Ngày 01/11, tại Trường đại học Tư pháp Quốc gia trực thuộc Tòa án Tối cao Liên Bang Nga đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Luật quốc tế, công lý quốc gia và quốc tế, chủ quyền quốc gia trên ví dụ tương tác giữa các nước tại Biển Đông”. Đây là chương trình thường niên do Trường tổ chức, quy tụ những sinh viên ngành luật không phải chỉ từ các viện, các trường của Matxcova mà còn từ các địa phương khác của Liên Bang Nga.
Thành phần tham gia các cuộc hội thảo
Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ hội nghị toàn Nga và chương trình trường học của nhà khoa học trẻ. Lần đầu tiên chủ đề Biển Đông được đưa vào trong chương trình hội thảo dành cho các sinh viên, nghiên cứu sinh tài năng theo học ngành luật của Nga. Tham gia hội thảo có đông đảo giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên của các trường đại học, Viện trong khối luật hàng đầu trên khắp nước Nga, gồm: Đại học Tư pháp Liên bang Nga trực thuộc Tòa án tối cao, Viện nhà nước và pháp luật Viện hàn lâm khoa học Nga, Đại học tổng hợp Tomsk, Đại học Tổng hợp nhân văn Nga, Đại học sư phạm Matxcova, Học viện kinh tế quốc dân và hành chính công trực thuộc Tổng thống…
Kết quả, nội dung nổi bật tại các cuộc hội thảo
Trong bài phát biểu của Tiến sỹ Grigory Lokshin, chuyên gia hàng đầu của trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã trình chiếu một thước phim ngắn về những hành động trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, như tiến hành cải tạo các bãi đá, xây dựng các đường băng, đặc biệt là tiến hành thử nghiệm đường băng trên Đá chữ thập mà Trung Quốc xây dựng trái phép, các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông. Chuyên gia Nga phân tích, những hành động này đi ngược với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Trong một thập kỷ gần đây những vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông là có hệ thống, khiến Biển Đông trở thành lò lửa của căng thẳng quốc tế.
Chuyên gia Lokshin cũng đã trình bày những diễn biến mới nhất tại Biển Đông, khẳng định Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam khi đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào khu vực bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, được xác định phù hợp với UNCLOS 1982. Chuyên gia đã phân tích mưu đồ của Trung Quốc muốn biến khu vực không phải tranh chấp hay chồng lấn tại Biển Đông thành khu vực có tranh chấp và uy hiếp, cản trở hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam với Liên Bang Nga và các nước khác. Chuyên gia Lokshin khẳng định Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách với khu vực này.
Chuyên gia Lokshin nhấn mạnh rằng, hội thảo được tổ chức tại một trường đại học luật, nơi đào tạo những luật gia là rất ý nghĩa: “Trên phương diện pháp luật, tình hình khu vực Biển Đông hiện nay rất phức tạp, đòi hỏi trách nhiệm, nhưng chưa có sự quan tâm đầy đủ của cộng đồng luật quốc tế. Đúng là hiện nay có luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS, các tài liệu pháp lý khác để giải quyết tình hình ở Biển Đông. Nhưng chúng tôi thấy sự vi phạm nghiêm trọng, trước hết là từ phía Trung Quốc liên quan đến quyền, quyền hợp pháp được luật pháp quốc tế công nhận, trước hết là của Việt Nam, các quốc gia ven biển khác đang bảo vệ chủ quyền của mình, đó là Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei, tạo thành cả một nhóm các quốc gia tìm kiếm công bằng, pháp lý trong giải quyết vấn đề này”. Giáo sư, tiến sỹ Dmitri Mosyakov, lãnh đạo trung tâm nghiên cứu ASEAN, Australia và Châu Đại Dương thuộc Viện Phương Đông học, Viện hàn lâm khoa học Nga đã đồng ý với đánh giá của chuyên gia Lokshin về những vi phạm luật pháp quốc tế trong những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian gần đây. Tiến sĩ Mosyakov đã trình bày về những công cụ pháp lý quốc tế hiện nay có thể được áp dụng trong việc giải quyết các tranh chấp tại khu vực Biển Đông.
Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo đều khẳng định mặc dù hiện nay các công cụ pháp lý quốc tế để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông tuy chưa hoàn thiện nhưng tất cả các bên tranh chấp đều phải tuân thủ những chuẩn mực luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, trong đó có UNCLOS mà Trung Quốc cũng là thành viên. Ngay sau phần trình bày tham luận của các chuyên gia hàng đầu về Biển Đông, những đại biểu tham dự đã thảo luận sôi nổi và đặt nhiều câu hỏi cho các chuyên gia liên quan đến quan điểm các bên về Biển Đông, các giải pháp. Anh Vladimir Nikolaev, nghiên cứu sinh, Chủ tịch Câu lạc bộ Sinh viên “Luật mở” của Trường Đại học Tư pháp Quốc gia cho rằng, hội thảo rất thiết thực: “Tại Hội thảo các nhà khoa học đã đưa ra những giải pháp khác nhau cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông, kể cả thiết lập những thiết chế công bằng mới.
Qua những hội thảo như thế này các nhà khoa học, các chuyên gia có thể nói lên những quan điểm của mình và thu hút sự chú ý và hiểu biết của cộng đồng quốc tế, từ đó có được những chính sách pháp luật đúng đắn và mang lại những đóng góp cho luật pháp quốc tế”. Theo các chuyên gia, để giải quyết tranh chấp, các nước ASEAN và Trung Quốc cần nhanh chóng thông qua bộ quy tắc ứng xử các bên tại Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý và có tính đến lợi ích hợp pháp của tất cả các bên.