Từ 13-14/11, diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 11 tại thủ đô Brasilia của Brazil.
Đây là hội nghị thượng đỉnh BRICS đầu tiên mà Tổng thống Brazil Bolsonaro tham dự với tư cách nước chủ nhà tổ chức kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 vừa qua. Hội nghị lần này được cho sẽ là phép thử kĩ năng ngoại giao của ông Bolsonaro trong việc thúc đẩy hợp tác với đối tác thương mại lớn Trung Quốc nhưng vẫn không làm “mất lòng” Mỹ. Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ kéo dài nhiều tháng qua, gây tổn hại đến nền kinh tế thế giới. Ngay trước thềm Hội nghị, phía Trung Quốc hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần này sẽ phát đi thông điệp ủng hộ chủ nghĩa đa phương- điều mà Tổng thống Trump luôn hoài nghi.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng nhan đề “Chung tay nỗ lực cùng viết lên trang mới hợp tác”, nhấn mạnh các nước Nhóm BRICS cần thể hiện đảm đương trách nhiệm vốn có, đề xướng và thực hiện chủ nghĩa đa phương, kiến tạo môi trường an ninh, hòa bình và ổn định; nắm bắt cơ hội kỷ nguyên mới cải cách và sáng tạo, đi sâu thúc đẩy quan hệ đối tác cách mạng công nghiệp mới giữa các nước Nhóm BRICS; thúc đẩy học tập và tham khảo lẫn nhau, không ngừng mở rộng giao lưu nhân văn cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Trung Quốc sẽ kiên trì mở rộng mở cửa đối ngoại, thúc đẩy cùng xây dựng “Một vành đai, một con đường” chất lượng cao, nỗ lực thúc đẩy xây dựng Cộng đồng cùng chung vận mệnh châu Á – Thái Bình Dương và Cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại.
Cùng ngày, Lãnh đạo các nước Nhóm BRICS còn tổ chức phiên họp kín. Tổng thống Brazil Bolsonaro, Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, cần bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, bảo vệ thể chế thương mại đa phương công bằng, minh bạch và cởi mở, bảo vệ lợi ích chung của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Áp dụng biện pháp thuận tiện nhiều hơn, mở rộng thương mại và đầu tư hai chiều, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực sáng tạo khoa học-công nghệ, kinh tế số, năng lượng, tài chính, kết nối, bảo tồn tính đa dạng sinh học…, tăng cường giao lưu nhân văn.
Bên lề Hội nghị, lãnh đạo 5 nước BRICS đã tham dự Hội nghị Đối thoại giữa Lãnh đạo các nước Nhóm BRICS với Hội đồng Doanh nghiệp Nhóm BRICS và Ngân hàng Phát triển mới. Tại Hội nghị trên, ông Tập Cận Bình khẳng định đầy đủ công tác của Hội đồng Doanh nghiệp và Ngân hàng Phát triển mới, mong hai cơ quan này phát huy tinh thần mở mang tiến thủ của nhà doanh nghiệp, phấn đấu vươn lên, góp phần lớn hơn cho phát triển kinh tế-xã hội của các nước Nhóm BRICS, đông đảo các nền kinh tế thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
Ngoài ra, Tổng thống Brazil Bolsonaro đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS và chứng kiến lễ ký kết văn bản hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Cùng với chuyến thăm tới Trung Quốc vào tháng trước, các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo được cho là nỗ lực của Tổng thống Bolsonaro nhằm cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc – đối tác thương mại quan trọng nhất của Brazil kể từ năm 2009. Đại sứ Brazil tại Trung Quốc Paulo Estivallet de Mesquita cũng đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới: “Chúng ta có thể tự hào với những thành quả đạt được trong 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Brazil. Từ con số thương mại song phương là 3 tỉ USD hiện con số đó đã là hơn 100 tỷ USD. Số đầu tư của Trung Quốc tại Brazil cũng rất lớn. Nói chung tôi nghĩ rằng chúng ta hài lòng với những gì đang làm và có một cơ sở tốt để tiếp tục hợp tác. Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Brazil Dương Vạn Minh cho biết: “Chúng tôi có mọi lý do để hi vọng và tin tưởng rằng Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 11 BRICS sẽ đánh dấu sự khởi đầu của sự hợp tác thập kỉ vàng mới. Các thành viên của khối sẽ có tiếng nói chung, kêu gọi ủng hộ chủ nghĩa đa phương và một nền kinh tế thế giới mở”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Ấn Độ Modi. Tại cuộc gặp, ông Tập Cận Bình cho rằng hai bên nên mở rộng quy mô thương mại và đầu tư hai chiều, đồng thời tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lực sản xuất, y học, công nghệ thông tin và xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong năm 2020, hai bên cùng nhau tổ chức tốt “Năm giao lưu nhân dân Trung – Ấn” và các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Ấn để thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh Trung Quốc và Ấn Độ cần tuân thủ chủ nghĩa đa phương, bảo vệ hệ thống thương mại đa phương với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là nòng cốt, cùng nhau bảo vệ quyền phát triển và không gian phát triển hợp pháp của các nước đang phát triển cũng như thúc đẩy sự hợp tác của các nước BRICS.Nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ hy vọng quan hệ giữa hai nước sẽ đạt được sự phát triển mới và lớn hơn trong năm 2020. Ông Tập Cận Bình cũng hoan nghênh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Trung Quốc trong năm 2020. Về phần mình, Thủ tướng Narendra Modi chúc mừng Triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ hai đã thành công và mong muốn sẽ tiếp tục mở rộng thương mại và đầu tư song phương với Trung Quốc, tăng cường hợp tác song phương về năng lượng và các lĩnh vực khác và cùng nhau tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và “Năm giao lưu nhân dân Trung – Ấn”. Thủ tướng Modi khẳng định tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ với Trung Quốc, kiểm soát bất đồng, nhằm thúc quan hệ hai nước đạt được nhiều kết quả hơn và tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới.