Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho biết, Quân đội Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận đánh chặn máy bay không người lái trong điều kiện gần giống chiến tranh, sau nhiều năm nghiên cứu chiến thuật sử dụng drone của Mỹ.
Theo thông tin trên, Lữ đoàn thuộc biên chế quân đoàn 79, Bộ Tư lệnh phương Bắc đã bắn hạ tất cả máy bay không người lái trong cuộc tập trận diễn ra cả ngày và đêm với điều kiện giống chiến tranh thực sự. Cuộc tập trận được tổ chức tại thành phố Duy Phường, tỉnh Sơn Đông. CCTV cho biết, đơn vị phải vượt qua một số tình huống chiến tranh thực sự, bao gồm nhiệm vụ tránh sự phát hiện của vệ tinh đối phương, sửa chữa phương tiện dọc đường hành quân; đồng thời khẳng định cuộc tập trận đã giúp cải thiện sự phối hợp giữa các binh sĩ, tăng tốc thời gian phản ứng của họ trong các tình huống chiến đấu.
Theo một quan chức quân đội Trung Quốc, kịch bản tập trận lần này gần giống với chiến tranh thực sự hơn và chúng tôi đã bắn trúng các mục tiêu không người lái từ các vị trí và độ cao khác nhau, trong thời gian ngắn nhất có thể. Cuộc tập trận này phù hợp với mục tiêu tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc, lực lượng vốn không tham gia vào chiến tranh thực sự trong nhiều thập niên.
Trong khi đó, chuyên gia Zhou Chenming, cho biết cuộc tập trận nhằm thu hẹp khoảng cách năng lực của Trung Quốc với các nước trong phòng thủ máy bay không người lái. Máy bay không người lái được Mỹ triển khai trong nhiều năm ở Iraq, Afghanistan và nhiều nơi khác. Nó ngày càng phổ biến trên thế giới. Quân đội Trung Quốc đã tập trung vào chiến thuật đối phó máy bay không người lái, kể từ khi Mỹ sử dụng chúng để đánh bại kẻ thù ở Trung Đông. Và sau nhiều năm luyện tập, cuộc tập trận cho thấy họ đã làm chủ được khả năng chiến đấu trong mọi thời tiết. Chuyên gia Collin Koh, Viện nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore lại cho cuộc tập trận cho thấy quân đội Trung Quốc ngày càng có năng lực đẩy lùi cuộc tấn công trên không của kẻ thù. Ông Koh cho biết quân đội Trung Quốc đã nghiên cứu sâu về chiến thuật quân sự của Mỹ trong các cuộc xung đột ở Chiến tranh Vùng Vịnh, Chiến tranh Kosovo và Chiến tranh Iraq, và nhận thấy rằng lực lượng của họ sẽ phải học cách chiến đấu trong môi trường chiến tranh điện tử phức tạp.
Trong những năm gần đây, sau khi trang bị đầy đủ máy bay không người lái cho tất cả các quân binh chủng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và nghiên cứu kinh nghiệm sử dụng máy bay không người lái, Bộ Tư lệnh PLA đã giao nhiệm vụ cho các công trình sư thiết kế các máy bay không người lái kích thước nhỏ chuyên dụng để giải quyết các nhiệm vụ đặc biệt. Trước hết, đó là thiết kế các thiết bị nhỏ gọn tàng hình cho các phân đội đặc nhiệm. Tiếp theo, đó là các “UAV- kamikaze” – tức là các UAV sử dụng một lần mang thuốc nổ. Nhờ có thể thu nhỏ các linh kiện điện tử và chế tạo pin (ắc quy) có điện dung lớn và nhẹ nên các kỹ sư Trung Quốc đã chế tạo được các thiết bị có thể được đưa đến khu vực cho trước bằng tên lửa kích thước lớn (tên lửa làm phương tiện mang) phóng tử các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS). Các robot không người lái sẽ được trang bị cho các máy bay chiến đấu và máy bay lên thẳng chiến đấu. Chúng sẽ được sử dụng để trinh sát tại các khu vực có hệ thống phòng không mặt đất của đối phương, và cũng có thể thực hiện chức năng làm mục tiêu giả và phát nhiễu.
