Truyền thông Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã thử nghiệm thiết bị lặn tự vận hành (AUV) “Sea-Whale 2000” (Cá Voi Biển 2000) với tầm hoạt động 2.011km, nhằm mở rộng phạm vi hoạt động ở Biển Đông.
Theo thông tin trên, Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm 37 ngày với UAV “Sea-Whale 2000”. Nhiệm vụ của thiết bị không người lái Sea-Whale 2000 vẫn còn là bí mật, song tầm hoạt động của thiết bị này có thể bao phủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Thiết bị lặn không người lái Sea-Whale 2000 có hình ngư lôi, dài khoảng 3 m và nặng 200 kg, được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo và một loạt các cảm biến để đo nhiệt độ, độ mặn, dòng điện, dấu vết hóa chất, tầm nhìn dưới nước và các hoạt động sinh học. Bên cạnh đó, Sea-Whale 2000 có thể lặn ở độ sâu 2.000 m dưới mặt nước biển, với tốc độ lên tới 1,2 m mỗi giây.
Tiến sĩ Huang Yan, Viện nghiên cứu robot của Viện Khoa học Trung Quốc cho biết, việc phát triển của “Sea-Whale 2000” là để đáp ứng nhu cầu khảo sát dài hạn dưới biển sâu ở Biển Đông; nhấn mạnh “Sea-Whale 2000” có khả năng thực hiện “nhiệm vụ dài hạn trong nhiều tuần chỉ với một lần phóng và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ”. Trong khi đó, Giáo sư Liu Xiaoshou, nhà khoa học sinh vật biển tại Đại học Đại dương Trung Quốc, cho biết các cảm biến sinh học trên “Sea-Whale 2000” có thể thu thập dữ liệu về các vấn đề sinh thái. Cùng với thông tin được thu thập bởi các cảm biến khác, các nhà khoa học có thể tái cấu trúc sự phát triển của các hệ thống sinh học ở quy mô lớn hơn.Việc triển khai thiết bị lặn không người lái quy mô lớn có thể không xảy ra ngay lập tức vì công nghệ mới sẽ cần thêm thời gian để chứng minh giá trị của nó. Dữ liệu được thu thập bởi thiết bị lặn không người lái sẽ cần phải được so sánh cẩn thận với các phương pháp khác được thu thập để xác định độ chính xác và chất lượng.
Trong năm 2018, giới truyền thông Trung Quốc còn dẫn nguồn tin từ các nhà khoa học giấu tên cho biết Bắc Kinh đang triển khai kế hoạch xây dựng một hạm đội tàu ngầm lớn, thông minh và có chi phí thấp để đi khắp các đại dương. Các tàu ngầm trên sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hoạt động độc lập và hỗ trợ cho các hạm đội hiện có. Hiện Trung Quốc đã xây dựng cơ sở thử nghiệm lớn nhất thế giới dành cho các tàu không người lái trên mặt nước ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Dự kiến, nước này sẽ triển khai tàu ngầm AI vào đầu thập niên 2020. Có thông tin cho rằng tàu ngầm không người lái của Trung Quốc nặng 50 kg, do Đại học công nghiệp Tây Bắc hợp tác thiết kế, chế tạo. Hiện Trung Quốc đã ký 20 đơn đặt hàng và 40 đơn hàng khác đang chờ xem xét. Tàu được cho là có khả năng lặn sâu 100 m trong vòng 14 tiếng, tốc độ 5,4 km/h. Các tàu ngầm AI được đồn đại được trang bị động cơ diesel-điện.
Trước đó, Nhật báo Thanh Đảo của Trung Quốc (29/6/2018) đưa tin, các nhà nghiên cứu tại Đại học Thiên Tân đã hoàn thành cuộc thử nghiệm trên biển đối với tàu ngầm không người lái Haiyan ở Biển Đông. Trong cuộc thử nghiệm, Haiyan đã hoạt động liên tục trong 21 ngày và lặn xuống độ sâu 1.094 m. Haiyan dài 1,8 m, rộng 0,3 m, nặng khoảng 70 kg, hình dáng giống ngư lôi và có thể di chuyển với tốc độ dưới nước tối đa gần 6 km/h, hoạt động tối đa 30 ngày dưới nước, trong khu vực có khoảng 1.000 km. Theo giới thiệu, Tàu ngầm không người lái sẽ tự triển khai các kế hoạch, tự xử lý nhiệm vụ được giao và trở về căn cứ riêng. Chúng có thể liên lạc với chỉ huy ở mặt đất theo định kỳ để cập nhật thông tin, nhưng hoàn toàn có khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà không cần đến sự can thiệp của con người. Các chuyên gia nghiên cứu quân sự của Trung Quốc cũng đang phát triển một hệ thống hỗ trợ giúp các chỉ huy đưa ra những nhận định nhanh và chính xác trong tình huống chiến đấu.
Theo thiết kế, tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ rất khó bị hệ thống định vị thủy âm (sonar) dò tìm được. Chúng có thể xâm nhập cảng biển của đối phương trong tình hình đối phương không hề cảnh giác. Ngoài ra, một trong những ưu thế chính của tàu ngầm tự lái là chi phí vận hành tương đối thấp, bởi vì mọi chi phí để tạo ra môi trường cho phép con người có thể tồn tại trong tàu ngầm được loại bỏ. Điều này cho phép tàu hoạt động linh hoạt hơn. Hệ thống trí tuệ nhân tạo cho phép tàu xác định tình hình xung quanh và không cần quan tâm đến việc bảo vệ tính mạng thủy thủ bên trong tàu.
Tuy nhiên, tàu ngầm AI cũng có hạn chế, đặc biệt là trong giai đoạn đầu triển khai và do các mẫu khí tài không người lái, dưới nước hiện nay hầu hết có kích thước tương đối nhỏ, hạn chế về tầm hoạt động và trọng tải tối đa. Việc triển khai và thu hồi chúng về căn cứ đòi hỏi sự điều động thêm tàu nổi hoặc tàu ngầm khác. Không những vậy, các tàu ngầm AI còn phải tự dự vào trí tuệ nhân tạo để đối phó với môi trường phức tạp trên biển. Chúng phải tự quyết định liên tục: thay đổi lộ trình và độ sâu để tránh bị phát hiện; phân biệt dân thường với các tàu quân sự; chọn cách tiếp cận tốt nhất để đến được một vị trí được chỉ định.
Không chỉ tàu ngầm, thiết bị lặn, Trung Quốc còn được cho là đang phát triển một loại tàu mặt nước nhỏ không người lái có tên JARI USV. Theo đó, Công ty đóng tàu quốc tế Trung Quốc (CSOI) đang thực hiện kế hoạch trên. Tàu này nặng 20 tấn, dài 15m, nhỏ hơn rất nhiều so với các tàu khu trục Type -055 của hải quân Trung Quốc nhưng có cùng nhiệm vụ: chống ngầm, chống tàu mặt nước và cả phòng không. JARI USV được trang bị các cảm biến điện-quang, radar mảng pha, thiết bị thủy âm, 8 ống phóng thẳng đứng, một ống phóng ngư lôi và một súng gắn phía mũi tàu, một dàn phóng rocket. Theo các thông tin giới thiệu sản phẩm, tàu robot của Trung Quốc có vẻ được chế tạo theo hình thức module, có thể tái cấu hình để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, nhưng chưa rõ nhiệm vụ gì là chủ chốt. Trong video giới thiệu, JARI bắn hạ các máy baykhông người lái, đánh chìm tàu ngầm, tàu mặt nước… Theo tin của Navy Recognition, tàu có thể được điều khiển từ một trạm đặt trên đất liền, hoặc từ tàu mẹ; Tốc độ của tàu đạt gần 80km/h, tầm hoạt động hơn 900km. JARI USV sẽ được biên chế cho hải quân Trung Quốc và có cả phiên bản xuất khẩu. Hiện nguyên mẫu JARI USV đang được vận hành thử nghiệm ở Trung Quốc. Giới chuyên gia cho rằng, với việc nghiên cứu, chế tạo tàu JARI USV, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ ưu tiên biên chế cho Hạm đội Nam Hải nhằm nâng cao năng lực tác chiến của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc đưa JARI USV ra Biển Đông sẽ là hành động vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của các nước ven Biển Đông mà còn gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động tự do hàng hải trong khu vực. Ngoài ra, cùng với việc triển khai JARI USV, năng lực tác chiến của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ vượt xa so với các nước trong khu vực, hành động này sẽ đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Nhìn chung, ngoài việc thực hiện nghiên cứu khoa học, theo dõi sự thay đổi môi trường và tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển, dự án tàu ngầm robot của Trung Quốc còn nhằm theo dõi, ngăn chặn và tấn công các lực lượng Mỹ trên các vùng biển chiến lược như Biển Đông và Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng sẽ sử dụng các tàu ngầm không người lái này cho các nhiệm vụ thu thập tình báo, trinh sát, đặt thủy lôi và tiến hành các cuộc tấn công cảm tử kiểu ‘kamikaze’ vào các mục tiêu có giá trị cao trên biển như tàu ngầm, tàu sân bay, tàu chiến và các giàn khoan dầu mỏ. Dự án này không chỉ là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm tăng cường sức mạnh hải quân bằng công nghệ AI, nó còn nhằm các mục tiêu tuyên truyền, quảng bá sức mạnh hải quân Trung Quốc.
Không những vậy, việc Trung Quốc phát triển thiết bị lặn không người lái có phạm vi hoạt động rộng ở Biển Đông rõ ràng nằm trong âm mưu chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc, động thái vấp phải sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, thời gian qua, hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp được Trung Quốc cài cắm ở mọi nơi: từ cái áo, quả địa cầu, bản đồ, bản đồ digital (trên định vị các phương tiện), phim ảnh, sách giáo trình… cũng cho thấy Trung Quốc không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để phổ biến các yêu sách phi lý trên Biển Đông.