Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNăm 2019, ASEAN tích cực thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh...

Năm 2019, ASEAN tích cực thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông

Từ đầu năm đến nay, ASEAN đã tích cực thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Hội nghị cấp cao ASEAN 34

Tại Hội nghị, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại vùng biển huyết mạch này của thế giới. Các nước thống nhất, đóng góp duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là nghĩa vụ của tất cả các nước, các bên. Các nước cũng đã thông qua văn kiện “Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, có tầm quan trọng lớn, vừa khẳng định các nguyên tắc bất di bất dịch của ASEAN, vừa định ra các phương hướng cho ứng xử của ASEAN trong các quan hệ với các đối tác; thống nhất sẽ thúc đẩy một ASEAN không rào cản (seamless ASEAN) thông qua tăng cường kết nối, kết nối tiểu vùng, triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) 2025, Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Sáng kiến Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN); thúc đẩy kinh tế số và một ASEAN số hóa, dự báo vào năm 2025, kinh tế số sẽ mang lại thêm cho ASEAN khoảng 1.000 tỷ USD, sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung, trong đó đã đề cập đến một số quan ngại về Biển Đông khi Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự tại vùng biển này. Theo tuyên bố, các lãnh đạo đề cập đến một số quan ngại về việc bồi lấp đất cũng như các hoạt động tại khu vực này, làm xói mòn lòng tin, gia tăng cẳng thẳng và có thể gây phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Đáng chú ý, phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ quan điểm của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, cho rằng ASEAN cần nhìn nhận thẳng thắn, vừa ghi nhận những tích cực bước đầu trong đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc, song cũng không bỏ qua các diễn biến trên thực địa như cải tạo đất trái phép, quân sự hóa, cản trở khai thác hợp pháp tài nguyên biển, thậm chí đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân. Ngoài ra, tại Hội nghị lần này, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định tại vùng biển huyết mạch này của thế giới. Các nước thống nhất, đóng góp duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là nghĩa vụ của tất cả các nước, các bên. Trong bối cảnh đó, các nước cần kiên trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, đề cao kiềm chế, tránh có các hành động đơn phương, có thể làm xói mòn lòng tin như tôn tạo, bồi đắp các thực thể, quân sự hóa khu vực Biển Đông. Các nước đồng thời ghi nhận kết quả đạt được trong đàm phán COC, mong muốn sớm có COC hiệu lực, hiệu quả và được cộng đồng quốc tế thừa nhận, ủng hộ.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52, 31/7) và các Hội nghị liên quan, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tham dự phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp trao đổi về các vấn đề nổi lên trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, kế hoạch triển khai Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) và Tuyên bố tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về quan hệ đối tác vì sự bền vững cũng như tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Theo đó, các Bộ trưởng đã thảo luận sâu rộng về tình hình Biển Đông, ghi nhận quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Theo đó, ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hóa và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước UNCLOS 1982. Các nước ASEAN cam kết duy trì tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và sớm đạt COC hiệu lực, thực chất.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Phó Thủ tướng nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hòa bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN

Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (11/7) lần thứ 13, các quan chức quốc phòng ASEAN đã trao đổi, thảo luận về những sáng kiến khung ASEAN liên quan đến chính sách an ninh, viện trợ y tế quân sự và vai trò của ASEAN trong quản lý biên giới. Các Bộ trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ DOC và sớm hoàn tất đàm phán COC; khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Đồng thời nhất trí về việc cần thiết tăng cường niềm tin, cân nhắc kiềm chế và tránh hành động làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh quyết tâm của cá bên sẽ hợp tác một cách xây dựng để biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Hội nghị cũng đã tái khẳng định cam kết của ASEAN trong thực thi Bộ Quy tắc chống va chạm ngẫu nhiên trên biển (CUES) và Tài liệu hướng dẫn chống va chạm ngẫu nhiên cho máy bay quân sự trên không (GAME) và các quy định của luật pháp quốc tế có liên quan. Nhấn mạnh việc ADMM và ADMM+ giữa ASEAN và các đối tác đối thoại là nền tảng quan trọng cho các cuộc đối thoại chiến lược về hợp tác quốc phòng an ninh và có khả năng mang lại kết quả bền vững cho khu vực, các Bộ trưởng đánh giá cao sự tiến triển của các sáng kiến ADMM như: Hợp tác giữa các cơ quan quốc phòng và các tổ chức xã hội dân sự ASEAN về an ninh phi truyền thống; sử dụng trang thiết bị và nguồn lực quân sự của ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; hợp tác công nghiệp quốc phòng ASEAN; mạng lưới trung tâm gìn giữ Hoà bình ASEAN… Ngoài ra, các Bộ trưởng đã thảo luận vấn đề đánh bắt cá trái phép không khai báo và không theo quy định (IUU Fishing), một trong những sáng kiến của Thái Lan nhằm nâng cao nhận thức về tác động an ninh của vấn đề này.

Sau hội nghị, các trưởng đoàn đã ký Tuyên bố chung của ADMM-13 về “An ninh bền vững.” Tuyên bố tái khẳng định việc tăng cường, củng cố và tối ưu hoá hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên ASEAN cũng như với các nước “Cộng”; tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, cũng như sự cần thiết phải tăng cường tin cậy lẫn nhau, kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp tình hình, và theo đuổi các giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC một cách trọn vẹn và hướng tới việc hoàn thiện lần đọc đầu tiên của Dự thảo đơn nhất của Văn bản Đàm phán COC vào năm 2019, mở đường cho việc kết thúc sớm đàm phán COC có hiệu quả và thực chất.

Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN lần thứ 26

Ngày 2/8, Ngoại trưởng các nước ASEAN đã tham dự Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN lần 26 (ARF 26). Tham dự ARF 26 có Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước và tổ chức tham gia diễn đàn, trong đó có Ngoại trưởng 10 đối tác đối thoại của ASEAN là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Canada. Các nước Bangladesh, Triều Tiên, Mông Cổ, Pakistan, Sri Lanka và Timor-Leste cũng cử đại biểu tham dự Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, nhiều Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây, trong đó có những sự cố nghiêm trọng xảy ra ở khu vực. Theo đó, các Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982; kêu gọi kiềm chế, không quân sự hoá cũng như không có các hành động làm phức tạp tình hình; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Ghi nhận một số tiến triển trong đàm phán COC, các Bộ trưởng nhất trí tình hình hiện nay càng đòi hỏi một COC hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Diễn đàn Khu vực ASEAN về An ninh biển

Tại Cuộc họp lần thứ 11 của Diễn đàn Khu vực ASEAN về An ninh biển (14-15/3) do Việt Nam, Australia và Liên minh châu Âu (EU) đồng chủ trì tại thành phố Đà Nẵng, các đại biểu bày tỏ quan ngại trước hành động đơn phương, quân sự hoá ở Biển Đông, cho rằng hành động phi pháp của Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoà bình ở khu vực. Về tình hình an ninh biển ở khu vực, các đại biểu bày tỏ lo ngại tình hình an ninh trên biển tiếp tục diễn biến phức tạp, trong đó các tranh chấp chưa được giải quyết, sự gia tăng các loại tội phạm xuyên quốc gia như cướp biển, buôn ma tuý, buôn người và nạn khai thác cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa… Liên quan tới vấn đề an toàn hàng hải, cuộc họp ghi nhận việc ASEAN đã thông qua quy trình hoạt động chuẩn nhằm giúp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các nước trong những chiến dịch tìm kiếm cứu nạn, đề xuất của Nhật Bản, ứng dụng công nghệ trong theo dõi di chuyển của tàu bè và sáng kiến của Mỹ về bảo đảm an toàn thông tin, chống tấn công mạng nhắm vào tàu thuyền.

