Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTham dự Hội nghị cấp cao ASEAN -Mỹ và EAS: Mỹ phản...

Tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN -Mỹ và EAS: Mỹ phản đối hành động vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông

Tại Thái Lan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã lên án các hành động vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tới việc đảm vảo an ninh và an toàn trong khu vực, cũng như sự cần thiết phải tuân thủ các quy định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Mỹ lên án Trung Quốc ở Biển Đông

Tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ lần thứ 7 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 14, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien đã lên án các hành động vi phạm luật pháp quốc tế tại Biển Đông. Theo ông Robert O’Brien: “Những thành tựu kinh tế đã giúp nâng cao năng lực bảo đảm an toàn và an ninh khu vực của ASEAN, đặc biệt là tại Biển Đông. Trung Quốc đang hăm dọa và cản trở các quốc gia thành viên ASEAN tiến hành hoạt động hợp pháp khai thác nguồn dầu khí to lớn trên Biển Đông. Washington phản đối các hành động đi ngược lại các quy định về tôn trọng, công bằng và luật pháp quốc tế tại khu vực này”. Không những vậy, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng “Bắc Kinh đã sử dụng sự hăm dọa để cố gắng ngăn các quốc gia ASEAN khai thác các tài nguyên ngoài khơi, ngăn chặn việc tiếp cận trữ lượng dầu mỏ và khí đốt trị giá 2,5 nghìn tỉ USD”; đồng thời nhấn mạnh “khu vực này không hứng thú với một kỷ nguyên đế quốc mới – nơi nước lớn có thể cai trị các nước khác theo học thuyết lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”.

Ngoài ra, ông O’Brien tái khẳng định mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Ngoài ra, ông chuyển lời mời của Tổng thống Trump tới các lãnh đạo ASEAN về việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN sẽ được tổ chức tại Mỹ vào đầu năm sau. Phía Mỹ cho rằng cuộc gặp này sẽ là cơ hội để hai bên mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong các vấn đề hai bên cùng coi trọng.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị cấp cao Đông Á, Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien nói rằng, những tranh chấp ở Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN tuyên bố cần phải được giải quyết một cách hòa bình. Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ khẳng định: “Cho dù bất cứ khi nào tôi nói về châu Á, về Trung Quốc hay khu vực, tôi luôn nói về Biển Đông. Điều quan trọng đối với Mỹ, với thế giới là chúng ta có tự do hàng hải ở khắp các vùng biển trên thế giới. Không một nước nào có thể chiếm một phần lớn các vùng biển này, đặc biệt là Thái Bình Dương, và tuyên bố nó nằm ngoài giới hạn. Sự hăm dọa của Trung Quốc với các nước khác trong khu vực, đó là điều mà chúng tôi không nghĩ là đúng đắn. Chúng tôi nghĩ các nước phải đoàn kết cùng nhau. Chúng ta phải nhờ tới sự phân xử nếu chúng ta gặp phải rắc rối. Thực tế, Philippines đã đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài và đã nhận được phán quyết có lợi. Chúng tôi nghĩ những tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hòa bình, chứ không phải thông qua sự hăm dọa. Đó không phải là cách mọi chuyện được giải quyết trong thế kỷ 21. Những điều đó giống như xâm chiếm vốn đã xảy ra hàng trăm năm trước và nó không nên xảy ra giữa các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Một lần nữa, chúng tôi muốn thấy mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Chúng tôi muốn các mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Người dân Philippines, Việt Nam, Malaysia có quyền đối với các vùng đặc quyền kinh tế của họ, họ có quyền khai thác dầu khí, khoáng sản, đánh bắt cá giống như Trung Quốc. Vì thế, chúng tôi không nghĩ các nước lớn có quyền hăm dọa các nước nhỏ hơn hoặc lấy đi những điều không thuộc về họ. Có nhiều cách để giải quyết tranh chấp. Họ nên giải quyết thông qua đàm phán, thông qua trọng tài quốc tế, nhưng không nên giải quyết thông qua việc hăm dọa. Đó là quan điểm của chúng tôi”.

