Wednesday, April 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaXả hơn 200 triệu m3 rác ra biển: Bằng chứng về việc...

Xả hơn 200 triệu m3 rác ra biển: Bằng chứng về việc TQ tàn phá môi trường biển

Trong năm 2018, Trung Quốc đã thải tổng cộng 200,7 triệu m3 rác thải vào môi trường nước và vùng ven biển, tăng 27% so với năm 2017 và đạt mức cao nhất trong một thập kỷ qua.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục tuyên truyền rằng Bắc Kinh đang “nỗ lực” cải thiện môi trường sinh thái ở Biển Đông nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế về thực trạng và nguyên nhân ô nhiễm môi trường biển. Tuy nhiên, mới đây Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc đã phải thừa nhận thực tế rằng, phần lớn chất thải được đổ tại các vùng đồng bằng sông Dương Tử và sông Châu Giang, hai khu công nghiệp lớn trên bờ biển phía Đông Trung Quốc. Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, trong năm 2018, cứ 1.000 m2 mặt nước ở Trung Quốc có 24 kg rác thải trôi nổi, 88,7% trong số đó là nhựa. Nhựa cũng chiếm đa số lượng rác thải trên mặt đất và cả dưới đáy biển.

Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc Huo Chuanlin cho biết, hiện nay, môi trường sinh thái biển có nhiều vấn đề, trong đó một số khu vực chưa có ý thức và thể hiện sự quan tâm đầy đủ cho các vấn đề này. Tuy nhiên, ông Huo Chuanlin cho rằng vấn đề này đang được cải thiện và không thể đổ lỗi cho Trung Quốc về cuộc khủng hoảng ô nhiễm đại dương toàn cầu và “Trung Quốc là nhà sản xuất lớn nhất và xuất khẩu các sản phẩm nhựa nhiều nhất, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng của thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc là quốc gia chính xả rác thải nhựa gây ô nhiễm đại dương”.

Trước đó, tạp chí khoa học quốc tế Nature (28/3) công bố báo cáo đưa ra các bằng chứng về sự biến đổi môi trường do hoạt động xây dựng đảo của Trung Quốc gây ra ở Biển Đông. Báo cáo đánh giá các tác động môi trường của hoạt động cải tạo đảo từ việc nạo vét đáy biển và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thực vật, động vật biển và cả hệ sinh thái. Báo cáo cho biết mức độ hủy hoại là rất lớn bởi các rạn san hô ở Biển Đông là nơi tập trung sự đa dạng sinh học lớn nhất Trái Đất. Thông qua việc sử dụng hình ảnh vệ tinh, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hoạt động xây dựng ở đá Vành Khăn, cho thấy mức độ tán xạ ở vùng biển quanh cấu trúc này lên tới 350%, lượng phù sa vượt quá 250km2 trong thời gian cải tạo đảo và diện tích khu vực bị tác động bởi việc nạo vét vượt quá 1.200km2. Báo cáo cho biết, hoạt động nạo vét dẫn đến việc môi trường sống tự nhiên bị che phủ và các rạn san hô bị trầm tích hóa, khiến cho nguồn lực sinh học của khu vực bị suy giảm. Báo cáo khẳng định, theo các chuyên gia, hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc là hoạt động làm xói mòn các rạn san hô nhanh nhất trong lịch sử loài người. Hoạt động này không chỉ phá hủy các rạn san hô, tác động đến các khu vực xung quanh mà còn làm giảm trữ lượng các đàn cá cũng như giảm khả năng giải độc chất thải của Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, các cấu trúc nhân tạo như sân bay và bản thân các hòn đảo nhân tạo có thể phá hoại môi trường sống của san hô, dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài cá, động vật không xương sống và một số thành phần quan trọng của hệ sinh thái bản địa. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, báo cáo này sẽ đóng vai trò là cơ sở để các cơ quan liên chính phủ đánh giá mức độ thiệt hại, từ đó có thể đưa ra các chính sách hạn chế cải tạo đảo cũng như yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại này.

Để tìm cách chống chế và biện minh cho hành động của mình, Bộ Tài nguyên Trung Quốc (1/1) thông báo Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc khảo sát để xác định thêm các khu vực nơi san hô sẽ được bảo vệ và khôi phục sử dụng phương pháp “khôi phục tự nhiên” để giúp các rạn san hô tự hồi phục, được bổ trợ bằng các phương pháp nhân tạo và các kĩ thuật được phát triển đặc biệt cho Trường Sa. Theo đó, Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở bảo vệ và khôi phục san hô trên các bãi Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, đồng thời khẳng định hoạt động trên bước đầu đã giúp khôi phục hệ sinh thái ở các vùng biển xung quanh Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã triển khai kế hoạch “làm sạch” vùng biển Bột Hải.

RELATED ARTICLES

Tin mới