Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSingapore kêu gọi ASEAN tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh...

Singapore kêu gọi ASEAN tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, môi trường và an ninh

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi các nước ASEAN tăng cường hợp tác trong 3 lĩnh vực quan trọng nhằm duy trì ổn trịnh ở khu vực.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á khi bắt đầu Hội nghị Cấp cao thường niên ASEAN lần thứ 35, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh: “Mỗi quốc gia thành viên ASEAN đều có vấn đề nội bộ của riêng mình. Nhưng bối cảnh toàn cầu lúc này đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, đòi hỏi ASEAN phải xích lại gần nhau, tăng cường hợp tác nhằm đối phó với những xu hướng bất lợi bên ngoài và lên tiếng về những vấn đề mà chúng ta quan tâm bằng tiếng nói chung”.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Singapore lưu ý, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng 3% trong năm nay, mức chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ. Nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ cũng đang gia tăng. Đồng thời, chủ nghĩa dân túy trỗi dậy khắp thế giới, dẫn đến sự suy yếu của toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương. Trong bối cảnh mới, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đề cập đến 3 lĩnh vực then chốt mà 10 quốc gia thành viên ASEAN sẽ phải cùng nhau giải quyết là Kinh tế, Môi trường và An ninh.

Về kinh tế, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định, ASEAN cần tăng cường nỗ lực nhằm duy trì một hệ thống thương mại đa phương miễn phí, cởi mở và dựa trên các quy tắc. Ông Lý Hiển Long cho rằng các nước ASEAN đã thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và giờ đây chúng ta cần thực hiện bước tiếp theo, thực hiện đầy đủ Tầm nhìn Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, hướng tới hoàn thiện chương trình nghị sự còn đang dang dở”; đồng thời nhấn mạnh “đối với thế giới, chúng ta cần mở rộng liên kết kinh tế với các đối tác của ASEAN và tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại”.

Trong lĩnh vực môi trường, Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi các nước ASEAN thực hiện đầy đủ thỏa thuận của khối về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới để giải quyết những thách thức như biến đổi khí hậu hay ô nhiễm xuyên biên giới.

Trong lĩnh vực an ninh, Thủ tướng Singapore khẳng định, nhằm đối phó với những thách thức về kinh tế cũng như môi trường, hòa bình và an ninh trong khu vực đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đồng thời, hoan nghênh những tiến triển đạt được trong xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất vòng rà soát đầu tiên văn bản dự thảo về COC trước thời hạn và khi ASEAN tiếp tục các cuộc đàm phán, cần nhấn mạnh các nguyên tắc chung về tôn trọng tự do, điều hướng và hàng không, tự kiềm chế, không quân sự hóa và giải quyết tranh chấp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.

Đáng chú ý, tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng chính trị – an ninh ASEAN lần thứ 20 và hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 24 được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, các Bộ trưởng ghi nhận báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN về tình hình xây dựng Cộng đồng ASEAN; chúc mừng nhiệm kỳ Chủ tịch thành công của Thái Lan với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”. Các Bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển phức tạp, khó lường, ASEAN cần tiếp tục duy trì đoàn kết nhất trí; củng cố, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt; ứng phó hiệu quả, kịp thời các thách thức; bảo đảm giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN. Các Bộ trưởng cũng trao đổi sâu rộng các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có việc tăng cường hợp tác chống khủng bố, bạo lực cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh hàng hải, xây dựng năng lực về đổi mới sáng tạo…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao những kết quả ASEAN đạt được sau hơn 4 năm thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Qua đó, góp phần duy trì môi trường hoà bình, an ninh, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác và phát triển ở khu vực, cũng như tăng cường khả năng ứng phó của ASEAN trước các thách thức; củng cố liên kết kinh tế, kết nối, đề cao bản sắc và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân khu vực. Phó Thủ tướng nhấn mạnh năm 2020 là thời điểm quan trọng đánh dấu 5 năm thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể xây dựng các trụ cột Cộng đồng cũng như nhiều dịp kỷ niệm quan trọng. Do vậy, ASEAN cần sớm tiến hành đánh giá giữa kỳ công tác triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; xác định tồn tại, đề ra phương thức, giải pháp phù hợp để khắc phục nhằm thực hiện thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, đồng thời đề ra các định hướng mới, nâng cao hiệu quả các chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt, góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và dựa trên luật lệ. Phó Thủ tướng đánh giá trong bối cảnh thế giới chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, việc củng cố đoàn kết thống nhất ASEAN sẽ tiếp tục có ý nghĩa chiến lược, là nền tảng cho thành công của ASEAN trong hơn nửa thế kỷ qua và tương lai. ASEAN cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nâng cao hơn nữa khả năng chủ động thích ứng trước những thời cơ và thách thức mới, trong đó có các cơ hội và thách thức từ cuộc cách mạng 4.0 qua đó truyền thông điệp về một Cộng đồng ASEAN năng động, có bản sắc, phát triển bao trùm, bền vững, hướng tới người dân và gắn kết với Cộng đồng các quốc gia toàn cầu. Trong trụ cột chính trị – an ninh, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực đề cao và phổ biến các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử đã được thừa nhận chung trong khu vực song song với quá trình đẩy mạnh đối thoại, xây dựng lòng tin. Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và tiếp tục giữ vững vai trò trung tâm và vị thế dẫn dắt của ASEAN trong các tiến trình hợp tác vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 15 (8/10), các đại biểu tập trung thảo luận về một loạt các vấn đề hợp tác trong lĩnh vực môi trường, bao gồm: Vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển đa dạng sinh học, môi trường biển, giáo dục môi trường, quản lý tài nguyên nước, chất hóa học và chất thải nguy hại, xử lý ô nhiễm khói mù xuyên biên giới… Nhấn mạnh về ý nghĩa của hội nghị lần này, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, ông Aun Porn MoniRoth khẳng định: “Vấn đề môi trường giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế khu vực. Do đó cuộc họp lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng và là sự kiện lịch sử của ASEAN và đối tác trong việc đề ra các mục tiêu chiến lược vì một môi trường ổn định của khu vực và toàn thế giới”. Tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng ASEAN đã thông qua 3 văn kiện quan trọng gồm: Tuyên bố chung ASEAN về biến đổi khí hậu, kế hoạch chiến lược ASEAN về môi trường và đề nghị công nhận 5 công viên quốc gia của Myanma, Thái Lan và Việt Nam là công viên di sản ASEAN.

Tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN lần thứ 18 (AECC, 31/10) chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, Hội đồng Bộ trưởng đã rà soát tổng thể tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng AEC 2025 cho đến nay, đồng thời đưa ra 10 khuyến nghị cụ thể để tiếp tục triển khai kế hoạch này. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanavisit khẳng định, việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN cho đến nay đã cho thấy một quá trình rõ ràng, vững mạnh và có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của khu vực và thế giới. Theo ông Jurin, ASEAN hiện đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư thế giới. Năm 2018, đầu tư nước ngoài vào ASEAN đã tăng trưởng 5,3%. Đây là một tín hiệu tích cực của khu vực trong bối cảnh căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn của thế giới và sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Cũng tại hội nghị, hội đồng đã rà soát tình hình thực hiện các sáng kiến của nước Chủ tịch ASEAN trong năm 2019, theo đó 10 trong tổng số 13 ưu tiên của Thái Lan đã được hoàn thành, 3 ưu tiên còn lại dự kiến cũng sẽ được thực hiện trong cuối năm nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới