Theo giới phân tích, nhìn tấm gương Trung Quốc, Ấn Độ đã nhượng bộ trước Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại.
Báo cáo của ANI dẫn nguồn tin hôm 16/11 cho biết, một phái đoàn ngoại giao-kinh tế cấp cao của Mỹ sẽ bay sang Ấn Độ vào tuần tới để “tổng kết” giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước đã diễn ra hơn 1 năm qua và tình hình xung quanh thuế nhập khẩu.
Cũng theo nguồn tin này, chuyến thăm của các sứ giả Mỹ sẽ diễn ra ngay sau chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Gidel đến Hoa Kỳ vào ngày 12 tháng 11.
Theo tiết lộ của nguồn tin, trong chương trình nghị sự của chuyến thăm này, ông Piyush Gidel đã gặp người đồng cấp Mỹ Robert Lightheiser. Sau các cuộc đàm phán mang tính xây dựng, hai bên đã đạt được kết quả đáng kể trong việc giải quyết một số vấn đề thương mại gây tranh cãi.
Theo các nguồn tin của ANI, cho đến nay, phân lớn các mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ trong lĩnh vực này đều đã được giải quyết và các bên đang làm việc để chuẩn bị cho hàng loạt các thỏa thuận song phương.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, những mâu thuẫn thương mại giữa Mỹ và Ấn Độ không lớn như đối với Trung Quốc và điều khoản đã đạt được giữa New Dehli và Washington cũng thực chất hơn, khả thi hơn, nếu so với sự bấp bênh của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
Vào tháng 3 năm 2018, Washington áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Ấn Độ vào Hoa Kỳ, lần lượt là 25% và 10%.
Ngoài ra, chính quyền ông Trump cũng quyết định trong năm 2018 sẽ loại Ấn Độ ra khỏi danh sách các nước đang phát triển được bảo vệ bởi Luật Thương mại từ năm 1974. Do đó, kể từ tháng 6, việc áp thuế đối với một số hàng hóa Ấn Độ bắt đầu đi vào hoạt động.
Ấn Độ là nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, với kim ngạch tiêu thụ rất lớn, nên nước này đã phản ứng một cách tiêu cực và tuyên bố không thể chấp nhận các hạn chế đơn phương.
Vào tháng 8 năm ngoái, Ấn Độ đã lên kế hoạch tăng thuế nhập khẩu để đáp trả lại Mỹ, nhưng cuối cùng New Delhi đã hoãn quyết định này nhiều lần và giải thích rằng các cuộc đàm phán với Washington vẫn đang tiêp diễn. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận này đã không đạt kết quả, khiến xung đột thương mại tiếp diễn đến thời điểm hiện nay.
Vào giữa tháng 6 năm nay, Ấn Độ cũng đã tăng thuế nhập khẩu đối với 28 mục hàng hóa từ Hoa Kỳ và tuyên bố đó là một phản ứng đáp trả đối với việc tăng thuế quan của Mỹ đối với việc nhập khẩu thép và nhôm của Ấn Độ. New Delhi tuyên bố rằng, họ sẽ tăng thuế lên 70% đối với toàn bộ danh sách sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ.
Điều này đã khiến Mỹ nổi giận đòi tiếp tục trừng phạt nước này. Trong số những tweet hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa Ấn Độ về cuộc chiến tranh thương mại có thể xảy ra, bất chấp thực tế là căng thẳng thương mại giữa hai nước đã kéo dài hơn 1 năm.
Ngay sau các động thái đáp trả lẫn nhau này, hai bên cũng đã có những cuộc gặp và dường như Ấn Độ cũng đã có những nhượng bộ đối với Mỹ để chấm dứt tình trạng xung đột kinh tế, tránh để nó leo thang thành chiến tranh thương mại như đối với Trung Quốc.
Giới chuyên gia dự đoán kinh tế Ấn Độ năm 2019 sẽ vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức). Dự kiến đến năm 2025, GDP của Ấn Độ sẽ là 5,9 nghìn tỷ dollars, vượt qua cả Đức và Nhật Bản, để đứng thứ 3 thế giới. Nhưng nếu bị Mỹ gia tăng trừng phạt, nước này sẽ không thể tiếp tục đà phát triển ấn tượng, mà thậm chí còn có thể giảm tốc độ tăng trưởng.