Trong khi đó, Phát biểu trước Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định cam kết của Mỹ về tăng cường hợp tác, hiện diện trong khu vực. Theo Bộ trưởng Thương Wilbur Ross, “các bạn có thể thấy mối quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương quan trọng như thế nào so với khu vực khác”. Vị quan chức thương mại còn cho biết tiền đầu tư giữa Mỹ với khu vực này lên đến 866 tỉ USD (10 nước ASEAN là điểm đến hàng đầu), bỏ xa Trung Quốc. Theo Bộ trưởng Ross, chính quyền Washington sẽ vẫn giữ vững những giá trị có ích cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: tôn trọng chủ quyền quốc gia, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, môi trường thương mại mở và minh bạch, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Đáng chú ý, Bộ Ngoại giao Mỹ (4/11) còn cho công bố Báo cáo “Một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung”. Nội dung bản báo cáo tập trung về công tác phối hợp giữa Mỹ và các đối tác và đồng minh trong khu vực nhằm thực hiện một tầm nhìn chung. Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington tiếp tục cam kết đối với sự thịnh vượng của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đối tác và đồng minh trong việc duy trì một trật tự khu vực tự do và rộng mở. Trong các lĩnh vực mà báo cáo đề cập tới bao gồm đảm bảo hòa bình và an ninh trong đó có nhấn mạnh tới an ninh hàng hải. Mỹ khẳng định tiếp tục hợp tác với các đối tác trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương để đảm bảo tự do hàng hải và các hoạt động sử dụng biển một cách hợp pháp, qua đó tất cả các nước đều có thể tiếp cận và hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên biển. Trong vấn đề biển Đông, Mỹ kêu gọi các nước có yêu sách chủ quyền, bao gồm Trung Quốc, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không chèn ép và tuân thủ luật pháp quốc tế. Theo báo cáo của bộ Ngoại giao Mỹ, yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc được thể hiện qua “đường 9 đoạn” là không có cơ sở, bất hợp pháp và phi lý. Các yêu sách không có cơ sở pháp lý, lịch sử và địa lý này đã gây ra những tổn thất cho các nước khác. Thông qua những hành động gây hấn lặp đi lặp lại nhằm khẳng định “đường 9 đoạn” của mình, Bắc Kinh đã ngăn cản các nước thành viên ASEAN tiếp cận các nguồn dự trữ năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ USD đồng thời khiến gia tăng bất ổn và rủi ro xung đột.

Trung Quốc phản ứng yếu ớt

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng cho rằng, một số quốc gia bên ngoài đang “can thiệp” vào vấn đề của khu vực và “một số quốc gia không nằm trong khu vực không thể chung sống trong vùng biển yên bình ở Biển Đông và làm mọi cách để tạo sóng”; đồng thời ám chỉ “chúng tôi chỉ tới khi được mời chứ không như những quốc gia khác”.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bày tỏ niềm tin rằng, Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà Bắc Kinh đang đàm phán với ASEAN sẽ hoàn thành trong vòng 3 năm; đồng thời lồng ghép lên án Mỹ. Ông Lý Khắc Cường cho rằng “đáng tiếc là, trong khi cây muốn lặng, gió lại chẳng dừng. Một số quốc gia không thuộc khu vực lại làm mọi cách để gây rắc rối và gia tăng căng thẳng” và “họ muốn tự áp đặt mong muốn của mình lên nước khác”.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (4/11) cho rằng: “Những gì các quan chức Hoa Kỳ nói và nói, nghe có vẻ hùng hồn và hung dữ, nhưng nó thực sự đang đánh lận giữa đen và trắng. Tuyên bố của Hoa Kỳ giống như nói những gì Hoa Kỳ đang làm. Điều tôi muốn nói ở đây là với những nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, tình hình hiện tại ở Biển Đông nói chung vẫn ổn định. Trung Quốc và các nước ASEAN luôn duy trì liên lạc và hợp tác tốt về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc và các nước ASEAN có ý chí, khả năng và sự tự tin để cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông và cùng nhau thúc đẩy sự phát triển liên tục của tình hình ở Biển Đông. Chúng tôi khuyên Hoa Kỳ tôn trọng và hỗ trợ các nỗ lực của các nước trong khu vực, không nên là người khiêu khích quan hệ nhà nước, phá hủy sự ổn định khu vực và phá hỏng hợp tác Đông Á”.

RELATED ARTICLES

Tin mới