào các dự án lớn tại Việt Nam và Nga trên các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải… Nga hiện có 123 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam ngoài lĩnh vực dầu khí với tổng số vốn khoảng 1 tỷ USD, trong khi Việt Nam có 20 dự án đầu tư vào Nga với tổng số vốn gần 3 tỷ USD. Hai Phó Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực đã và đang được tổ chức trong khuôn khổ Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam năm 2019-2020. Bên cạnh những kết quả đạt được, hai bên cũng nhận thấy hợp tác thương mại Việt-Nga vẫn chưa tương xứng tiềm năng hai nước, đòi hỏi các biện pháp quyết liệt từ Chính phủ và bộ, ngành hai nước. Trên tinh thần đó, hai đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ đã nhất trí xem xét, tháo gỡ các rào cản phi thuế quan trong xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nông, thủy, hải sản, hàng dệt may và giày dép.

Về hợp tác dầu khí giữa Nga và Việt Nam

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Nga tăng cường hiện diện và triển khai các dự án thăm dò và khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Về phần mình, Phó Thủ tướng Maxim Akimov cho biết, Nga tiếp tục ủng hộ các doanh nghiệp dầu khí Nga mở rộng hợp tác với Việt Nam, bao gồm mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như cung cấp khí hóa lỏng (LNG) và điện khí. Hai bên cũng đánh giá cao kết quả bước đầu trong hợp tác xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh; nhất trí thúc đẩy dự án hợp tác xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam; cho rằng hai nước có nhiều triển vọng mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực công nghệ cao, y tế, tài chính và ngân hàng, khoa học và và giáo dục-đào tạo… Hai bên thống nhất sẽ duy trì phối hợp thường xuyên, bảo đảm thực hiện hiệu quả Biên bản khóa họp lần thứ 22 Ủy ban liên Chính phủ và thống nhất tiến hành khóa họp tiếp theo tại Nga vào năm 2020.

Từ đầu năm đến nay, Nga rất quan tâm đến tình hình Biển Đông và chú trọng phát triển quan hệ với Việt Namt, trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Tháng 7, Tổng thống Nga Putin cũng thể hiện sự ủng hộ đối với chủ trương, chính sách của Việt Nam trong các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp ở Biển Đông và khuyến khích các doanh nghiệp Nga hợp tác đầu tư ở Việt Nam.Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tìm cách cản trở hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam ở lô 06.1, Tổng thống Nga Putin đã “cảm ơn Giám đốc lô khai thác của công ty Rosneft Việt Nam vì những cống hiến trong việc phát triển tổ hợp nhiên liệu và năng lượng”. Điều này cho thấy Chính phủ Nga luôn ủng hộ các hoạt động hợp tác khai thác dầu khí của Việt Nam ở vùng thềm lục địa, đồng thời cũng là sự thừa nhận đối với quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, nhất là khu vực Bãi Tư Chính, nơi công ty Rosneft của Nga đang hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam. Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov cũng nhấn mạnh Nga rất mong muốn giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trên cơ sở những nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian tới, các bên có thể tích cực hơn nữa trong việc thảo luận các văn kiện có tính cơ sở, như Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Đối thoại doanh nghiệp Việt-Nga năm 2019

Kết thúc khóa họp, hai Phó Thủ tướng đã ký Biên bản khóa họp lần thứ 22 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-LB Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, cũng như chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng và tham dự lễ ra mắt giao dịch thanh toán thẻ “MIR” của Nga tại Việt Nam. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Phó Thủ tướng Maxim Akimov đã tham dự và phát biểu tại Đối thoại doanh nghiệp Việt-Nga năm 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hội đồng Doanh nhân Nga phối hợp tổ chức. Phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp, hai Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam và Nga luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác làm ăn với nhau; bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều dự án và sáng kiến đầu tư, thương mại mới sẽ được đưa ra và triển khai sau sự kiện này, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.

RELATED ARTICLES

Tin mới