Các đại biểu tham dự Cuộc họp đều đồng thuận cho rằng các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông như cải tạo đảo đá trái phép, quân sự hoá các thực thể nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, không tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác giải quyết những thách thức chung. Các đại biểu đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tuân thủ và thực thi nghiêm chỉnh các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình; không quân sự hoá; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình; bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và xây dựng COC thực chất, hữu hiệu, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các đại biểu đề nghị thiết lập kênh liên lạc trực tiếp giữa các quan chức quốc phòng các nước, xây dựng quy tắc hướng dẫn chung, cải tiến cơ chế trao đổi về biển, hoạt động tuần tra chung, xây dựng và mở rộng cơ chế chia sẻ thông tin, hỗ trợ xây dựng và nâng cao năng lực, cũng như tiến trình thương lượng giữa ASEAN và Trung Quốc để đạt được COC hiệu lực, hiệu quả.

ASEAN – Mỹ lần đầu tập trận hải quân trên Biển Đông

Từ 2-6/9, hải quân Mỹ và ASEAN bắt đầu khởi động các cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên (AUMX), bao gồm các cuộc tập trận ở Biển Đông.Cuộc tập trận với chủ đề “Tăng cường hiểu biết lẫn nhau và năng lực tác chiến hàng hải hỗn hợp”, nhằm mục đích thúc đẩy an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải hàng không và các hoạt động thương mại không bị ngăn trở theo các nguyên tắc được quốc tế công nhận. Theo đó, các lực lượng hỗn hợp của ASEAN và Mỹ thực hiện các hoạt động trên biển và trên không trong khuôn khổ cuộc tập trận. Tình huống mô phỏng của cuộc tập trận là qua trao đổi thông tin, các lực lượng phát hiện ba tàu đáng ngờ, có hành vi vi phạm pháp luật trên biển tại vùng biển Đông Nam Á; sau đó, lực lượng hỗn hợp sẽ tiến hành truy tìm và bắt giữ các nghi phạm trên tàu. Cuộc tập trận có sự tham gia của 8 tàu chiến và 4 máy bay chiến đấu từ 7 quốc gia và 1.250 quân nhân của Mỹ và tất cả 10 nước ASEAN. Phía Mỹ cử liên đội tàu khu trục 7 thuộc Hạm đội 7 tham gia diễn tập, trong đó nổi bật nhất là tàu tuần duyên USS Montgomery, được hạ thuỷ vào năm 2016 và là một trong những tàu tuần duyên hiện đại nhất của hải quân Mỹ.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Đô đốc Chareonpol Koomrasi, Hạm đội Hải quân Hoàng gia Thái Lan, cho biết cuộc tập trận này nhằm tăng cường khả năng của các lực lượng hải quân ASEAN trong việc đối phó với các mối đe dọa hàng hải và thiên tai. Tham mưu trưởng Hải quân Philippines, Chuẩn Đô đốc Loumer Bernabe cho biết, đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và khả năng hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, với nguyên tắc tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở. Sự tham gia của Philippines trong cuộc tập trận này nhằm nâng khả năng hoạt động trên biển của hải quân Philippines lên tầm đa phương, nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, Chuẩn Đô đốc Joey Tynch, Giám sát hợp tác an ninh hải quân của Mỹ ở Đông Nam Á cho biết, AUMX giúp xây dựng an ninh hàng hải vững chắc hơn dựa trên sức mạnh của ASEAN, sức mạnh của sự gắn kết các lực lượng hải quân với hải quân của chúng ta và sức mạnh của niềm tin chung đối với một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Mỹ (8/2019), các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đánh giá cao cam kết của Mỹ đối với ASEAN và khu vực, hoan nghênh Mỹ tiếp tục đóng góp tích cực và xây dựng các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, ủng hộ đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), hợp tác biển, đảm bảo an ninh mạng, chống khủng bố và bạo lực cực đoan, quản trị tốt, kết nối số, hợp tác thành phố thông minh, năng lượng, giáo dục, giao lưu nhân dân, hợp tác tiểu vùng Mekong… Các bộ trưởng trao đổi về những diễn biến phức tạp gần đây ở khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông. Một mặt ghi nhận tiến triển trong đàm phán về COC, các nước cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Các nước ASEAN và Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó UNCLOS, thực hiện nghiêm túc DOC và hướng đến hoàn tất COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nhật Bản (8/2019), các nước ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC song cũng chia sẻ quan ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp trên thực địa, nhất là quân sự hóa và các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình, dẫn đến xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển khu vực, bao gồm Biển Đông; nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; nhấn mạnh thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC và khuyến khích các nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc (8/2019), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa ở Biển Đông, trong đó có hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, các hành động như vậy đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đáng chú ý, trong một động thái được coi là tìm cách “xoa dịu dư luận” của Trung Quốc để hạn chế sự chỉ trích của các nước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (31/7) bày tỏ lạc quan rằng “Trung Quốc và các nước ASEAN có khả năng, sự khôn ngoan và sẽ đạt sự đồng thuận về COC trước thời hạn ba năm tới”; đồng thời cảnh báo “các quốc gia ngoài khu vực không nên lợi dụng những khác biệt để gieo rắc ngờ vực giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN”.

Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN (SOM)

Tại Hội nghị, các nước đánh giá cao hiệu quả của ARF, tiếp tục khẳng định đây là diễn đàn hàng đầu trao đổi về hợp tác an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Với ASEAN ở vị trí trung tâm, ARF đã trở thành một động lực chính trong xây dựng lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực thông qua các sáng kiến xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa đa dạng, phong phú. Nhiều nước nhấn mạnh các nguyên tắc kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Các nước cũng ghi nhận những tiến bộ ASEAN và Trung Quốc đã đạt được trong quá trình thực hiện DOC và mong ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được COC thực chất, hiệu lực, hiệu quả. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng hoan nghênh kết quả ASEAN và Trung Quốc đạt được trong đàm phán COC; tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những lo ngại về những diễn biến có thể làm xói mòn lòng tin, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường hòa bình, an ninh khu vực. Trong bối cảnh này, các nước cần kiềm chế, tránh các hành động đơn phương, làm xói mòn lòng tin, không quân sự hóa, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình nhằm duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.

Hội nghị tham vấn cấp cao ASEAN – Trung Quốc  

Tại hội nghị (19/5), các nước đánh giá cao những tiến triển trong thực hiện chỉ đạo của Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 21 (11/2018) và nội dung “Tầm nhìn Quan hệ Đối tác ASEAN-Trung Quốc 2030”. Với 47 cơ chế hợp tác thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc đã được triển khai mạnh mẽ.  Cuộc họp cũng ghi nhận kết quả của cuộc họp Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về triển khai DOC được tổ chức trước đó, và những tiến triển trong xây dựng COC. Các nước nhất trí cần thực hiện đầy đủ DOC và sớm đạt COC hiệu lực, thực chất, được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Trong phát biểu, nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; kêu gọi kiềm chế, đi đôi với hợp tác xây dựng lòng tin, tránh làm tình hình phức tạp và căng thẳng, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS năm 1982.

Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện DOC lần thứ 17

Tại Hội nghị (17-18/5/2019), các bên đã trao đổi về tình hình Biển Đông, kiểm điểm thực hiện DOC và tiếp tục đàm phán về COC. Trao đổi về tình hình Biển Đông và kiểm điểm thực hiện DOC, nhiều nước nêu rõ tình hình Biển Đông phức tạp là hệ lụy của những diễn biến vừa qua trên thực địa, làm gia tăng căng thẳng, gây xói mòn lòng tin, tạo nguy cơ cho hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Trước tình hình đó, các nước tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đồng thời cũng cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là tự kiềm chế, đi đôi với hợp tác xây dựng lòng tin. Hội nghị nhất trí với đề xuất của Việt Nam tổ chức hội thảo trong khuôn khổ DOC về đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân. Hội nghị ghi nhận công việc của Nhóm Công tác chung, hoan nghênh tiến triển trong đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về COC, cho rằng tiến trình này đang được triển khai đúng lộ trình, hướng tới hoàn tất vòng rà soát đầu tiên trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc (PMC) dự kiến sẽ được tổ chức cuối tháng 7, đầu tháng 8/2019 tại Bangkok, Thái Lan. Các nước nhất trí cần duy trì nhịp độ đàm phán, phát huy tinh thần trách nhiệm phấn đấu xây dựng COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong quá trình này, các bên cần kiềm chế, nỗ lực duy trì môi trường thuận lợi cho quá trình xây dựng COC.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn Việt Nam, ghi nhận tiến triển đạt được trong thực hiện DOC và đàm phán COC. Bên cạnh đó, Thứ trưởng chia sẻ quan ngại về những phức tạp ở Biển Đông vốn có nguyên nhân từ cạnh tranh chiến lược các nước lớn, các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, nhất là các hoạt động quân sự hoá, làm xói mòn lòng tin, cản trở việc duy trì hoà bình, ổn định, ảnh hưởng tới đàm phán COC. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Biển Đông cũng đang đứng trước những thách thức khác như nạn đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU Fishing), ô nhiễm môi trường biển, rác thải nhựa… Trước tình hình này, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng kêu gọi các nước đề cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực chung tay thực hiện đầy đủ DOC, kiềm chế và không có các hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá và đẩy mạnh hợp tác xử lý những thách thức đang được đặt ra. Theo đó, ông Nguyễn Quốc Dũng thông báo Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo trong khuôn khổ DOC về đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân. Về COC, ông Nguyễn Quốc Dũng khẳng định đây là vấn đề quan trọng được quan tâm rộng rãi, đề nghị ASEAN và Trung Quốc nỗ lực đàm phán để đạt được một Bộ quy tắc hiệu lực, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Đối thoại Mỹ – ASEAN lần thứ 32

Tại Đối thoại Mỹ-ASEAN lần thứ 31 (27 – 28/3), Mỹ và ASEAN đều đặc biệt quan tâm, thảo luận về diễn biến tình hình an ninh hàng hãi cũng như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Các nội dung thảo luận bao gồm hợp tác sâu rộng giữa Mỹ và ASEAN trên các trụ cột chính trị, kinh tế và xã hội cũng như tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN trong việc đảm bảo một khu vực Ấn độ-Thái bình dương mở và tự do. Các đại biểu cũng hoan nghênh sự phát triển của các mối quan hệ kinh tế và các sáng kiến kinh tế cũng như sự thành công của các chương trình nhằm tăng cường giao lưu nhân dân giữa Mỹ và ASEAN. Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh hàng hải trong việc đảm bảo ổn định khu vực cũng như hợp tác hàng hải trong đối phó với nạn ô nhiễm chất thải nhựa và đánh bắt trái phép. Các bên tái khẳng định sự cần thiết của giải quyết tranh chấp hòa bình theo luật pháp quốc tế bao gồm cả vấn đề Biển Đông. Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ cho một COC ý nghĩa và hiệu quả cho Biển Đông, tôn trọng các quyền của bên thứ ba và tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. 

Nhìn chung, hầu hết các Hội nghị, diễn đàn của ASEAN trong năm 2019 đều trao đổi, thảo luận về diễn biến tình hình Biển Đông. Tất cả các nước ASEAN và đối tác đều đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tuân thủ và thực thi nghiêm chỉnh các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình; không quân sự hoá; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình; bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và xây dựng COC thực chất, hữu hiệu, phù hợp với luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới