Trong suốt thời gian 4 tháng qua, khi Trung Quốc cho tàu Hải Dương 08 cùng nhiều tàu hải cảnh và tàu dân quân biển xâm lấn ngày càng sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, nhiều ý kiến ở cả Việt Nam và nước ngoài đều nhất trí cho rằng cần phải khởi kiện Trung Quốc như Philippines đã làm. Đến nay, mặc dù tàu Hải Dương 08 đã rút, song Biển Đông khó mà bình yên, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành vi xâm lấn mới với mức độ nghiêm trọng hơn. Do vậy, cần bàn bạc thấu đáo về vấn đề khởi kiện Trung Quốc, được gì mất gì?
Âm mưu độc chiếm Biển Đông là mục tiêu xuyên suốt của Trung Quốc từ lâu. Âm mưu đó có nguồn gốc từ bản chất Đại Hán, sô vanh của đế chế Phương Bắc. Họ đang từng bước thực hiện mục tiêu này với những bước đi ngày càng táo tợn. Việc tàu Trung Quốc vào ra vùng biển chủ quyền của Việt Nam như “đi chợ” (vào rồi ra, rồi lại vào, rồi lại vào rồi lại ra…) trong gần 4 tháng qua.
Có ý kiến cho rằng “nó vào rồi nó ra chứ đã làm được gì đâu”. Nghĩ vậy thật đơn giản và thơ ngây quá! Thứ nhất, việc làm của họ là xâm phạm vùng biển của một quốc gia có chủ quyền là hành động xâm lược, vi phạm Hiến chương liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; thứ hai, họ làm được như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu để họ tiếp tục lấn tới; thứ ba, họ vào để biến vùng biển của nước khác hoàn toàn không có tranh chấp thành vùng biển tranh chấp rồi đòi “cùng khai thác”.
Việt Nam với đường bờ biển trải dài từ Bắc đến Nam hơn 3000km nên Biển Đông có ý nghĩa sống còn đối với Việt Nam cả về kinh tế, an ninh, quốc phòng. Biển Đông là không gian sinh tồn của đất nước. Do vậy, bảo vệ biển là thiêng liêng đối với dân tộc Việt Nam với hàng nghìn năm lịch sử là nhiệm vụ hàng đầu của đất nước. Đây chính là “đại cục” của đất nước chứ không phải cái “đại cục” mơ hồ, hão huyền mà những người Lãnh đạo ở Bắc Kinh thường rêu rao. Trung Quốc đang tìm mọi cách xâm lấn biển, thu hẹp không gian sinh tồn của Việt Nam. Thực tế trên vấn đề Biển Đông, Trung Quốc là đối thủ trực tiếp nguy hiểm của Việt Nam.
Hầu hết các ý kiến thời gian qua đều cho rằng cần khởi kiện Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, song cũng có những ý kiến e ngại cho rằng kiện cũng chẳng được gì, Trung Quốc không chấp nhận, không chấp hành, chẳng có chế tài nào để cưỡng chế. Cách tiếp cận này là rất thiển cận. Khi Việt Nam tuyên bố khởi kiện Trung Quốc sẽ tạo ra sức mạnh tập họp cả một dân tộc, cả kiều bào khắp nơi trên thế giới, tập họp thêm nhiều bạn bè quốc tế.
Khởi kiện Trung Quốc bản thân Việt Nam cũng nhanh chóng trưởng thành về sự hiểu biết luật pháp quốc tế. Khởi kiện Trung Quốc đồng thời cũng là lên tiếng để nhân dân Trung Quốc biết thái độ rõ ràng của Việt Nam chứ không phải như lâu nay nhà cầm quyền Trung Quốc cứ tuyên truyền một chiều làm người dân Trung Quốc hiểu sai bản chất của vấn đề.
Kiện Trung Quốc ra tòa sẽ làm rõ ràng được ranh giới trên biển của Việt Nam bằng một văn bản có tính chất pháp lý, tồn tại vĩnh viễn. Mặc dù, Trung Quốc phản đối và không thực hiện nhưng phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông của Philippines là không thể đảo ngược và được coi như “quyển Sổ đỏ” về danh giới những vùng biển mà Philippines có thể được hưởng theo luật pháp quốc tế.
Vậy nếu kiện là được chứ, sao lại không được gì. Được một văn bản pháp lý xác định ranh giới biển của Việt Nam; được lòng dân và được bạn bè quốc tế và làm cho người dân Trung Quốc hiểu rõ chính nghĩa thuộc về Việt Nam chẳng phải là cái được lớn sao. Mặt khác, hãy tin rằng, với nhận thức của thế giới ngày nay, chân lý không dễ bị chà đạp đâu. Khi chân lý rõ ràng và thuộc về Việt Nam chẳng phải là cái được lớn hay sao.
