Theo dữ liệu từ Marine Traffic – một trang web theo dõi hoạt động của tàu thuyền trên biển, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 rời đi sáng 24/10/2019 với sự hộ tống của ít nhất hai tàu Trung Quốc khác.
Trung Quốc cho tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 cùng nhiều tàu Hải cảnh và tàu Dân quân biển đến hoạt động trái phep trong vùng biển ngoài khơi Việt Nam này từ đầu tháng 7/2019. Ban đầu nhóm tàu này hoạt động ở khu vực bãi Tư Chính. Song song với việc cho tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã liên tục sách nhiễu và tìm cách cản trở hoạt động của giàn khoan Việt Nam tại Bãi Tư Chính.
Tàu Hải Dương 08 đã 3 lần rời về đá Chữ Thập (Fierry Cross) và đá Subi vài ngày để lấy nhiên liệu và thay thủy thủ đoàn, rồi lại quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và ngày càng tiến sâu hơn vào vùng biển của Việt Nam, có lúc chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 70 hải lý.
Việt Nam đã nhiều lần cáo buộc tàu khảo sát này và các tàu hộ tống vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông và yêu cầu các tàu Trung Quốc ngay lập tức rời khỏi khu vực trên. Nhưng tàu Hải Dương 08 chỉ rút sau khi giàn khoan Hakuryu 5 của Nhật mà tập đoàn Rosneft của Nga thuê thăm dò dầu khí ở Lô 06.1 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam đã hoàn thành các hoạt động và bắt đầu rời khỏi vị trí hôm 23/10/2019.
Các nhà quan sát cho rằng cần phải theo dõi sát các hành động tiếp theo của Trung Quốc, chớ có mất cảnh giác bởi lẽ mục tiêu của Trung Quốc là biến vùng biển không tranh chấp của các nước ven Biển Đông thành vùng biển tranh chấp để đòi “cùng khai thác”, thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông. Việc Trung Quốc rút nhóm tàu Hải Dương 08 có thể chỉ là “khoảng lặng” tạm thời và “cơn bão” tiếp theo có thể còn lớn hơn nhiều.
3 ngày trước khi tàu Hải Dương 08 rút Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa, trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Hương Sơn lần 9 tại Bắc Kinh hôm 21/10 còn trâng tráo nói rằng, các đảo ở Biển Đông là “một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Chúng tôi thậm chí sẽ không cho phép lấy đi một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại”. Phát biểu của ông Ngụy Phượng Hòa cho thấy dã tâm của Trung Quốc không từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông. Do vậy, khó có thể tin rằng việc tàu Hải Dương 08 rút là “thực tâm” hay “thiện chí”.
Trung Quốc không muốn bất kỳ công ty nước ngoài nào hợp tác với các nước khu vực khoan dầu ở Biển Đông. Trung Quốc gây sức ép với các nước ven Biển Đông không được hợp tác với bên thứ 3 ngoài khu vực mà chỉ có thể “cùng khai thác” với Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng hành động tiếp theo của Trung Quốc có thể là đưa một giàn khoan đến khu vực mà tàu Hải Dương 08 đã thực hiện các cuộc khảo sát địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nếu hành động này xảy ra, có thể đẩy tình hình Biển Đông rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn..
Nhà nghiên cứu đưa ra phân tích và cho rằng Trung Quốc rút tàu còn có lý do cân nhắc tam giác quan hệ an ninh Trung Quốc – Việt Nam – Mỹ, đặc biệt trong tình hình Mỹ có các điều chỉnh trên bàn cờ an ninh chiến lược quốc tế và trong nội bộ Việt Nam có sự nhận thức mới.
Hôm 15/10/2019, phát biểu trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng, Việt Nam sẽ “không bao giờ nhân nhượng trước những vấn đề thuộc về chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”. Quan điểm này được tiếp tục nêu ra tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Việt Nam khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội.
Một số ý kiến còn cho rằng Trung Quốc rút tàu trước Hội nghị cấp cao ASEAN tại Thái Lan trong tháng 11/2019, nơi sẽ có sự hiện diện của lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác. Trung Quốc không muốn lãnh đạo của họ bị lên án tại các diễn đàn này.
Theo một số chuyên gia nghiên cứu và am hiểu về Trung Quốc, từ năm 2009 (khi Trung Quốc gửi lên Liên hợp quốc công hàm có bản đồ vẽ “đường lưỡi bò”), Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động bất hợp pháp ở Biển Đông một cách có hệ thống với chiều hướng ngày càng leo thang nguy hiểm. Trung Quốc đang thực hiện các bước đi quyết liệt ngày càng lấn tới để thực hiện tham vọng bá quyền của họ ở Biển Đông.
Từ chỗ tuyên bố yêu sách “Tam Sa” tiến lên thành yêu sách “Tứ Sa”; từ chỗ bồi đắp, mở rộng tôn tạo các cấu trúc ở Biển Đông tiến tới biến các cấu trúc này trở thành các tiền đồn quân sự; từ chỗ gây sức ép chính trị ngoại giao ngăn cản hoạt động hợp tác dầu khí của các nước ven Biển Đông với các nước ngoài khu vực tiến tới việc có những hành vi xâm lấn trên thực địa, thậm chí sâu trong vùng biển của các nước ven Biển Đông.
Với cách làm đó của Trung Quốc khó có thể hy vọng một sự bình yên trên Biển Đông nên mặc dù tàu Hải Dương 08 đã rút, song mối lo ngại còn lớn hơn. Hà Nội cần tiếp tục chuẩn bị để đối phó với những hoạt động táo tợn hơn của Trung Quốc trong tương lai. Trước mắt, Hà Nội cần chủ động, tích cực chuẩn bị các hồ sơ pháp lý về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, sẵn sàng đưa Trung Quốc ra tòa nếu họ có những hành vi xâm lấn mới ở Biển Đông.