Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐàm luậnASEAN: Làm thế nào để đoàn kết khi người xây, kẻ phá?

ASEAN: Làm thế nào để đoàn kết khi người xây, kẻ phá?

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các Hội nghị liên quan diễn ra ngày 2-4/11 với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và đối tác. Lãnh đạo nhiều nước đã có phát biểu liên quan đến Biển Đông.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cần đẩy mạnh các nỗ lực ở cả cấp độ song phương và đa phương nhằm đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không để lặp lại các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và nỗ lực hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad chỉ nói rằng “Trung Quốc cũng tỏ ra ủng hộ hòa bình trên Biển Đông” mà không giải thích gì thêm.[1]

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói Philippines sẵn sàng hợp tác với các bên để đàm phán thành công bộ quy tắc ứng xử COC có tính ràng buộc trên Biển Đông. Ông cũng nhấn mạnh thắng lợi của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc, khẳng định hòa bình là con đường duy nhất tại Biển Đông, các nước cần phải giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Ông kêu gọi ASEAN phải đoàn kết và giữ vững môi trường thuận lợi cho việc đàm phán và thương lượng công bằng.[2]

          Tuy nhiên, ngay tại Manila, Người Phát ngôn Phủ Tổng thống Salvador Panelo nói rằng vụ tàu hải quân Trung Quốc quấy rối một tàu chở dầu của Hy Lạp gần Bãi cạn Scarborough không liên quan tới Philippines. “Miễn là họ [Trung Quốc] không động vào tàu của Philippines thì đó sẽ vẫn là vấn đề của chỉ quốc gia mà tàu đó treo cờ.”

          Phát ngôn này của ông Panelo gặp sự phản ứng dữ dội từ các chuyên gia, luật sư và chính trị gia ở Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng pháp luật hàng hải quốc tế và kêu gọi các nước tôn trọng quyền tự do hàng hải ở Biển Tây Philippines. Ông nhấn mạnh rằng Bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Nghị sĩ Philippines Panfilo Lacson cũng tỏ ra bất bình trước vụ việc – làm sao mà tàu nước ngoài “qua lại trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines bị chính quyền Trung Quốc chặn lại thì không liên quan tới Philippines?”

          Trong bối cảnh đang diễn ra cuộc họp cấp cao ASEAN lần thứ 35 và trước phát biểu của Tổng thống Duterte, phát ngôn của ông Panelo dường như đang thể hiện một mặt khác trong chính sách của Philippines – chỉ tỏ vẻ bất bình suông trước các hành vi xâm lấn ở Biển Đông của Trung Quốc. Liệu lời kêu gọi ASEAN đoàn kết của Tổng thống Duterte còn có giá trị trong khi chính Philippines lại làm ngơ như vậy?[3]

          Thêm vào đó, khi nói đến nhân tố làm chia rẽ ASEAN thì không thể không nói đến Campuchia với sự kiện Hội nghị ASEAN lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung năm 2012. Các nước khác trong ASEAN hoặc là ít lên tiếng, hoặc không dám lên tiếng chỉ trích trực tiếp Trung Quốc. Dường như Việt Nam vẫn là nước duy nhất kiên quyết, kiên trì với các tranh chấp tại Biển Đông và kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế và ASEAN khó có thể thống nhất quyết định và có tiến triển tích cực trong các vấn đề Biển Đông.


[1]Malay Mail, 3/11.

[2]GOV Philippines, 2/11.

[3]Phil Star, 4/11.

RELATED ARTICLES

Tin mới