Sunday, November 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ xây sân bay và cảng nước sâu ở Campuchia nhằm phục...

TQ xây sân bay và cảng nước sâu ở Campuchia nhằm phục vụ mục đích quân sự lâu dài

Giới chuyên gia, học giả nhận định Trung Quốc đầu tư phát triển sân bay và cảng nước sâu ở Koh Kong, Campuchia nhằm phục vụ mục đích quân sự lâu dài của Bắc Kinh và ý đồ chiến lược ở Biển Đông.

Theo thông tin trên, Campuchia đã cấp 45.000 héc ta đất ở tỉnh Koh Kong, bao gồm 20% đường bờ biển ở tỉnh này cho Tập đoàn Union Development Group (UDG) của Trung Quốc, nhằm xây dựng khu du lịch, sân bay, cảng nước sâu với giá thuê đất chỉ 1 triệu USD/năm. Theo hình ảnh vệ tinh, phần lớn đường băng đã được hoàn thành chỉ trong tháng 2 và kích thước của nó lớn hơn đáng kể so với khuyến nghị của Cục Hàng không Liên bang (Mỹ) là 2.800 m đối với máy bay Boeing 787-900. Việc xây dựng nhà ga đang diễn ra, dự kiến khai trương vào năm 2020. Tỉnh Koh Kong có dân số khoảng 100.000 người, ngoại trừ nông nghiệp và thủy sản, địa phương này không có công nghiệp và dịch vụ cao cấp.

Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Gregory Poling cho biết, đường băng đang thi công có chiều dài khoảng 3.400 m, lớn hơn sân bay quốc tế ở Phnom Penh và có thể tiếp nhận bất kỳ máy bay nào của không quân Trung Quốc. Mặt khác, địa điểm xây dựng nằm ở vị trí khá hẻo lánh đối với một sân bay lớn như vậy, nếu chỉ dùng cho mục đích dân sự. Gần sân bay là các dự án sòng bạc, khu nghỉ dưỡng cho đến nay vẫn còn gặp nhiều trục trặc. Ông Gregory Poling cho rằng nếu có bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á mà Trung Quốc có thể đạt được sự hiện diện quân sự luân phiên, đó sẽ là Campuchia. Không những vậy, cảng Koh Kong nằm đối diện với một kênh đào được đề xuất ở Thái Lan cho phép Trung Quốc đi qua eo biển Malacca, tuyến đường nhập khẩu năng lượng chiến lược của Trung Quốc. Căn cứ ở Koh Kong có thể mang lại lợi thế cho Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Trong khi đó, Nikkei Asian Review nhận định sân bay với đường băng dài như thế vốn để phục vụ cho các đô thị lớn. Nó được thiết kế với khả năng tiếp nhận 10 triệu khách du lịch mỗi năm. Dự án được triển khai mà hầu như không ai đánh giá trước xem nó có thể sinh lãi hay không.

Tập đoàn Union Development Group (UDG) vốn là một công ty tư nhân, nhưng sự phát triển của nó từ lâu đã bị nghi ngờ liên quan tới Bắc Kinh. Cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ đã từng là người chủ trì việc ký kết giữa UDG và chính phủ Campuchia. Dự án nhận được nhiều quan tâm của các quan chức cấp cao Trung Quốc, trong đó có Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Vương Khâm Mẫn. Trong khi đó, một chuyên gia quân sự phương Tây khác nói rằng quy mô của UDG dường như không phù hợp với tiềm năng thương mại của dự án. Vị này đặt ra câu hỏi về khả năng tài chính, tính bền vững, ứng dụng cho mục đích dân sự, quân sự cũng như ý định cuối cùng của các bên liên quan. Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, có trụ sở tại Washington, Mỹ, nhận định mô hình cảng của UDG có năng lực sử dụng cho quân sự, tương tự mô hình cảng mục đích kép của Trung Quốc tại Djibouti, Sri Lanka, Pakistan và Myanmar. Bà Yun cho rằng Trung Quốc cố tình theo đuổi mô hình này để tránh bị chỉ trích. Tuy vậy, sự chỉ trích và phản đối là điều khó tránh khỏi. Dự án Koh Kong nằm ở khu vực chiến lược và nhạy cảm, gồm tranh chấp Biển Đông, nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc qua eo biển Malacca, thậm chí cả vấn đề Đài Loan.

Được biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường hiện diện và đầu tư, viện trợ cho Campuchia. Năm 2008, Chính phủ Campuchia đã ký thỏa thuận cho Tập đoàn Liên minh Trung Quốc thuê mảnh đất hướng ra biển trong 99 năm. Theo đó, một khách sạn 5 sao, sân golf, khu hỗn hợp, sân bay quốc tế và các cơ sở khác sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 450 km2, một cảng nước sâu có thể tiếp nhận những con tàu lớn. Năm 2016, Trung Quốc đã cung cấp tới 36% tổng viện trợ kinh tế cho Campuchia và 30% vốn đầu tư tại nước này. Chỉ trong năm nay, Bắc Kinh đã cam kết viện trợ 558 triệu USD và hứa nhập khẩu 400.000 tấn gạo.

Ngoài ra, chỉ riêng trong 2 năm vừa qua, Campuchia đã ký hơn 30 thỏa thuận song phương với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Campuchia trong giai đoạn năm 2013-2017. Đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia thời gian này tổng cộng lên tới 5,3 tỷ USD. Riêng trong năm 2017, đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản ở Campuchia là 1,4 tỷ USD, chiếm 27% tổng đầu tư nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á này. Thương mại song phương năm 2017 đạt hơn 5,1 tỷ USD. Cũng trong năm 2017, Campuchia nhận được khoảng 4,2 tỷ USD từ Trung Quốc dưới dạng viện trợ hoặc cho vay lãi nhẹ. Đến cuối năm 2017, nợ công của chính phủ Campuchia cộng dồn lại là 9,6 tỷ USD, trong đó 42% là nợ Trung Quốc. Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, từ năm 1956 Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp sự hỗ trợ dài hạn về kinh tế và quân sự cho Campuchia, mặc dù Campuchia còn nhận viện trợ từ Mỹ hay Nhật Bản nhưng quy mô không thể sánh với Bắc Kinh. Hiện nay trang bị tiêu chuẩn của bộ binh Campuchia vẫn là súng trường tấn công Type 56 – phiên bản AK-47 do Trung Quốc sản xuất, ngoài ra còn có pháo phòng không Type 85, xe tăng hạng nhẹ Type 62, xe tăng chiến đấu chủ lực Type 59, hệ thống pháo phản lực phóng loạt Type 81 và súng trường bullpup QBZ-97. Không chỉ có vậy, gần đây Trung Quốc đã cung cấp cho Campuchia 1 tỷ USD trang thiết bị quân sự từ xe tải cho tới 12 trực thăng đa dụng Z-9 và 2 máy bay vận tải hạng nhẹ MA-60 cùng quân phục và trang bị cá nhân như giáp, mũ bảo hộ, mặt nạ phòng chống độc… Trong lĩnh vực năng lượng, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất về năng lượng ở Campuchia, với tổng số vốn lên tới hơn 7,5 tỷ USD cho 7 nhà máy thủy điện, khoảng 4 tỷ USD cho 2 nhà máy điện chạy bằng than đá. Trong lĩnh vực giao thông, Trung Quốc đã thúc đẩy dự án đường cao tốc đầu tiên tại Campuchia, nối Sihanoukville và Phnom Penh. Cao tốc Sihanoukville – Phnom Penh sẽ được xây dựng dọc theo Quốc lộ 4, dài 190 km. Cao tốc này trị giá 1,9 tỷ USD, lớn hơn tổng số tiền Trung Quốc đầu tư cho 20 con đường quan trọng và 7 cây cầu tại Campuchia trong hơn hai thập kỷ từ 1994 đến đầu 2017 (khoảng 1,22 tỷ USD). Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào hạ tầng của Campuchia với các dự án xây dựng cảng biển, sân bay.

RELATED ARTICLES

Tin mới