Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ, Nhật Bản, Australia tiếp tục phản đối hành vi phi pháp...

Mỹ, Nhật Bản, Australia tiếp tục phản đối hành vi phi pháp của TQ trên biển

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Australia Dennis Richardson phản đối hành vi của Trung Quốc thay đổi hiện trạng tại khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley, hai bên thống nhất quan điểm cùng tỏ ý lo ngại sâu sắc và phản đối hành vi thay đổi hiện trạng đơn phương của nước này tại khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời mong muốn thúc đẩy mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ bởi khu vực Ấn Độ Dương tự do. Trước đó, Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản Koji Yamazaki đã hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley. Tại cuộc hội đàm hai bên trao đổi thẳng thắn về hành động đơn phương của Trung Quốc xâm phạm khu vực Biển Đông và Hoa Đông.

Trước đó, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục bất chấp luật pháp quốc tế để tiếp tục leo thang các hành động hung hăng trên Biển Đông, song vẫn tin tưởng vào sức mạnh của luật pháp quốc tế trong việc ngăn chặn những hành vi, tham vọng phi pháp. Vị cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thẳng thắn cho rằng, các hoạt động phi pháp thời gian qua của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 và các tàu hộ tống xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông là sự vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); cho rằng, Trung Quốc rõ ràng đã phát đi tín hiệu về việc sẽ tăng cường các hoạt động ở trong khu vực “đường lưỡi bò” không chỉ với Việt Nam, mà còn với các bên khác cùng có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông như Malaysia, Philippines… Ông Kurt Campbell khuyến cáo, các nước liên quan ở Biển Đông cần phải thận trọng khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động ở khu vực thuộc yêu sách chủ quyền đơn phương “đường lưỡi bò” và đòi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép từ các thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. Bên cạnh đó, ông Kurt Campbell cho rằng, cùng với việc duy trì tuân thủ luật pháp quốc tế cũng rất cần sự thể hiện đồng lòng của các nước liên quan trong vấn đề Biển Đông.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Australia Dennis Richardson cho rằng hải quân nước này nên tiến hành các cuộc diễn tập tự do hàng hải gần các thực thể nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông nhằm đẩy lùi tham vọng quân sự hóa của Bắc Kinh. Theo ông Dennis Richardson, Hải quân Australia không nên e ngại việc di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Đây là các đảo Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố là lãnh thổ của mình, trong khi luật pháp quốc tế không công nhận. Australia nên tiến hành các cuộc diễn tập tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trên Biển Đông, coi đây là cách để đẩy lùi hành động quân sự hóa trái phép của Bắc Kinh tại vùng biển này. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Australia cho rằng các cuộc diễn tập có thể được tiến hành một cách độc lập, nhưng hạn chế phô trương để tránh vô cớ “chọc giận” Trung Quốc. Đây cũng là điều mà các nhà hoạch định chính sách Australia vẫn muốn tránh.

Cùng quan điểm trên, cựu đại sứ Australia tại Mỹ Richardson và là cựu lãnh đạo cơ quan tình báo nội địa của Australia, cũng kêu gọi cách tiếp cận cân bằng hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc. Cách tiếp cận này nhằm đẩy lùi chiến dịch mở rộng ảnh hưởng bí mật của Trung Quốc tại Australia cũng như sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, song cũng cần phải tránh quan điểm cho rằng bất kỳ người Trung Quốc nào có liên quan tới chính quyền Trung Quốc đều là đặc vụ nước ngoài.

Đáng chú ý, giới chuyên gia Mỹ cũng đưa ra một số nhận định tương tự, đồng thời kêu gọi Việt Nam cần liên minh với Mỹ để gìn giữ Biển Đông chống Trung Quốc. Trong một bài phân tích được tạp chí Mỹ The National Interest công bố hôm 07/11/2019 vừa qua, tiến sĩ Anders Corr, một chuyên gia về Biển Đông, từng hoạt động trong ngành quân báo tại bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng để đối phó với dã tâm độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh, Việt Nam cần phải có một chiến lược thích ứng, trong đó yếu tố cực kỳ quan trọng là liên minh với Hoa Kỳ, nước duy nhất hiện nay có đủ lực để ngăn chặn Trung Quốc; cho rằng Việt Nam đang gặp nguy cơ thực sự vì trong những lần gây sự trước đây, từ vụ Hoàng Sa năm 1974, cho đến vụ Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988, Trung Quốc luôn là kẻ gây sự trước và kết quả là Việt Nam “vừa bị mất người, vừa bị mất lãnh thổ”. Theo tác giả, lần này, nếu Trung Quốc thành công trong việc chiếm trọn vùng Biển Đông mà họ đã gói trong tấm bản đồ đường chín đoạn được gởi đến Liên Hiệp Quốc vào năm 2009, thì Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông sẽ bị mất quyền đánh bắt cá và khai thác dầu khí ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hơn thế nữa Việt Nam có nguy cơ bị cô lập trong đất liền khi Trung Quốc tiếp tục tăng cường các hoạt động nhằm kiểm soát đường biển đi vào Việt Nam. Tiến sĩ Anders Corr cho rằng để ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, Việt Nam cần có một chiến lược mới trong đó có 4 thành tố quan trọng: Liên minh với các quốc gia có thể răn đe Trung Quốc ở mức cao nhất là răn đe hạt nhân, ví dụ như với Mỹ, Pháp và Anh; liên minh với các quốc gia có đủ năng lực triển khai nhanh chóng lực lượng quân sự thông thường (quy ước) để răn đe Trung Quốc, ví dụ như Hoa Kỳ; sử dụng thành quả tăng trưởng kinh tế để nâng cao mức chi tiêu quân sự để răn đe Trung Quốc ngay tại chỗ, ví dụ như thông qua việc mua thêm tàu ngầm, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không; dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên minh kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn với các quốc gia ít chịu ảnh hưởng nhất của Trung Quốc.

Ngoài ra Tiến sĩ Anders Corr cho rằng Nga, Australia và Ấn có thể là đối tác chiến lược hữu ích cho Việt Nam, nhưng các nước đó không đủ khả năng làm một đối tác liên minh cốt lõi vì họ thiếu sức mạnh cần thiết để một mình đánh bại Trung Quốc. Nga có ghế trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và cả Nga lẫn Ấn Độ đều là các cường quốc hạt nhân có khả năng quan trọng để triển khai lực lượng quân sự thông thường đối phó với Trung Quốc, nhưng hai nước này không đủ sức mạnh về mặt kinh tế hay quân sự để đối đầu với Bắc Kinh. Cả hai đều là thành viên của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, trong thực tế do Trung Quốc lãnh đạo. Do đó, hai nước này không thể trở thành đồng minh cốt lõi đáng tin cậy cho Việt Nam. Trong khi đó, Australia là một đồng minh đáng tin cậy tiềm tàng, nhưng lại không có sức răn đe hạt nhân hay quy ước cần thiết để đối đầu với Trung Quốc. Australia cũng không đặc biệt mạnh về mặt ngoại giao, quân đội Australia còn thiếu phương tiện so với Trung Quốc và nhất là Australia chịu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc nhiều hơn là Mỹ, Pháp hoặc Anh Quốc. Khoảng 40,8% hàng xuất khẩu của Australia được bán sang Trung Quốc, điều đó giải thích tầm ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Úc vốn có ảnh hưởng trên sân khấu chính trị Australia.

Ngoài ra, ASEAN đã giúp đỡ rất ít cho Việt Nam trong bối cảnh các nước thành viên ngày càng chịu ảnh hưởng lớn hơn của Bắc Kinh và phủ quyết mọi chỉ trích thực sự về Trung Quốc. Các nước này chuẩn bị rất ít hay hầu như lơ là trong việc ngăn chặn các hoạt động gặm nhắm Biển Đông của Trung Quốc. Theo chuyên gia Mỹ, hiện nay Việt Nam là nước “bạo dạn” nhất trong khối ASEAN vẫn cố duy trì sự độc lập của mình đối với Trung Quốc, nhưng điều này đã bớt có ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc có ảnh hưởng sâu rộng đối với thượng tầng quyền lực của Việt Nam và khối giao dịch thương mại to lớn của Việt Nam với Trung Quốc…

Trong tình hình hiện nay, theo tiến sĩ Anders Corr, một liên minh hoặc thậm chí một quan hệ sâu sắc hơn với Mỹ sẽ giúp Việt Nam củng cố tiềm năng chống lại Trung Quốc, cải thiện sức mạnh răn đe của Việt Nam nhờ dựa được vào một người bạn mạnh mẽ nếu xảy ra xung đột quân sự. Hiện chỉ có Mỹ mới có tất cả các điều kiện để trở thành một đồng minh cốt lõi đáng tin cậy và đủ sức chống lại Trung Quốc. Các điều kiện đó là một chính sách đối ngoại độc lập với ảnh hưởng của Trung Quốc (so với các thành viên ASEAN và Nga), một sức mạnh kinh tế cần thiết để trừng phạt Trung Quốc, một sức mạnh ngoại giao cần thiết để phủ quyết Trung Quốc tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Mỹ cũng có đủ khả năng quân sự cần thiết để triển khai sức mạnh quân sự quy ước đối phó với Trung Quốc, và sức răn đe hạt nhân cần thiết để bảo vệ chính mình khỏi sự trả đũa hạt nhân tiềm tàng của Trung Quốc. Chuyên gia Mỹ khẳng định, nếu không có Mỹ để làm đối trọng với Trung Quốc, an ninh Việt Nam không thể được bảo đảm. Sự tham gia của Mỹ là điều kiện thiết yếu cho bất kỳ liên minh hiệu quả nào chống lại Trung Quốc căn cứ vào tương quan lực lượng hiện tại.

RELATED ARTICLES

Tin mới