Việt Nam chủ trương sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, thông qua các tiến trình về ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông
Phát biểu tại Hội thảoBiển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Hợp tác vì Hòa bình và Phát triển tại Khu vực”, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết, “trong xu thế hướng ra đại dương, tăng cường hợp tác biển và đại dương toàn thế giới nói chung, chúng ta thấy không khỏi lo ngại trước các thách thức nổi lên đối với hoà bình và ổn định ở Biển Đông, trong đó có các hoạt động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế xảy ra trên các vùng biển khu vực, trong đó có vùng biển của Việt Nam. Việc đơn phương diễn giải luật quốc tế trái với chuẩn mực chung và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế làm giảm lòng tin vào luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật và có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm đe doạ hoà bình, ổn định hoà bình, an ninh ở khu vực và quốc tế”.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, an ninh và an toàn hàng hải Biển Đông có ý nghĩa rất to lớn đối với thương mại toàn cầu và thịnh vượng chung của thế giới. Mọi hoạt động trên Biển Đông không chỉ là mối quan tâm của các quốc gia khu vực mà còn thu hút sự quan tâm và ảnh hưởng đến lợi ích của cả cộng đồng quốc tế. Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) được biết đến như hiến pháp về đại dương, với 168 thành viên, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và tài nguyên biển hiện nay. Theo Thứ trưởng, bài học kinh nghiệm về hợp tác biển và đại dương quốc tế, trong đó có hợp tác tại khu vực Biển Đông cho thấy, để thúc đẩy hợp tác biển hiệu quả cần các yếu tố sau đây: Các quốc gia cần có ý chí chính trị trong thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung, đặc biệt là trong các vấn đề bảo đảm hoà bình; Cần có cách hiểu thống nhất về luật biển quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; Có cơ chế quản lý và hợp tác biển thích hợp; Có sự tham gia tích cực của các chủ thể nhà nước và phi nhà nước; Cần có lòng tin vào môi trường luật pháp quốc tế và lòng tin vào các cơ chế và thể chế chung.
Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, các quốc gia ven biển đều coi trọng thúc đẩy hoà bình ổn định và hợp tác. Chúng ta có kinh nghiệm về hợp tác, về giải quyết tranh chấp chồng lấn thông qua đàm phán và các biện pháp khác nhau, theo đúng Chương 6 của Hiến chương LHQ, là chương về nghĩa vụ giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế. Đó là các biện pháp tìm hiểu sự thật, trung gian, hoà giải, thương lượng, trọng tài, và tố tụng pháp lý quốc tế. Trong Hiến chương LHQ và UNCLOS có đầy đủ cơ chế để chúng ta áp dụng. Dù trên thực tế cho đến nay vẫn có những vấn đề liên quan đến hợp tác, xử lý các vấn đề chồng lấn, tranh chấp. Khi có những vấn đề liên quan đến tranh chấp và khác biệt trong quá trình hợp tác, có phải các nước dựa trên luuật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 để đưa ra lập trường của mình hay không; thực tế là có những vấn đề tồn tại khách quan, trong đó có vấn đề chồng lấn, tranh chấp; làm sao để hợp tác mạnh hơn chứ không để căng thẳng lấn át.
Đáng chú ý, trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên Reuters rằng “bao giờ Việt Nam kiện Trung Quốc về những tình hình gần đây trên Biển Đông và Việt Nam đã chuẩn bị gì”, Phó Phát ngôn Ngô Toàn Thắng cho biết: “Việt Nam chủ trương sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, thông qua các tiến trình về ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào hòa bình, duy trì trật tự, hòa bình an ninh trong khu vực, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó đặc biệt là UNCLOS 1982”.
Trung Quốc bắt đầu lo sợ
Sau khi Thứ trưởng Lê Hoài Trung và Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra tuyên bố khẳng định Việt Nam không loại trừ khả năng sử dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông, Trung Quốc đã bước đầu tỏ vẻ lo sợ và đưa ra các tuyên bố “kêu gọi Việt Nam không làm phức tạp tình hình”.
Theo đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (8/11) ngang ngược kêu gọi Việt Nam chớ làm phức tạp hóa vấn đề Biển Đông, đồng thời vu cáo Việt Nam “xâm chiếm” biển của Trung Quốc; ngang nhiên khẳng định rằng cốt lõi của vấn đề Biển Đông là việc Việt Nam và các nước có yêu sách khác đã “xâm chiếm và chiếm đóng” các hòn đảo của Trung Quốc. Theo ông Cảnh Sảng, “Việt Nam cần phải đối mặt với thực tế lịch sử và tuân thủ sự đồng thuận ở cấp cao mà hai nước đã đạt được, giải quyết tranh chấp bằng đối thoại và tham vấn, đồng thời tránh những hành động có thể làm phức tạp vấn đề, xáo trộn đại cục hòa bình, ổn định ở Biển Đông và quan hệ song phương”.
Nếu kiện, Việt Nam sẽ giành thắng lợi
Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, đặc phái viên của tổng thống Mỹ tại hội nghị cấp cao ASEAN (4/11), kêu gọi các nước đối phó với sự đe dọa từ Trung Quốc qua con đường tài phán. Theo ông Robert O’Brien, Bắc Kinh ngăn chặn các quốc gia trong khu vực tiếp cận dự trữ dầu mỏ và khí đốt trị giá đến 2.500 tỷ USD tại Biển Đông. Mỹ cũng lên án các hành động quấy rối của Trung Quốc đối với hoạt động thăm dò dầu khí hợp pháp của Việt Nam; nhấn mạnh Mỹ không tán thành hành động “đe dọa” của lực lượng dân quân biển, hải quân và hải cảnh của Trung Quốc nhắm vào những nước khác trong khu vực; đồng thời cho rằng “các quốc gia cần hòa hợp với nhau. Họ cần sử dụng con đường tài phán nếu có vấn đề nảy sinh” và kêu gọi Việt Nam, đặc biệt là các chuyên gia hàng hải, tham khảo hành động của Philippines khi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài.
Cùng quan điểm với Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien, nhiều chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế đều ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ giành thắng lợi nếu kiện Trung Quốc. Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, nếu Việt Nam đưa vấn đề Biển Đông ra tòa án quốc tế, Việt Nam gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng như cách Philippines từng làm trước đây. Theo ông Gregory Poling: “Chúng ta cần nhận thức rõ về hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông khi họ phớt lờ mọi cơ chế hợp tác và quy tắc ứng xử. Tại Biển Đông, ngày càng nhiều tàu thuyền của Trung Quốc hoạt động hàng ngày, quấy nhiễu các tàu khác, vi phạm luật quốc tế, gây nguy hiểm cho tàu dân sự. Đó không phải là những hành động của một nước đang tìm cách thỏa hiệp. Đó là hành động bắt nạt, tìm cách cưỡng ép các quốc gia khác trong khu vực phải chấp nhận hành động của Trung Quốc”. Ngoài ra, ông Gregory Poling cho biết, “Trung Quốc quyết tâm ngăn Việt Nam, Philippines và Malaysia tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí mới ở bất kỳ khu vực nào nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” do Bắc Kinh vạch ra. Trung Quốc thực hiện điều này bằng cách sử dụng lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển để quấy nhiễu các tàu của ngư dân và gây nguy hiểm cho các tàu thương mại theo đuổi quyền hợp pháp của họ tại Biển Đông”. Theo chuyên gia Mỹ, “cách duy nhất để thay đổi thực trạng hiện nay là sử dụng sức ép đáng kể về mặt ngoại giao và kinh tế để thuyết phục Trung Quốc rằng, nước này đang mất đi vị thế của một nước đi đầu toàn cầu nếu tiếp tục thực hiện các hành vi bành trướng. Ngoài ra, Việt Nam cũng nên cân nhắc tới việc đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa trọng tài. Mỹ và các nước lớn bên ngoài tranh chấp Biển Đông có thể hỗ trợ cho nỗ lực này bằng cách tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuy vậy, các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, vẫn phải đóng vai trò dẫn đầu trong nỗ lực này. Nếu Việt Nam đệ đơn kiện Trung Quốc, gần như chắc chắn Việt Nam sẽ thắng. Vụ kiện của Philippines đã tạo tiền lệ để Việt Nam giành chiến thắng. Tuy nhiên, thắng kiện mới chỉ là bước khởi đầu. Việt Nam sau đó phải nêu chiến thắng này tại Liên Hợp Quốc cũng như các diễn đàn khác, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế thuyết phục Bắc Kinh tuân thủ phán quyết. Đây là điều mà Philippines chưa bao giờ làm”.
Cùng quan điểm trên, Tiến sỹ Kraska khẳng định “nếu Việt Nam kiện Trung Quốc, Việt Nam chắc chắn sẽ thắng và sau khi thắng, Việt Nam có thể làm điều Philippines không làm: thật sự hưởng lợi từ phán quyết. Một khi giành được công lý, quá trình tranh đấu chỉ mới là khởi đầu. Các bạn có thể sử dụng ngoại giao để gây sức ép lớn nhằm ép họ tuân thủ. Trong lịch sử, điều này có tác dụng nhiều lần”.
Tiến sỹ Vũ Thanh Ca, Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội, nhấn mạnh sai phạm rõ ràng của Trung Quốc, nhưng lưu ý về nội dung kiện tụng cụ thể. Việt Nam theo đó sẽ chắc chắn thắng kiện nếu khởi kiện vụ việc Trung Quốc vi phạm EEZ và thềm lục địa vừa qua.