Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnPhản ứng của TQ sau khi Ấn Độ rời Hiệp định RCEP

Phản ứng của TQ sau khi Ấn Độ rời Hiệp định RCEP

Trung Quốc đưa ra phản ứng về quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) của Ấn Độ.

Sau khi Ấn Độ thông báo rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) hôm 4/11, thì mới đây Trung Quốc đã đưa ra phản ứng về quyết định này.

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 5/11, người phát ngôn Cảnh Sảng cho biết, RCEP là Hiệp định tự do thương mại khu vực đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.

Về lo ngại của Ấn Độ trước việc cán cân thâm hụt mậu dịch sẽ tăng mạnh nếu nước này gia nhập RCEP, ông Cảnh Sảng đánh giá, RCEP được ký kết và thực thi sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa Trung Quốc tiến vào thị trường Ấn Độ cũng như các thị trường khác và ngược lại, điều này mang lại lợi ích cho cả Trung Quốc và Ấn Độ. Với vai trò là hai quốc gia đang phát triển mới nổi, có thị trường rộng lớn với 2,7 tỷ dân, Trung Quốc và Ấn Độ hoàn toàn có thể cân bằng quan hệ thương mại giữa hai nước để phát triển bền vững.

Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh, Trung Quốc không theo đuổi mục tiêu tạo thâm hụt mậu dịch với Ấn Độ và thực tế trong 5 năm qua, lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Ấn Độ cũng đã tăng 15%.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành phát biểu tại Băng Cốc, Thái Lan cho biết, ngoài Ấn Độ thì đàm phán RCEP giữa 15 nước đã cơ bản hoàn thành và có thể ký kết Hiệp định vào năm sau, ông này cũng cho biết RCEP luôn mở cửa và hoan nghênh Ấn Độ gia nhập.

Hôm 4/11 vừa qua, Ấn Độ thông báo, nước này rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực RCEP do những vấn đề quan trọng về lợi ích cốt lõi vẫn chưa được giải quyết. Theo các chuyên gia, Ấn Độ lo ngại nếu gia nhập RCEP, Ấn Độ có thể trở thành thị trường trọng điểm của hàng hóa Trung Quốc, khiến thâm hụt mậu dịch của nước này ngày càng nghiêm trọng hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới