Wednesday, January 8, 2025
Trang chủĐàm luậnVỏ quýt dầy có móng tay nhọn

Vỏ quýt dầy có móng tay nhọn

Kể từ đầu năm 2019, trước những âm mưu và hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, các nước trong khu vực đã buộc phải xem xét lại chiến lược đối phó của mình. Cùng với chính sách ngoại giao, hợp tác kinh tế, quốc gia nào cũng phải chú ý tăng cường củng cố quốc phòng, nhất là đầu tư cho lực lượng hải quân về con người và phương tiện.

Mới đây, phản ứng về việc Trung Quốc đưa Tàu thân trắng ra hoạt động ở biển Đông, Mỹ cũng đã đưa các loại tàu tương tự (thuộc Lực lượng Tuần duyên Mỹ -USCG) tới khu vực. Đúng là vỏ quýt dày có móng tay nhọn.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã sử dụng một cách khéo léo lực lượng tàu dân sự núp dưới vỏ “hòa bình, thân thiện” để đe dọa và lấn át các nước khác có chủ quyền trên Biển Đông.

Tàu thân trắng không phải là thuật ngữ để chỉ riêng một tàu mặt nước của Trung Quốc. Đây là một nhóm tàu trong chiến thuật được Trung Quốc sử dụng đã lâu và gần đây hoạt động dày đặc. Chiến thuật này về cơ bản là “thiên về hòa bình”. Với danh nghĩa là nhóm tàu đánh cá, các tàu thân trắng tụ tập với số lượng lớn, di chuyển vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của nước khác, nhưng nằm trong khu vực “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra.

Còn Mỹ khi đưa tàu thân trắng của mình ra biển Đông cũng có lý lẽ, bởi họ không có vùng biển nào của mình trong đường lưỡi bò hay lưỡi trâu gì đó. Lý lẽ của Washington là: Mỹ có trách nhiệm đối phó với nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh lạnh mới ở Đông Á, không thể để Trung Quốc ỷ thế nước lớn bắt nạt các nước yếu thế hơn.

Hơn ai hết, Tổng thống Mỹ Donald Trump thấy rằng, các chính quyền tiền nhiệm đã thất bại trong việc kiềm chế Trung Quốc khi nước này chuyển đổi nhanh chóng bối cảnh chiến lược khu vực – đặc biệt là chương trình cải tạo đảo lớn và quân sự hóa phi pháp các đảo trên Biển Đông.

Đến thời Donald Trump làm Tổng thống, Nhà Trắng đã trao quyền tự quyết chính sách lớn hơn cho Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ). Động thái này cho thấy, Mỹ đã thách thức Trung Quốc, không để đối thủ của mình gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Lầu Năm Góc cũng công khai kêu gọi Trung Quốc tháo dỡ các tài sản quân sự trái phép mà nước này đã triển khai trên các đảo nhân tạo.

Hành động của Mỹ khiến Trung Quốc tức tối nhưng chưa có giải pháp nào ngăn chặn, mà chủ yếu vẫn là “khẩu chiến” với lời lê hằn học.

Các chính sách của Mỹ mà Bắc Kinh cho là hiếu chiến thể hiện qua nhiều chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) do hải quân Mỹ thực hiện trên khắp Châu Á và tại Biển Đông. FONOPS cho phép Mỹ nhiều lần triển khai các tàu chiến tiến vào khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo do Trung Quốc chiếm đóng tại Biển Đông. Đồng thời, FONOPS còn mở rộng sang các khu vực địa lý mới, đặc biệt là Bãi cạn Scarborough.

Bắt đầu từ cuối năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông James Mattis đã cảnh báo rằng, Lầu Năm Góc sẽ bắt đầu “đối xử” với lực lượng dân quân biển Trung Quốc, còn được gọi là Lực lượng Dân quân Hàng hải Quân đội Giải phóng Nhân dân, như một nhánh mở rộng của lực lượng vũ trang Bắc Kinh. Đây được xem là thay đổi cách tiếp cận hoạt động của Hải quân Mỹ.

Đô đốc hải quân Mỹ John Richardson đã cảnh cáo các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Đó là các hành động hung hăng của các tàu núp dưới vỏ bọc hòa bình của Trung Quốc với tàu của các nước khác trong khu vực.

Chống lại chiến lược chiến tranh không cần đổ máu của Trung Quốc, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ xây dựng cách tiếp cận cụ thể nhằm đối phó các lực lượng tuần duyên và bán quân sự đang đà phát triển nhanh của Bắc Kinh. Đô đốc Richardson còn nói thẳng rằng, sẽ có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Những đồng thái trên đây báo hiệu những căng thẳng mới giữa hai “hổ lớn” trên biển Đông. Tàu thân trắng của hai quốc gia thật ra là những tàu quân sự trá hình đến một lúc nào đó buộc phải bộc lộ lực lượng, phải nổ súng để khẳng định chủ quyền trên biển. Như vậy rõ ràng gia tăng đáng kể các nguy cơ xảy ra các vụ đụng độ trên biển.

Vụ việc mới xảy ra, sau khi tàu bán quân sự Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines trên Biển Đông, Washington đã cảnh cáo Bắc Kinh: Mỹ có hiệp ước phòng vệ chung với Manila, vì vậy Mỹ có thể áp dụng các biện pháp quân sự nhằm chống lại các mối đe dọa biến vùng biển bình yên thành vùng biển có tranh chấp của Trung Quốc.

Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Mỹ, đã nhắc lại cách tiếp cận toàn diện của Mỹ. Ông khẳng định trọng tâm vào việc thách thức cái gọi là “Vạn lý Trường thành SAM” – hệ thống tên lửa đất đối không mà Trung Quốc đang triển khai ở Biển Đông.

Những ngày cuối năm 2019 Biển Đông lại nóng lên như chảo lửa, đặc biệt là căng thẳng trong mối quan hệ Trung – Mỹ, từ cuộc chiến thương mại chưa hạ nhiệt đến các chế tài của Mỹ và vấn đề Đài Loan. Đây cũng là lúc các nước ASEAN, nhất là các nước có vùng ANZ, có đảo, đá bị Trung Quốc chiếm đóng, cần đoàn kết chặt chẽ hơn, tỉnh táo trước âm mưu của Bắc Kinh đang nhóm lửa chiến tranh trên biển Đông sau vỏ bọc hòa bình.

RELATED ARTICLES

Tin mới