Bộ đội tàu ngầm PLA cũng quan tâm đến việc chế tạo các UAV trinh sát cỡ nhỏ có thể phóng được qua ống phóng ngư lôi từ các tàu ngầm đang lặn dưới nước. Trong khi đó, để sử dụng trên tuyến tiếp xúc tác chiến với đối phương , Lục quân PLA dự định sử dụng các máy bay không người lái động cơ điện tương đối đơn giản cỡ nhỏ trang bị camera truyền hình. Thường thì các máy bay không người lái này được phóng bằng tay hoặc từ các bệ phóng hết sức thô sơ. Mặc dù các máy bay không người lái V thu nhỏ trông không nổi bật lắm trên nền các UAV tấn công hạng nặng hoặc hạng trung được đưa ra trình diễn trong Lễ duyệt binh nhân 70 năm Quốc khánh Trung Quốc vừa qua, nhưng rất không nên đánh giá thấp giá trị của chúng. Những máy bay không người lái cánh quạt trông như đồ chơi trẻ em này có thể quan sát kỹ các nếp gấp địa hình hoặc kiểm tra khu vực xem có phục kích hay không- và vì thế, cứu mạng nhiều binh sỹ.
Được biết, Trung Quốc hiện là một trong những nước đi đầu về nghiên cứu, chế tạo máy bay không người lái. Các loại máy bay không người lái mới của Trung Quốc hiện có tính năng ngang bằng, thậm chí ở một số khía cạnh còn ưu việt hơn các loại tương đương của Mỹ. Các loại máy bay không người lái này có giá cạnh tranh và do đó, có tiềm năng xuất khẩu cao. Hoạt động phát triển UAV của Trung Quốc nói chung phù hợp với các xu hướng toàn cầu. Mặc dù do sự lạc hậu về công nghệ tồn tại cho đến gần đây, Bắc Kinh đã nhấn mạnh vào việc sao chép các máy bay không người lái của Mỹ và Israel. Các máy bay không người lái của quân đội Trung Quốc có các nhiệm vụ giống như các máy bay không người lái của quân đội Mỹ. Các nhiệm vụ chính là: Trinh sát; Chỉ thị mục tiêu; Tấn công mục tiêu mặt đất bằng tên lửa; Tác chiến điện tử.
Ngày nay, máy bay không người lái chủ yếu được dùng trong các chiến dịch chống lại các kẻ địch phi đối xứng và thường là trang bị kém hơn về công nghệ như các quốc gia nhỏ, các địa bàn tranh chấp thông qua chiến tranh gián tiếp bằng các lực lượng ủy nhiệm, khủng bố/nổi dậy… Đồng thời, với trình độ công nghệ hiện nay, thật khó tưởng tượng một cuộc xung đột giữa các nước lớn mà không có việc sử dụng ồ ạt máy bay không người lái. Khác với Mỹ, Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm sử dụng UAV trong tác chiến, song một số người cho rằng, các máy bay không người lái Trung Quốc được sử dụng chẳng hạn ở Myanmar và Lào là do các nhân viên Trung Quốc vận hành. Quân đội Trung Quốc đang tích cực sử dụng máy bay không người lái để giám sát biển và biên giới trên bộ, và chống cướp biển. Máy bay không người lái đang có vai trò lớn trong các hoạt động của quân đội Trung Quốc nhằm theo đuổi các lợi ích khu vực và toàn cầu của Trung Quốc. Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng năng lực quân sự cho phép họ hành động hiệu quả cả trong xung đột gián tiếp và trực tiếp với kẻ địch tiên tiến về công nghệ, mà đầu tiên và trước hết là Mỹ. Do đó, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc đang theo đuổi việc phát triển các loại vũ khí mới, trong đó có các máy bay không người lái siêu âm và siêu vượt âm.
Một trong những con đường phát triển các UAV tương lai đó là chương trình AVIC 601-S. Nó đã dẫn đến việc chế tạo các mẫu thử nghiệm như Thiên nỗ (Tian-Nu hay Tiannu, Sky Crossbow), Phong nhận (Fengren hay Wind Blade, Vân cung (Yungong hay Cloud Bow), Chiến ưng (Zhanying hay Warrior Eagle), Lợi kiếm (Lijian hay Sharp Sword) và Ám kiếm (Anjian hay Dark Sword). Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang ráo riết thử nghiệm các kiểu thiết kế máy bay không người lái khác nhau (cánh bay, cánh hình tên ngược…) và các công nghệ mới nhằm có được những giải pháp tối ưu cho UAV để tăng tốc độ, khả năng cơ động và tính năng tàng hình của chúng. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tập trung cải tiến một số vấn đề trên UAV như tốc độ bay cao và bán kính bay lớn; khả năng cơ động; giảm độ bộc lộ radar…
Hiện Trung Quốc đang sở hữu nhiều loại máy bay không người lái hiện đại, cụ thể: Vô Trinh-8 (WZ-8)là máy bay trinh sát không người lái siêu thanh tầm cao của Trung Quốc. WZ-8 hiện chỉ phán đoán được rằng nó là một máy bay trinh sát chiến lược tầm cao có thể sánh với máy bay trinh sát chiến lược cao không SR-71 Blackbird của Mỹ. Tuy nhiên, SR-71 Blackbird là máy bay trinh sát Mach 3 được phát triển ở Mỹ vào những năm 1960 để bù đắp cho việc kém khả năng cơ động của máy bay trinh sát tầm cao U-2. Mặc dù nó có kỷ lục là máy bay có người lái tốc độ nhanh nhất (Mach 3.3) và kỷ lục bay ở độ cao nhất thế giới (trừ máy bay MiG-25 từng phá vỡ kỷ lục), có thể lên cao tới 80.000 mét chụp ảnh với độ quét 72 km2 mỗi giây bề mặt Trái Đất, nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn siêu thanh Mach 5 trở lên. Các nhà quan sát cũng cho rằng nhiệm vụ hiện tại của WZ-8 là tiến hành trinh sát các tên lửa chống hạm/tên lửa đất đối đất tầm trung và tầm xa, nhưng nó cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ trinh sát bí mật xuyên thủng mạng lưới phòng không đối phương nhờ thiết kế tàng hình cực tốt. Phạm vi nhiệm vụ của nó được cho là bao trùm toàn bộ Tây Thái Bình Dương.
Lợi kiếmđược thiết kế bởi Viện Thiết kế Thẩm Dương, Tập đoàn Công nghiệp Hongdu Aviation sản xuất, sử dụng động cơ phản lực do Trung Quốc sản xuất, tải trọng tối đa lên đến 10 tấn; thiết kế cánh và cửa xả có tính năng tàng hình. Về khả năng tấn công, một mô hình máy bay thử nghiệm đã được công bố vào tháng 12 năm 2017 cho thấy hai khoang bom bên dưới, mang bốn quả bom dẫn đường vệ tinh nhỏ ở một bên và một quả bom dẫn đường vệ tinh lớn ở phía bên kia. Cửa khoang bom được xử lý tàng hình răng cưa, cho thấy máy bay đã được sản xuất hàng loạt và đưa vào giai đoạn chiến đấu thực tế. Điều này làm cho nó ngoài việc có các khả năng trinh sát thông thường trên không, giám sát chiến trường, tiêu diệt mục tiêu được chỉ định, đồng thời có thể chế áp hệ thống phòng không của đối phương và tấn công mặt đất. Đáng chú ý, các nguồn tin giấu tên cho biết, Lợi kiếm nhiều khả năng sẽ được trang bị cho tàu san bay và tàu đổ bộ trực thăng của Trung Quốc. Việc sử dụng UAV trên tàu sân bay và tàu chiến là xu hướng (đối với lực lượng hải quân) trên toàn thế giới”, nguồn tin từ hải quân Trung Quốc nhận định và cho biết, Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Theo nguồn tin này, UAV Sharp Sword sẽ tập trung vào nhiệm vụ trinh sát, thu thập thông tin tình báo cho các hệ thống tên lửa trên tàu, cho phép tên lửa tấn công chính xác các mục tiêu cách xa 300 km đến 400 km.
Sky Hawk, UAV cánh bằng cho tàu sân bay.Tập đoàn hàng không Shenyang – doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc được cho là đang nghiên cứu, chế tạo máy bay không người lái cánh bằng hoạt động trên tàu sân bay. Theo nhiều chuyên gia quân sự thế giới, những công nghệ quốc phòng do các kỹ sư Trung Quốc làm chủ và phát triển sẽ hỗ trợ máy bay không người lái quân sự bay nhanh hơn, tầm hoạt động xa hơn và khó bị phát hiện hơn. Đây là chiếc UAV dạng cánh bay Sky Hawk, tương tự như chiếc X-47 của Mỹ, lần đầu tiên được xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày 09/01/2018. Chuyên gia Tống Trung Bình của Trung Quốc cho biết mẫu UAV này đang được phát triển theo lịch đúng kế hoạch và có tính khả thi cao; hệ thống điều khiển của UAV có thiết kế kiểu “cánh bay” khó hơn nhiều so với hệ thống điều khiển máy bay không người lái có thiết kế thông thường. Được trang bị động cơ phản lực, UAV này sẽ bay nhanh hơn và xa hơn so với máy bay cánh quạt hoặc động cơ piston truyền thống. Cùng quan điểm trên, CCTV cho rằng với thiết kế khí động học kiểu “cánh bay”, tương tự máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ, đây là máy bay không người lái tầm cao, tầm xa và tốc độ cao, có khả năng thực hiện nhiệm vụ trinh sát và tuần tra trong môi trường phức tạp. Một chuyên gia dấu tên cho biết, chiếc UAV dạng “cánh bay” vừa được tiết lộ còn được đặt tên là Sky Hawk- sẽ trang bị cho các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc. Các hàng không mẫu hạm PLA trong tương lai được cho là sẽ trang bị máy phóng điện từ có khả năng phóng nhiều loại máy bay. Sky Hawk nhỏ hơn CH-7 nên thuận tiện hơn khi sử dụng trên tàu sân bay.
UAV Dực Long: Dực Long II bề ngoài gần như sao chép hoàn toàn UCAV MQ-9 Reaper của Mỹ ở biến thể hiện đại hóa ER, còn có tên là Block 5. MQ-9 Reaper có cánh dài và các cánh con giúp tăng tầm bay. Dực Long II có chiều dài 11 m, chiều cao 4,1 m, sải cánh 20,5 m, tốc độ đến 340 km/h và độ cao bay đến 9.000 m, trọng lượng cất cánh tối đa 4,2 tấn, có thể mang 480 kg vũ khí lắp dưới cánh và bay trên không liên tục đến 20 giờ. Theo thông báo của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (25/12/2018), chiếc máy bay thứ 100 trong series UAV Dực Long đã hoàn thành nghiệm thu tại thành phố Thành Đô trước khi bàn giao cho khách hàng nước ngoài. Với việc hoàn thành chiếc máy bay không người lái lưỡng dụng thứ 100 này, Trung Quốc gọi đây là kỷ lục mới trong xuất khẩu thiết bị UAV và dấu mốc mới trên con đường phát triển series máy bay không người lái Dực Long do Trung Quốc tự chủ nghiên cứu chế tạo. Được biết, Viện thiết kế máy bay Thành Đô thuộc Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu chế tạo các loại máy bay không người lái đa dụng từ năm 2005. Đến nay, Tập đoàn này đã phát triển được hai phiên bản máy bay loại này là Dực Long I và Dực Long II, đồng thời xuất khẩu sang nhiều nước Trung Á, Trung Đông và châu Phi.
CH-5 của Trung Quốc có thiết kế giống MQ-9 Reaper của Mỹ được cho là sẽ trở thành đối thủ trên thị trường xuất khẩu khi có giá thành chỉ bằng một nửa. UAV CH-5 của Trung Quốc được cho là có thể mang theo tới 16 tên lửa không đối đất với khả năng tấn công mạnh mẽ và có thể hoạt động liên tục trong thời gian gần 2 ngày. Ngoài ra, nếu cấu hình cho nhiệm vụ trinh sát, CH-5 có thể bay liên tục tới 120 giờ, phạm vi hoạt động tới 10.000 km. Sự bền bỉ này cho phép CH-5 bay tới mục tiêu cách 3.000 km và hoạt động liên tục hơn 20 giờ. Ngoài ra, nó có thể được vận hành bởi sinh viên đại học với kiến thức cơ bản về hàng không chỉ sau một hoặc 2 ngày đào tạo. Điều này là do sự đơn giản của giao diện người dùng, các hoạt động cất hạ cánh có thể được tự động hóa. UAV này cũng có thể sửa đổi để trở thành hệ thống cảnh báo sớm giá rẻ, hoặc trang bị các bộ cảm biến công nghệ cao như radar xuyên tường và đất do Trung Quốc sản xuất. Điều thú vị hơn nữa là kỹ thuật lập trình và kênh truyền dữ liệu của CH-5 cho phép các nhân viên điều khiển liên kết với UCAV khác như CH-3 và CH-4 để thực hiện các phi vụ chung của nhiều UCAV. Tuy nhiên, UAV CH-5 có điểm yếu lớn so với Reaper của Mỹ. MQ-9 có trần bay từ 12-15 km, trên tầm bắn của vũ khí phòng không tầm thấp. Trong khi đó, CH-5 có trần bay khoảng 9 km nên rất dễ bị tấn công. CH-5 là một phiên bản thuộc dòng UAV Rainbow do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Trung Quốc (CASC) sản xuất. Theo trang web của CASC, công ty đã bán các mẫu UAV dòng Rainbow cho hơn 10 quốc gia trên thế giới với số lượng sản xuất hàng năm vượt quá 200 chiếc, đưa nó trở thành một trong những UAV quân sự phổ biến nhất thế giới.
CK-20 là mục tiêu bay siêu âm đang ở giai đoạn phát triển cao. Là một máy bay 5,5 tấn, lắp 1 động cơ có kích thước tương đương một máy bay tiêm kích phản lực huấn luyện, CK-20 có thể bay ở độ cao 18 km, đạt tốc độ đến 1,8M. CK-20 có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên vào khoảng năm 2020, và giống như CH-805, nó có các đặc tính tàng hình như các cánh đứng ổn định đặt nghiêng. Với tốc độ cao, có thể phát triển CK-20 để hiện nhiệm vụ tác chiến. CK-20 là phương tiện bay tàng hình, siêu âm, được tiếp thị là mục tiêu bay mặc dù kích thước, tốc độ, đặc tính tàng hình cho phép nghiên cứu sử dụng nó cho các mục đích khác.