Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiCựu quan chức tình báo: TQ có thể ‘giật dây’ Úc từ...

Cựu quan chức tình báo: TQ có thể ‘giật dây’ Úc từ xa

Trung Quốc muốn “tiếp quản” hệ thống chính trị của Úc bằng một chiến dịch do thám và gây ảnh hưởng rất bài bản, một cựu quan chức tình báo Úc vừa nói trong bài phỏng vấn đăng hôm nay.

Trung Quốc nhiều lần bị tố tìm cách gây ảnh hưởng lên chính trị Úc. (Ảnh minh họa: SCMP)

Ông Duncan Lewis, người vừa từ chức vào tháng 9 sau 5 năm lãnh đạo Tổ chức tình báo an ninh Úc (Asio), còn nói rằng Trung Quốc có thể tấn công bất kỳ ai trong hệ thống chính trị của Úc, và tác động của điều này có thể mất nhiều năm cũng chưa bộc lộ hết.

“Tình trạng do thám và can thiệp của nước ngoài rất xảo quyết. Tác động của nó có thể không bộc lộ trong trong nhiều thập kỷ cho đến khi quá muộn”, ông Lewis nói với báo The Sydney Morning Herald trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên sau khi rời nhiệm sở.

“Một ngày bạn có thể tỉnh giấc và thấy rằng một quyết định của đất nước mình được đưa ra không phải vì lợi ích của đất nước mình”, ông Lewis nói.

“Không chỉ trong chính trị mà trong cả cộng đồng hoặc doanh nghiệp. Họ có thể tiếp quản, về cơ bản là giống như giật dây từ xa”, ông nói.

Cựu quan chức tình báo này dẫn ví dụ các đặc vụ Trung Quốc đóng góp những khoản tiền lớn cho các chính đảng Úc nhằm gây ảnh hưởng. Họ cũng nhắm vào báo chí và các trường đại học.

Ông nói về vụ việc chính trị gia Công đảng Sam Dastyari – biệt danh “Chú Sam Thượng Hải”, bị ép phải từ chức sau khi nhận hàng ngàn đô la Mỹ từ một nhà tài trợ có quan hệ với chính quyền Trung Quốc.

“Một điều khá rõ ràng với tôi là bất kỳ người nào đang làm chính trị cũng có thể trở thành mục tiêu. Không phải tôi đang có tạo ra sự hoang tưởng mà thực sự là cần sự cảnh giác nhất định”, ông Lewis nói.

Những phát biểu của cựu quan chức này có thể khuấy động lại cuộc tranh luận nóng bỏng về quan hệ của Úc với Trung Quốc và được coi như sự chỉ trích nhằm vào những chính trị gia như cựu thủ tướng Paul Keating.

Ông Keating gần đây nói các cơ quan an ninh của Úc là “quái gở” vì quan điểm diều hâu đối với Trung Quốc và chỉ trích báo chí “ngoan đạo” khi đăng những bài viết giật gân về chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc.

Nhiều quan chức Úc cũng nói rằng từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc gia tăng gây ảnh hưởng lên chính trị của các nước khác thông qua cách quyên tiền, đầu tư và sử dụng các nhóm cộng đồng.

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc từ lâu đã gây quan ngại cho Nhà Trắng. Washington nhiều lần cảnh báo Canberra chớ tự mãn.

Nhưng Thủ tướng Úc Scott Morrison tự tin rằng Úc có thể “duy trì tính toàn vẹn của hệ thống” của nước này. “Chúng ta đã có các hệ thống để bảo đảm rằng các lợi ích của Úc luôn được bảo đảm”, ông Morrison nói.

Vị cựu quan chức tình báo nói rằng sự giúp đỡ của cộng đồng người Hoa ở Úc “rất quan trọng đối với nỗ lực chống lại ảnh hưởng của nước ngoài”, giống như cộng đồng người Úc theo đạo Hồi đang hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố.

Trong khi lãnh đạo Asio, ông Lewis giữ các vị trí cấp cao trong quân đội và từng là đại sứ của Úc tại Bỉ và Nato. Ông thường xuyên cảnh báo về mối đe dọa nước ngoài do thám nhưng hiếm khi chỉ trích đích danh Trung Quốc.

Bắc Kinh luôn bác bỏ cáo buộc can thiệp vào chính trị Úc.

Đầu tháng này, Trung Quốc cấm cửa 2 nghị sĩ của đảng Tự do ở Úc vì họ từng chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ở Úc và trên khắp Thái Bình Dương.

Tháng trước, một nhóm trường đại học ở Úc đưa ra các biện pháp nhằm chống lại ảnh hưởng của nước ngoài trong những lĩnh vực như hợp tác nghiên cứu, an ninh mạng và hợp tác quốc tế, một động thái được cho là nhằm đối phó với Trung Quốc.

Trung Quốc cũng bị nghi ngờ đứng sau những chiến dịch xâm nhập vào mạng lới máy tính của nghị viện và một trường đại học có quan hệ gần gũi với chính phủ và các cơ quan tình báo Úc.

RELATED ARTICLES

Tin mới