Tại Diễn đàn về Biển Đông do Viện Nghiên cứu Stratbase ADR, cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Philippines tổ chức tại thành phố Makati, các chuyên gia đã phân tích và đưa ra cảnh báo về hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cho rằng Manila và các nước cần hết sức cảnh giác, thận trọng trong đàm phán COC với Bắc Kinh.
Người dân Philippines phản đối Trung Quốc. Nguồn: Phil Star
Tại Diễn đàn nói trên, đông đảo giới học giả tại Philippines đã đưa ra các phân tích, nhận định về tình hình Biển Đông hiện nay, tập trung vào những hoạt động của Trung Quốc. Trong đó, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho rằng Philippines cần phải hết sức cảnh giác và thận trọng trong các cuộc đàm phán khi Trung Quốc tuyên bố rằng nước này muốn thúc đẩy việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).
Cựu Ngoại trưởng Philippines nhận định Bắc Kinh dường như đang muốn sử dụng chiến lược “trì hoãn” trong tiến trình đàm phán COC, nhằm tận dụng thời gian để hoàn tất chiến lược quân sự hoá và mở rộng đảo, đá củng cố sự chiếm đóng của nước ở Biển Đông. Vì vậy, cần hết sức thận trọng đển tránh tình huống bị Bắc Kinh lợi dụng hợp tác với các nước để hướng lái dư luận và khống chế. Cựu Ngoại trưởng Philippines cũng cho rằng các nước nên tham vấn với phía Việt Nam về những bước đi tiếp theo trong đàm phán COC với Trung Quốc vì đây là một bước đi mang tính xây dựng, mang lại cơ hội cho tất cả các nước muốn giải hòa bình các tranh chấp, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Trước đó, cựu Ngoại trưởng Albert Del Rosario cho rằng Manila nên cân nhắc mang vấn đề tranh chấp ở biển Đông ra Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Chuyên gia Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines khẳng định nước này phải tiếp tục nhắc lại phán quyết dù Bắc Kinh ngoan cố không thừa nhận. Theo ông, Philippines phải cẩn thận hành xử, không nên thừa nhận rằng Trung Quốc có bất cứ quyền gì trên Biển Đông bởi phán quyết tuyên bố rõ ràng là họ không có quyền. Trong khi đó,
Chuyên gia Roilo Golez, nguyên Cố vấn an ninh quốc gia đã kêu gọi chính quyền Philippines nên học tập Việt Nam trong lĩnh vực ngoại giao, an ninh và quốc gia. Ví dụ như tăng cường quan hệ với Mỹ. Ông Golez nhấn mạnh đến việc vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tại Nhà Trắng và hai nước đã ký các hợp đồng kinh tế trị giá nhiều tỷ USD. Sau đó, ông Golez nói đến mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ấn Độ, việc Hà Nội triển hạn giấy phép thăm dò khai thác dầu khí cho một công ty Ấn Độ tại nơi có tranh chấp ở Biển Đông. Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines kết luận, Manila có thể học hỏi Việt Nam làm thế nào thực hiện một chính sách đối ngoại độc lập để đối phó với sự quyết đoán, hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ.
Thực tế, Trung Quốc đã thiết lập mối liên kết kinh tế mạnh mẽ với ASEAN và từng nước thành viên, từ đó có đủ năng lực dùng các đòn bẩy kinh tế đối với các quốc gia này. Giới chuyên gia Philippines cảnh báo lại việc Trung Quốc từng hạn chế nhập khẩu chuối của Philippines năm 2012, ngăn du khách Trung Quốc đến Manila. Các biện pháp đó đã tác động tiêu cực đến kinh tế của Philippines. Cũng trong 2012, dưới tác động của Trung Quốc, nước Chủ tịch ASEAN khi đó là Campuchia đã loại bỏ vấn đề tranh chấp Biển Đông, khiến Hiệp hội không ra được tuyên bố chung. Trong Tuyên bố chủ tịch ASEAN năm 2018, Campuchia tiếp tục can thiệp để loại bỏ các nội dung liên quan đến tiến trình pháp lý và ngoại giao trong xử lý vấn đề Biển Đông. Trên thực địa, các bằng chứng của các tổ chức công bố cho thấy Trung Quốc đã trở thành một bên có sức mạnh quân sự thống trị ở khu vực. Bắc Kinh đã chiếm giữ Hoàng Sa và các thực thể ở Trường Sa, hiện đại hóa quân sự ở đây trên quy mô lớn. Với thế mạnh này, nếu cần Trung Quốc có thể đòi yêu sách của mình với khu vực đã chiếm giữ bằng cách ép buộc các bên khác.
Dư luận phản đối lối hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông và chính sách hiện tại của Chính quyền Tổng thống Duterte ngày càng mạnh mẽ. Hôm 09/4, hàng nghìn người dân Philippine đã đổ ra đường tuần hành trước lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati để phản đối Trung Quốc đưa tàu tới bao vây đảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa mà Phlippines tuyên bố có chủ quyền. Ngoài ra, người biểu tình còn phản đối Tổng Thống Rodrigo Durterte vì chính phủ Philippine hoàn toàn không có tiếng nói gì trong chuyện này, đồng thời phản đối việc chính phủ Philippine mượn nợ từ Trung Quốc.
Nhìn chung, việc ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất đọc dự thảo đầu tiên của COC và được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định đây là một thành tựu mới và quan trọng trong quá trình tham vấn COC và đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu hoàn thành quá trình tham vấn trong vòng ba năm. Tuy nhiên, ASEAN cần cảnh giác với bất kỳ tuyên bố tích cực nào về tiến trình đàm phán COC của Trung Quốc. Vì việc Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán COC trong khi vẫn tiếp tục tái diễn những hoạt động xâm phạm chủ quyền của các nước trong khu vực. Các phát ngôn của giới lãnh đạo Bắc Kinh được cho là nhằm xoa dịu các nước ASEAN trước tình hình căng thẳng với nước này thời gian gần đây.