Việt Nam đã kiên trì dùng ngoại giao để đấu tranh với Trung Quốc, không dừng lại mà còn lấn tới dùng mọi thủ đoạn để áp đặt. Việt Nam có chính nghĩa, có cơ sở pháp lý, cần phải dựa vào luật pháp và thông lệ quốc tế để đối mặt với sự xâm lấn của Trung Quốc là một giải pháp không thể khác trong tình thế hiện nay. Nếu không kiên quyết, hãy coi chừng sẽ mất Biển Đông.
Phương Bắc chưa bao giờ từ bỏ âm mưu thôn tính, đồng hóa, Việt Nam. Nhưng do Việt Nam có truyền thống bất khuất và lịch sử oai hùng nên suốt hàng nghìn năm qua họ chưa làm được, thậm chí còn phải chịu những thất bại cay đắng. Bây giờ họ mưu toan thôn tính, chặn không gian sinh tồn của Việt Nam lẽ nào người dân Việt Nam cam chịu.
Dân tộc Việt Nam không thể bê đất nước mình đi chỗ khác tách khỏi Trung Quốc nên việc phải “chung sống với lũ” bên cạnh họ lâu dài là tất nhiên. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam không thể chịu khuất phục trước sức ép của phương Bắc.
Đa phần ý kiến cho rằng phải kiện Trung Quốc ngay, công khai chủ trương và thúc đẩy nhanh công việc, ý kiến khác lại cho rằng cần cân nhắc thận trọng không để ảnh hưởng đến Trung Quốc và Việt Nam cần môi trường hòa bình để phát triển nếu kiện, xảy ra xung đột sẽ ảnh hưởng đến phát triển của Việt Nam.
Cần phải nhấn mạnh ở đây rằng kiện là giải pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Kiện chẳng những không phải là chiến tranh mà còn là một giải pháp ngăn chặn chiến tranh. Sử dụng luật pháp và dư luận quốc tế khi có mâu thuẫn giữa các bên là biện pháp cần thiết và đúng đắn trong một thế giới văn minh và hội nhập. Đó cũng là tư tưởng pháp quyền tiến bộ. Vì sao lại sợ kiện, trong khi chính nghĩa thuộc về Việt Nam.
Trung Quốc thường nói rằng, Việt Nam và Trung Quốc là “đồng chí”, cùng một hệ tư tưởng và còn có quan hệ giữa hai đảng cộng sản đang cầm quyền, vì vậy cần kiên trì trao đổi ý kiến, đối thoại với nhau, không nên kiện ra quốc tế, không nên tỏ ra căng thẳng…. Nếu họ suy nghĩ đúng như vậy thì việc gì phải cho tàu vào xâm lấn vùng biển Việt Nam.
Cần có nhận thức rằng là “đồng chí”, thậm chí “anh em” càng phải làm rõ ràng mọi chuyện mà biện pháp tốt nhất là thông qua sự phán xử công bằng của bên thứ 3 mà ở đây là các quan tòa. Với cách làm này mỗi bên có thể giải thích rõ cho người dân của nước mình.
Hãy đừng tin vào những gì Trung Quốc nói mà hãy nhìn thẳng và vạch trần những hành động bành trướng trên Biển Đông của họ. Phải luôn ghi nhớ bài học cay đắng trong lịch sử vì nhẹ dạ mất cảnh giác mà Việt Nam đã bị phương Bắc cướp nước để cho cả một dân tộc phải sống nô lệ lầm thang điêu đứng trong cảnh “chim lồng cá chậu” đầu rơi máu chảy suốt một nghìn năm mới thoát ra được.
Các ý kiến khác nhau trong quá trình bàn thảo là việc bình thường. Nhưng cần phải có phương pháp tiếp cận biện chứng, khoa học, khách quan. Hãy đừng có tư tưởng lo sợ Trung Quốc mà không dám khởi kiện, cho rằng nếu kiện họ sẽ ép Việt Nam, thậm chí tấn công Việt Nam. Trung Quốc sẽ không có lý do để tấn công Việt Nam khi Việt Nam khởi kiện vì đây là biện pháp pháp lý hòa bình.
Chính việc Việt Nam không khởi kiện Trung Quốc lại càng lấn tới. Nên nhớ rằng Trung Quốc luôn “già nắn, rắn buông”. Nếu một khi Việt Nam kiên quyết và luôn đề cao chính nghĩa, luật pháp quốc tế thì Trung Quốc cũng phải chịu vì bản thân họ đang muốn vẽ cho mình một hình được gọi là “Trung Quốc phát triển hòa bình”.
Mặc dù, Nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển Việt Nam nhưng ngay từ bây giờ Việt Nam cần chuẩn bị để đối phó với những bước leo thang mới của Trung Quốc, tránh rơi vào thế bị động.