Saturday, December 21, 2024
Trang chủBiển nóngDư luận quốc tế bủa vây đẩy lùi yêu sách chủ quyền...

Dư luận quốc tế bủa vây đẩy lùi yêu sách chủ quyền phi pháp của TQ trên Biển Đông

Ngày càng có thêm nhiều tiếng nói, hành động mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế lên án tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo ở Manila (Philippines) ngày 19-11 sau khi dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã kêu gọi các nước Đông Nam Á cùng nhau đẩy lùi yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Ông Mark Esper nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta phải cùng nhau thể hiện lập trường công khai, khẳng định chủ quyền và nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp ở Biển Đông”.

Ỷ mạnh dùng vũ lực, hòng áp đặt chủ quyền

Phát biểu của ông Mark Esper được xem là tiếng nói mạnh mẽ mới nhất về chính sách quốc phòng và an ninh của Mỹ trước tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc. Điều này có thể thấy rất rõ từ việc mới đây khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính phía Nam Biển Đông từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10-2019.

Việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông còn là minh chứng cho việc Trung Quốc đang ngày càng leo thang nguy hiểm trong tham vọng độc chiếm vùng biển chiến lược trọng yếu này. Tham vọng này vốn có từ lâu, luôn chực chờ hiện thực hóa mỗi khi có cơ hội và đang ngày càng trỗi dậy ghê gớm cùng với sự trỗi dậy của sức mạnh kinh tế, quân sự của Trung Quốc.

Việc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 có thể xem là dấu mốc đầu tiên trong thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, dù khi đó nước này chưa chính thức có bất cứ tuyên bố đòi chủ quyền nào ở Biển Đông. Tham vọng ấy tiếp nối bằng việc dùng vũ lực cưỡng chiếm một số đảo đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988, cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012 vốn thuộc quyền kiểm soát của Philippines trước đó.

Tham vọng độc chiếm của Trung Quốc lần đầu được công khai khi nước này đơn phương công bố yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” năm 2009, theo đó ngang nhiên đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Tham vọng của Trung Quốc dường như vô đáy khi nước này tiếp tục ngang nhiên đưa ra cái gọi là học thuyết “Tứ Sa” (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bãi ngầm Macclesfield mà Trung Quốc đặt bằng 4 cái tên lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa) vào năm 2013 với diện tích đòi chủ quyền còn lớn hơn cả yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”.

Bất chấp việc yêu sách nói trên đã bị Tòa trọng tài Thường trực (PCA) căn cứ vào luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), ra phán quyết bác bỏ trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines, Trung Quốc vẫn ỷ vào sức mạnh vượt trội của mình hòng đơn phương áp đặt chủ quyền ở Biển Đông. Đó là việc ráo riết bồi đắp trái phép các thực thể chiếm đóng trái phép trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo. Tiến hành quân sự hóa quy mô lớn ở cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và mới đây nhất là việc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam ở bãi Tư Chính.

Trung Quốc một khi hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông sẽ tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải, hàng không, hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Trong khi đó, đây là một khu vực có những tuyến đường vận tải biển, vận tải hàng không huyết mạch, đồng thời là khu vực giữ vai trò quan trọng với tăng trưởng cũng như an ninh và ổn định với toàn cầu.

Càng tham vọng, Trung Quốc càng cô lập

Thế nhưng, tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông càng lớn lại càng khiến nước này tự cô lập ở khu vực và thế giới; đồng thời thúc đẩy những tiếng nói cùng sự hợp tác, hành động ngày một mạnh mẽ nhằm đối phó với mối đe dọa với cả khu vực và thế giới này. Những tiếng nói bủa vây tham vọng của Trung Quốc ấy vang lên khắp thế giới, trong nhiều diễn đàn quốc tế lớn và mới đây nhất là tại các Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 6 và Hội nghị ADMM+ diễn ra ngày 17 và 18-11 tại Bangkok (Thái Lan).

Tại Hội nghị ADMM+ lần thứ 6, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN đã trao đổi sâu sắc về các thách thức an ninh biển (trong đó có Biển Đông), đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông đối với an ninh khu vực và trên thế giới. Nhiều Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, mong muốn sớm hoàn thành việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.

Trước những diễn biến căng thẳng và phức tạp ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã hy vọng tình hình vẫn ổn định, không (có bên nào) sử dụng, hay đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc quân sự hóa khu vực. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng bày tỏ hy vọng về việc tuân thủ mọi luật pháp quốc tế liên quan, bao gồm UNCLOS 1982, và “thúc đẩy hoạt động tự do đi lại, bay qua không phận và thương mại hợp pháp tại Biển Đông”.

Mạnh mẽ nhất là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper khi nêu rõ, hầu hết các nước tham dự ADMM+ lần thứ 6 đều “quan ngại sâu sắc về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông và Bắc Kinh thiếu đi sự tuân thủ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế”. Ông Mark Esper cũng chỉ trích gay gắt các hành vi phi pháp của Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh “tăng cường sử dụng các hành động cưỡng ép và dọa nạt” để đạt được mục tiêu chiến lược trên Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhấn mạnh tới việc làm sao để Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và cho rằng “cùng nhau hành động là cách tốt nhất để gửi thông điệp, yêu cầu Trung Quốc đi đúng con đường”. Ông Mark Esper còn kêu gọi các nước ASEAN không để Trung Quốc thao túng  COC đang được đàm phán hòng “hợp pháp hóa hành vi sai phạm nghiêm trọng và các tuyên bố hàng hải phi pháp của nước này, cũng như nhằm lẩn tránh các cam kết” mà Trung Quốc đã nhất trí.

Bộ trưởng Mark Esper cũng nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải (FONOP) trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông để Trung Quốc hiểu thông điệp của tất cả là: “Chúng tôi phản đối mọi hành vi cưỡng ép và dọa nạt”. Mỹ đưa các nhóm tàu chiến và tàu sân bay tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể mà Trung Quốc bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo ở Biển Đông thời gian qua là sự bác bỏ trên thực tế yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời khẳng định sự tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển này. 

Những hành động bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong tương lai với quy mô, tần suất và sự tham gia rộng rãi hơn. Đáng chú ý, khi Bộ trưởng Mark Esper tuyên bố mạnh mẽ trong chuyến công du châu Á, tàu chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords hiện đại nhất của Mỹ đã rời quân cảng Changi (Singapore) để cùng tàu USS Montgomery và 2 tàu chiến khác của Australia tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Theo các chuyên gia quân sự, các tàu chiến này của Mỹ thực hiện sứ mệnh tuần tra tự do hàng hải trước đây ở Biển Đông chủ yếu là tàu tuần dương mang tên lửa, tàu khu trục hoặc tàu sân bay, nhưng tàu tác chiến ven bờ có ưu thế đặc biệt trong khu vực. Bởi tàu tác chiến ven bờ của Mỹ có thể tiếp cận gần hơn ở vùng nước nông, tại các đảo đá, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp trái phép.

Nói về thông điệp hoạt động tuần tra ở Biển Đông của Mỹ và đồng minh, Bộ trưởng Mark Esper nhấn mạnh, Washington “phản đối bất kỳ quốc gia nào đe dọa và cưỡng ép vì lợi ích quốc tế với các quốc gia khác”. Ông Mark Esper cũng khẳng định: “Mỹ ủng hộ các quy định, luật pháp quốc tế và muốn Trung Quốc cũng tuân thủ. Hợp tác hành động là cách tốt nhất để thể hiện thông điệp đó và buộc Bắc Kinh đi đúng hướng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới