Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKịch bản “sự đã rồi” trong tranh chấp lãnh thổ và vài...

Kịch bản “sự đã rồi” trong tranh chấp lãnh thổ và vài gợi ý chính sách cho ngăn chặn “sự đã rồi” ở Biển Đông

Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, cùng với đó là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng tăng lên, người ta chưa thấy có cuộc chiến tranh xâm lược biên giới, lãnh thổ lớn nào xảy ra trong vài năm gần đây, nhưng tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia vẫn không hề suy giảm. Có một số nước đã áp dụng kịch bản “sự đã rồi” để xâm chiếm những vùng đất có giới hạn của quốc gia có chủ quyền để đơn phương thay đổi nguyên trạng lãnh thổ trước khi nước đối phương có thể đưa ra phản ứng hiệu quả. Đây cũng là cách để họ vừa chiếm đóng được đất đai của người khác, vừa không gây ra chiến tranh lớn với nước đối phương, tránh được “búa rìu” của dư luận và sự can thiệp của bên thứ ba. Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc dường như đang đi theo kịch bản này. Vì thế, các quốc gia hữu sự ở Biển Đông cần hết sức quan tâm đến kịch bản “sự đã rồi” và nghiên cứu phương cách đối phó với nó.

Đầu tiên là lôgích của kịch bản “sự đã rồi”. Những sự kiện đã từng xảy ra trên thế giới cho thấy, những nước tìm cách mở rộng lãnh thổ thường có 3 lựa chọn kịch bản: (1) Dùng vũ lực; (2) Cưỡng ép; (3) Gây ra “sự đã rồi”. Trong kịch bản sử dụng vũ lực, bên xâm chiếm trước hết sẽ đánh bại bên đối phương trên chiến trường, sau đó đưa ra các đòi hỏi về lãnh thổ. Bị đánh bại về quân sự, bên đối phương không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những yêu cầu của bên chiến thắng. Nếu không, bên xâm chiếm có thể ép buộc bên đối phương phải giao nộp một số vùng lãnh thổ của họ. Đối mặt với sức ép và trong một số trường hợp khi nguy cơ chiến tranh đang cận kề, bên đối phương có thể quyết định rằng, tốt hơn hết là họ nên chấp nhận các yêu cầu của bên xâm chiếm thay vì mạo hiểm leo thang chiến tranh.

Tuy nhiên, việc sử dụng vũ lực buộc phải huy động nguồn lực tổng hợp của quốc gia và thường rất tốn kém cả về nhân lực lẫn vật lực. Thậm chí, trong trường hợp bị “sa lầy” chiến tranh thì có thể làm cho nước xâm chiếm bị kiệt quệ bởi ngay cả những nạn nhân yếu ớt nhất cũng sẽ chống trả quyết liệt nếu như sự tồn tại của họ thực sự bị đe dọa. Do đó, một cuộc chiến dự định diễn ra trong một thời gian ngắn có thể nhanh chóng biến thành một vũng lầy không thể thoát ra được. Đây là lý do giải thích tại sao sử dụng vũ lực có thể là lựa chọn duy nhất khi bên xâm chiếm tìm cách chinh phục toàn bộ lãnh thổ của một nước khác nhưng nó sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu họ chỉ theo đuổi các mục tiêu lãnh thổ có giới hạn.

Kịch bản cưỡng ép đỡ tốn kém hơn so với việc sử dụng vũ lực, nhưng lịch sử của nó lại tương đối ảm đạm, nhất là khi các đòi hỏi mang tính cưỡng ép có liên quan đến lãnh thổ. Hơn nữa, bằng cách gây sức ép cho nước đối phương, bên xâm chiếm chắc chắn sẽ để lộ các ý đồ của họ, mặc nhiên đưa ra một cảnh báo sớm cho nước đối phương biết khiến họ có thể chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt, kể cả về quân sự để đối phó nhằm làm giảm lợi thế tấn công trước của bên xâm chiếm nếu có. Nói cách khác, kịch bản cưỡng ép thường không thật hiệu quả để chinh phạt lãnh thổ, làm giảm các lựa chọn sẵn có để bên xâm chiếm đạt được mục tiêu giành lãnh thổ.

Đây là lý do giải thích tại sao các nước sử dụng kịch bản “sự đã rồi” nhiều hơn, nghĩa là chiếm được những vùng lãnh thổ có giới hạn trong khi không phải leo thang chiến tranh. Một kịch bản “sự đã rồi” cho phép bên xâm chiếm đơn phương thay đổi nguyên trạng lãnh thổ trước khi nước đối phương có thể kịp thời đưa ra phương cách đối phó hiệu quả. Điều này đẩy nước đối phương vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” vì họ phải lựa chọn giữa 2 phương cách không mấy hấp dẫn: (1) Cố gắng đánh bật những kẻ xâm lược ra khỏi vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và dẫn đến nguy cơ chiến tranh mở rộng, leo thang; (2) Chấp nhận mất đi một phần lãnh thổ. Do đó, đối với bên xâm chiếm, khi sử dụng kịch bản “sự đã rồi”, họ đều hi vọng và đặt cược vào khả năng: Nước đối phương sẽ thà để mất một phần lãnh thổ còn hơn là chống trả để rồi phải chấp nhận đương đầu với một cuộc xung đột lớn hơn. Đây là lý do giải thích tại sao sự quyết đoán và quy mô hạn chế là những đặc điểm thuộc về bản chất của mọi sự xâm chiếm lãnh thổ bằng kịch bản “sự đã rồi”.

Mặc dù bất kỳ kịch bản “sự đã rồi” nào cũng chỉ liên quan trực tiếp đến hai quốc gia, nhưng nó thường có tác động đáng kể đến các bên thứ ba, nhất là trong bối cảnh Toàn cầu hóa. Việc nước Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của họ là một tổn thất về lãnh thổ đối với riêng Ukraine, nhưng Mỹ và các nước châu Âu khác lại có mối quan ngại chính đáng về những tác động rộng lớn hơn từ hành vi xâm chiếm của Nga. Các nhà lãnh đạo châu Âu có lý khi cho rằng, Crimea chỉ là bước đi đầu tiên và sự bành trướng của Nga về phía Tây sẽ không dừng lại ở Ukraine. Ngay cả trường hợp họ được thuyết phục và có bằng chứng chắc chắn về việc tham vọng lãnh thổ của Moskva được giới hạn chỉ tới đó mà thôi, thì nhiều nước vẫn có động cơ mạnh mẽ để tìm cách đảo ngược kịch bản “sự đã rồi” của Nga vì nếu không làm như vậy, có thể khuyến khích các nước khác “theo gương” Nga mà cũng tìm cách mở rộng lãnh thổ.

Tuy vậy, kịch bản “sự đã rồi” còn là một chiến thuật hướng đến mục tiêu ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài. Bởi việc sử dụng vũ lực và cưỡng ép trong một thời gian dài hơn sẽ cho phép các bên thứ ba như Liên Hợp Quốc hoặc một cường quốc khác can thiệp vào. Còn áp dụng “sự đã rồi” thì nhất thiết phải nhanh chóng thay đổi tình hình trên thực địa, bên xâm chiếm phải đạt được mục tiêu lãnh thổ trước khi bất kỳ bên thứ ba nào có thể can thiệp. Khi phải đối mặt với một “sự đã rồi”, các bên thứ ba nếu muốn can thiệp thì chỉ có thể can thiệp bằng cách cố gắng giành lại vùng lãnh thổ bị xâm chiếm bằng sử dụng vũ lực. Nhưng việc sử dụng vũ lực rất tốn kém và nhiều rủi ro, nên các bên thứ ba ít có khả năng can thiệp hơn sau khi kịch bản “sự đã rồi” diễn ra. Vì vậy, kịch bản “sự đã rồi” thường cùng lúc nhằm vào 2 đối phương: Nạn nhân trực tiếp và những bên thứ ba có khả năng can thiệp. Khi tiến hành kịch bản này, bên xâm chiếm cố gắng tìm cách giảm thiểu 2 nguy cơ: (1) Nguy cơ xung đột kéo dài (nếu nước đối phương chống trả) và (2) Nguy cơ xung đột mở rộng (nếu bên thứ ba can thiệp).

Sau khi xảy ra “sự đã rồi”, đối phó thế nào với việc tổn thất lãnh thổ đây. Giả sử các nước bị xâm chiếm luôn tìm cách giành lại vùng lãnh thổ đã mất, thì họ chỉ có 2 lựa chọn cơ bản: Hoặc là cố gắng giành lại ngay lập tức vùng lãnh thổ đã mất, hoặc là có thể chờ thời cơ thích hợp để đòi lại vùng lãnh thổ đã mất trong tương lai xa. Quyết định đáp trả ngay lập tức hoặc trì hoãn trong việc giành lại lãnh thổ phụ thuộc chủ yếu vào 2 yếu tố: Giá trị của vùng lãnh thổ bị xâm chiếm và khả năng dễ nhận ra của kịch bản “sự đã rồi”.

Một lãnh thổ bị tranh chấp có thể rất có giá trị vì những lý do chiến lược hoặc mang tính biểu tượng. Với lý do chiến lược, vùng lãnh thổ đó thường mang lại lợi thế quân sự tức thì cho nước nắm quyền kiểm soát chúng hoặc khẳng định cho nước xâm chiếm ưu thế vượt trội về kinh tế hay tài nguyên. Bán đảo Crimea với căn cứ hải quân Sevastopol là một ví dụ về lãnh thổ chiến lược khi nó kiểm soát được cả Biển Đen lẫn biển Azov. Tương tự, eo biển Malacca ở nam Biển Đông khiến biển này là lãnh thổ chiến lược khi 1/3 số lượng hàng hóa của thế giới phải đi qua đây. Với lý do biểu tượng, một số vùng lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng vì chúng mang tính biểu tưng, hoặc chúng được coi là những vùng đất linh thiêng (chẳng hạn như đền thờ Mount/Haram al-Sharif) hoặc vì chúng tượng trưng cho một cuộc tranh giành quyền lực lớn hơn (chẳng hạn như Berlin trong Chiến tranh Lạnh). Giới lãnh đạo của một quốc gia đang phải đối mặt với việc mất đi một vùng lãnh thổ có giá trị cao hay một vùng lãnh thổ có ý nghĩa biểu tượng đều cần có những hành động mạnh mẽ để đánh đuổi những kẻ xâm chiếm ngay lập tức vì việc đó có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Ngay cả khi an ninh không bị đe dọa, việc không phản ứng ngay trước kịch bản “sự đã rồi” có thể dẫn tới hình phạt nghiêm trọng về chính trị vì người dân sẽ không tha thứ cho việc để mất đi một vùng lãnh thổ quan trọng mang tính biểu tượng. Đây là lý do giải thích tại sao Ukraine đã phản ứng ngay lập tức để giành lại Crimea sau khi bị Nga sáp nhập năm 2014.

Điều gì xảy ra khi một kịch bản “sự đã rồi” nhắm mục tiêu vào một vùng lãnh thổ gần như không có giá trị thực chất? Trong những trường hợp như vậy, các nhà lãnh đạo ít có khả năng phản ứng ngay lập tức, chỉ khi kịch bản “sự đã rồi” rất dễ bị người dân nhận ra thì họ mới hành động. Cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Argentina và Anh là một ví dụ. Khi Argentina chiếm giữ phía nam đảo Thule năm 1976, Chính quyền Callaghan đã nhắm mắt làm ngơ trước vụ việc này, thậm chí giấu cả Quốc hội và người dân Anh trong suốt 18 tháng trước khi kịch bản “sự đã rồi” được biết đến rộng rãi. Ngược lại, khi Argentina chiếm đảo Falklands năm 1982, Thủ tướng Thatcher đã ngay lập tức cầu viện sự trợ giúp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và phái hải quân Anh vượt Đại Tây Dương tới giành lại hòn đảo này. Cả đảo Falkland lẫn Nam Thule đều rất có giá trị trong mắt các nhà hoạch định chính sách của Anh. Nhưng điểm khác biệt quan trọng ở đây là trong khi Argentina lén lút chiếm Nam Thule, họ lại công khai chiếm Falklands. Hành động công khai xâm chiếm Falklands chẳng khác gì là đòn tấn công trực diện vào danh dự quốc gia của Anh và do đó, nó là một nỗi nhục nhã. Bà Thatcher không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải đáp trả ngay lập tức trước kịch bản “sự đã rồi” của Argentina. Nếu không làm vậy, bà sẽ phải chịu sự công kích của các đối thủ chính trị và người dân, chính phủ của bà chắc chắn sẽ phải ra đi.

Đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, kịch bản “sự đã rồi” đã từng diễn ra và rất dễ lặp lại.

Những diễn biến trên thực tế ở Biển Đông nhiều năm qua cho thấy, Trung Quốc, bên duy nhất trong các bên có yêu sách tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đã sử dụng vũ lực để chiếm lấy những hòn đảo thuộc quyền kiểm soát của các quốc gia khác theo kịch bản “sự đã rồi”. Họ đã dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa ở miền Nam Việt Nam năm 1974. Tương tự, năm 1988, Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) một lần nữa đã nổ súng để giành quyền kiểm soát một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa do Việt Nam chiếm giữ. Tiếp đó là sự kiện đá Vành Khăn năm 1995 và gần đây hơn là cuộc đối đầu với Philippines tại bãi cạn Scarborough năm 2012. Tất cả những sự kiện này nhắc nhở mọi người rằng, Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ lực để thực thi các tuyên bố chủ quyền của họ trong khu vực bị tranh chấp. Thậm chí, khi nước Nga bất ngờ sáp nhập Crimea hồi đầu năm 2014, giới quân sự Trung Quốc đã hỏi nhau rằng: Người Nga sáp nhập được Crimea, cớ sao Trung Quốc không sáp nhập Biển Đông. Và vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tháng 5/2014 cho thấy sự sắp đặt cho một âm mưu của kịch bản “sự đã rồi”. Rất may, Biển Đông không phải là Crimea và người Việt Nam không phải là người Ukraine.

Tuy nhiên thời gian tới, nguy cơ xảy ra một kịch bản “sự đã rồi” nữa của Trung Quốc ở Biển Đông cũng rất cao vì nhiều yếu tố hiện đang ngả theo hướng có lợi cho họ. Do mức độ phụ thuộc kinh tế rất không cân xứng giữa các quốc gia, các nước láng giềng của Trung Quốc bị mất đất như Philippines và Việt Nam sẽ phải trả những giá rất đắt một khi tìm cách giành lại một hòn đảo nào đó mà Trung Quốc đang chiếm giữ. Hơn nữa, do sự mất cân bằng rõ ràng về sức mạnh theo hướng có lợi cho Trung Quốc, các nước nhỏ khó có khả năng sử dụng vũ lực để đánh bật Trung Quốc ra khỏi các hòn đảo, chưa nói đến việc phản ứng đó sẽ kích động một cuộc xung đột lớn hơn và gây tổn hại nặng nề hơn cho bên bị mất đất. Sự kiện năm nay Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 dai dẳng xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Bãi Tư Chính buộc người ta phải nghĩ đến một kịch bản “sự đã rồi” nữa có thể xảy ra và nếu như nó xảy ra, làm thế nào để ngăn chặn?

Giới nghiên cứu quốc tế cho rằng: Cường quốc duy nhất đủ khả năng ngăn chặn tham vọng ngông cuồng và phiêu lưu của Trung Quốc ở Biển Đông vào thời điểm này là Mỹ. Lý tưởng nhất là Mỹ tuyên bố họ không dung thứ cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết tranh chấp bằng vũ lực, tương tự như lời đe dọa úp mở rằng họ sẽ ngăn chặn Trung Quốc xâm lược Đài Loan nếu có. Tuy nhiên, điều này khó có khả năng xảy ra trong tương lai gần vì các động thái của Mỹ cho đến nay cho thấy họ không đủ quyết tâm để trực tiếp thách thức Trung Quốc ở Biển Đông.

Có lẽ, cách tốt nhất để ngăn chặn Trung Quốc tiến hành kịch bản “sự đã rồi” ở Biển Đông là cần thuyết phục Bắc Kinh rằng họ không thể chiếm thêm các vùng biển hay hòn đảo bằng một kịch bản “sự đã rồi” chóng vánh mà không phải trả giá, thậm chí đổ máu. Các nước đang ngày càng tin vào đối sách này thay vì gây chiến hoặc cưỡng ép vì đó là một lựa chọn thay thế có phí tổn và rủi ro thấp mà có thể đạt được những mục tiêu giữ gìn lãnh thổ. Kết quả là, kịch bản “sự đã rồi” sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn nếu những bên đang toan tính làm điều đó tin rằng nó chứa đựng nhiều rủi ro và tốn kém hơn là những gì họ từng hy vọng. Những nước có nguy cơ bị xâm chiếm lãnh thổ bằng kịch bản “sự đã rồi” phải thuyết phục các bên xâm chiếm rằng, chắc chắn họ sẽ nỗ lực giành lại lãnh thổ đã mất, bất chấp giá trị thực của nó. Cũng cần gửi “thông điệp” tới lãnh đạo các bên xâm chiếm rằng, đụng tới một hệ thống hay một thể chế là điều có thể, nhưng đụng đến cả một dân tộc lại là điều không thể.

Ai cũng biết, Biển Đông không phải là vùng biển riêng của bất cứ quốc gia nào. Chính vì lẽ đó nên những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không còn là vấn đề của một hay vài nước trong khu vực, cũng không còn là vấn đề quan tâm của khu vực mà đã trở thành vấn đề của quốc tế. Nói như các nhà nghiên cứu là vấn đề tranh chấp Biển Đông đã “quốc tế hóa”. Trung Quốc chỉ là một bên trong giải quyết vấn đề này với các bên hữu quan. Một khi Trung Quốc gây ra xung đột ở Biển Đông để thực hiện kịch bản “sự đã rồi” thì yếu tố “quốc tế hóa” xung đột ở Biển Đông cũng có thể xảy ra và nó cũng nên được xem như là một phương cách ngăn chặn. Còn nhớ, người Trung Quốc trước đây dị ứng lắm với câu chuyện “quốc tế hóa” Biển Đông. Vậy liệu “quốc tế hóa” xung đột ở Biển Đông có làm họ chùn tay?

Mặc dù hiện nay, Trung Quốc chưa sử dụng hết lực lượng quân sự để mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ của họ ở Biển Đông, nhưng các nước có liên quan không có lý do gì để “bình chân như vại”. Chưa ai dám khẳng định những tranh chấp ở Biển Đông liệu có lắng dịu và ổn định hoàn toàn trong những năm sắp tới hay không, bất chấp những nỗ lực không ngừng nhằm đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc sắp ra đời. Việc Trung Quốc ngay từ bây giờ đang dốc sức cho hoàn thành xây dựng “xã hội khá giả” vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc (2021) và việc họ phô trương lực lượng quân sự hùng hậu trong cuộc duyệt binh nhân kỷ niệm 70 năm ngày quốc khánh Trung Quốc (1949 – 2019) dường như là một chỉ dấu cảnh báo các nước rằng, lãnh thổ của họ vẫn có thể bị xâm chiếm một cách chớp nhoáng. Do đó, các bên tranh chấp ở Biển Đông cần chuẩn bị sẵn sàng ngăn chặn một kịch bản “sự đã rồi” có khả năng xảy ra, đặc biệt là khi lịch sử hiện đại cho thấy, các quốc gia ngày càng có xu hướng lựa chọn kịch bản này thay vì sử dụng vũ lực để chiếm đoạt vùng lãnh thổ mới.

RELATED ARTICLES

Tin mới