Cùng với Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ, giới quân sự Mỹ thời gian qua đã nhiều lần lên án, chỉ trích mạnh mẽ chính sách và hành vi sai trái, coi thường luật pháp quốc tế và dư luận của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 26/8 đã ra tuyên bố lên án việc Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông. Thông cáo có tiêu đề: “Trung Quốc leo thang áp bức nhằm vào hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông”.“Bộ Quốc phòng Mỹ cực kỳ quan ngại trước các nỗ lực liên tục của Trung Quốc khi vi phạm trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Gần đây, Trung Quốc còn tái diễn sự can thiệp mang tính áp bức nhằm vào các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông”, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố. Lầu Năm Góc khẳng định hành động trên của Trung Quốc đã đi ngược lại cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi tháng 6, theo đó khẳng định Bắc Kinh sẽ “theo đuổi con đường phát triển hòa bình”.
Trước đó, trong bài phát biểu về quan hệ Mỹ – Trung hôm 24/10 tại Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson ở Washington, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence một lần nữa lên tiếng chỉ trích các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong đó có các hành động cản trở hoạt động dầu khí hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và một số quốc gia ven biển khác trong khu vực. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương David Stilwell, tại buổi điều trần về việc thực hiện Đạo luật sáng kiến tái bảo đảm châu Á (ARIA), cũng nhấn mạnh các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường 9 đoạn” ở Biển Đông là phi pháp và phi lý. Những tuyên bố này không có giá trị pháp lý, lịch sử hoặc địa lý, gây tổn hại các nước khác. Các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Bắc Kinh đang ngăn cản các nước thành viên ASEAN tiếp cập nguồn dự trữ năng lượng ở Biển Đông, gây mất ổn định và làm gia tăng nguy cơ xung đột trong khu vực.
Đô đốc John C Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ
Trong chuyến thăm Ấn Độ hôm 29/10, Đô đốc John C Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nhận định Trung Quốc không hề giảm các hoạt động quân sự và việc này bị tất cả các nước láng giềng coi là một mối đe dọa. Trung Quốc đang nhanh chóng đạt được những công nghệ quốc phòng hiện đại và xây dựng các căn cứ quân sự trong khu vực, một động thái được cho là “bắt nạt” và đe dọa đến các quốc gia láng giềng. Ông Aquilino cũng cho rằng Trung Quốc sẽ triển khai các nhóm tàu sân bay tới Ấn Độ Dương trong tương lai và không hề giảm bớt các hoạt động quân sự. Động thái này của Bắc Kinh bị tất cả các quốc gia trong khu vực coi là một mối đe dọa. “Việc phát triển liên tục các công nghệ và vũ khí hiện đại, về bản chất, không phải mang tính phòng vệ. Chúng được thực hiện nhằm đe dọa các quốc gia khác trong khu vực… Tôi coi đây là một hành động gia tăng bắt nạt các quốc gia khác trong khu vực”, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ nhận định.
Đánh giá về những diễn biến trong tương lai, Đô đốc Aquilino xác định vùng biển Ấn Độ Dương sẽ là mối quan tâm của Trung Quốc và phán đoán rằng Bắc Kinh sẽ triển khai tàu sân bay ở đây trong tương lai. “Chúng tôi đã chứng kiến quá trình xây dựng lực lượng của Hải quân Trung Quốc. Rõ ràng họ có ý định mở rộng hoạt động và trong đó sẽ bao gồm cả Ấn Độ Dương. Tôi cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục triển khai quân sự cũng như các tàu chiến ở đây. Điều này chẳng có gì bất ngờ cả”, ông Aquilino cho biết.
Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen thường niên ở bang Coloradohôm 16/7, Đô đốc Davidson phê phán việc Bắc Kinh phô trương sức mạnh và phớt lờ đề xuất lập cơ chế liên lạc ngăn khủng hoảng trên biển. “Tôi cho rằng mối đe dọa chiến lược lâu dài lớn nhất với Mỹ và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp chính là Trung Quốc”, Đô đốc Philip Davidson phát biểu. Đô đốc Davidson chỉ trích cách hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, như bồi đắp, quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông và dùng lực lượng quân sự để theo dõi tàu, máy bay Mỹ cùng đối tác hoạt động trong khu vực. “Ngoài việc phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc còn đang tăng đáng kể năng lực tàu thuyền, máy bay, tên lửa cũng như khí tài vũ trụ và không gian mạng”, ông nói. Ông Davidson lấy dẫn chứng rằng Trung Quốc năm 2000 chỉ có hơn 10 vệ tinh, nhưng năm nay sẽ phóng khoảng 100 vệ tinh, nhiều hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới, kể cả Mỹ. Ngoài chỉ trích hành động phô trương quân sự của Trung Quốc, đô đốc Mỹ còn lên án việc Bắc Kinh phớt lờ lời kêu gọi của Washington nhằm thiết lập một cơ chế liên lạc ngăn ngừa khủng hoảng. “Mỹ từng đề xuất thành lập đường dây liên lạc ngăn chặn khủng hoảng với Bộ Tư lệnh chiến khu Nam Bộ (phụ trách Biển Đông) và chiến khu Đông Bộ (phụ trách biển Hoa Đông) của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa hồi đáp đề xuất này”, ông nói. Mỹ và Trung Quốc đang tranh cãi về việc tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trung Quốc liên tục phản đối các chuyến tuần tra duy trì tự do hàng hải của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông, trong khi Washington và các nước Đông Nam Á bày tỏ lo ngại về hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép. Đô đốc Davidson cho rằng cơ chế liên lạc ngăn ngừa khủng hoảng sẽ giúp giảm nguy cơ tính toán sai lầm dẫn tới xung đột quân sự. Ông cũng thể hiện cam kết duy trì hiện diện của Washington tại Biển Đông, cho rằng nó sẽ giúp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và bảo đảm trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. “Nhiều nước ủng hộ mạnh mẽ hoạt động tuần tra duy trì tự do hàng hải của chúng tôi, bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc”, Davidson nói. Ông tiếp tục chỉ trích tham vọng quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông, mô tả bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6 khiến “nhiều người trong khán phòng lạnh sống lưng”. “Ông ấy không chỉ thể hiện rằng châu Á và Tây Thái Bình Dương không có chỗ cho Mỹ, mà Bộ trưởng Ngụy về cơ bản khẳng định châu Á không dành cho người châu Á mà là của Trung Quốc”, Davidson nói thêm. Ông còn chỉ ra rằng quân đội Trung Quốc đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa trên Biển Đông chỉ một thời gian ngắn sau bài phát biểu của ông Ngụy ở Shangri-La.
Chỉ huy Thuỷ quân lục chiến Mỹ David Coffman
Phát biểu tại một hội thảo thường niên của Hải quân quốc gia, Tướng David Coffmancho biết Thuỷ quân lục chiến Mỹ đang có một kế hoạch giả định cho phép thuỷ quân lục chiến Mỹ chiếm các đảo mà Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông khi có một trận chiến tên lửa lớn ở Thái Bình Dương.USNI News trích lời tướng David Coffman của Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết việc lấy các đảo do Trung Quốc kiểm soát là trung tâm của kế hoạch này. Ông nói “các hoạt động hải quân phối hợp là cần thiết để lấy một đảo dù là đảo tự nhiên hay nhân tạo”, ý muốn nói đến các tiền tiêu mà Trung Quốc cho xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trung Quốc trong các năm gần đây đã gia tăng các nỗ lực xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và tiến hành quân sự hoá các đảo này bất chấp những phản đối từ Mỹ và các nước khác.
Giới chuyên gia quân sự Mỹ
Chuyên gia Ryan Martinson, Phó giáo sư của Học viện tác chiến hải quân Mỹ, cho rằng động thái của Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào hoạt động tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam tại Bãi Tư Chính rõ ràng là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. heo ông Martinson, Trung Quốc đã xâm phạm bất hợp pháp EEZ của Việt Nam được quy định theo Luật pháp quốc tế. Ông khẳng định Bãi Tư Chính không thuộc EEZ và thềm lục địa của Trung Quốc mà hoàn toàn thuộc EEZ và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam được nêu rõ trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Ông Martinson cũng cho rằng Trung Quốc là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và hiện đang nắm giữ các vị trí như thẩm phán của Tòa án tư pháp quốc tế, có 1 trong 15 thẩm phán làm việc tại Tòa án công lý quốc tế, 1 trong 21 thẩm phán tại Tòa án Luật Biển quốc tế. Chuyên gia Ryan Martinson nhấn mạnh, theo thông lệ luật pháp quốc tế, cách giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán là phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đã được các nước thông qua.