Thời gian gần đây, Trung Quốc đã coi Biển Đông như “cái ao nhà” để thỏa thích vùng vẫy thông qua các hoạt động gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông. Tàu Hải Dương Địa chất 08 cùng các tàu hải cảnh, tàu dân quân biển quần thảo trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam suốt gần 4 tháng qua và mới chỉ rút khỏi khu vực ngày 24/10/2019. Malaysia bị các tàu chấp pháp Trung Quốc đe dọa ở thềm lục địa trong dự án dầu khí. Tàu Trung Quốc ngang nhiên đi vào vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền suốt từ tháng 2 đến tháng 7/2019.
Hành vi cậy lớn ăn hiếp bé của Trung Quốc bị Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lên án gay gắt trong bài phát biểu bao quát về quan hệ Mỹ-Trung ngày 24/10 tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington. Ông Pence tố cáo Trung Quốc dùng đội tàu “dân quân biển” để thường xuyên hăm dọa thủy thủ, ngư dân Philippines và Malaysia; dùng hải cảnh để quấy nhiễu Việt Nam thăm dò dầu khí ngay trong vùng biển của chính Việt Nam.
Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi tại sao chưa bao giờ Việt Nam, Philippines và Malaysia ngồi lại với nhau, bàn về bất đồng chủ quyền của ba nước để có thể hợp lực chống Trung Quốc? Đây là điểm yếu đã bị Trung Quốc triệt để khai thác để hoành hành gây hấn trên Biển Đông. Nếu ba nước cùng có hành động chung có thể tình thế đã khác, chí ít Trung Quốc không thể lộng hành như bấy lâu nay.
Năm 1982, Công ước Liên hợpquốc về Luật biển (UNCLOS) ra đời tại Montego Bay, Jamaica. Cả 3 nước Việt Nam, Philippines và Malaysia đều đã gia nhập UNCLOS và Trung Quốc cũng đã gia nhập UNCLOS. Tuy UNCLOS chưa giải quyết được hết các vấn đề liên quan đến đại dương, nhưng nó luôn được coi là “Hiến pháp của đại dương” và là cơ sở quan trọng nhất để ba nước này chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.
Năm 2013, phẫn nộ trước việc Trung Quốc ngang nhiên gây hấn rồi chiếm luôn bãi cạn Scarborough, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Nhưng cũng chỉ là hành động đơn phương của Philippines mà chưa có sự chung sức của Malaysia hay Việt Nam. Nếu cả Việt Nam và Malaysia cùng đệ đơn chung với Philippines thì tiếng nói sẽ mạnh hơn.
Điều đáng tiếc hơn nữa là sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết ngày 12/7/2016 với chiến thắng gần như tuyệt đối của Philippines và có lợi cho cả Malaysia lẫn Việt Nam. Song cả Malaysia và Việt Nam cũng chỉ đưa ra phản ứng chiếu lệ chứ không có sự lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ phán quyết của Tòa. Philippines cũng lại không chủ động làm nổi lên phán quyết của Tòa nên đã bị Trung Quốc tìm mọi cách “vô hiệu hóa”.
Nếu cả Việt Nam, Philippines và Malaysia cùng lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài và vận động các nước khác cùng lên tiếng ủng hộ thì mặc dù Trung Quốc có công khai phản đối phán quyết, họ vẫn phải cân nhắc trước các hành vi bất hợp pháp của mình ở Biển Đông.
Phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài là sự giải thích, áp dụng và phát triển những nội dung của UNCLOS cho tình hình tranh chấp thực tế ở Biển Đông. Đây là một cơ sở hết sức quan trọng để các nước ven Biển Đông xác định vùng biển của mình và giải quyết những tranh chấp bất đồng liên quan ở Biển Đông. Tuy nhiên, các nước này lại không tận dụng lợi thế này đấu tranh với Trung Quốc nên Bắc Kinh càng được đà lấn tới.
Tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến năm nước, sáu bên là Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brune và Đài Loan, trong đó Trung Quốc đòi chủ quyền đối gần như toàn bộ Biển Đông; các nước khác đòi hỏi một phần. Việt Nam, Philippines, Malaysia là 3 nước chủ chốt trong đấu tranh với Trung Quốc vì là 3 nước có yêu sách lớn hơn và tiềm lực mọi mặt cũng tương đối và tiếng nói có trọng lượng hơn; Brunei chỉ yêu sách một phần về vùng biển và là nước nhỏ, tiếng nói hạn chế còn Đài Loan có thân phận chính trị, ngoại giao thấp kém nên không thể có tiếng nói.
Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, trước mối đe dọa của Trung Quốc, do Việt Nam, Malaysia, Philippines chưa có tiếng nói chung hành động đồng nhất nên còn ảnh hưởng đến sự thống nhất trong khối ASEAN trên vấn đề Biển Đông. Để có sự thống nhất cao trong ASEAN về vấn đề Biển Đông, trước hết ba nước Việt Nam, Malaysia, Philippines cần tìm được điểm chung để đấu tranh trực diện với Trung Quốc đồng thời vận động quyết liệt các thành viên ASEAN khác.
Ngay cả 3 nước Việt Nam, Malaysia, Philippines không có được hành động và tiếng nói chung trên vấn đề Trung Quốc để đấu với Trung Quốc nên đã bị Trung Quốc khai thác để phân hóa chia rẽ ASEAN và phân hóa chia rẽ ngay giữa ba nước này. Lợi dụng chính quyền của Tổng thống Philippines Duterte muốn tranh thủ hợp tác, Trung Quốc đã tập trung thúc đẩy cái gọi là “khai thác chung” giữa Philippines để gây sức ép với các nước Việt Nam và Malaysia.
Một số nhà phân tích cho rằng, gần đây Mỹ có chuyển biến trong chính sách về Biển Đông theo hướng nghiêng hẳn về các nước nhỏ ven Biển Đông chứ không còn tỏ “trung lập” như lâu nay họ vẫn nói; ngoài ra Mỹ còn lôi kéo các đồng minh và đối tác cùng can dự mạnh mẽ vào Biển Đông để ngăn chặn sự bành trướng, cường quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, nếu các nước chủ chốt trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông như Việt Nam, Malaysia, Philippines không có được sự đồng nhất và hành động chung trên vấn đề Biển Đông thì sẽ gây khó cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Trung Quốc sẽ lợi dụng để chỉ trích việc Mỹ và các nước can dự vào Biển Đông.
Để có tiếng nói chung đồng nhất trên vấn đề Biển Đông, các nước Việt Nam, Malaysia, Philippines nên căn cứ vào UNCLOS, phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài đàm phán song phương hoặc 3 bên giải quyết các bất đồng liên quan giữa 3 nước ở Biển Đông. Kịp thời làm rõ và lên án mạnh mẽ các hoạt động gây hấn, xâm lấn của Trung Quốc, cùng lên tiếng ủng hộ lẫn nhau, có như vậy Mỹ và các nước khác mới có cơ sở để lên án Trung Quốc và có hành động trên thực địa ngăn chặn Trung Quốc.
Ngay trong vụ việc tàu Trung Quốc xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam trong gần 4 tháng mà chỉ có Mỹ là nước lên án mạnh mẽ nhất đích ranh Trung Quốc “lấy thịt đè người”, dùng vũ lực để áp bức Việt Nam, trong khi các nước Malaysia, Philippines đều im hơi lặng tiếng. Chính vì vậy, trong lúc tình hình trên Biển Đông hết sức căng thẳng do các hành vi xâm lấn của Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn cứ nói “tình hình Biển Đông ổn định”, không có vấn đề gì….
Nhiều chuyên gia đã đề xuất, để đối phó với Trung Quốc leo thang bành trướng trên Biển Đông, ba nước chủ chốt Việt Nam, Malaysia, Philippines cần hành động chung, cùng chung sức để chống lại Trung Quốc. Bất cứ hành vi xâm lấn của Trung Quốc với nước nào đi chăng nữa thì ba nước này cần phải đồng thanh lên tiếng mạnh mẽ vạch trần bản chất hiếu chiến của Trung Quốc.
Nếu mỗi nước vẫn hành xử đơn lẻ một cách âm thầm theo kiểu “ngươi chưa động đến ta thì ta chưa động đến ngươi” thì khó lòng mà ngăn cảng được những bước tiến xâm lấn mới nghiêm trọng hơn của Trung Quốc ở Biển Đông.