Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số dư luận nổi bật về Hội nghị Cấp cao ASEAN...

Một số dư luận nổi bật về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan

Sau khi kết thúc Hội nghị, giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế đã đưa ra một số nhận định, đánh giá về diễn biến, cũng như kết quả đã đạt được tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan.

Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đánh giá cao tầm quan trọng của Liên Hợp Quốc và ASEAN trong hợp tác giải quyết các thách thức hiện nay. Trong bối cảnh tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, nhiều mối an ninh phi truyền thống, tội phạm mạng, bệnh dịch, biến đổi khí hậu, diễn biến tình hình ở Biển Đông…, các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh nhu cầu hợp tác trong việc ứng phó với các thách thức hiện nay như biến đổi khí hậu, thiên tai, tội phạm xuyên biên giới, khủng bố, nước biển dâng, ô nhiễm, rác thải nhựa… Bên cạnh đó, các nhà Lãnh đạo cũng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy hợp tác ASEAN với UNESCO và UNICEF.

Về vấn đề Biển Đông, Hội nghị đánh giá có những diễn biến đáng lo ngại, cho rằng các hành động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế vừa qua đang ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Liên Hợp Quốc bày tỏ ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, giải quyết các bất đồng bằng đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các nhà Lãnh đạo tin rằng với việc Indonesia và Việt Nam là Ủy viên không thường của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020, ASEAN và Liên Hợp Quốc sẽ gia tăng hơn nữa hợp tác, góp phần thúc đẩy hoà bình, an ninh và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.

Luật sư Alexander Molotnikov thuộc Trung tâm nghiên cứu pháp lý châu Á (Nga) nhận định vấn đề Biển Đông hiện tại không còn là câu chuyện của riêng các nước có tranh chấp chủ quyền trực tiếp với Trung Quốc mà còn liên quan đến nhiều nước khác trong khu vực như Singapore, Indonesia, Malaysia, Brunei. Ông Molotnikov cho rằng tình hình căng thẳng sẽ vẫn tiếp diễn nếu các bên không đưa ra được giải pháp chính trị cho vấn đề này. Thế giới sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do những căng thẳng, phức tạp của khu vực, bởi biển Đông nằm trên tuyến hàng hải quốc tế chiến lược. Luật sư Molotnikov khẳng định việc vấn đề Biển Đông được đưa ra thảo luận không chỉ có lợi trong khuôn khổ của ASEAN mà còn trên nhiều diễn đàn đa phương quốc tế với sự tham gia của các nước có chung lợi ích. Ngoài ra, ông Alexander Molotnikov cho vấn đề quan trọng nhất là các bên cần phải tiếp thu, lắng nghe quan điểm của nhau và cần giải quyết bằng biện pháp hòa bình và pháp lý.

Chuyên gia về Luật Biển Vasily Kashin thuộc Trường Kinh tế cao cấp Moscow cho rằng dù tình hình căng thẳng Biển Đông gần đây đã tạm lắng nhưng việc đem vấn đề an ninh và ứng xử ở biển Đông ra thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan là một hướng đi tích cực. Trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, luật pháp quốc tế được các bên thừa nhận đóng vai trò quyết định, thúc đẩy việc phát triển các quy tắc ứng xử mới trong khu vực. Ông nhấn mạnh, Việt Nam là thành viên tích cực của ASEAN trong việc đảm bảo an ninh khu vực này. Theo ông Ka-sin, hiện nay Việt Nam duy trì quan hệ cân bằng với tất cả các đối tác để đảm bảo lợi ích quốc gia của mình, đồng thời luôn ủng hộ giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại đàm phán và tránh xung đột.

