Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐài Loan là tâm điểm trong cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng...

Đài Loan là tâm điểm trong cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và TQ

Trong bối cảnh Đài Loan liên tục có những hành động được cho là “vượt giới hạn đỏ” của Trung Quốc như mua 66 chiếc máy bay chiến đấu F-16V, tìm cách mua thêm F-35 và một loạt trang thiết bị quốc phòng hiện đại, khiến tình hình giữa hai bờ eo biển trở nên căng thẳng, dễ mất kiểm soát.

Đài Loan liên tục tăng cường sức mạnh quân sự

Đầu tiên, tăng ngân sách quốc phòng. Chính quyền của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (15/8) tuyên bố Đài Bắc sẽ tăng chi tiêu ngân sách quân sự cao kỷ lục trong vòng hơn một thập niên qua, nhằm đối phó mối đe dọa của quân thù và đảm bảo an ninh. Theo văn phòng thống kế Đài Loan, lãnh đạo Thái Anh Văn đã ký thông qua quyết định tăng 8,3% ngân sách quân sự trong năm nay lên đến 411,3 Đài tệ (304.763 tỉ đồng). Nếu các nghị viên Đài Loan bỏ phiếu thông qua thì đây là mức tăng chi tiêu quân sự cao nhất kể từ năm 2008, giữa bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang với Trung Quốc, vốn vẫn coi Đài Loan là lãnh thổ của mình và không loại bỏ giải pháp sử dụng vũ lực để thâu tóm hòn đảo tự trị này. Cơ quan phòng vệ Đài Loan (Bộ Quốc phòng Đài Loan) cho biết, “để đối phó mối đe dọa của quân thù và đảm bảo an ninh, ngân sách quân sự phải luôn được tăng dần”, đồng thời tuyên bố tập trung tăng chi tiêu quân sự mua các vũ khí tối tân của nước ngoài.

Thứ hai, Quốc hội Mỹ (8/7) đã được thông báo về việc Bộ Ngoại giao chấp thuận việc bán cho Đài Loan 108 xe tăng Abrams M1A2T và những thiết bị liên quan, cùng với 250 tên lửa Stinger. Hợp đồng mua bán những chiếc xe tăng có trị giá lên tới 2 tỷ USD trong khi giá trị của 250 tên lửa đất đối không Stinger được ước tính vào khoảng 223 triệu USD. Ngoài ra, Mỹ cũng thông qua thương vụ bán 66 chiếc máy bay chiến đấu F-16V trị giá 8 tỉ USD cho Đài Bắc. Trước đó, bất chấp phản đối của chính quyền Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý thông qua 2 thỏa thuận vũ khí với Đài Loan trong vòng chưa đầy 18 tháng. Hai thỏa thuận lần lượt được thông qua vào tháng 6/2017 và tháng 9/2018 với giá trị là 1,4 tỷ USD và 330 triệu USD. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục đánh giá nhu cầu phòng vệ của Đài Loan và bán vũ khí cho hòn đảo này theo đúng quy định trong Đạo luật Quan hệ Đài Loan; nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục làm vậy nhằm hỗ trợ an ninh cho hòn đảo và bảo vệ hòa bình, ổn định tại eo biển Đài Loan.

Thứ ba, liên tục đưa ra các kế hoạch mua sắm trang thiết bị quốc phòng hiện đại để đề phòng khả năng bị Trung Quốc tấn công bất ngờ. Theo thông tin trên, bà Thái Anh Văn muốn mua F-35 nhằm nâng cao năng lực tác chiến và phòng không để đối phó với các mối uy hiếp về an ninh từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhận định của giới truyền thông và chuyên gia quốc tế, ít khả năng Mỹ sẽ đồng ý bán F-35 cho Đài Loan trong bối cảnh hiện nay. F-35 Lightning II là máy bay chiến đấu hiện đại hàng đầu của Mỹ, có khả năng tàng hình, có thể thực hiện đa nhiệm vụ như: yểm trợ cận chiến (CAS), ném bom chiến thuật và chiến đấu không đối không. Không những vậy, Đài Loan được cho là đang lên kế hoạch mua hệ thống pháo phản lực đa nòng di động (còn gọi là pháo hỏa tiễn) M142 và pháo tự hành M109A6 Paladi. Hệ thống pháo phản lực đa nòng (M142 High Mobility Artillery Rocket System, HIMARS) cỡ nòng 227mm có tầm bắn lên tới 300 km. Do tầm bắn của loại vũ khí này có thể bao trùm khu vực ven biển Trung Quốc đại lục ở bờ đối diện. Đáng chú ý, M142 được truyền thông Đài Loan đánh giá giống như tên lửa chiến thuật. Do tầm bắn xa, nó có thể chi viện các hoạt động tác chiến phòng thủ Bắc Nam của quân đội Đài Loan và tấn công các mục tiêu đổ bộ của đối phương. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng quyết định mua hơn 100 khẩu pháo tự hành M109A6 của Mỹ với ngân sách khoảng 30 tỷ tệ Đài Loan. Loại pháo tự hành M109A6 được chọn mua vì tính cơ động cao và tốc độ di chuyển nhanh. Theo thông số kỹ thuật, pháo tự hành M109A6 cần 4 người thao tác, sự dụng lựu pháo cỡ nòng 155mm, súng máy hạng nặng Brawning M2, tầm bắn tối đa 30 km, tốc độ bắn tối đa 4 phát/phút trong 3 phút, tốc độ di chuyển tối đa 62 km/h (hành tiến trên đường).

Trung Quốc “nóng mặt”

Trước tình hình ấy, một số chuyên gia an ninh đã bày tỏ quan ngại rằng trong vài năm tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ “ra tay”với Đài Loan và kéo Mỹ vào cuộc xung đột trên đảo tự trị này. Trung Quốc luôn cho rằng Đài Loan là ưu tiên số một về mặt chủ quyền lãnh thổ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (3/2018) đã cảnh báo “lợi ích căn bản” của Trung Quốc là đạt được “thống nhất toàn bộ” đất nước. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (5/4), ông Thôi nhấn mạnh “không ai có thể ngăn chặn cuộc tái thống nhất của Trung Quốc” và Bắc Kinh sẽ dùng mọi phương tiện cần thiết để đạt được mục tiêu này, đồng thời phản đối Mỹ bán thêm vũ khí cho Đài Loan. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 8 đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh rằng, Đài Loan và Biển Đông liên quan đến “sự toàn vẹn lãnh th” của Trung Quốc. Ông Ngụy Phụng Hòa ngang nhiên tuyên bố: “Trung Quốc vẫn là nước lớn duy nhất trên thế giới chưa thống nhất lãnh thổ, quân đội Trung Quốc luôn luôn khắc cốt ghi tâm: lãnh thổ thiêng liêng của tổ tông để lại một tấc cũng không được để mất, cái gì của người khác một mẩu cũng không cần. Các đảo ở Biển Đông từ xưa tới nay là lãnh thổ Trung Quốc, do tổ tông để lại, một tấc cũng không để mất. Trung Quốc xây dựng trên các đảo ở Biển Đông là thực hiện chủ quyền và quyền tự vệ quốc gia, không liên quan gì đến quân sự hóa. Trung Quốc phản đối các quốc gia ngoài khu vực viện cớ bảo vệ tự do hàng hải để đến Biển Đông diễu võ giương oai, khiêu khích và làm tăng căng thẳng trong khu vực. Về chính sách quốc phòng, Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự một cách phù hợp, để bảo vệ hòa bình và an ninh cho nhân dân lao động, xưa nay chưa từng uy hiếp quốc gia nào. Dù phát triển đến đâu đi nữa, Trung Quốc quyết vĩnh viễn không xưng hùng xưng bá, vĩnh viễn không chạy đua vũ trang.

Ngay sau khi Mỹ bán vũ khí và đưa tàu chiến qua eo biển Đài Loan, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp đáp trả khác nhau. Về ngoại giao, Trung Quốc lên án hành động của Mỹ, đồng thời cảnh cáo Trung Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp, bao gồm biện pháp quân sự để ngăn chặn Đài Loan độc lập và đáp trả thế lực bên ngoài can thiệp vào tình hình Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm (24/7) cảnh báo sẵn sàng chiến tranh nếu có bất kỳ động thái nào liên quan đến độc lập Đài Loan, cáo buộc Mỹ phá hoại sự ổn định toàn cầu và chỉ trích việc Mỹ bán vũ khí cho hòn đảo này. Ông Ngô Khiêm tuyên bố: “Chúng tôi phải dứt khoát chỉ ra rằng việc tìm kiếm độc lập cho Đài Loan là chuyện không thể. Nếu có những người dám cố tình chia cắt Đài Loan khỏi đất nước, quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu để kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”. Về quân sự, Trung Quốc điều máy bay chiến đấu Su-30 tập trận gần eo biển Đài Loan; triển khai máy bay tiêm kích tàng hình J-20, hiện đại nhất của Trung Quốc cho Quân khu Miền Đông. Không những vậy, Trung Quốc cũng điều máy bay không người lái do thám Tường Long tiên tiến của Trung Quốc theo dõi tuần dương hạm Mỹ USS Antietam khi tàu này đi ngang qua eo biển Đài Loan. Máy bay không người lái này có khả năng bay lượn phía trên chiến trường trong thời gian tối đa 10 giờ (đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để tàu Antietam đi qua eo biển Đài Loan) ở độ cao 2km. Tường Long được trang bị nhiều thiết bị theo dõi, tương tự như máy bay không người lái RQ4 của Mỹ. Tường Long được sản xuất từ năm 2016 và mới chỉ được bên ngoài nhìn thấy vài lần khi chúng cất cánh làm nhiệm vụ từ ba căn cứ: căn cứ không quân Linh Thủy trên đảo Hải Nam gần Biển Đông; căn cứ không quân Dịch Thuận Đồn gần thành phố Cát Lâm ở Đông Bắc Trung Quốc và cách Triều Tiên khoảng 300km; căn cứ Nhật Khách Tắc ở Tây Tạng, gần cao nguyên Doklam/Đông Lãng đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng điều các tiêm kích J-11 và Su-30 bám sát tàu USS Antietam khi đi qua eo biển Đài Loan. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc được nói là đã cử chiến đấu cơ đi giám sát một chuyến đi ngang eo biển Đài Loan của tàu chiến Mỹ vào ban đêm.

Tuy nhiên, khác với những nhận định thường thấy, mối bận tâm lớn nhất của các nhà hoạch định quân sự của Đài Loan không phải là một cuộc đổ bộ quy mô lớn của PLA vào đảo tự trị này. Thay vào đó, điều khiến họ lo lắng là Đại lục sẽ tìm cách khiến Đài Loan rơi vào cảnh hỗn loạn, hay tác động đến kinh tế trên đảo tự trị này nhằm quy phục họ. Cụ thể, một số người cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ thực hiện tấn công mạng nhằm vào lưới điện của Đài Loan, hoặc phá hoại hệ thống cáp quang dưới biển để “ngắt kết nối” giữa Đài Loan và thế giới. Ngoài ra, các tàu chở dầu từ nước ngoài tới Đài Loan cũng có thể trở thành mục tiêu tiềm năng của Bắc Kinh.

Vai trò của Mỹ

Mỹ với vai trò là đồng minh thân thiết của Đài Loan sẽ không để yên cho Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công Đài Bắc. Đối với Mỹ, xung đột Đài Loan – Trung Quốc không đơn thuần là vấn đề địa chính trị, nó còn là con bài mặc cả giúp Washington kìm chân Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Đông Á.

Trước đây, trong thời gian ông Trần Thủy Biển lãnh đạo Đài Loan (2000-2008), Washington từng tuyên bố sẽ không can thiệp vào xung đột địa chính trị này nếu có các dấu hiệu cho thấy Đài Bắc gây sự trước với Bắc Kinh. Vì vậy, Mỹ sẽ không để yên cho Trung Quốc sử dụng quân đội tấn công Đài Loan. Nếu Mỹ can thiệp, Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại để đạt được mục đích, vì: (1) Mỹ và Đài Loan có thể nắm bắt được thông tin chuẩn bị của Trung Quốc trước 60 ngày. Đây là thời gian đủ để Đài Loan di dời các cơ sở chỉ huy vào khu vực hầm núi gồ ghề nhưng kiên cố cũng như rải mìn trên biển, phân tản và ngụy trang các đơn vị quân sự; (2) Phía Tây Đài Loan có 13 bãi biển – nơi Quân giải phóng Trung Quốc có thể đổ bộ nên cần tiến hành kế hoạch chuẩn bị tác chiến ở 13 bãi biển này. (3) Đài Loan có nhiều nhà máy hóa chất ven biển – nơi đây vô hình trung sẽ trở thành cái bẫy khí độc khi quân đội Trung Quốc tấn công. (4) Nếu không quân Trung Quốc tấn công vào hệ thống phòng không và giàn pháo di động thì hiệu quả sẽ không cao.(5) Sau khi lên bờ, quân đội Trung Quốc sẽ phải đối mặt với với 2,5 triệu người nằm trong lực lượng dự bị phân bố rải rác trong thành phố và các khu rừng rậm của Đài Loan.

Cùng quan điểm trên, Giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) Brent Christensen tuyên bố Mỹ sẽ không cho phép việc sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, cho rằng Washington sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để giúp Đài Loan tái gia nhập một số tổ chức quốc tế, bất chấp những phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, nhưng là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan và là quốc gia hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho hòn đảo tự trị này.

RELATED ARTICLES

Tin mới