Trong năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra nhiều tuyên bố, phát biểu đáng chú ý nhằm định hình chủ trương, chính sách và hoạt động của Bắc Kinh trong thời gian tới.
Trung Quốc kiên trì theo đuổi con đường phát triển hòa bình
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh phải tuân thủ con đường phát triển hòa bình, theo đuổi chiến lược cùng thắng và tiếp tục hợp tác với người dân của tất cả các quốc gia trên thế giới để thúc đẩy xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại. Theo ông Tập Cận Bình, “xã hội chủ nghĩa Trung Quốc đã đứng đầu phương Đông, không có thế lực nào có thể làm thay đổi địa vị vĩ đại của tổ quốc chúng ta, không có sức mạnh nào có thể ngăn chặn nhân dân Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa tiến về phía trước”; đồng thời khẳng định Trung Quốc “phải tuân thủ nguyên tắc “thống nhất hòa bình, một quốc gia, hai chế độ”, duy trì sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của Hồng Kông và Macao, thúc đẩy sự phát triển hòa bình trong quan hệ giữa Hai bờ, đoàn kết mọi người dân Trung Quốc và tiếp tục phấn tranh cho sự thống nhất lãnh thổ của đất nước; nhấn mạnh quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân phải duy trì bản chất qân đội nhân dân, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, kiên quyết bảo vệ hòa bình thế giới”.
Yêu cầu tăng cường huấn luyện quân đội
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký ban hành một loạt các quy định làm rõ các phương pháp huấn luyện quân đội và truy tố các hành vi sai trái trong quân đội. Những quy định trên của ông Tập Cận Bình có hiệu lực từ ngày 1/3/2019. Đây được coi là các biện pháp lần đầu tiên được áp dụng trong lịch sử Trung Quốc. Theo đó, Chính quyền Trung Quốc đã thông báo triển khai các thanh sát viên và một hệ thống giám sát mới tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Quy định mới gồm các biện pháp “chấn chỉnh các hành vi không phù hợp với yêu cầu chiến đấu trên thực tế”, xây dựng các tiêu chí xác định các hành vi vi phạm và kỷ luật trong quá trình huấn luyện, đồng thời củng cố việc quản lý huấn luyện quân đội.
Ngoài việc yêu cầu PLA tăng cường huấn luyện quân và thắt chặt kỷ luật quân đội, ông Tập Cận Bình còn nhiều lần kêu gọi quân đội sẵn sàng chiến đấu. Tại Hội nghị công tác quân sự của Quân Ủy Trung ương Trung Quốc, ông Tập Cận Bình (4/1) tuyên bố “toàn quân cần phải kiên trì lấy Tư tưởng Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới làm chỉ đạo, đi sâu quán triệt tinh thần Đại hội 19 và Hội nghị Trung ương 2, Trung ương 3 khóa 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đi sâu quán triệt tư tưởng xây dựng quân đội hùng mạnh của Đảng trong thời đại mới, đi sâu quán triệt phương châm chiến lược quân sự trong thời đại mới, làm tốt công tác chuẩn bị cho đấu tranh quân sự, mở ra cục diện mới về sự nghiệp xây dựng quân đội hùng mạnh trên khởi điểm mới”. Ông Tập Cận Bình còn cho rằng “thế giới đang đứng trước tình hình biến đổi chưa từng có trong một trăm năm qua, sự phát triển của Trung Quốc vẫn đang ở trong thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, đồng thời các loại rủi ro thách thức có thể dự kiến và khó dự kiến tăng lên. Toàn quân cần phải nhận thức đúng đắn và nắm bắt xu thế an ninh và phát triển của Trung Quốc, tăng cường ý thức về hoạn nạn khốn khó, ý thức khủng hoảng, ý thức chiến đấu, làm vững chắc các công tác chuẩn bị cho đấu tranh quân sự, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ sứ mệnh mà Đảng và Nhân dân giao phó”.
Yêu cầu thống nhất Đài Loan
Phát biểu tại buổi kỷ niệm 40 năm ban hành Văn kiện “Thư gửi đồng bào Đài Loan”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (2/1) điểm lại lịch sử 70 năm chia cắt hai bờ eo biển Đài Loan, khẳng định nhiệm vụ lịch sử không thay đổi giải quyết vấn đề Đài Loan và thống nhất đất nước của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Theo đó, trải qua 70 năm chia tách, mối quan hệ xa cách ban đầu giữa Trung Quốc Đại lục và Đài loan đã thu hẹp lại dựa trên nguyện vọng chung của người dân hai bờ và Đài Loan có đóng góp lớn cho công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Trung Quốc và Đài Loan đã đạt được “Nhận thức chung 1992” dựa trên nguyên tắc “Một Trung Quốc” và các trao đổi chính trị giữa hai bờ đã đạt tầm cao mới. Ông Tập Cận Bình cũng đưa ra đề xuất dựa trên nền tảng chính trị chung là kiên trì “Nhận thức chung 1992”, phản đối “Đài Loan độc lập”, các chính đảng, các tầng lớp ở hai bờ eo biển hãy đề cử những nhân vật đại diện để triển khai hiệp thương dân chủ sâu rộng về tương lai dân tộc và quan hệ hai bờ và để đạt được những sắp xếp mang tính chế độ trong thúc đẩy quan hệ hai bờ phát triển hòa bình.
Ông Tập Cận Bình tuyên bố không ai có thể thay đổi thực tế rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và người dân ở hai bờ eo biển Đài Loan nên hướng tới “sự thống nhất”, nhấn mạnh Trung Quốc tôn trọng tự do pháp lý và tôn giáo của người dân Đài Loan trong khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”, đồng thời khẳng định chế độ khác biệt không phải là rào cản cho việc thống nhất, thậm chí chúng cũng không phải là cái cớ cho sự ly khai. Tài sản riêng, tín ngưỡng tôn giáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đồng bào Đài Loan sẽ vẫn được bảo đảm đầy đủ khi thống nhất với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định Bắc Kinh luôn duy trì quyết tâm thực hiện mọi biện pháp cần thiết để chống lại các lực lượng nước ngoài can thiệp vào nỗ lực thống nhất Đài Loan bằng hòa bình cũng như những hoạt động ly khai đòi độc lập của Đài Bắc; nhấn mạnh vấn đề Đài Loan có liên quan lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và việc thống nhất “không làm tổn hại lợi ích hợp pháp của nước nào, bao gồm lợi ích kinh tế của họ tại Đài Loan”. Đáng chú ý, ông Tập Cận Bình cũng không quên đưa ra tuyên bố cảnh cáo Trung Quốc không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực, Bắc Kinh bảo lưu phương án áp dụng tất cả biện pháp cần thiết nhằm vào thế lực bên ngoài can thiệp và số ít phần tử ly khai “Đài Loan độc lập” cùng hoạt động ly khai.
Theo ông Tập Cận Bình, việc Đài Loan trở về với Trung Quốc theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, tương tự Hồng Công và Macau, là phương án tốt nhất để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người dân hòn đảo này; đồng thời đưa ra 5 giải pháp để thực hiện mục tiêu thống nhất hai bờ eo biển Đài Loan, bao gồm: Chung tay thúc đẩy phục hưng dân tộc và thực hiện mục tiêu thống nhất hòa bình; Tìm kiếm phương án “một đất nước, hai chế độ” cho Đài Loan; Kiên trì nguyên tắc “Một nước Trung Quốc”, bảo vệ tương lai thống nhất hòa bình với Đài Loan; Đi sâu phát triển kết nối giữa hai bờ eo biển Đài Loan để củng cố nền tảng cho thống nhất hòa bình; Nỗ lực đạt tới sự hòa hợp về tâm hồn giữa nhân dân hai bờ eo biển Đài Loan để tăng cường nhận thức chung cho thống nhất hòa bình.
Gắn kết quan hệ Trung – Triều
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (20-21/6) thăm chính thức Triều Tiên theo lời mời của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đây là chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên cầm quyền và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Bình Nhưỡng sau 14 năm. Chuyến thăm là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi quan điểm về các mối quan hệ song phương, tình hình bán đảo Triều Tiên, cùng tiến tới nhiều đồng thuận quan trọng, góp phần mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Hai bên nhất trí quan điểm cho rằng, việc cùng bảo vệ, củng cố, phát triển các mối quan hệ song phương là mối quan tâm của nhân dân và hai nước Triều Tiên, Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc và Triều Tiên cũng thúc đẩy các nỗ lực đàm phán, hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa, bảo đảm hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên và giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua cơ chế đàm phán, tham vấn. Hai bên nhất trí tiếp tục duy trì đầy đủ các hoạt động trao đổi giữa hai đảng, tăng cường các hình thức tiếp xúc chiến lược và thúc đẩy niềm tin tưởng lẫn nhau dựa trên nền tảng bảo đảm các lợi ích chung.
Thăm Nga nhằm tìm kiếm đồng minh đối phó với Mỹ và phương Tây
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (5-7/6) thăm chính thức Nga nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và tìm kiếm đồng minh đối phó với Mỹ và Phương Tây. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga V. Putin, ông Tập Cận Bình cho biết, “năm nay là kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Nga. Sự phát triển của quan hệ Trung – Nga không có tận cùng, mà còn có thể phát triển tốt hơn. Trung Quốc sẵn sàng cùng Nga chung tay nỗ lực, không ngừng phóng đại hiệu ứng tích cực của quan hệ chính trị trình độ cao giữa hai nước, không ngừng khiến nhân dân hai nước có cảm giác được hưởng lợi nhiều hơn từ hợp tác, đóng góp phương án Trung – Nga nhiều hơn trong các công việc quốc tế”. Trong khi đó, Tổng thống Nga V. Putin cho biết, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình lần này hết sức quan trọng đối với quan hệ hai nước, dưới sự nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Trung – Nga được nâng lên tầm cao chưa từng có, cũng mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Sau cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã ký Tuyên bố chung về tăng cường ổn định chiến lược toàn cầu đương đại, tuyên bố chung tay giữ gìn ổn định chiến lược toàn cầu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, việc này có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, thể hiện tinh thần đảm đương của Trung Quốc và Nga cũng như hiệu ứng tích cực của hợp tác chiến lược giữa hai nước. Là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế kiên định bảo vệ hệ thống quốc tế với hạt nhân là Liên Hợp Quốc và nền tảng là luật pháp quốc tế, bảo vệ thể chế thương mại đa phương. Tổng thống Nga Putin cho biết, Nga và Trung Quốc cần tiếp tục tăng cường điều phối và hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng, cùng ứng phó các thách thức do chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ mang lại, giữ gìn hòa bình và ổn định của thế giới.
Ông Tập Cận Bình (6/6) đã hội kiến với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ, năm nay là kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Nga. Trước mắt, quan hệ Trung – Nga đã bước vào thời đại mới, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước không ngừng khai thác nội hàm mới. Hai bên cần phải tiếp tục cố gắng, thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực tiếp tục đi sâu phát triển, mang lại lợi ích thực tế nhiều hơn cho nhân dân hai nước, tiếp thêm động lực lớn mạnh hơn cho sự phát triển phục hưng của hai nước. Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết, Nga và Trung Quốc cần phải tăng cường hợp tác chiến lược, chung tay ứng phó thách thức chung đặt ra cho Nga, Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế, duy trì thiết thực hòa bình và phát triển của thế giới.
Đột phá trong quan hệ Trung – Ấn
Trong chuyến thăm không chính thức Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình (12/10) đã hội đàm về vấn đề chống khủng bố, kinh tế thương mại, quốc phòng, biên giới giữa hai nước. Hai bên đã nhất trí cần xem xét cách thức tăng cường tương tác song phương để phản ánh vai trò gia tăng của hai nước này trên trường quốc tế; quyết định thiết lập cơ chế Đối thoại kinh tế và thương mại cấp cao, với mục tiêu tăng cường quan hệ thương mại cũng như tạo sự cân bằng lớn hơn trong thương mại giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo thừa nhận rằng cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là những quốc gia rộng lớn, hết sức phức tạp và đa dạng. Chính vì vậy, điều quan trọng là hai bên cần duy trì các nỗ lực chung để đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Vấn đề gây nhức nhối nhất hiện nay trong quan hệ hai nước là tranh chấp biên giới ở khu vực Himalaya. Hai nhà lãnh đạo cho biết sẽ quản lý những khác biệt một cách kiên nhẫn, không để leo thang thành bất đồng và sẽ thận trọng khi xem xét những quan ngại của mỗi bên. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng tránh không đề cập đến mạng 5G của Huawei. Ấn Độ cho đến nay vẫn chưa quyết định có hay không cho phép Huawei tham gia các kế hoạch 5G của nước này. Đáng chú ý, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gợi ý hai nước nên tiến hành liên lạc chiến lược theo một cách thức hiệu quả và kịp thời, thận trọng xử lý những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của hai nước, giải quyết và kiểm soát phù hợp các vấn đề mà không thể giải quyết được trong thời gian tới.
Nhìn chung, từ những tuyên bố và hoạt động đáng chú ý của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm 2019 có thể thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách như hiện nay, trong đó tăng cường năng lực quốc phòng, tìm mọi cách thống nhất với Đài Loan, củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác thân cận để đối phó với Mỹ và phương Tây.