Saturday, July 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVấn đề Biển Đông từ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ...

Vấn đề Biển Đông từ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 đến các Hội nghị 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN

Mặc dù, Trung Quốc đã cho nhóm tàu Hải Dương 08 rút khỏi vùng biển Việt Nam hôm 24/10/2019 sau gần 4 tháng liên tiếp xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam để tránh cho Thủ tướng Lý Khắc Cường khỏi bị lên án tại các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Thái Lan từ 02 – 04/11/2019. Tuy nhiên, Biển Đông vẫn là một vấn đề được nổi lên tại các cuộc họp lần này.

Vấn đề Biển Đông đã được nêu ra trong hầu hết các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35. Tại Diễn đàn Đông Á (EAS) với sự tham dự của 18 quốc gia thì có 15 nước đề cập đến vấn đề Biển Đông. Trong đó, chỉ một mình phát biểu của Trung Quốc là “lạc điệu” so với các nước còn lại. Hầu hết các nước đều bày tỏ quan ngại trước những diễn biến căng thẳng gần đây ở Biển Đông.

Đi đầu là Mỹ, tiếp đến là Nhật, Úc, Ấn Độ… đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ những hành động uy hiếp, cưỡng ép, xâm lấn của Trung Quốc đối với các nước ven Biển Đông thời gian gần đây.

Còn trong số các nước ASEAN, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam phản đối các hành động gây hấn của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam tại các cuộc họp đa phương lẫn cuộc gặp song phương với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Bên cạnh đó, với tư cách đại diện cho nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, ông Duterte, Tổng thống Philippines đã gây bất ngờ khi lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành vi gây hấn của Trung Quốc và đề cập đến phán quyết ngày 12/7/2019 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông.

Hãng thông tấn AP trích dẫn tiết lộ của hai nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết trong một cuộc họp chuẩn bị cho Tuyên Bố chung Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN hôm 02/11/2019, đã nổ ra tranh cãi gay gắt giữa phái đoàn Việt Nam và Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Phía Việt Nam yêu cầu đưa vào bản Tuyên bố chung một cụm từ nói đến hành vi xâm lấn mới đây của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Phía Trung Quốc, thông qua “đồng minh Cămpuchia”, đã phản đối đề nghị này.

Về đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phái đoàn Việt Nam đã đặt lại vấn đề tiến bộ của COC trong khi mà Trung Quốc gần đây gia tăng các hoạt động xâm lấn vào vùng biển của Việt Nam. Còn phía Trung Quốc thì cho rằng ASEAN “không được để cho Việt Nam phá hoại tiến trình đàm phán COC” giữa cả khối ASEAN với Trung Quốc.

Qua thông tin của hai quan chức Đông Nam Á – người trực tiếp tham dự các cuộc họp ở Bangkok, có thể thấy Trung Quốc đang tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ với từng nước ASEAN nhằm phân hóa, chia rẽ các nước ASEAN và Cămpuchia đã ăn phải “bùa” của Trung Quốc khi đứng ra bảo vệ cho các quan điểm của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, phá hoại sự đồng thuận trong ASEAN.

Trước Hội nghị tại Bangkok, Trung Quốc đã có những động tác (rút nhóm tàu Hải Dương 08 ra khỏi vùng biển Việt Nam) nhằm xoa dịu dư luận để tránh bị chỉ trích, tuy nhiên những diễn biến các cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cho thấy các nước ngày càng lo ngại trước sự bành trướng ở Biển Đông của Trung Quốc.

Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân Mỹ và các nước ngày càng có thái độ mạnh mẽ hơn trên vấn đề Biển Đông là do những hành động gây hấn leo thang ở Biển Đông của Trung Quốc không chỉ xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán và gây tổn hại đến lợi ích của các nước ven Biển Đông mà nghiêm trọng hơn những hành động này đã thách thức hệ thống luật pháp quốc tế trên biển, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, đe dọa hòa bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35, Thái Lan cũng đã bàn giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là: Vậy trong năm 2020, với vai trò chủ nhà tổ chức các hội nghị liên quan của ASEAN, Việt Nam có thể làm gì trên vấn đề Biển Đông.

Nhìn lại 10 năm trước, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, vấn đề Biển Đông đã trở nên nổi bật trong chương trình nghị sự của các hội nghị với phát biểu với lời lẽ hết sức mạnh mẽ của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ khi đó – bà Hillary Clinton tại Diễn đàn an ninh khu vực ARF. Là một luật gia, bà Hillary Clinton lần đầu tiên nhấn mạnh yêu sách về các vùng biển ở Biển Đông cần phải xuất phát từ các vùng đất theo luật pháp quốc tế.

Với việc đảm đương vai trò Chủ tịch ASEAN lần này, Việt Nam có thuận lợi là xu hướng thế giới, nhất là các nước Mỹ, Nhật, Ấn Độ và EU ngày càng quan tâm và muốn đóng góp vai trò trong việc duy trì trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế; ngày càng lo ngại trước những hành vi hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Việt Nam có thể tranh thủ điều này để đẩy vấn đề Biển Đông trở thành ưu tiên trong chương trình nghị sự tại các hội nghị liên quan giữa các nước ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.

Với lợi thế nước chủ nhà, Việt Nam có thể tranh thủ đưa các nội dung lên án Trung Quốc vào Tuyên bố chung các hội nghị; đẩy mạnh giải quyết các bất đồng trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); chủ động đưa ra những biện pháp giúp kết nối phản ứng của ASEAN và các đối tác trước hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việt Nam luôn coi ASEAN là tổ chức đa phương quan trọng nhất trong việc đảm bảo duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực và trong việc cân bằng giữa các nước lớn, cụ thể là với Trung Quốc và Mỹ. Tình hình Biển Đông, nếu thiếu tiếng nói của ASEAN, sẽ không thể giải quyết được một cách căn cơ, vì các tranh chấp ở Biển Đông luôn có yếu tố đa phương.

Vấn đề Biển Đông được đề cập ở mức độ nào trong các hội nghị liên quan phụ thuộc vào khả năng của Việt Nam với vai trò Chủ tịch trong việc dẫn dắt ASEAN. Để phát huy vai trò, Việt Nam cần nắm lấy các cơ hội để trở thành một trong những nước đầu tàu ASEAN trong một số vấn đề, nhất là trên vấn đề Biển Đông vì đây là vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thân của Việt Nam.

Nếu Việt Nam không đi đầu dẫn dắt trên vấn đề Biển Đông thì khó lòng có được sự đồng thuận cao trong ASEAN, hơn thế nữa các nước khác ngoài khu vực cũng không có căn cứ để nêu các ý kiến của họ. Xu hướng chung là các nước ngoài khu vực ngày càng quan tâm tới tình hình Biển Đông, muốn phát huy vai trò trong vấn đề Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc khống chế, độc chiếm Biển Đông, Việt Nam cần tranh thủ điều này để đẩy mạnh vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ phải đối đầu với những khó khăn trong việc tìm kiếm đồng thuận trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông do ASEAN đang bị chia rẽtrước ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc lên một số nước thành viên, thậm chí Trung Quốc đã dùng tài chính để lôi kéo mua chuộc một vài nước, nhất là Cămpuchia đang chịu chi phối rất nghiêm trọng của Trung Quốc. Ngoài ra, “phương cách ASEAN” vốn yêu cầu sự đồng thuận, khiến cho các biện pháp thống nhất, hiệu quả đối phó với Trung Quốc rất khó đạt được nhất trí.

Hơn thế nữa, Trung Quốc còn gây sức ép trực tiếp lên ngay Việt Nam, yêu cầu Việt Nam “giải quyết nội bộ”, “không quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông. Việt Nam cần thể hiện rõ bản lĩnh của mình, tránh rơi vào cái bẫy “đại cục quan hệ” mà Trung Quốc thường xuyên nêu ra để “bịt mồm” Việt Nam trên vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới