Trước khi bắt đầu Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã trao đổi trực tiếp về diễn biến tình hình Biển Đông.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa khẳng định Trung Quốc coi trọng hợp tác với ASEAN; cho rằng hợp tác quốc phòng ASEAN – Trung Quốc đang ngày càng phát triển.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho rằng để Biển Đông thực sự thành vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, điều kiện tiên quyết là luật pháp quốc tế và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), phải được tôn trọng. Ông Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh thực thi và gìn giữ nghiêm túc luật pháp quốc tế là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong và ngoài khu vực. Trong khi đó, các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ASEAN khẳng định hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trong đó nổi bật là việc ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức thành công Diễn tập Hàng hải ASEAN – Trung Quốc năm 2018, Giao lưu Sĩ quan trẻ ASEAN – Trung Quốc và Giao lưu học giả quân sự ASEAN – Trung Quốc vào tháng 10 vừa qua. Những hoạt động này góp phần thiết thực vào việc xây dựng lòng tin giữa ASEAN với Trung Quốc. Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đã đạt được một số kết quả tích cực. Các bộ trưởng cũng trao đổi sâu sắc về các thách thức an ninh biển, trong đó có Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông đối với an ninh khu vực và trên thế giới.
Sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu xác nhận các Bộ trưởng ASEAN đã thảo luận về vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp với ông Ngụy Phượng Hòa. Ông Sabu cho biết ộng Ngụy Phượng Hòa đã cam kết “sẵn sàng hợp tác với ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển”. Trong khi đó, một số bộ trưởng quốc phòng ASEAN tiếp tục bày tỏ sự quan ngại về tự do hàng hải trên Biển Đông, đồng thời ghi nhận những tiến triển gần đây trong tiến trình đàm phán COC. Liên quan việc ASEAN – Trung Quốc sẽ diễn tập hải quân chung, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu cho biết, ASEAN và Trung Quốc sẽ diễn tập chung trên biển để thúc đẩy hòa bình trong khu vực, tương tự sự kiện vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thảo luận chi tiết sự kiện sẽ diễn ra khi nào và ở đâu. Được biết, ASEAN và Trung Quốc tháng 10 năm ngoái lần đầu tiên diễn tập hải quân chung tại vùng biển ngoài khơi thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, tập trung vào tìm kiếm cứu nạn ngoài khơi.
Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc tìm mọi cách kêu gọi ASEAN tiến hành tập trận chung ở Biển Đông là nhằm thực hiện âm mưu tuyên truyền về tình hình Biển Đông và ngăn chặn Mỹ cũng như các nước khác tăng cường hiện diện trong khu vực. Thứ nhất, Trung Quốc muốn tập trận quân sự và thăm dò năng lượng với các nước ASEAN ở Biển Đông, nhưng không có sự tham gia của các nước bên ngoài khu vực nhằm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông. Chuyên gia Hoàng Thị Hà, Trung tâm Nghiên cứu ASEAN, Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore nhận định, “đề xuất loại trừ các quốc gia bên ngoài rõ ràng là nhắm vào Mỹ đã thống trị vùng biển Tây Thái Bình Dương và Biển Đông nói riêng”. Thứ hai, bằng cách đề xuất các cuộc diễn tập quân sự chung, Trung Quốc đang cố gắng gửi một thông điệp cho thế giới rằng ASEAN và Trung Quốc có thể làm việc cùng nhau và mọi thứ đang tiến triển tốt, do đó không cần sự tham gia từ bên ngoài vào vấn đề Biển Đông. Thứ ba, Trung Quốc tiến tới hợp tác với ASEAN ở cấp độ đa phương và trong tư cách một khối để giành được lòng tin của các nước, xoa dịu nỗi sợ hãi về sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc bằng cách tăng sự tự tin và vai trò của ASEAN. Bắc Kinh cũng muốn thông qua cuộc tập trận chung với các nước ASEAN để tuyên truyền về việc nước này đang tuân thủ và thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Thứ tư, Trung Quốc kêu gọi tập trận chung trên biển là nhằm phô trương sức mạnh quân sự, gửi đi thông điệp cảnh báo đối với các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… không nên can dự vào vấn đề Biển Đông; đồng thời răn đe các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở trong khu vực.
Trong khi đó, một số chuyên gia, học giả nhận định hành động này của Bắc Kinh không giúp cải thiện tình hình Biển Đông. Họ cho rằng các cuộc tập trận này được Trung Quốc coi là một “vụ thu hoạch sớm” trong quan hệ hợp tác dài hạn với khối ASEAN. Tuy nhiên, nếu bị Trung Quốc tấn công trên biển, các nước ASEAN có thể quay sang Mỹ để xin hỗ trợ. Washington không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, nhưng thường xuyên phái tàu chiến vào vùng biển này để khẳng định lập trường rằng Biển Đông phải được mở rộng cho tự do hàng hải. Trong khi đó, ông Jonathan Spangler cho rằng, cuộc tập trận chưa chắc đã giúp cải thiện quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, tất cả đều phụ thuộc vào liệu Trung Quốc và ASEAN có thể giữ được đà tích cực như thế này hay không. Bởi vì các vụ tranh chấp về cơ bản chưa được giải quyết, điều đó có thể khó khăn về lâu về dài.