Việc Tổng thống Mỹ không tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN và chỉ Cố vấn an ninh quốc gia tham dự được giới truyền thông Mỹ nhìn nhận đây là động thái “hạ cấp” mức độ quan tâm của Washington đối với khu vực Đông Nam Á và lo ngại việc này có thể gây thất vọng cho các đồng minh và đối tác của Mỹ ở đây. Hãng tin AP dẫn lời nhà phân tích chính trị tại Philippines Richard Heydarian cho rằng: “Tổng thống Trump đang đối phó với hàng loạt khó khăn chính trị trong nước và điều đó cũng gây lo ngại cho sự ủng hộ và cam kết của Mỹ đối với khu vực này”. Theo ông Heydarian, sự vắng mặt của ông Trump “giúp TQ chứng minh của Mỹ như một thế lực không đáng tin cậy trong khu vực”, đồng thời củng cố một trật tự “xoay quanh TQ” ở Đông Nam Á. Vì vậy một động tác “hạ cấp” quan tâm như vậy sẽ khiến giới quan sát phải lật lại những dự đoán trước đó về bức tranh địa kinh tế và địa chính trị khu vực.

Theo đánh giá của tờ La Tribune, với 647 triệu dân, ASEAN còn lớn hơn cả Liên minh châu Âu về mặt dân số, GDP của cả khối là gần 3.000 tỷ USD. Đứng đầu ASEAN là Indonesia, với GDP đạt trên 1.000 tỷ USD. Với tổng dân số 265 triệu người, Indonesia chiếm đến 35% sự giàu có của ASEAN và 41% dân số toàn khu vực. Tiếp theo là Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Các nền kinh tế này có GDP hàng năm vào khoảng 240 – 500 tỷ USD, tức có thể sánh bằng với GDP của Bỉ hay Bồ Đào Nha. Ngược lại, Myanmar, Campuchia, Lào và Brunei là những nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Nhân tố đầu tiên làm nên thành công của ASEAN là nền kinh tế các quốc gia thành viên bổ sung cho nhau hơn là cạnh tranh. Điều này thấy được từ quốc gia giàu dầu lửa Brunei cho đến các nước chuyên gia công, tận dụng lợi thế cạnh tranh nhờ vào nguồn nhân công giá rẻ, dồi dào (Indonesia, Việt Nam, Campuchia) trên rất nhiều lĩnh vực từ lắp ráp ô tô, dệt may, linh kiện điện tử cho đến hóa chất. Tóm lại, ASEAN giờ có thể tự khẳng định là “công xưởng” lớn thứ hai trên thế giới và đà tiến của khối rất có thể còn được thúc đẩy nhờ những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Không chỉ có thế, nhiều quốc gia khác bắt đầu lao vào lĩnh vực ủy thác quy trình kinh doanh (BPO – Business Process Outsourcing), như trường hợp của Philippines. Hầu như tất các nước trong khối cũng tận dụng lợi thế du lịch. Bên cạnh đó, cũng cần kể đến những nước may mắn nhất có thể khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên (bất kể là nông nghiệp, quặng hay năng lượng). Chìa khóa thành công thứ hai là các nước ASEAN đề ra các biện pháp khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài và do vậy ngày càng trở thành những cỗ máy thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản (đã có từ lâu), Trung Quốc (ngày càng nhiều) và châu Âu đều nhận thấy ở ASEAN một cơ hội kép: nguồn nhân công giá rẻ và một thị trường nội địa rộng lớn tiềm tàng. Nhân tố thứ ba cho thành công của ASEAN là vị thế địa chính trị quan trọng. Nét đặc trưng của vùng Đông Nam Á trước hết là có nhiều quốc gia nằm bên bờ một vùng biển nội địa kết nối với phần còn lại của thế giới. Vùng Biển Đông có bảy eo biển dẫn ra bên ngoài, cho phép kết nối giữa châu Á và châu Đại Dương, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Với mức tăng trưởng trung bình hàng năm 5% từ một thập niên qua, ASEAN không những được xem như là một thành công về kinh tế mà còn là một tác nhân thiết yếu trong khu vực, có thể sánh như đại cường kinh tế thứ năm thế giới và đứng thứ ba tại châu Á, trước cả Ấn Độ.

RELATED ARTICLES

Tin mới