Wednesday, November 6, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam - Australia lần thứ...

Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam – Australia lần thứ ba: Thúc đẩy hợp tác quốc phòng, chia sẻ quan điểm về Biển Đông

Ngày 29/10, Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam-Australia lần thứ 3 giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Australia đã được tổ chức tại thủ đô Canberra của Australia nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Phó Tổng Thư ký Quốc phòng Australia Peter Tesch chủ trì đối thoại. Tại đối thoại, hai bên trao đổi về tình hình thế giới, khu vực cùng quan tâm; quan hệ quốc phòng song phương và tham vấn các vấn đề liên quan đến năm ASEAN 2020 khi Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN. Về tình hình khu vực, phía Australia chia sẻ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông; khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, hàng không; nhấn mạnh các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Về quan hệ quốc phòng song phương, hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác quốc phòng giữa hai nước thời gian qua, phù hợp với các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương năm 2010; Tuyên bố Tầm nhìn chung về thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương năm 2018; tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ song phương, góp phần tích cực vào quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Australia.

Thời gian tới, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ trong các lĩnh vực hiện có như đối thoại, tham vấn, trao đổi đoàn, giáo dục đào tạo; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, an ninh biển…, thống nhất tăng cường hợp tác, phát huy vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới trong các hoạt động quân sự, quốc phòng. Đáng chú ý, Australia khẳng định sẽ ủng hộ và hỗ trợ Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức thành công các hội nghị quốc phòng trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+) khi Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 và mong muốn Việt Nam ủng hộ đề xuất sáng kiến tổ chức Hội nghị không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Australia.

Được biết, Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam – Australia là cơ chế đối thoại quốc phòng thường niên giữa hai nước được bắt đầu từ năm 2017. Tại Đối thoại lần thứ 2 (12/10/2018), hai bên đánh giá các nội dung hợp tác quốc phòng song phương ngày càng đi vào thực chất và tạo được sự tin cậy lẫn nhau; trao đổi một số vấn đề cùng quan tâm, trong đó có các thách thức an ninh phi truyền thống, phương hướng phát triển của cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) việc tăng cường an ninh khu vực thông qua các cơ chế của Liên hợp quốc… Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và ông Tom Hamilton nhất trí trong thời gian tới quân đội Việt Nam và Australia cần tiếp tục triển khai các các nội dung hợp tác thiết thực, hiệu quả theo tinh thần Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng đã ký, trong đó tập trung vào trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường hợp tác đào tạo, trao đổi kinh nghiệm hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, hợp tác an ninh hàng hải.

Tại Đối thoại lần thứ nhất (3/11/2017), Phó tổng thư ký Quốc phòng Australia nhiệt liệt chào mừng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và đoàn sang thăm và làm việc tại Australia, khẳng định chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt đối với quan hệ hai nước nói chung và quan hệ quốc phòng nói riêng. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định tầm quan trọng của Đối thoại Chính sách quốc phòng Việt Nam-Australia lần thứ nhất, mang ý nghĩa chính trị cao, thể hiện sự phát triển mới và thực chất trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ quốc phòng với Australia, qua gần 20 năm triển khai hợp tác với những quan điểm chung về một số vấn đề cùng quan tâm làm cho tính đồng thuận trong hợp tác ngày càng cao, với những nội dung hợp tác ngày càng thực chất và tạo được sự tin cậy trong hợp tác. Hai bên đã trao đổi một số vấn đề cùng quan tâm, trong đó nổi lên là các thách thức an ninh phi truyền thống và cho rằng để đối phó với các thách thức này, không quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết mà cần phải có sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Về hợp tác quốc phòng song phương, hai trưởng đoàn đã thông qua kết quả làm việc của Nhóm tham vấn quốc phòng cấp Cục Đối ngoại đã tiến hành vào ngày 2/11/2017, theo đó hợp tác năm 2017 đã được triển khai hiệu quả theo nội dung Bản ghi nhớ về Hợp tác quốc phòng song phương năm 2010, cũng như cam kết của lãnh đạo hai nước, hai Bộ Quốc phòng, đặc biệt là việc triển khai các nội dung được Bộ trưởng Quốc phòng hai nước thống nhất nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của bà Marise enx Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Australia vào tháng 8/2017, trong đó nổi lên là trao đổi đoàn các cấp, đào tạo, an ninh biển, chống khủng bố và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ sự cảm ơn đến Bộ Quốc phòng Australia vừa qua đã hỗ trợ Bộ Quốc phòng Việt Nam trong đào tạo tiếng Anh, nhất là cho lực lượng chuẩn bị tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cũng như cam kết hỗ trợ vận chuyển trang thiết bị và lực lượng khi Việt Nam triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp Quốc tại Nam Xu-đăng. Về phương hướng hợp tác quốc phòng thời gian tới, hai bên đều thống nhất cho rằng, năm 2018 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 20 năm quan hệ quốc phòng và hai nước sẽ nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược. Vì vậy hai bên cần có những hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả theo tinh thần Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng đã ký, trong đó tập trung vào trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường hợp tác đào tạo cả về số lượng và chất lượng, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc, chống khủng bố, an ninh mạng, an ninh biển. Nghiên cứu khả năng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, công tác bình đẳng giới trong quân đội.

Không chỉ tiến hành Đối thoại quốc phòng song phương, Việt Nam và Australia còn có cơ chế Đối thoại chiến lược ngoại giao – quốc phòng giữa hai nước. Tại Đối thoại chiến lược ngoại giao – quốc phòng lần 6 Việt Nam-Australia (10/10/2018), hai bên hài lòng ghi nhận những bước phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trong quan hệ song phương, nhất là từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược tháng 3/2018, đồng thời tái khẳng định vai trò và vị trí quan trọng của nhau trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Hai bên tiến hành trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên trong năm hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (2018), trong đó có 03 đoàn cấp cao từ phía Việt Nam và 04 đoàn cấp cao từ phía Australia. Trên cơ sở kết quả các chuyến thăm cấp cao gần đây giữa hai nước cũng như Chương trình Hành động giai đoạn 2016-2019, hai bên đã rà soát, thống nhất về các phương hướng lớn nhằm phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược theo hướng thực chất, hiệu quả và toàn diện hơn trong thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực trụ cột như chính trị, an ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ …. Hai bên nhất trí tiếp tục củng cố tin cậy chính trị thông qua trao đổi đoàn các cấp; tăng cường hợp tác kinh tế trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng của mỗi nước và tận dụng các liên kết kinh tế đang phát triển ở khu vực, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đẩy mạnh triển khai các cơ chế mới được hình thành trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược về ngoại giao, quốc phòng, kinh tế nhằm tạo nền tảng cho việc thúc đẩy hợp tác song phương, đồng thời trao đổi, thống nhất về các vấn đề chiến lược khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai bên cũng nhấn mạnh việc dành ưu tiên cho các hợp tác có tác động tích cực, trực tiếp đến giao lưu nhân dân, giáo dục, lao động, du lịch, văn hóa, thể thao… Trao đổi về tình hình khu vực, hai bên nhất trí đánh giá châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động và thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác quan trọng trên thế giới do có vị trí địa chính trị, địa kinh tế, an ninh quan trọng hàng đầu thế giới; là nơi tập trung 2/3 cơ chế liên kết kinh tế trên thế giới cũng như các sáng kiến mới của các nước tại khu vực. Hai bên hoan nghênh các nỗ lực chung của các nước trong và ngoài khu vực nhằm tăng cường hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; nhất trí củng cố và đẩy mạnh hợp tác tại các tổ chức khu vực như ASEAN, Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn An ninh Biển ASEAN mở rộng (EAMF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Tại Đối thoại, Australia tái khẳng định tiếp tục hợp tác chặt với ASEAN, ủng hộ những nỗ lực của ASEAN trong việc củng cố đoàn kết nội khối, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Hai bên cũng bày tỏ lo ngại trước các thách thức đang nổi lên, trong đó có chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước…. ; nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ đa phương cũng như song phương nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của các thách thức này. Nhân dịp này, Australia khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ khi Việt Nam đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Hai bên cũng bày tỏ lo ngại trước sự gia tăng căng thẳng thương mại, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của tự do thương mại trong khu vực cũng như toàn cầu. Việt Nam hoan nghênh Hạ viện Australia đã thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời thông báo Việt Nam đang thúc đẩy thủ tục nội bộ, phấn đấu phê chuẩn CPTPP trong năm 2018, góp phần đưa Hiệp định sớm có hiệu lực và đi vào triển khai.

Trao đổi về tình hình gần đây ở Biển Đông, hai bên đề cao tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không; nhấn mạnh việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc pháp lý.

RELATED ARTICLES

Tin mới